Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for the ‘Hình ảnh SHCĐ’ Category

Hình ảnh các sinh hoạt cộng đồng

* NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐàMẤT.

Posted by hungvietbrisbane on 08/11/2014


NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐÃ MẤT.

Mất ba năm còn có người khóc đã là điều đại quý. Ra đi đã mười năm còn có người thương tưởng không phải dễ tìm. Ấy thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi năm, cứ đến đầu tháng 11, người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn làm lễ tưởng niệm cho Cụ.

Đọc trên internet thấy có đến 21 địa điểm, từ Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Gia nả Đại), sang Âu châu (Đức quốc, Anh quốc, Pháp quốc), trở về Úc đại lợi với các tiểu bang NSW, Victoria và Queensland đều có tổ chức. Đặc biệt hơn, có những nơi, Thư Mời do các hậu duệ đứng tên và gởi đi. Các em, các cháu này ắt hẳn sinh ra sau ngày Cụ và bào đệ của Cụ bị thảm sát đến cả hai hay ba thế hệ nhưng họ hiểu được tấm lòng kính yêu mà các bậc cha anh dành cho vị lảnh đạo tài ba, đức độ và liêm khiết này nên không ngần ngại tổ chức các buổi tưởng niệm ở địa phương. Đáng yêu và đáng quý thay !

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Brisbane, một buổi sáng đầu tháng 11, trời bắt đầu gay gắt nóng. Bên kia hàng rào, nhóm thợ thuyền đang đổ xi măng từ hai chiếc xe trucks to dềnh để thiết dựng thêm phòng ốc gì đó cho trường tiểu học Lady of the Scared Heart ở Darra. Ở bên đây, thiên hạ bắt đầu đổ về giáo đường, kẻ đứng bên ngoài để hàn huyên với bạn bè, một số khác đã vào bên trong và có người đang quỳ gối lâm râm khấn nguyện trước tượng Chúa.

Tôi nhớ tới những năm mới vào Trung học, đến Noel, được các ông anh dẫn đi Nhà Thờ Đức Bà vào tối Giáng sinh dù gia đình chúng tôi ngoại đạo. Đường phố chật kín người. Thanh niên nam nữ áo quần chưng diện vui vẻ trên các chiếc xe gắn máy ồn ào. Đêm ca nhạc ở trường Lasan Taberd mà mẹ tôi phải chen lấn cực nhọc mới mua được vé chỉ vì bà ái mộ tiếng hát Thái Thanh. Ôi, những tháng ngày an bình xưa cũ !

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Đến gìờ khai mạc. Quốc ca Úc được hát trước nhưng do một trục trặc kỹ thuật, được lập lại lần thứ hai trước khi quốc ca Việt Nam trổi lên, theo sau là phút mặc niệm. Bảy anh cựu quân nhân thuôc đủ mọi binh chủng giơ tay chào nghiêm trước bàn thờ của Cụ. Được ban tổ chức cho biết bức ảnh trên bàn thờ hôm nay là do một thân hữu từ Sydney họa lấy, cất công đích thân mang từ đó về Brisbane cho buổi lễ hôm nay, xong sẽ lại gói ghém để đem trở về dưới đó. Chân tình như thế đến từ đâu nếu không phải cùng do lòng kính trọng người quá cố mà ra ? Một tràng pháo tay cũng chưa đủ nói lên lời cám ơn với anh Đ.Q. ! Mà bức ảnh anh vẻ quá khéo, trông thật giống hình chụp.

Tôi nhớ lần đầu tiên được cha tôi thưởng cho 5 đồng để đi xem ciné ở rạp Cao đồng Hưng chung với thằng bạn. Năm đó tôi đang học lớp Nhứt. Mười tuổi hơn mới được đì coi hát một mình. Sung sướng và hãnh diện lắm. Đèn trong rạp tắt tối om. Mọi người đứng lên chào cờ. Quốc ca dứt nhưng không ai ngồi xuống vì còn bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống nữa. Tôi dần dần quen với gương mặt của Cụ từ dạo ấy.

Lễ dâng hương

Lễ dâng hương

Sự kính trọng đó hôm nay lại được thể hiện qua phần Dâng Hương trước bàn thờ của Cụ do các ông Vũ hải Vân, Phó chủ tịch Ngoại vụ của Ban Chấp hành Cộng đồng NVTD/UC/Qld, Linh mục Nguyễn trung Cảnh, Chủ tế buổi lễ hôm nay, và ông Gabriel Hoàng văn Ninh, một niên trưởng trong cộng đoàn Công giáo Brisbane.
LM Nguyễn trung Cảnh trước đây cũng đã nhiều năm sinh hoạt với giáo dân người Việt ở Inala nhưng sau này, Cha đã được giao sứ mệnh chăm sóc con chiên ở Clayfield. Hôm nay, Cha và LM Vũ minh Nguyên, linh mục quản nhiệm cộng đoàn công giáo Việt Nam ở Brisbane, đảm nhiệm phần Thánh lễ.

Thay vì lời phát biểu hay một bài diễn văn rườm rà nói về ý nghĩa buổi lễ, ông Nguyễn đức Trừng, người điều khiển chương trình, ngỏ lời mời ông Gabriel Hoàng văn Ninh lên để chia sẻ vài kinh nghiệm mà ông đã có được qua những lần tiếp xúc với Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm.

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông kể lại trong một lần công cán ở Đà Lạt vào dịp Giáng sinh, Cụ đã đến hỏi thăm từng người một các anh em chiến sị đóng đồn gần đó. “Gia đình ra sao ? Có vợ chưa ? Bao nhiêu đứa con rồi ? Lương có đủ ăn không ? Ở đây có lạnh không ?” Và khi anh em trả lời “Dạ có!” thì Cụ xoay ngay ra sau, bảo tùy tùng ra chợ mua thêm cho mỗi người một tấm mền.

Tôi nhớ đến khi vừa thi xong Trung học Đệ nhất cấp, ba tôi thưởng cho chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Ba không đi vì bận công ăn việc làm, chỉ có mẹ và hai ông anh cùng đi. Tôi không bao giờ ngờ đó chẳng những là chuyến viếng thăm chốn sương mù này lần cuối trong đời mình mà còn là chuyến đi chơi xa nhứt trong nước từ đó về sau. Vài tháng sau, Cách mạng xảy ra, đất nước trở nên loạn lạc hơn, đâu đi xa được nữa. Lần chót tôi về thăm quê nhà vào cuối năm 1971, chiến tranh đã bắt đầu lan rộng, mùa Hè đỏ lửa bắt đầu ngún cháy, ông anh cả của tôi chỉ có thể đưa tôi xuống đến Ô Môn là xa nhứt.

Bác Ninh đề cập đến việc Cụ đã có lần đăm chiêu “Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc thành lập một chiến khu” khi bàn về chuyện người Mỹ có thể toan tính cắt đứt sự ủng hộ Cụ do sự khước từ của Cụ không cho người Mỹ đem quân lính vào Việt Nam “vì làm như thế thì chúng tôi sẽ mất đi hết chính nghĩa”.

Tôi lại nhớ đến những ngày lễ Quốc khánh 26/10 tưng bừng trong thanh bình, an lạc. Pháo bông đầy trời. Các cuộc diễn binh tưng bừng. Rồi những cuôc đua xe đạp Vòng Cộng Hòa đi khắp các miền đất nước. Thử hỏi nếu không thanh bình thì làm sao tổ chức được những cuộc đua vĩ đại và công phu như thế. Rồi những giải bóng tròn ở sân Cộng Hòa. Ở đâu cũng là Cộng Hòa. Chuyện gì cũng cho hai tiếng Cộng Hòa. Cộng Hòa là phương châm, là triết lý và đạo đức của cả một dân tộc..

LM Nguyễn trung Cảnh

LM Nguyễn trung Cảnh

Đó là nhờ ai ? Do đâu mà có ? Như Linh mục Chủ lễ Nguyễn trung Cảnh đã phát biểu:

“ .. Hôm nay chúng ta đặc biệt tưởng nhớ một vị thánh giữa đời – người đã sống như một nhà tu – người đã hiến mình cho quê hương dân tộc – một đại ân nhân của gần 1 triệu đồng bào Công Giáo di cư, đó là vị nguyên thủ quốc gia – vị Tổng Thống đầu tiên – người khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm.

Dù là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ đã sống khiêm nhường, đơn sơ, giản dị…

Ít ai còn chút công tâm mà không thừa nhận rằng cụ Ngô Đình Diệm là một người liêm khiết, vị tha, đức độ, nhân ái, cương trực, cùng một tinh thần ái quốc cao độ, luôn kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.

2/11/1963. Đã 51 năm từ ngày định mệnh oan nghiệt phủ xuống dân Việt, ngày cụ Ngô Đình Diệm và bào đệ bị thảm sát thật dã man tàn bạo. Nhưng với người có niềm tin lại hiểu rằng ‘trong họa, phúc thường núp sẵn’. Theo linh đạo của Tám Mối Phúc Thật thì cụ lại là người có phúc vì cụ đã “bị bách hại vì lẽ công chính” và vì chủ quyền dân tộc.

51 năm đã trôi qua! Thời gian đã đủ dài cho đau thương trầm lắng – đã đủ dài cho hối hận chìm sâu trong lòng những kẻ sắt máu phản bội.

Ước gì tấm gương vị quốc vong thân, cùng hoài bão xây dựng một thời đại công chính, một quốc gia không lệ thuộc ngoại bang, một quê hương VN cường thịnh thái bình của cụ, sẽ mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ mai sau. ‘Phúc thay ai kiến tạo hòa bình vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa ‘.

Nhớ đến Cụ trong ngày giỗ hôm nay, chúng ta rút ra được nhiều bài học làm người, nhất là làm người Kitô hữu. ‘Cụ Diệm đã sống yêu thương bao bọc mọi người, lấy sự phồn thịnh của người dân làm mục đích, lấy sự độc lập của dân tộc làm kim chỉ nam, lấy sự bình an và sinh mạng của nhiều người làm tôn chỉ, và nhất là những quyết định của Cụ trong những giờ phút cuối đời để không phải đổ máu nhiều người, càng làm nổi bật cái nhân từ đức độ của vị lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân’ (Lm Vĩnh Sang DCCT).

Thánh Lễ hôm nay còn nhắc nhở cho chúng ta một chân lý sáng ngời là, chỉ có tình yêu hiến thân cho cho công lý hòa bình, cho nhân quyền nhân vị, cho chân thiện mỹ và cho hạnh phúc con người mới là lẽ sống của người tín hữu, vì ‘Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh…chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời’(Thánh Phanxico – Kinh Hòa Bình).

Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta biết mạnh dạn noi theo gương can trường của tiền nhân, bước theo con đường hiến thân phục vụ như các thánh nhân, như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta – những quân dân cán chính – những chiến sĩ hào hùng, những anh thư lỗi lạc của đất Việt trời Nam đã bỏ mình vì chính nghĩa quốc gia, vì tự do độc lập, vì dân chủ nhân quyền.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực tranh đấu cho công lý hòa bình, cho những giấc mơ của tiền nhân anh dũng, của chiến sĩ kiêu hùng và xác tín vào sự tất thắng của công lý và sự thật, để ta biết ‘lấy chí nhân thay cường bạo – dùng đại nghĩa thắng hung tàn’(Nguyễn Trãi), ngõ hầu: ‘để gương phúc thật sáng ngời – chiếu soi tận đáy lòng người Việt Nam’(Trương Hoàng).”

Ca đoàn Công giáo

Ca đoàn Công giáo

Tôi nhớ đến buổi trưa 1 tháng Mười Một của 51 năm về trước. Nhìn các chiếc máy bay quần trên không phận Sài gòn, chiếc radio chỉ phát thanh những bản nhạc quân hành. Tuy chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng tôi cũng đã hiểu mang máng rằng đất nước đang đi vào một ngã rẻ. Mù mờ. Không định hướng.

Tôi nhớ đến buổi chiều 2/11, cùng với ông anh ra trước cổng dinh Gia Long cùng với đoàn thác người bao quanh các chiến xa, binh lính đầy đủ súng ống. Mọi người hớn hở và dường như đã quên đi, buổi sáng ngày hôm đó, đã có hai anh em suốt đời lo cho dân, cho nước đã bị trói tay và hành quyết trong một khoang xe thiết giáp lạnh lùng !

Nhớ đến lời Cụ dõng dạc “Tôi tiến, hãy theo tôi ! Tôi lùi, hãy giết tôi ! Tôi chết, hãy theo gương tôi!”

Từ đó, vận nước Việt Nam ngày càng điêu linh ! Cho đến tận hôm nay !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/11/2014

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ, Hình ảnh 4EB, Hình ảnh SHCĐ, Phát thanh 4EB, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | 3 Comments »

* CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG VĂN HÓA VẬN CỦA CSVN Ở BRISBANE, 24/10/2014

Posted by hungvietbrisbane on 26/10/2014


CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG VĂN HÓA VẬN CỦA CSVN Ở BRISBANE, 24/10/2014

Toàn cảnh - Hình SS Tuần báo

Toàn cảnh – Hình SS Tuần báo

Biểu ngữ tỏ rõ lập trường

Biểu ngữ tỏ rõ lập trường

Ông Vũ hải Vân, PCT Ngoại vụ của BCH/CĐNVTD/UC/Qld đọc Tâm Thư của Cộng Đồng

Ông Vũ hải Vân, PCT Ngoại vụ của BCH/CĐNVTD/UC/Qld đọc Tâm Thư của Cộng Đồng

Bà Nguyễn từ Hương Thủy, đại diện Hội Phụ nữ VN/Qld phát biểu

Bà Nguyễn từ Hương Thủy, đại diện Hội Phụ nữ VN/Qld phát biểu

Ông Lê nghĩa Lễ, PCT Hội Cựu Quân Nhân/QLVNCH/Qld, phát biểu

Ông Lê nghĩa Lễ, PCT Hội Cựu Quân Nhân/QLVNCH/Qld, phát biểu

Ông Nguyễn Bình, đại diện UB Yễm Trợ Công Cuộc Đấu tranh tại Quốc nội, phát biểu

Ông Nguyễn Bình, đại diện UB Yễm Trợ Công Cuộc Đấu tranh tại Quốc nội, phát biểu

BS Trần trung Hòa, cựu Chủ tịch CĐNVTD/UC/Qld, phát biểu

BS Trần trung Hòa, cựu Chủ tịch CĐNVTD/UC/Qld, phát biểu

Ông Phạm thiên Phú, Chủ nhiệm SS Tuần Báo, phát biểu

Ông Phạm thiên Phú, Chủ nhiệm SS Tuần Báo, phát biểu

Ông Chủ tịch và thành viên Hội CQN/QLVNCH/Qld quyết tâm chống NQ36

Ông Chủ tịch và thành viên Hội CQN/QLVNCH/Qld quyết tâm chống NQ36

Nam nữ già trẻ quyết tâm

Nam nữ già trẻ quyết tâm

019

013

015

001

"Dàn chào" hai bên cổng vào nhà hàng

“Dàn chào” hai bên cổng vào nhà hàng

027

Posted in Hình ảnh SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng | 2 Comments »

* NHẬT KÝ CỦA MỘT CUỘC BIỂU TÌNH.

Posted by hungvietbrisbane on 07/06/2014


NHẬT KÝ CỦA MỘT CUỘC BIỂU TÌNH.


Thứ Năm 15/05/2014: Hịch.

Ông Trần thanh Vân, Phó Chủ tịch Nội vụ của Ban Chấp hành Cộng Đồng NVTD Úc châu, tiểu bang Queensland, gọi điện thoại mời tham dự một phiên họp giữa Cộng Đồng và các hội đoàn, đoàn thể để bàn về việc tổ chức một cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lăng và Việt cộng bán nước. Ông TT Vân giải thích đã có gởi một thư mời họp nhưng sợ thư không đến kịp nên phải gọi điện thoại.

Tính nhẩm ngay trong đầu là chiều Chủ nhật, thường phải lên đài 4EB để lo việc thu âm cho chương trình tối thứ Hai, nhưng không sao, chuyện nhỏ, có thể thu xếp được. Bèn điện thoại ngay cho văn phòng đài, xin đổi giờ book phòng thu âm từ chiều Chủ nhựt sang tối thứ Sáu trước đó.

Trong lòng tự dưng thấy vui và phấn chấn vì linh cảm sẽ có một điều gì từ trước đến giờ chưa xảy ra đang manh nha thành hình.

Chủ nhật 18/05/2014: Kế hoạch.

Phòng họp của trụ sở cộng đồng chật kín. Hơn 30 người hiện diện, bàn tán xôn xao về những chuyện đang xảy ra trên quê hương.

7 giờ 15, sau lễ chào quốc kỳ VNCH và phút mặc niệm., ông TT Vân mở đầu buổi họp với tin tức từ các cuộc biểu tình ở Sydney vào ngày hôm trước 17/5 và Melbourne trong sáng hôm đó 18/6. Mọi người càng thêm nức lòng, nhất là với tin của cuộc tuần hành dài 7 cây số của đồng hương ở Melbourne, từ Federation Square đến Toorak.

Có lẽ vì thế nên khi ông TT Vân nêu lên đề nghị ở Brisbane cũng sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày 14/6 với lý do là các thành viên BCH Cộng đồng phải đi Canberra để dự cuộc biểu tình vào tuần sau 24/5, mọi người đều cho rắng với khí thế đang sôi sục, chúng ta không nên để chậm trễ.

Ông TTV cho biết đã có thực hiện công tác nghiên cứu địa điểm. Lảnh sự Trung cộng ở Brisbane có hai văn phòng: một ở lầu 9, số 74 đường Adelaide và một ở lầu 4, số 140 đường Ann.

Dỉ nhiên, chúng ta không thể vào được bên trong các tòa nhà đó biểu tình, đừng nói chi đến được trước cửa văn phòng của chúng. Vì thế sẽ xin phép đi tuần hành quanh trung tâm thành phố và sẽ ngừng trước cửa các buildings đó để hô khẩu hiệu.

Về ngày biểu tình, có hai sự lưạ chọn: nếu làm thứ Sáu thì trong phố sẽ có nhiều người Úc hơn vì là ngày làm việc trong tuần, nhưng cũng chính vì lý do đó, e sợ số đồng hương tham dự sẽ bớt đi. Cuối cùng, quyết định chọn ngày thứ Bảy 31/05/2014 từ 11 giờ đến 1 giờ là thời điểm mà trung tâm thành phố rộn rịp nhất vào sáng thứ Bảy.

Một ban tổ chức được thành lập với BCH Cộng đồng đảm trách các vai trò chính yếu, các hội đoàn, đoàn thể, cá nhân sẽ chia nhau các công tác khác trong phiên họp kế tiếp.

014

Thứ Năm 22/05/2014: Tiếng trống.

Thông cáo chính thức của Cộng đồng về cuộc tuần hành được phổ biến. Vẫn tụ họp ở King George Square, ngay trước tòa Thị sảnh Brisbane. Ngày tổ chức vẫn là thứ Bảy 31/05/2014, chỉ có giờ giấc thay đổi chút đỉnh, dời sớm hơn nửa tiếng, bắt đầu từ 10giở30 và chấm dứt lúc 12giờ 30.

Thứ Bảy 25/05/2014: Hô hào.

Khu thương mại Inala – nơi có đông người Việt buôn bàn nhất ở Brisbane – trở nên sinh động hẳn lên với các biểu ngữ, các bài hát đấu tranh đi kèm với các lời kêu gọi đồng hương tham gia cuộc tuần hành vào sáng thứ Bảy tuần sau 31/5. Ghi tên, cho ý kiến, xem hình ảnh triển lảm, hàn huyên với các anh em trong BTC, mọi người như muốn bỏ quên chuyện chợ búa hàng ngày để chia sẻ sự ưu tư trước hiểm họa mất nước cũng chỉ vì một bè lũ thống trị hèn nhát, nhu nhược.

Một chủ tiệm đem ra cho các anh em mấy chai nước để giải khát. Một mạnh thường quân khác đem đến năm két với 100 chai nước để dự trữ cho ngày hôm đó. Anh nói hôm đó tôi sẽ không đi được thì đây là phần đóng góp của tôi vào công cuộc chung.

Thứ Hai 26/05/2014: Chi tiết.

Ông TT Vân và ông Vũ hải Vân (Phó Chủ tịch Ngoại vụ của CĐ) tường trình về cuộc biểu tình rộng lớn ở Canberra vào hôm thứ Bảy trước đó 24/5. Ông TT Vân cho biết có rất đông đồng hương từ Sydney, Melbourne, Woollongong, Brisbane và Canberra về tham dự, ước tính đông hơn một vài cuộc biểu tình 30/4 ở đây.

Ông TT Vân nói trời lạnh nên bà con nhiều người mặc áo khoác màu sậm bên ngoài nhưng choàng khăn màu vàng ba sọc đỏ, trông rất đẹp. Trong các bài phát biểu, các vị đại diện ngắt khoảng bằng các khẩu hiệu đả đảo, phản đối nên bầu khí lúc nào cũng bừng bừng.

Trở lại với cuộc biểu tình ở Brisbane, ông TT Vân cho biết đã được giấy phép của HĐTP Brisbane và của Sở Cảnh sát Qld.

Ông trình bày cho mọi người xem một bản đồ trong đó có khu vực được ấn định dành cho địa điểm tập trung. Sau đó, ông cho biết tiếp lộ trình của cuộc tuần hành, những nơi “ngừng chân” trước hang ổ Trung cộng để hô khẩu hiệu.

Các người khác lần lượt báo cáo các công tác khác đã thực hiện. Mướn xe bus : xong! Các loa phóng thanh: xong ! Media Release cho truyền thông chính mạch: xong ! Cờ xí: xong ! Biểu ngữ: xong các biểu ngữ lớn, một số bảng nhỏ đang được thực hiện. Có người cho biết các chị bên Hội Phụ nữ cũng đang thực hiện khoảng 20 biểu ngữ cầm tay và một biểu ngữ dài. Nước uống: CĐ cung cấp.

Đến đây có nguồn tin cho hay trường Việt ngữ Lạc Hồng xin CĐ cung cấp cho một xe bus vì muốn ghi tên cho 50 người từ trường này tham dự. Mọi người được xem tấm hình chụp thầy Vũ hoàng Nguyên, Hiệu trưởng trường này đứng trước cổng trường hôm thứ Bảy vừa rồi với tấm bảng kêu gọi phụ huynh, giáo chức, học sinh tham dự cuộc biểu tình. Phấn khởi quá mức và trong lòng cảm ơn các giáo chức trường Lạc Hồng luôn nuôi dưỡng trong lòng các em học sinh ý chí bất khuất của dòng giống … Lạc Hồng.

004

Thứ Năm 29/05/2014: Ngoại giao.

Một phản hồi tích cực từ bên ngoài. Phóng viên thường trực của đài truyền hình Manila ở Brisbane muốn phỏng vấn về cuộc biểu tình. Anh chia sẻ rằng quốc gia của anh cũng rất quan tâm về ý đồ bành trướng của Trung cộng. Chia sẻ với anh là ít nhứt Phi luật tân đã lên tiếng tố cáo và đưa hành động gây hấn đó ra trước công luận và tòa án quốc tế. Không như nhà cầm quyền bên nước chúng tôi: hèn nhát quá, nhu nhược quá.

Những câu hỏi của anh thật khéo léo và thông minh. Dân nhà nghề có khác. Nghĩ bụng còn phải “học nghề” thêm nhiều lắm.

Anh hẹn đến thứ Bảy sẽ gặp nhau ở city.

Đang lo. Ba ngày nay, không biết tại sao cơn ho lại kéo trở về. Như vậy thì làm sao mà thứ Bảy có thể hét hò gi được đây trời ? Đang “nốc” thuốc như con nít ăn kẹo !

Thứ Bảy 31/05/2014: Ngày N.

Chín giờ sáng, ghé văn phòng cộng đồng. Nhiều bà con đã có mặt. Có người đã gần chục năm nay không có dịp hàn huyên. Thôi thì chuyện trò nổ như bắp rang.

Hai xe buýt nhỏ đã ở đó. Các anh trong BTC đang chất biểu ngữ, cờ xí lên xe.

Chụp vài tấm hình kỷ niệm. Nhớ những lần đi biểu tình 30/4 ở Canberra. Cũng ngập tràn phấn khởi như thế này.

9 giờ 15 lên đường ! Hẹn gặp nhau “ngoài đó” ! Dặn dò nhau lái xe cẩn thận.

Đến nơi thì đã thấy có nhiều chiếc áo vàng, hoặc khăn choàng màu vàng, hoặc cả hai. Đặc biệt có một bé gái, em nói em 7 tuổi nhưng trông chỉ chừng lên 5, mặc một chiếc áo dài màu vàng với ba sọc đỏ chạy dọc theo tà áo trước. Dễ thương quá đi thôi !

020

Lần lần, số người tăng lên. Đủ mọi giới, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Các chức sắc tôn giáo, các bác cao niên đã về hưu, các em thanh niên thiếu nữ thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai. Đặc biệt ai cũng có nụ cười rạng rỡ trên môi. Háo hức đợi chờ.

Rồi giờ G cũng đã đến. Ban tổ chức yêu cầu mọi người vào hàng ngủ để chào quốc kỳ và hát quốc ca Úc Việt, cùng một phút mặc niệm những ngư dân, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc tấn công xâm lấn của Trung cộng.

Xong rồi bắt đầu xuống đường. Không diễn văn. Không hiệu triệu rườm rà. Bởi vì ngày hôm nay là ngày của mọi người, mọi người cùng lên tiếng, cùng bày tỏ lòng căm phẩn.

Nhưng mục tiêu đầu tiên, 74 Adelaide Street, lại nằm ngay phía sau điểm xuất phát, chỉ cách đó vài chục thước. Đoạn đầu đi đến đó thì dừng lại để hô khẩu hiệu, khiến ở phía sau bị dồn cục, không nhúc nhích được. BTC phải mời những người phía trước di chuyển thêm vài trăm thước để phía sau có thể bắt đầu.

Đông quá ! Đông quá ! Chưa bao giờ thấy một đoàn tuần hành của người Việt mình lại đông như vậy. Các nhân viên cảnh sát, người thì đi bộ theo, người đi xe đạp, người đi xe gắn máy để giữ trật tự lưu thông. Mà thật ra cũng chẳg có trật tự gì phải giữ vì bà con mình có tinh thần tự giác cao độ. Giữ trên lề đường, chậm rãi mà đi, hô to các khẩu hiệu mà các anh điều hợp viên thay nhau xướng lên.

Dân chúng địa phương đi ngang tò mò nhìn. Có người hỏi thăm thì được giải thích và phát cho một tờ giấy nhỏ bằng Anh ngữ. Họ đọc nhanh và nở nụ cười thông cảm.

023

Đoàn người cũng cười. Nhưng ở bên trong là cả một tấm lòng đau đáu cho thân phận đất nước lầm than. Cho nên những tiếng hô nghe sao rất dõng dạc, cương quyết. “Đả đảo”, “Out ! Out ! Out!”, “Now ! Now! Now” “Shame ! Shame ! Shame!” “For Vietnam !” …

Một chị trong ban phát thanh tuy chân đau triền miên nhưng vẫn cố gắng khập khiễng đi, đến nửa đường, thấy tội nghiệp quá nên bảo với chị thôi quay về địa điểm tập trung trước đi. Một anh thường gặp ở trung tâm công giáo đi đâu cũng phải chống gậy, hôm nay cũng thấy có mặt. Một bác gần 80 nói “Cậu đi trước đi, đừng lo cho già này, thế nào tôi cũng đi hết mà”. Có bạn đẩy xe pram, với em bé có lẽ phải được bình bầu là “biểu tình viên trẻ tuổi nhứt trong năm”. Một chị trong Hội Phụ nữ nói “Khí thế vô cùng ! Mình thật vui !”

Đến trước văn phòng cấp chiếu khán của chúng ở Ann Street, đoàn tuần hành lại ngừng. Bị các chiếc xe đầu bên lề đường cản trở. Nhưng không sao, chúng ta dùng tiếng nói. Lại hô các khẩu hiệu. Mà dường như bây giờ lại càng hô lớn hơn lúc nảy. Sung sức thật !

Đến công trường ANZAC thì đi xuyên qua đó để quẹo mặt vào đường Adelaide, trở lại địểm khởi hành.
Leo lên chiếc cầu nỗi vắt ngang đường Adelaide mới thấy được chiều dài hùng hậu của đoàn tuần hành. Chiếm cả một block phố dài cả hai, ba trăm thước chứ không ít.

022

Đến nơi thì đúng 12 giờ trưa. Các chai nước được phân phát ra. Ai nấy đều thấy rạng rỡ. Có vẽ như không ai chịu giải tán. Dầu sao, giấy phép còn cho mình thêm nửa tiếng nữa cơ mà. Thế là cùng hát hùng ca “Việt Nam ! Việt Nam !”, hay “Ta như nước dâng … !”.

Phải đó, một ngày không xa, ta hãy như nước dâng, dâng lên, dâng lên mãi để cuốn trôi một chế độ đang đưa dân tộc đến bến bờ diệt vong !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
31/05/2014

Posted in Bài vở SHCĐ, Chính Trị, Chính trị Việt Nam, Hình ảnh SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Tagged: | 1 Comment »

* Đêm Văn Nghệ Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane

Posted by hungvietbrisbane on 02/02/2014


Đêm Văn Nghệ Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane.

Đó không phải là một đêm nhạc thính phòng. Và chắc chắn cũng không phải là một đại nhạc hội. Tôi xem đó như một đêm nhạc gia đình. Gia đình đây là những người tỵ nạn ở Brisbane. Tụ họp bên nhau. Quây quần cùng nhau trong ngày mùng Hai Tết. Để nhớ về một người cháu, một người anh, một người em dễ thương nhưng hào hùng, hiền hòa nhưng kiên cường đã đột ngột ra đi trong một ngày cuối năm vừa qua.

Cộng đồng người Việt tự do ở Brisbane làm buổi tưởng niệm Việt Dzũng sau nhiều nơi khác.Nhưng tôi không cho đó là điều quan trọng. Chánh yếu là chúng ta có một buổi tối ngồi với nhau nghe hát những bản nhạc mà người thanh niên đó đã để lại cho đời.

Hội trường như lắng đọng tâm tư

Hội trường như lắng đọng tâm tư

Tôi vẫn thường nghĩ Việt Dzũng là một nhạc sĩ của tình yêu.

Trước hết là tình yêu hiểu theo nghĩa thông thường giữa Nam và Nữ.

Như những lời thổn thức trong bài “Và em cũng nói yêu anh” với tiếng hát và phần trình diễn thật xuất sắc của Quế Thanh tối hôm nay.

Quế Thanh

Quế Thanh

Hay lời thầm thì trong “Cỏ tương tư” mà giọng hát sau bao nhiêu năm vẫn còn trầm ấm của Bác sĩ Kế Hòa đã truyền đạt.

Cũng như những khắc khoải cho thân phận trong “Tự trầm”, một bài rất khó hát mà ca sĩ Cao Tùng đã dắt dìu người nghe đi qua một cách thật nhẹ nhàng cũng như anh đã miêu tả lại nét đẹp của người tình cũ trong nhạc phẩm “Dáng Xưa” ở phần một của chương trình.

Cao Tùng

Cao Tùng

Hoặc dí dỏm của “Tình như cây cà rem” mà Tony Toàn đã làm sống động hội trường với cách diễn đạt thật trẻ trung của anh.

Hay “Bài Tango cuối cùng” mà Ngọc Sương đã hát như những lời nức nở của đôi tình nhân không tròn duyên kiếp.

Và “Thung lũng chim bay” đã được Thanh Vân mời mọi người ghé bước. Phải viết thêm về chị Ủy viên Văn nghệ này của Cộng đồng. Một tuần trước đây, chị vẫn còn nằm trong nhà thương vì bị virus đột kích, phải nhờ người khác trông nom phần văn nghệ của hai đêm Hội chợ Tết. Hôm nay, sức khỏe chỉ mới hồi phục phần nào nhưng chị cũng đã đến với đêm tưởng nhớ vì theo chị “Buổi hôm nay với Thanh Vân rất quan trọng vì từ đó đến nay, Thanh Vân lúc nào cũng ngưỡng mộ anh Việt Dzũng”.

Thanh Vân

Thanh Vân

Nhưng nếu chỉ có những bản nhạc về tình yêu Nam Nữ thì những dấu ấn mà Việt Dzũng để lại cho âm nhạc Việt Nam có lẽ cũng chỉ đậm đà như nhiều nhạc sĩ viết nhạc tình khác.

Chính thể loại tình yêu thứ hai trong âm nhạc Việt Dzũng mới dành được sự trọn vẹn yêu thương của người nghe, nhất là những người mang thân phận tỵ nạn. Đó là tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc.

Như những lời kêu gọi thiết tha trong “Mời em về”. Ai không khỏi hoài vọng về một chốn bình yên xưa cũ khi Ngọc Sương nỉ non “Tôi muốn mời em về. Thăm lại Hà Nội xưa. Cổ ngư chiều đổ lá. Trong mưa buồn lưa thưa. Tôi muốn mời em về. Thăm lại Sàigòn xưa. Duy Tân chiều say nắng. Uống môi nồng hương xưa”.

Để rồi phải bàng hoàng đối diện với thực tại “ Tôi muốn mời em về. Nhưng quê hương kia quá xa. Bên kia bờ Thái Bình bao la”.

Ngọc Sương

Ngọc Sương

Hay Kế Hoà đã mở đầu chương trình với “Một chút quà cho quê hương”, ca khúc đã trở thành bất tử về một cuộc đổi đời bi thảm sau những ngày tháng Tư 75.

BS Kế Hòa

BS Kế Hòa

Cuộc đổi đời khởi đầu từ “Quân Lệnh cuối cùng” oan nghiệt mà Tony Toàn đã thay lời mọi người tri ơn các vị tướng đã tuẩn tiết “ …Tướng chết theo thành. Ngàn năm bất khuất ghi vào sử sách. Đã bao năm tên anh còn mãi. Danh tướng anh hùng đời sau vẫn nhớ..”

Tony Toàn

Tony Toàn

Đưa đến một cuộc ra đi vĩ đại và hào hùng nhất trong lịch sử nhân loại mà trong đó chin phần chết chỉ có một phần sống như được Thanh Vân thuật lại trong “Lời kinh đêm” .

“ … Thuyền trôi xa về đâu ai biết. Thuyền có về ghé bến tự do. Trời cao xanh hay trời oan nghiệt. Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ..”.

Để có những người phải vùi thây giữa lòng biển lạnh. Hay giờ đây cũng đã an phần nơi đất khách quê người. Để Thanh Hùng nhắc nhở chúng ta qua “ Tự Tình Khúc”
“ .. Chiều nay ai ra mộ vắng. Thắp dùm tôi nén hương tàn. Thương người nằm sâu đất lạnh. Đang buồn quê hương nát tan”.

Thanh Hùng

Thanh Hùng

Và để Cung Đàn, thành viên duy nhứt của phong trào Hưng Ca ở Brisbane và là linh hồn của buổi tổ chức hôm nay,đã nhắc nhở chúng ta “Những đứa con của Mẹ” hãy sống cho trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước.Rồi anh đã kết thúc phần trình diễn của các nghệ sĩ với nhạc phẩm “Chết Khô”, sáng tác cuối cùng của Việt Dzũng.

Cung Đàn

Cung Đàn

Ngoài phần âm nhạc, đêm Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane còn có những bài nói chuyện, chia sẻ tâm tình của Bác sĩ Bùi trọng Cường, Chủ tịch CĐNVTD UC/Qld, của các anh Cao Tùng, Cung Đàn về những kỷ niệm với Việt Dzũng cùng phần trình chiếu video do bạn Tuấn Lê thực hiện về cuộc đời và đám tang của Việt Dzũng.

Các anh chị em nghệ sĩ

Các anh chị em nghệ sĩ

Ba tiếng đồng hồ trầm tưởng về người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh rồi cũng phải chấm dứt. Ở một nơi nào đó trên kia, chắc anh cũng đã có được một nụ cười đầu Xuân. Vì anh biết chúng tôi đã nhớ đến anh, đã ngậm ngùi vĩnh biệt nhưng không bao giờ quên anh.-

HƯNG VIỆT
Mùng 2 Tết Giáp Ngọ
01/02/2014

Posted in Bài vở SHCĐ, Hình ảnh SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Tagged: | 1 Comment »

[LỤT BRISBANE]: BUỔI THÔNG TIN DÀNH CHO NẠN NHÂN NGƯỜI VIỆT 27/01/2011

Posted by hungvietbrisbane on 01/02/2011

TƯỜNG THUẬT

BUỔI THÔNG TIN DÀNH CHO NẠN NHÂN LŨ LỤT NGƯỜI VIỆT

Phóng Viên Không Biên … Lai

Hình:  Lê Minh Tuấn

Chiều thứ Năm 27/01/11, lúc 6 giờ 30, buổi thông tin cho nạn nhân lũ lụt người Việt do bà Julie Attwood, dân biểu đơn vị Mt Ommaney và là Thứ trưởng Bộ Đa Văn Hoá Queensland tổ chức, qua sự điều hợp của ban phát thanh việt ngữ đài 4EB,  đã diễn ra tại hội trường Cementco Darra.

Chúng tôi ghi nhận có hơn 50 người hiện diện, gồm những nạn nhân lũ lụt người Việt từ các vùng như Oxley, Jindalee, Goodna, Lowood, v.v.. và một số đồng hương quan tâm đến việc cứu trợ.

Được biết những vùng tập trung nhiều người Việt như Inala, Darra, Durack, Middle Park, Middle Park, Riverhills, v.v… đã không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn lụt. Đây là sự may mắn phần nào của cộng đồng chúng ta trong cơn thiên tai vừa qua.

Mở đầu chương trình, ông Trần Hưng Việt, trưởng ban phát thanh Việt ngữ đài 4EB, trong vai trò điều hợp viên, đã có đôi lời ngắn gọn về mục đích của buổi thông tin do bà Julie Attwood tổ chức.  Ông Việt cũng đã mời mọi người cùng có 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng trong cơn lụt ngày vừa qua.

 

 

 

 

 

 

 

Tiếp theo bà Julie Attwood đã trình bày cùng cử toạ về những nổ lực cũng như những chương trình cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại đơn vị Mt Ommaney nói riêng và trên khắp tiểu bang Queensland nói chung.

Bà Attwood cho biết buổi thông tin được sự hỗ trợ của Sở Đa Văn Hoá Sự Vụ Queensland, Centrelink và Cơ quan Phục Hồi Cộng Đồng (Community Recovery) và bà đã lần lượt giới thiệu những nhân viên của các sở bộ nói trên.


 

 

 

 

 

 

Chúng tôi ghi nhận đại diện cho Sở Đa Văn Hoá Sự Vụ là ông Garry Page, Tổng Giám Đốc Điều Hành.  Centrelink đã cử 6 nhân viên trong đó có 3 nhân viên người Việt và cơ quan Phục Hồi Cộng Đồng gởi 1 nhân viên đến buổi thông tin.

Sau phần nói chuyện của bà Attwood, cô Hồng Nguyễn, thuộc cơ quan Phục Hồi Cộng Đồng, đã trình bày cùng đồng hương về những dịch vụ tại các trung tâm cứu trợ cũng như những tài trợ của chánh phủ tiểu bang mà nạn nhân lũ lụt có thể nhận được.

Anh Sang Nguyễn, nhân viên Centrelink, cũng nói về những sự giúp đỡ của cơ quan này đối với những nguời bị thiên tai.





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiếp theo, ông Garry Page, Tổng Giám Đốc Điều Hành, cho biết để đáp ứng với nhu cầu thông tin cho các cộng đồng sắc tộc, Sở Đa Văn Hoá Sự Vụ Qld đã phổ biến những tài liệu về những tài trợ cho nạn nhân lũ lụt bằng 26 ngôn ngữ.  Sở Đa Văn Hoá Sự Vụ cũng đưa thông dịch viên đến các trung tâm Phục Hồi Cộng Đồng để giúp đỡ cho những nạn nhân không rành tiếng Anh, và trong buổi thông tin hôm nay, sở cũng có đưa một thông dịch viên tiếng Việt đến để giúp đỡ cho những nạn nhân người Việt.

Một số câu hỏi đã được các nạn nhân lũ lụt đưa ra và đã được những người có thẩm quyền hiện diện giải đáp.   Sau đó các nạn nhân đã được nhân viên của Sở Đa văn hoá Sự Vụ, Centrelink và cơ quan Phục Hồi Cộng Đồng hiện diện giúp đỡ và giải quyết từng trường hợp cá nhân.

Buổi thông tin chấm dứt vào lúc 8 giờ 30 tối.


Posted in Hình ảnh SHCĐ, Tin tức SHCĐ | Tagged: , , , | Leave a Comment »

Diễn hành ANZAC Day 2010, Brisbane : VỚI CÁC ANH, CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN !

Posted by hungvietbrisbane on 28/09/2010

Diễn hành ANZAC Day 2010, Brisbane :

VỚI CÁC ANH, CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN !

Như những ngày khác, ắt hẳn tôi đã cảm thấy bực bội, nóng nảy.

Chuyến xe buýt chờ mãi vẫn chưa thấy tới. Đành rằng hôm nay là ngày Chủ Nhựt, mỗi tiếng mới có một chuyến. Và tôi cũng hiểu, cuộc diễn hành vừa mới chấm dứt cách đây không lâu, đường phố còn nghẹt cứng với các đoàn diễn hành, các xe nhà binh đang giải tán cùng với hàng chục ngàn người đang đổ ra về.

Nhung đã gần 1 giờ trưa rồi. Tôi còn phải về, edit lại cái tape để 5 giờ còn lên đài chuẩn bị cho chương trình phát thanh tối nay nữa.

Thành thử, gặp lúc khác, trong tình cảnh đó, tôi sẽ cảm thấy rất bồn chồn, lo lắng.

Nhưng lạ kỳ, hôm nay thì khác. Trong lòng là cả một niềm vui. Và chỉ có một cảm xúc duy nhứt là sự hãnh diện tột cùng. Hãnh diện là người Việt Nam. Nói cho đúng và nói cho rõ: hãnh diện là người Việt quốc gia.

Hãnh diện khi nhìn thấy lá Đại Kỳ màu vàng ba sọc đỏ đi qua những đường phố chính của thành phố Brisbane. Trong 6 bàn tay nâng niu, trìu mến của 6 em gái. Tự dưng tôi cảm thấy xúc động. Các anh trong ban Tổ chức khéo quá. Không để chính các anh hầu kỳ. Cũng không nhờ các cô thiếu nữ đôi mươi đảm trách việc này. Mà nhờ các em 13, 14 phụ trách. Có ai nghĩ như tôi đang nghĩ hay không ? Đây là thế hệ thứ 3 của chúng ta ở hải ngoại đó. Các em, các cháu đang được các bác, các chú của thế hệ thứ nhứt hướng dẫn, chỉ cho đi trên con đường của LẼ PHẢI, của CHÍNH NGHĨA. Các em, các cháu đang tiếp tục công việc trao gởi thông điệp của chính nghĩa Quốc Gia đến người bản xứ. Ba mươi lăm năm trôi qua nhưng cuộc chiến Quốc Cộng vẫn chưa chấm dứt, nếu không muốn nói vẫn còn đang quyết liệt.

Tôi lại miên man nghĩ tiếp. Bọn CCC (Cán Cộng ở Canberra) giờ này làm gì mà không theo dõi các cuộc diễn hành như thế này trên toàn nước Úc. Nhìn lá Đại Kỳ của chúng ta giữa thủ phủ tiểu bang Queensland, ắt hẳn chúng sẽ tức điên người. Lộn ruột chưa các con ? Cho bọn bây thấy. Không mưu mô nào. Không xảo thuật nào có thể chế ngự được màu cờ chính nghĩa của người Việt quốc gia.

Không nói chi đến mấy chục ngàn người đứng xem hai bên đường, tôi không hiểu ngay chính trong cả trăm anh em đang nhịp bước đều đặn theo nhịp quân hành ngoài kia, có bao nhiêu người  biết đến sự cẩn thận và lo lắng của Ban Chấp hành và ban tham mưu Hội CQN/QLVNCH/Qld về sự xuất hiện của lá Đại kỳ trong cuộc diễn hành hôm nay. Họ lo lắng và đề phòng về sự phản đối và phá bỉnh của phía bên kia nếu bọn chúng biết được. Cho nên, trước ngày ra quân, chỉ có một vài anh em được biết đến quyết định này. Ngay cả khi tập họp ở Charlotte St lúc nảy, Đại kỳ cũng chỉ được trưng ra vài phút để mọi người làm chuẩn mà xếp hàng ở phía sau, rồi sau đó được xếp lại và chỉ lại được tung ra khi cuộc diễn hành chính thức bắt đầu.

Nhìn sự cẩn thận của các anh rồi nhớ lại những lời tuyên bố ồn ào, vội vã về đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân cách đây mấy năm, đưa đến sự phản đối của bọn CS khiến đề án phải bị dẹp bỏ, làm sao tránh khỏi cảm nghĩ chua chát với cách làm việc chỉ chuộng bề nổi, trọng thanh danh của một số người.

Nhưng thôi, hãy trở lại với cuộc diễn hành ngày hôm nay. Với những điều tích cực.

Sau lá Đại kỳ là toán Quốc Quân Kỳ. Cũng 5 anh. Cũng 2 quốc kỳ Úc, hai quốc kỳ VNCH và 1 lá quân kỳ QLVNCH như mọi năm trước. Nhưng năm nay, có một sự thay đổi. Nhỏ thôi, nên chắc nhiều người không để ý. Nhưng thật ra mang nhiều ý nghĩa. Là năm anh không đứng tách rời nhau theo hết bề ngang của đoàn diễn hành. Mà năm anh đi sát bên nhau. Ngay chính giữa. Vai chen cạnh vai. Cờ sát bên cờ. Một hình ảnh rất đẹp, rất thân tình mà cũng rất hào hùng, Ba mươi lăm năm về trước, vì chính trị, vì hoàn cảnh, các anh phải buông súng, phải rã ngủ. Nhưng cho đến bây giờ, các anh vẫn còn chung lưng đối cật, vẫn sát cánh cùng nhau. Hải, Lục, Không Quân. Các anh chưa ngừng chiến đấu !

VỚI CÁC ANH, CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN !!!

Đơn giản chỉ có thế. Còn hơi thở, còn đấu tranh. Còn con tim, còn tiếp tục lên đường. Vì với các anh, TỔ QUỐC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM vẫn còn đó.

Nực cười là vẫn có người loạn ngôn, bảo rằng các anh, bao nhiêu năm nay, không đóng góp gì cho cộng đồng. Mà phải chi từ một đồng hương bình thường thì còn có thể cho rằng họ không theo dõi sát với các sinh hoạt cộng đồng nên không nắm vững vấn đề. Đàng này, câu nói được người đại diện của cộng đồng. Chẳng những phát ngôn mà còn vìết trên Thông Cáo, giấy trắng mực đen. Chẳng những vào một ngày bình thưòng nào khác trong năm. Mà lại ngay ngày mồng Một Tết Nguyên Đán ! Hết ý !

Thôi, lại sắp sửa lạc đề. Đang viết về đoàn diễn hành của Hội CQN/QLVNCH/Qld trong ngày ANZAC 2010 cơ mà !

Ơ mà sao trong đó lại có bóng dáng của hai, ba người Úc vậy nhỉ? Mà hình như đâu có phải ai xa lạ đâu. Phu quân của một cô xướng ngôn viên trong ban phát thanh 4EB đó thôi. Phải chạy lại hỏi thăm vài câu mới được.

Hello, mate ! How are you ?”

I’m good, thanks

Why are you marching with us today ?”

Well, we fought together, didn’t we ?”

Trời, ngắn gọn mà sao xúc tích, đầy đủ vô cùng. Phải rồi, các anh đã cùng chiến đấu với chúng tôi. Các anh cũng đã từng đổ máu xương cho quê hương chúng tôi. Chúng ta là Đồng Minh. Trong quá khứ đã thế. Trong tương lai cũng vẫn sẽ mãi mãi là như thế. Cho nên, tôi đã đáp lời anh:

“Yes. It’s true. We fought together. And we are still fighting together. Forever. Thank you mate

Trên trời, nắng đã lên cao. Rực rỡ. Như ngày mai của Việt Nam chắc chắn cũng sẽ như thế ! Cám ơn các anh. Đã cho tôi, và nhiều người khác, một niềm tin rạng ngời !

HƯNG VIỆT

(Viết xong 27/4/2010)


Posted in Hình ảnh SHCĐ, Tin tức SHCĐ | Leave a Comment »

The Driving Force

Posted by hungvietbrisbane on 18/09/2010

Posted in Police Liaison Committee | Leave a Comment »

The Committee pic #3

Posted by hungvietbrisbane on 18/09/2010

Posted in Police Liaison Committee | Leave a Comment »

The Committee pic #2

Posted by hungvietbrisbane on 18/09/2010

Posted in Police Liaison Committee | Leave a Comment »

The Committee

Posted by hungvietbrisbane on 18/09/2010

Posted in Police Liaison Committee | Leave a Comment »