Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

* Năm Thủ Tướng trong năm năm: Malcolm Turnbull “đảo chánh” Tony Abbott

Posted by hungvietbrisbane on 21/09/2015


Năm Thủ Tướng trong năm năm: Malcolm Turnbull “đảo chánh” Tony Abbott

Trong mùa Hè sắp tới, nếu có dịp thăm viếng Brisbane và trãi qua một ngày giông bão đặc trưng của thành phố này, ông Tony Abbott sẽ có những giây phút để trầm mặc hồi tưởng lại những diễn biến đã xảy ra trong ngày 14 tháng Chín năm nay.

Buổi sáng: quang đãng. Buổi trưa: mây đen bắt đầu vần vũ. Buổi chiều: giông gió nỗi lên. Buổi tối: sấm sét, mưa bão. Đến khuya: chỉ còn lại tang thương, tiêu điều.

Sáng thứ Hai 14/9, ông Abbott, giờ phút đó vẫn còn là Thủ tướng nước Úc, đang ở Adelaide để thăm viếng một trung tâm quản trị giao thông. Khi được các phóng viên hỏi về những tin hành lang cho biết có thể có một cuộc bỏ phiếu để bầu lại lãnh tụ đảng Tự Do, ông Abbott đã phủ nhận với câu trả lời cổ điển “Tôi không tham gia vào trò chơi đồn đoán ở Canberra. Tôi chỉ đang tập trung vào việc phục vụ nước Úc.”.

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott

Đến trưa, trước giờ Chất Vấn (Question Time) tại Hạ viện ở Canberra, bà Ngoại trưởng Julie Bishop vào gặp ông Abbott để yêu cầu ông này hoặc bước xuống hoặc kêu một cuộc bầu cử lãnh tụ.

Đây là một đòn chí tử đối với ông cựu Thủ tướng vì tiếng nói của bà Ngoại trưởng có ảnh hưởng đối với rất nhiều bạn đồng viện. Bà cho ông Abbott biết một số đông dân biểu và Thượng nghị sĩ từng ủng hộ ông hồi tháng Hai đã bỏ rơi ông và ông sẽ không có đủ con số 51 phiếu cần thiết.

Sau khi Question Time chấm dứt lúc 3 giờ chiều, ông Tổng trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull đến gặp ông Abbott để đệ đơn từ chức Tổng trưởng nói trên và yêu cầu có một cuộc bỏ phiếu bầu lãnh tụ.

Bốn giờ chiều, trong một cuộc họp báo trong khuôn viên quốc hội, ông Turnbull đã có một bài trình bày ứng khẩu ngắn gọn, xúc tích. Đầu tiên, ông nêu lên khuyết điểm chính yếu của người đương nhiệm:

“ … Rõ ràng chính phủ đang không thành công trong việc cung cấp một sự lãnh đạo về kinh tế. Đây không phải là lỗi của cá nhân các Bộ trưởng. Cuối cùng thì ông Thủ tướng đã không thể cho chúng ta một sự lãnh đạo kinh tế mà quốc gia chúng ta cần có. Ông đã không cho được một sự tin tưởng về kinh tế mà doanh thương cần có…”.

Sau dó, ông Turnbull đề cập đến những điều cần phải làm:

“… Chúng ta cần sự chuyên tâm, không cần khẩu hiệu. Chúng ta cần tôn trọng trí thông minh của người dân Úc… Chúng ta cần một phương thức lãnh đạo mới khi làm việc với mọi người … Chúng ta cần phải thực sự tham vấn với các bạn đồng viện, các dân biểu, các TNS, cộng đồng rộng lớn bên ngoài… Chúng ta cần chấm dứt việc lập chính sách tùy hứng và việc quyết định đơn phương bởi ngưởi lãnh tụ..”

Đến 6 giờ chiều, ông Tony Abbott tuyên bố sẽ có cuộc bỏ phiếu vào ngay hôm tối thứ Hai sau khi nhắc nhở mọi người “ … Đảng Tự do không phải là đảng Lao động (ý nói đến các cuộc thay đổi lãnh tụ như chong chóng dưới thời Rudd – Gillard – Rudd) …” cùng những thành quả mà chính phủ của ông đã đạt được “ .. ngăn chận tàu tầm tỵ, gia tăng ngân sách, giảm thuế và tăng số công ăn việc làm”. Ông kết luận “ .. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng đảng chúng tôi tốt hơn như thế này, chính phủ chúng tôi tốt hơn như thế này và, lạy Chúa, quốc gia chúng ta tốt hơn như thế này”.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 9giờ15 tối thứ Hai và chỉ 40 phút sau, kết quả được công bố là ông Abbott được 44 phiếu trong khi ông Turnbull được 54 phiếu, trở thành vị Thủ tướng thứ 29 của nước Úc. Về chiếc ghế Phó lãnh tụ, bà Julie Bishop thắng dễ dàng với 70 phiếu trong khi ông Kevin Andrews được 30 phiếu.

Sai lầm của Abbott.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã phạm những lỗi lầm gì để bị các bạn đồng viện bất tín nhiệm, khiến ông mất ghế lãnh tụ trong vòng chưa đầy hai năm kể từ khi nhậm chức ?

Từ hôm đầu tuần đã có những bài gởi lên trên các trang mạng nhắc lại những câu nói hoặc việc làm hớ hênh của ông Abbott trong gần 24 tháng qua. Tuy nhiên, nếu có thời gian ngồi suy ngẫm lại, ắt hẳn ông phải nghiền ngẫm ngân sách đầu tiên vào tháng Sáu năm 2014. Như một người mẹ thai nghén đứa con đầu lòng, ông cho ra đời ngân sách đó cùng ông Tổng trưởng Ngân khố Joe Hockey chỉ chin tháng sau ngày đăng quang.

Ông không thể nào ngờ rằng đó là sự khởi đầu của hồi kết thúc.

Các gia đình có lợi tức thấp bị ảnh hưởng mạnh, giới trung lưu bị mạnh hơn và các cha mẹ độc thân bị nặng nhất. Lợi tức của 20% dân Úc giàu có nhứt thì lại được che chở, chỉ bị sút giảm 0.2%.

Nhưng tai hại hơn, ngân sách đó đã đánh dấu một sự thất hứa trầm trọng với quần chúng. Tuy trong những tháng đầu tiên đã có những chuyện xoay lưng 180 độ khiến dân chúng bắt đầu nghi ngờ về sự thành thật của chính phủ, nhưng chính bản ngân sách 2014 là phát súng ân huệ.

Các sắc thuế mới được ban hành; quyền lợi hưu bổng bị giảm thiểu; ngân sách giáo dục bị cắt $80 tỷ; ngân sách của hai hệ thống truyền thanh và truyền hình ABC và SBS bị cắt; và ngân sách của các bệnh viện cũng bị gia giảm.

Các cuộc thăm dò dân ý cho thấy mức ủng hộ liên đảng tuột dốc – và không bao giờ hồi phục.
Có lẽ ông Abbott đã tính sai một thế cờ, là với tình trạng kinh tế quốc gia đang trong giai đọan suy thoái sau bảy năm xáo trộn với các chính phủ Rudd / Gillard / Rudd với ngân sách thâm thủng trầm trọng, ông muốn trình bày các tin xấu ra trước cho xong rồi mới đưa ra các giải pháp.

Nhưng sự hồi phục đã không đến và quan trọng hơn, dân chúng đã không bao giờ được nghe những lý lẻ có tính cách thuyết phục từ chính phủ liên đảng về kế hoạch quản trị kinh tế.

Từ đó, lòng trung thành của nhiều dân biểu Tự do bắt đầu bị lay chuyển.

Malcolm Turnbull là ai ?

Malcolm Bligh Turnbull sinh ở Sydney vào ngày 24/10/1954. Mẹ của ông là bà Coral Lansbury, một nhà văn và giáo sư văn chương gốc Anh, sau này ly dị với chồng, ông Bruce Turnbull, và sang Hoa kỳ làm việc.

Tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull

Tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull

Thành công đến với Malcolm Turnbull rất sớm.

Ông là một học sinh xuất sắc ở trường trung học Sydney Grammar, đậu bằng cử nhân đôi về Luật và Văn khoa ở đại học Sydney và được học bổng Rhodes Scholar để học bằng Luật thứ nhì ở đại học Anh quốc nổi tiếng Oxford.

Năm 1980, ông lập gia đình với cô Lucy Hughes, ái nữ của ông Tom Hughes, trạng sư danh tiếng ở Sydney và cũng là Tổng trưởng Tư pháp thời chính phủ Gorton.

Năm 1986, ông Turnbull trở nên nổi tiếng qua vụ án Spycatcher trong đó ông đã thắng được các nổ lực của chính phủ Anh muốn ngăn chận việc xuất bản hồi ký của Peter Wright, cựu điệp viên MI5.

Năm sau đó, hùn vốn với hai ông Neville Wran và Nicholas Whitlam, ông thành lập một ngân hàng thương nghiệp, nhanh chóng thu hút được đông đảo khách hàng.

Năm 1994, ông giúp phát triển công ty internet Ozemail để sau đó bán đi với một số tiền lời kếch xù.

Ông tân Thủ tướng của Úc đã là chủ tịch của Phong trào nước Úc Cộng hòa từ năm 1993 đến năm 2000 và khi phong trào này thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999, ông đã lên án ông John Howard là “vị Thủ tướng đã làm tan nát con tim của quốc gia này”.

Năm 2003, khi đang là thủ quỹ liên bang của đảng Tự do, ông đã tranh với vị dân biểu đương nhiệm Peter King để được đảng này tuyển chọn làm ứng cử viên cho đơn vị Wentworth ở Sydney và đã thắng cuộc, sau khi đầu tư vào đó $600,000.

Với tài sản trị giá trên $140 triệu, ông đã từng là dân biểu giàu nhứt nước Úc nhưng sau này đã bị ông Clive Palmer qua mặt.

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Turnbull đã được Thủ tướng John Howard bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Môi Trường. Nhiệm kỳ sau đó, ông trở thành lãnh tụ đối lập khi ông Howard về hưu và ông thắng ông Brendan Nelson trong lần tranh chiếc ghế này vào năm 2008.

Nhưng đến tháng Chạp 2009, ông đã thua ông Tony Abbott chỉ có một phiếu mà nhiều người cho rằng vì ông đã hổ trợ cho kế hoạch thuế khí thải của đảng Lao động.

Ông Turnbull là một chính trị gia biết nhẫn nại, chờ thời cơ đúng lúc. Tháng Hai năm nay, khi nội bộ đảng Tự do dao động với các kết quả thăm dò ý kiến không thuận lợi và đòi hỏi phải có một cuộc bỏ phiếu bầu lãnh tụ, ông Turnbull biết mình chưa có đủ sự hậu thuẩn nên đã để ông Abbott chiến thắng không đối thủ.

Đợi đến thứ Hai tuần này, ông Turnbull mới ra tay với kết quả như chúng ta đã thấy.

Vai trò của bà Julie Bishop.

Chiến thắng của ông Malcolm Turnbull được hầu hết các quan sát viên nhận định rằng một phần lớn là nhờ sự hậu thuẩn của bà Ngoại trưởng Julie Bishop.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại LHQ

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại LHQ

Bà đã và đang là Phó lãnh tụ của đảng Tự do liên tục từ năm 2007 đến nay, qua các thời Brendan Nelson, Turnbull, Abbott và bây giờ trở lại với Turnbull. Tối thứ Hai, bà đã nói rõ là nếu ông Abbott giữ ghế lãnh tụ, bà sẽ không ứng cử chức Phó.

Ông Michael Kroger, chủ tịch đảng bộ đảng Tự do tiểu bang Victoria, nói với Sky News trước cuộc bỏ phiếu là sự thay đổi của bà Bishop là một động thái có tính cách quyết định.

Quyết định của bà Bishop được nhiều người trong chính phủ liên đảng khen ngợi là một hành động can đảm vì bà đã đặt chức phó lãnh tụ, và theo đó là chiếc ghế Ngoại trưởng, của bà vào canh bạc.

Cùng với Tổng trưởng Thương mâi Andrew Robb và Tổng trưởng Dịch vụ Xã hội Scott Morrison, bà Bishop được xem là người làm việc hiệu quả, sau khi không được thành công lắm trong chức vụ Tổng trưởng đối lập về Ngân khố vào những năm 2008, 2009. Bà rất được các dân biểu Tự do ở hàng ghế sau ưa chuộng.

Một yếu tố ngấm ngầm mà người ta nghĩ có thể đã thúc đẩy bà Bishop bỏ rơi ông Abbott lần này là vì bà không làm việc được với bà Peta Credlin, bí thư của ông cựu Thủ tướng.

Rồi sẽ ra sao ?

Một ngày ngay sau cuộc “chỉnh lý”, cuộc thăm dò dân ý Morgan với 1,204 cử tri Úc cho thấy kết quả tức thì: 70% chọn ông Turnbull làm Thủ tướng, 24% chọn ông Bill Shorten với 6% chưa quyết định.
Điều này cho thấy ông tân Thủ tướng đã có ngay một cơ hội để đoàn kết toàn dân bằng cách lãnh đạo từ trung điểm, thay vì từ cánh hữu như ông Abbott hay cánh tả như đảng Lao động.

Điều này có nghĩa là ông sẽ chủ trương “cấp tiến xã hội” và “bảo thủ kinh tế”. Việc cân bằng hai động thái này cùng một lúc không phải dễ.

Trong giai đoạn hiện tại, ông Turnbull phải tìm cách xóa bỏ những tị hiềm, khích bác giữa hai phe trong đảng Tự do, càng sớm càng tốt vì sự khác biệt 10 phiếu không phải là một gối đệm an toàn để ông có thể ngủ yên trên chiến thắng. Chỉ cần sáu đồng viện trở nên bất hòa là lại sẽ có chính biến. Ông và đảng Tự do ắt hẳn không muốn trở lại thời kỳ đen tối 2007 đến 2013 của ba chính phủ Lao động liên tiếp.

Ngoài ra, ông Turnbull còn phải trấn an thành phần bảo thủ trong đảng vì những quan niệm “cấp tiến” của ông vế các vấn đề nước Úc theo thể chế Cộng hòa, hôn nhân đồng tính và thay đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thử thách đầu tiên của ông Turnbull là việc bổ nhiệm thành phần nội các: quân bình các phe phái, các khuynh hướng, các tiểu bang, tỷ lệ nam nữ v.v… bao giờ cũng là những bài toán nhức đầu cho một tân Thủ tướng.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
15/09/2015

Leave a comment