Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for the ‘Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011)’ Category

* LỤT Ở TOOWOOMBA 10/1/2011: NHỮNG LỜI SAU CÙNG CỦA MẸ CON BÀ DONNA & JORDAN RICE

Posted by hungvietbrisbane on 21/04/2011

LỤT Ở TOOWOOMBA 10/1/2011:
NHỮNG LỜI SAU CÙNG CỦA MẸ CON BÀ DONNA & JORDAN RICE

Từ chiều hôm qua, thứ Ba 19/4/2011, đến nay, và có lẽ còn kéo dài thêm vài ngày nữa, những lời đối đáp của hai cú điện thoại đặc biệt đã trở thành đề tài gây nhiều bàn tán và tranh luận trên các chương trình phát thanh hội thoại (talkback programs), trên các trang websites của các nhật báo cũng như giữa dân chúng ở Brisbane, Toowoomba và có lẽ ở nhiều nơi khác.

Đó là 2 cú điện thoại khẩn cấp mà mẹ con bà Donna và Jordan Rice đã gọi đến số 000 khi xe của họ bị lâm nạn trong “trận sóng thần nội địa (inland tsunami)” đã càn quét thị xã Toowoomba vào ngày 10/1/2011 đầu năm nay.

Trong một bài viết vừa rồi “LỤT Ở TOOWOOMBA 10/1/2011:KHÔNG ! CON PHẢI SỐNG !

(xem link https://hungvietbrisbane.wordpress.com/2011/04/14/l%e1%bb%a5t-%e1%bb%9f-toowoomba-1012011-khong-con-ph%e1%ba%a3i-s%e1%bb%91ng/),

chúng tôi đã ghi lại lời tường trình của nhân chứng Christopher Skehan, người đã cố gắng cứu mạng sống 3 mẹ con bà Donna Rice nhưng cuối cùng chỉ cậu con trai út Blake thoát hiểm. Lời khai này của ông Skehan đã được nộp cho Ủy Ban Điều Tra về Trận Lụt 2011, bắt đầu nhóm họp ỏ Brisbane vào tuần rồi.


Hai ngày vừa qua, thứ Hai 18 và thứ Ba 19/4, Ủy Ban đến họp ở Toowoomba. Và chiều ngày hôm qua, Ủy Ban cùng những người có mặt trong phòng họp đã được cho nghe lại phần ghi âm của những lời kêu cứu sau cùng của mẹ con bà Rice.

Chúng tôi xin chuyển ngữ biên bản của 2 cú điện thoại đó để quý vị tường và thẩm định trước. Ở phần sau, chúng tôi sẽ trình bày những cảm nghĩ và nhận định của chúng tôi.

*** Cú điện thoại #1: Bà Donna Rice gọi lúc 1:50pm, reng 28 lần mới được trả lời (mất 70 giây), người trả lời là Senior Constable Jason Wheeler và cuộc điện đàm kéo dài 2 phút 10 giây như sau: ***

Di ảnh bà Donna Rice

Jason Wheeler: Số Khẩn cấp của Cảnh Sát đây. Quý vị đang ở đâu ?

Donna Rice: Tôi đang ở góc đường James và Kitchener.

JW: Đường có bị ngập nước không ?

DR: Có. Tôi bị kẹt và nước sắp sửa đến cửa xe rồi.

JW: Yep, bà bị kẹt hả ?

DR: Phải, kẹt lắm.

JW: Tại sao bà lại lái xe qua chỗ nước lụt cho bị kẹt như vậy ?

DR: Phải, chúng tôi đang bị kẹt.

JW: Tại sao bà lại lái xe qua chỗ nước lụt như vậy ?

DR: Bởi vì khi chúng tôi lái qua thì nó chưa bị lụt.

JW: À, bà muốn nói là chỉ trong 1 giây đồng hồ, nước bỗng dưng dâng lên hả ?

DR: Mà hồi nảy nó không tệ như bây giờ.

JW: Bà tên gì ?

DR: Donna Rice.

JW: Ai ?

DR: Rice. R-I-C-E

JW: R-I-C-H-E hả ?

DR: R-I-C-E

JW: Rồi, còn tên gọi (first name)?

DR: (Nghe không rõ)

JW: Tên gọi của bà là gì ?

DR: Donna.

JW: Bà đang ở đâu trên đường Kitchener ?

DR: À, James, tôi nghĩ là góc đường James và Kitchener

JW: Số điện thoại của bà ở đó là gì ?

DR: Umm, oh, tôi không biết nữa. Tôi chỉ có điện thoại di động.

JW: Rồi, có thể phải một lát nữa cảnh sát mới tới được OK?

DR: Ah, ông có thể gọi một cái xe câu (tow truck) cho tôi được không ?

JW: Bà có thể tự gọi lấy, hiện nay, chúng tôi đang có hàng triệu cú điện thoại đang gọi vào.

DR: Tôi không có đủ tiền để gọi họ.

JW: Phải gọi bằng điện thoại. Xe của bà hiệu gì ?

DR: Um, Mercedes-Benz

JW: Bà đã không nên lái xe qua vùng bị lụt như thế OK?

DR: Tôi biết. Hiện có chừng 10 người như chúng tôi.

JW: Yeah, no, điều đó không thành vấn đề, con đường đó bị lụt. Bye

DR: Bye

*** Cú điện thoại #2: Jordan Rice gọi lúc 1:57pm, cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 phút như sau: ***

Operator: Sở Cứu Hỏa và Cứu Nguy của Qld. Quý vị đang ở đâu ?

Jordan Rice: Sở Cứu Hỏa, Sở Cứu Hỏa.

Op: Sở Cứu Hỏa đây. Anh đang ở đâu ?

JR: (Nói với 1 người khác) Oi, mình đang ở đâu ? (1 người khác nói “Eh ?”)

Op: Bình tĩnh lại và cho tôi biết anh đang ở đâu ?

JR: Không. Chúng tôi bị kẹt, chúng tôi bị kẹt ! Nhanh lên !

Op: Anh đang ở đâu ? Nếu anh không thể cho tôi biết thì tôi không thể giúp anh.

JR: (1 người khác ở phía sau nói “Kitchener và James”) Kitchener và James

Op: Và vấn đề ở đó là gì ?

JR: Eh ?

Op: Anh đang ở trong xe hả ?

JR: Mercedes. Chúng tôi gần chết chìm rồi. Làm ơn nhanh gấp lên.

(Giọng phụ nữ ở phia sau ” Oh f ***, nước vô tới (nghe không rõ). Leo lên nóc xe đi.

Op: OK, tôi sẽ cho người tới anh ngay.

JR: Làm ơn gấp lên !

LỜI BÀN CỦA NGƯỜI VIẾT:

Bàn về cuộc điện đàm thứ nhì, chúng tôi thiển nghĩ viên cảnh sát túc trực điện thoại này đã thi hành trách nhiệm một cách đứng đắn, không có gì đáng phàn nàn cả. Ông ta đã cố gắng trấn an cậu Jordan Rice nên giữ bình tĩnh để giúp cung cấp cho ông ta đầy đủ chi tiết trước khi hứa hẹn sẽ gởi người đến cứu nguy NGAY LẬP TỨC.

Chỉ có những câu trả lời của viên cảnh sát Jason Wheeler với bà Donna Rice mới là đề tài để bàn cải.

Ông Wheeler đã tự biện hộ trước Ủy ban Điều Tra là ông ta đã có thái độ thong dong như vậy vì “giọng nói của bà Rice rất bình tĩnh, không có gì là khẩn cấp”. Không lẽ ông Wheeler không hiểu rằng thông thường, người ta chỉ gọi “ba số Không 000″ khi họ lâm vào tình trạng nguy khốn, khẩn cấp, tính mạng có thể đang bị đe dọa ?

Ông Wheeler “giảng moral” bà Rice không phải 1 lần, không phải 2 lần mà là 3 lần rằng bà “không nên lái xe qua chỗ bị nước lụt”. Đó là chuyển ngữ theo sát nghĩa của câu tiếng Anh. Nhưng nếu hiểu ngầm thi câu nói của ông Wheeler còn ngụ ý “Ai biểu bà lái qua chỗ nước lụt làm chi ?”.

Hiểu theo nghĩa nào đi nữa và tuy chấp nhận rằng làm cảnh sát thì cần phải khuyến cáo dân chúng không nên tự lâm vào những hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng câu nói đó thiếu tế nhị và không cần thiết trong giai đoạn mà người kêu cứu đang lâm vào cảnh thập tử nhứt sinh, nhất là còn lập đi lập lại đến 3 lần.

Ngoài ra khi bà Rice giải thích rằng lúc bà lái xe đến đoạn đường đó ” …thì nó chưa bị lụt…”, ông cảnh sát Jason Wheeler còn hỏi “mắc mỏ” bà ta rằng ” …bà muốn nói là chỉ trong 1 giây đồng hồ, nước bỗng dưng dâng lên hả ?“.

Ông ta có biết rằng đó CÓ THỂ LÀ ĐIỀU ĐÃ XẢY RA VÌ NƯỚC ĐÃ TRÀN NGẬP TỪ TRÊN CAO XUÔNG THUNG LŨNG LOCKYER VÀ THỊ XÃ TOOWOOMBA TRONG TÍCH TẮC ĐỒNG HỒ?

Mà cho dù không phải đi nữa thì đó cũng KHÔNG phải là giờ phút tranh luận hơn thua với người đang cầu cứu sự giúp đỡ KHẨN CẤP của mình.

Chúng ta đón chờ xem Ủy ban Điều Tra sẽ quyết định – hay có điều khuyến cáo – ra sao về riêng câu chuyện này trong một mùa Hè đau thương và tang tóc của tiểu bang Queensland.***

HƯNG VIỆT (Brisbane)
(20/4/2011)

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , , , , , | Leave a Comment »

* LỤT Ở TOOWOOMBA 10/1/2011: “KHÔNG ! CON PHẢI SỐNG !”

Posted by hungvietbrisbane on 14/04/2011

LỤT Ở TOOWOOMBA 10/1/2011:
“KHÔNG ! CON PHẢI SỐNG !”

Đa số chúng ta đều biết, hay đã nghe nói hoặc đã đọc qua, về trận lụt của thế kỷ ở tiểu bang Queensland vào đầu năm nay. Ngày thứ Ba 11/1, nước tràn ngập thủ phủ Brisbane mãi đến 48 tiếng đồng hồ sau mới bắt đầu đứng yên và từ từ rút.

Nhưng 1 ngày trước đó, vào trưa thứ Hai 10/1, nước lụt bất ngờ ập xuống thị xã Toowoomba cách Brisbane khoảng 130 cây số về hướng Tây. Hàng ngàn nhà cửa bị thiệt hại và 22 người bị tử vong.

Hai trong số 22 người xấu số đó, bà Donna Rice và con trai giữa của bà là Jordan, đã được đề cập đến rất nhiều trên báo chí, truyền hình vì họ đã kêu những người đến cứu nguy hãy cứu cậu con trai út Blake trước nhứt. Than ôi, sau đó, sợi dây bố bị đứt và bà Donna cùng cậu Jordan đã bị cuốn trôi theo giòng nước lũ.

Di ảnh bà Donna Rice

Blake Rice đặt hoa lên quan tài của Mẹ (Donna) và của Anh (Jordan – hình ở góc trái)

Quan tài của Jordan được đặt trên quan tài của bà Donna Rice, như biểu tượng là hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau nữa

Hôm qua, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Điều Tra về Trận Lụt 1/2011, ông Christopher Skehan, người đã cứu cậu Blake Rice, đã thuật lại những giây phút đau lòng đó.

Đọc xong, chúng ta không khỏi chạnh lòng nhớ đến truyện ngắn “Anh Phải Sống” của nhà văn Khái Hưng, tả cảnh thương tâm của hai vợ chồng nghèo Thức và Lạc phải đi vớt củi trôi sông để kiếm sống. Chẳng may gặp ngày mưa dông, nước lũ làm chìm ghe, chị Lạc đã buông người để anh Thức có thể nhẹ tay mà bơi vào bờ để nuôi ba đứa con nhỏ.

Ai đã đọc qua truyện ngắn đó cũng đều nhớ đến câu văn bất hủ của nhà văn Khái Hưng, qua lời chị Lạc “… Thằng Bò ! Cái Nhớn ! Cái Bé ! Không, anh phải sống !.
Câu chuyện ở Toowoomba cũng thương tâm một cách tương tự với câu nói của bà Donna Rice “TAKE BLAKE FIRST !” ( Hãy cứu thằng Blake trước !) như lời trối trăn sau cùng !

Và trong trường thiên vượt biển của thuyền nhân Việt Nam, tôi tin chắc là có hàng trăm, hàng ngàn chị Lạc, hàng trăm, hàng ngàn bà Donna Rice, đã hy sinh để cho chồng, cho con được sống để đến bến bờ Tự Do.

Kính mời quý vị theo dõi phần chuyển ngữ phần tường trình của nhân chứng Christopher Skehan như sau:

“ … Tôi cột sợi dây bố chung quanh người tôi và lội nước đi đến chiếc xe. Tôi có thể cảm nhận được là giòng nước đang đập vào chân tôi rất mạnh và nó đang chảy xiết. Lúc đó, nước lên đến đầu gối của tôi.

Khi tôi đến gần chiếc xe, cửa sau phía bên tài xế mở nên tôi chụp lấy nó.

Tôi tháo sợi dây bố và cột nó vào cạnh của chiếc xe phía sau tài xế. Tôi nhìn ngược trở lại và nói với mấy người ở chỗ cột đèn là hãy cột sợi dây vào trụ đèn.

Lúc này thì người đàn bà đang đứng trên thành cửa tài xế với cánh cửa đang mở. Có một cậu con trai khoảng 13, 14 tuổi, đang đứng trên thành cửa phía sau tài xế.

Tôi không thể nghe được rõ những gì ai nói với tôi vì tiếng mưa rơi và tiếng nước chảy, tuy nhiên, tôi nghe tiếng người đàn bà la lớn, như là “Cứu thằng Blake trước đi !

Tôi bèn chun dưới sợi dây bố để đến gần cửa tài xế. Lúc đó, một cậu bé trai khác độ 9, 10 tuổi đến cửa tài xế nơi tôi đang đứng và tôi cỏng nó lên lưng. Tôi bắt đầu đi hàng ngang để tiến về phía cột đèn…. Lúc đó tôi có thể cảm nhận là nước đang đập vào người tôi mạnh hơn lúc trước.

(Trao đứa bé cho những người khác xong …) Tôi đi dần trở lại chiếc xe lần thứ hai, lúc đó cậu trai kia đã leo lên nóc xe. Khi tôi đến nơi, nó gần như nhảy chồm lên lưng tôi. Tôi nhớ nó la lên “Cứu tôi !”.

Tôi bảo nó là tôi không thể cỏng nó được vì chính tôi cũng rất khó khăn mới lội qua được đến đó. Tôi ngừng một lát để suy nghĩ xem phải làm gì và cũng không biết rõ là nước đang dâng lên hay không nữa.

Tôi nhớ người đàn bà nói bà muốn tự đu dây để đi vào nhưng tôi nói không được đâu vì chính tôi cũng đã gặp khó khăn lội ra.

Bất thình lình, tôi cảm thấy chiếc xe bắt đầu chuyển động và sợi dây thừng căng thẳng hơn lên. Tôi đang bám vào chiếc xe. Nó tiếp tục di chuyển và sợi dây bị đứt. Cả ba người chúng tôi đều đang bám vào chiếc xe khi nó trôi về hướng cột đèn. Khi gần đến đó, tôi la to là hãy bám lấy nó (cột đèn). Tôi nhớ là cậu con trai và tôi cùng nhảy tới để chụp lấy nó, cậu ta thì nhảy từ nóc xe còn tôi thì nhảy từ bonnet. Nhưng trước khi chúng tôi chụp được cột đèn thì nó đã bị chiếc xe ủi xập.

Lúc chiếc xe đang bị rung chuyển, cậu bé bị hất văng khỏi nóc xe, lọt xuống giòng nước lũ. Tôi không biết là bằng cách nào nhưng người đàn bà cũng đang ở giữa giòng nước phía sau chiếc xe và chụp được cậu bé. Họ cách tôi chừng 3 mét và không còn bám vào chiếc xe nữa. Nó đang trôi về phỉa giữa East Creek.

Tôi cố gắng đứng dậy và lội đến một cột đèn để bám lấy nó. Tôi nhìn theo giòng nước và thấy người đàn bà cùng cậu con trai đứng dậy để lết đến một cột đèn khác để bám vào.

Tôi có thể cảm thấy mực nước càng lúc càng dâng cao hơn và chảy càng lúc càng mạnh hơn.

Rồi tôi bỗng thấy ngưòi đàn bà tuột tay và bị nước cuốn đi. Tôi thấy đầu bà ta va vào một thân cây có mấy cái cành nhô ra. Bà ta mất dạng dưới cái cây đó và tôi không thấy bà ta nữa. Gần như là ngay sau đó, cậu bé cũng tuột tay và bị giòng nước cuốn đi. Tôi cũng không còn thấy cậu ta nữa (theo báo Courier-Mail, 14/4/2011)…”

HƯNG VIỆT (Brisbane)
14/4/2011

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , , , , , | 1 Comment »

NẠN NHÂN BÃO YASI CÓ THỂ XIN CẤP TÀI TRỢ

Posted by hungvietbrisbane on 21/02/2011

Xin Quỹ Cứu Trợ Thiên Tai của Thủ Hiến Tài Trợ
Vietnamese

Xin vào trang mạng http://www.qld.gov.au/cyclone để xem bản Anh ngữ của Thông Cáo này.

Giờ đây cư dân bị Bão Lốc Nhiệt Đới Yasi ảnh hưởng có thể xin cấp khoản tài trợ.

Nếu được thẩm định là hội đủ điều kiện, quý vị sẽ được cấp:
 2.000 đô-la mỗi người lớn (từ 18 tuổi trở lên)
* 1.000 đô-la mỗi đứa con còn phụ thuộc (dưới 18 tuổi)

Để hội đủ điều kiện được hưởng khoản tài trợ vì bị Bão Lốc Nhiệt Đới Yasi ảnh hưởng:

* Bão Lốc này phải ảnh hưởng tới nơi cư ngụ chính của quý vị; và
* những nơi sinh hoạt trong căn nhà của quý vị phải bị bão lốc gây hư hại khiến quý vị không thể tiếp tục ở trong căn nhà đó nữa. Căn nhà của quý vị sẽ được xem là không thể cư ngụ trong đó nữa nếu bị từ một điều sau đây trở lên:
- mái bị hư hại một phần hoặc toàn bộ
– tường/vách hay các cửa bị hủy hoại
– sàn, trần hay tường/vách bị hủy hoại
– cầu thang hay dốc thoải bên ngoài bị hủy hoại khiến quý vị không có lối vào nhà
– sàn bị ngập nước ở những nơi sinh hoạt vì bão lốc.

Muốn xin hưởng khoản tài trợ, xin quý vị điền và nộp đơn có tại trang mạng http://www.qld.gov.au/cyclone.

Hạn chót để nộp đơn là ngày 30 tháng Tư năm 2011.

Nếu không thể tải đơn về máy vi tính hoặc cần biết thêm thông tin, xin tới Community Recovery Centre (Trung Tâm Phục Hồi Cộng Đồng) trong vùng quý vị cư ngụ hay gọi số 180 22 66.
Xin Quỹ Cứu Trợ Thiên Tai của Thủ Hiến Tài Trợ

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , | Leave a Comment »

[Lụt Brisbane] P/vấn 2 nạn nhân và 1 thiện nguyện viên người Việt

Posted by hungvietbrisbane on 09/02/2011

Kính mời quý vị bấm vào 3 links dưới đây để nghe 3 cuộc phỏng vấn đặc biệt do chúng tôi thực hiện cho chương trình Việt ngữ đài 4EB-FM (Brisbane), liên quan đến cơn đại lụt trong tháng Giêng vừa qua ở thành phố chúng tôi.

(1) Links 1 & 2 là 2 câu chuyện rất thương tâm của 2 nạn nhân người Việt đồng hương.

…  (Anh CKN)

…  (Anh CS)

Nhà anh CS sau khi nước lụt rút đi

Anh CS (trái) và bạn là LMT trong ngày Community CleanUp 15/1/2011

(2) Link thứ 3 là cuộc nói chuyện với 1 thiện nguyện viên người Việt, vào cuối tuần 15 & 16/1/2011, đã góp sức vào việc dọn dẹp các khu vực bị tàn phá .

(Anh BN)

Trần hưng Việt
(Đài 4EB – Brisbane)

Posted in Bài vở 4EB, Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011), Phát thanh 4EB | Tagged: , , , | Leave a Comment »

[LỤT QUEENSLAND] “THUẾ LỤT (FLOOD LEVY)”: LÃNH TỤ ĐỐI LẬP TONY ABBOTT LÚN SÌNH

Posted by hungvietbrisbane on 07/02/2011

[LT QUEENSLAND]  “THU LT (FLOOD LEVY)”: LÃNH T ĐI LP TONY ABBOTT LÚN SÌNH

Đối với một người cầm bút, có lẽ không có điều chi thỏa mãn cho bằng khi thấy những nhận định của mình được số đông đồng ý.

Cách đây mấy ngày, khi tôi viết bài  “Thuế Lt (Flood Levy): Ti Sao Ta Nên ng H ?”, thật sự tôi cũng không biết quan điểm của mình sẽ chịu số phận hẩm hiu là thuộc vào phe thiểu số hay không ? Nhưng tôi vẫn viết xuống, vì thứ nhứt, đó là vần đề lương tâm (matter of conscience), nghĩ sao thi phải giãi bày như vậy, và thứ hai, tôi vẫn tin tưởng vào lòng nhân bản của người dân Úc, không thể nào vì quyền lợi hay tranh chấp chính trị mà bỏ rơi đồng bào của họ.

Sáng nay, thứ Hai 7/2/2011, nhật báo The Australian đăng trên trang nhứt kết quả của cuộc Thăm Dò Ý Kiến Newspoll đầu tiên trong năm 2011, cho thấy 55% dân chúng Úc ng h Thuế Lt và 41% phn đi.

Chắc chắn có nhiều vị đã nhận ngay ra được tính cách trớ trêu của sự kiện kết quả cuộc thăm dò trên lại do nhựt báo The Australian loan tải, Bởi cũng chính nhựt báo này đã chạy một dòng tít thật lớn “PM We Are Not Happy .. We Have Done Our Bit” khi bà Thủ Tướng Julia Gillard công bố về dự luật cho sắc thuế mới nói trên.

Vậy thì những ai ủng hộ chuyện đóng thêm thuế để cứu giúp nạn nhân thiên tai, bão lụt ? Theo Newspoll, 58 % s c tri tr tui và 57% s c tri ph n đã đồng ý với bà Gillard. Một điểm đáng chú ý là vì sự kiện liên quan đến tiểu bang Queensland nên riêng lần này, cơ quan nghiên cứu Newspoll đã phỏng vấn ít cư dân ở tiểu bang nắng ấm hơn lệ thường để tránh trường hợp “các lá phiếu định kiến” có thể xảy ra.

Dỉ nhiên, người bị thiệt hại nhiều nhứt với kết quả của cuộc thăm dò ý kiến nêu trên là ông Tony Abbott, lãnh tụ đối lập liên bang, người cương quyết chống lại “Thuế Lụt”.

Trong bài trước, chúng tôi đã trình bày 2 lý do ông Abbott đã viện dẫn cho sự chống đối này. Thứ nhứt, chính phủ có thể dùng ngân khoản cho đề án NBN (National Broadband Network) vào công tác cứu lụt. Thứ hai, ngân sách của chính phủ đang thăng dư, sao không dùng một phần số tiền đó ?

Trong những ngày qua, các lý do nói trên đã lần lần được chứng minh là không có căn bản vững chắc.

Trong khi ông Abbott và các cố vấn chưa tìm ra được một đề mục nào trong ngân sách để có thể tiết kiệm và chuyển qua cho chuyện cứu lụt thì một cơn “cuồng phong” (nói theo nghĩa bóng) đã thổi qua khiến uy tín của phe đối lập về chuyện “Thuế Lụt” ngã gục như những hàng dừa ở phía Bắc Queensland sau chuyến viếng thăm của Yasi.

Cơn bão chính trị đó xuất phát từ chính văn phòng ông Abbott dưới dạng một bức email mang tên “My Liberal Update” do chính ông Tony Abbott ký tên, kêu gọi dân chúng phải chống đối đến cùng cái Thuế Lụt này. (xin xem ở cuối bày)

Điều này không có gì sai, ông Abbott và đồng sự có toàn quyền làm chuyện đó. Thế nhưng, ở cuối bức thư lại có câu tái bút oan nghiệt:

PS. Click to donate to help our campaign against Labor’s flood tax”.

Mt bc thư chng đi vic đóng thuế, giúp nn lt đ sau cùng, li kêu gi đóng góp cho qu ca liên đng T Do / Quc Gia !!  Th nghĩ, trong khi hàng chc ngàn nn nhân đang vt v, ct lc đ tái dng li cuc sng thì mt v Lãnh t Đi lp, người mun tr thành Th Tướng ca quc gia này trong tương lai, li gi đi mt bc thư kêu gi “Đng giúp đ h chi hết. Hãy b tin vào qu ca chúng tôi đây !”.

Người dễ dãi nhứt cũng phải cho là tác giả bức thư “thiếu tế nhị”. Người khắt khe hơn thì phê bình đây là một hành động ích kỷ. Các bình luận gia chính trị thì được một phen tha hồ múa bút, ôm micro.

Người viết bài được xem chương trình thời sự (current affairs) INSIDERS trên đài truyền hình ABC vào ngày hôm qua, Chủ Nhựt 6/2/2011, trong đó người điều khiển chương trình Barry Cassidy đã “quay” ông Tony Abbott về điểm này, khiến ông Abbott chỉ có thể trả lời lòng vòng để lẫn tránh sự chất vấn đó. Nhưng có một sự thật mà ông Abbott không chối cãi được là bức thư đó do ông ký tên nên trách nhiệm sau cùng vẫn sẽ phải là của Tony Abbott.

(Xin mở du ngoc là nếu có đc gi nào thích theo dõi các vn đ thi s ca nước Úc thì INSIDERS trên đài ABC-TV là mt trong nhng chương trình cân bng, có giá tr vi s góp mt ca các cây bút và bình lun gia chính trường ni tiếng).

Ngày mai, thứ Ba 8/2/2011, Quốc hội Liên bang nước Úc sẽ tái nhóm ở Canberra. Người ta đang đón chờ để được xem những màn tấn công, phòng thủ và phản công đầy ngoạn mục của cả đôi bên.

HƯNG VIT

(7/2/2011)

Phụ Chú: Email Kêu Gọi Đừng Đóng “Thuế Lụt” Nhưng Hãy Đóng Cho Đảng Liberal.

My Liberal Update

We can do better than Labor’s flood tax

The devastation wrecked by the floods across our nation brought out the best of the Australian character.

Family, friends, neighbours and countless benefactors have displayed enormous generosity towards their fellow Australians in trouble.

The task now ahead is to repair and rebuild.

The Coalition is committed to doing everything necessary to get the infrastructure of Queensland, northern NSW and northern Victoria operational again. But we disagree with the Government on how to pay for it.

We believe the costs for repairing and rebuilding infrastructure damaged and destroyed by the floods should come from Budget savings, not from a new tax.

Julia Gillard is trying to pitch her proposed flood tax as a “mateship” tax, but mateship is about helping people, not taxing them.

Only a Prime Minister who is out of her depth would seek to exploit people’s generosity to flood victims to try to win acceptance for yet another new tax. Australian families and businesses should not have to endure yet another new tax on top of the mining tax and the carbon tax that the Gillard Government intends to introduce in 2011.

There is a world of difference between a levy to fund unavoidable extra spending when there is no fat in the Budget and the Gillard Government’s latest raid on people’s wallets.

Julia Gillard oversees a $350 billion national budget. It defies credibility to deny that an extra $1.8 billion in savings cannot be identified in an annual budget of that magnitude.

Projects such as the National Broadband Network could easily be deferred. If it was our decision, it would be scrapped and the taxpayer saved billions of dollars in more government debt. The Government still hasn’t spent around $15 billion of its stimulus money, and there is about $2 billion uncommitted in various funds such as the Building Australia Fund.

The Coalition has offered to sit down with the Prime Minister in the spirit of bipartisanship and in the national interest to come up with the additional $1.8 billion in savings needed to pay what’s necessary without the new tax. Hardworking Australians, struggling to meet their own family budgets, deserve nothing less.

 

Tony Abbott
Leader of the Opposition

 

PS. Click to donate to help our campaign against Labor’s flood tax

Click to read my address to the 2011 Federal Young Liberal Convention

 

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011), Chính Trị, Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , | Leave a Comment »

[LỤT QUEENSLAND] MỘT BÓ HOA HỒNG CHO THỦ HIẾN ANNA BLIGH

Posted by hungvietbrisbane on 06/02/2011

[LỤT QLD] MỘT BÓ HOA HỒNG CHO THỦ HIẾN ANNA BLIGH

Như rất nhiều người khác, cách đây 2 tháng, tôi đã từng lo ngại cho tương lai chính trị của bà Anna Bligh trong chức vụ Thủ Hiến của tiểu bang Queensland. Tôi đã từng có dịp chia sẻ trong vòng bạn bè, thân hữu là khác với vị tiền nhiệm là ông Peter Beattie, bà Bligh không toát ra ngoài được một sự nồng ấm và thân thiện để phá vỡ cái hàng rào tinh thần ngăn cách giữa bà và dân chúng.

Buổi Tiếp Tân kỷ niệm 30 Năm người Việt định cư tại Qld (2005) –

Thủ Hiến, Phó Thủ Hiến và Bộ Trưởng Đa Văn Hóa Sự Vụ cùng Ban Chấp Hành CĐNVTD Qld

Từ trái: Nguyễn văn Ẩn (UV), Đỗ Quang Phục (PCT Ngoại vụ), Anna Bligh (Phó Thủ Hiến), Nguyễn thị Bạch Phượng (PCT Nội Vụ), Peter Beattie (Thủ Hiến), Trần hưng Việt (Chủ Tịch), Chris Cummins (Bộ Trưởng Đa Văn  Hóa), Trần kim Ẻm (UV), Đỗ Mỹ Linh (Tổng Thư Ký),  Lê minh Tuấn (UV)

Nhưng tai hại nhứt là quyết định của chính phủ Lao Động do bà lãnh đạo về việc bán đi một số các tài sản của tiểu bang. Quyết định này đã dẫn đến các cuộc biểu tình liên tục, ngay cả những buổi lãng công, đình công, trên khắp tiểu bang. Và dỉ nhiên, đảng đối lập đã khái thác triệt để yếu điểm này.

Thế nhưng, các trận lụt tháng Giêng 2011 ở Queensland đã thay đổi cục diện. Người ta đã nhìn thấy một Anna Bligh khác. Một Anna Bligh trầm tĩnh để giải quyết vấn đề trong cơn nguy biến. Một Anna Bligh lãnh tụ, bố trí các công tác di tản và cứu cấp dân chúng đang lâm nạn. Nhưng quan trọng hơn thế, một Anna Bligh “con người” (human) với những cảm xúc được bộc lộ một cách công khai mà người ta chưa bao giờ thấy trước đây.

Giữa một trong hàng trăm cuộc họp báo mà bà đã thực hiện, nếu tôi nhớ không lầm là sau cơn vỡ đê chết người giữa trưa ngày thứ Hai 10/1 ở Toowoomba, bà Bligh đã không ngăn được dòng nước mắt. Thông thường, tôi là một người thường có óc hoài nghi (cynical) về những màn khóc lóc của các chính trị gia mà tôi cho là đầy kịch tính để kiếm phiếu. Nhưng hôm đó, tôi đã xúc động. Thực sự xúc động cùng với bà. Có lẽ bởi vì thảm kịch đó quá “thực” (real), quá cận kề (close to home) mà ta có thể cảm được, có thể hiểu được.

Thumbnail image for video asset.

Bà Thủ Hiến Anna Bligh rơi lệ trong cuộc họp báo

Ngay cả những thước phim trong các bản tin trên các đài truyền hình với bà Thủ Hiến ngồi trên trực thăng để thị sát các vùng bị tàn phá, tôi cũng có cảm nghĩ bà đang thực sự quan sát để biết vùng nào bị thiệt hại đến đâu, chứ không phải những chuyến “trực thăng hành” thông thường của các chính trị gia mà giới truyền thông gọi là “cơ hội chụp ảnh / quay phim” (photo ops).

Trong một cuộc thăm dò ý kiến trên nhựt báo Sydney Morning Herald ngày 13/1/2011, câu hỏi được đặt ra với đọc giả là ” How do you rate Queensland Premier Anna Bligh’s leadership during the flood crisis?” “Quý vị chấm điểm về sự lãnh đạo của bà Thủ Hiến Qld Anna Bligh ra sao trong vụ lụt vừa qua ?”,

2% trả lời “Tệ (Poor),  3% cho biết “Được (Satisfactory), 12% trả lời “Tốt (Good)” và  83% chấm “Xuất Sắc (Outstanding)”.

Theo tôi, sự thành công của bà Anna Bligh trong việc thu phục (lại) cảm tình của dân chúng trong những ngày vừa qua một phần cũng nhờ vào những chính trị gia khác, hay nói đúng hơn là nhờ vào sự kém cỏi của họ. Lãnh tụ đối lập John Paul-Langbrook gần như vắng bóng, ngoại trừ đôi lần xuất hiện để chất vấn về việc tháo nước ra khỏi đập Wivenhoe.

Tương tự, ông Tony Abbott, lãnh tụ đối lập Liên bang, cũng chỉ lên tiếng để phản đối dự luật “Thuế Lụt” (Flood Levy) mà chính phủ Lao Động sắp sửa đem ra thảo luận khi Quốc hội Liên bang tái nhóm trong tháng này.

Ngay cả người lãnh đạo cao cấp nhứt của đảng Lao Động là bà Thủ Tướng Julia Gillard cũng không toát ra được sự đau xót hay thương cảm trước cảnh hoạn nạn của người dân bị nạn. Có lẽ các vị cố vấn của bà đã sai lầm khi đề nghị bà hãy luôn tươi cười khi tiếp xúc với đám đông, trong khi dân chúng không cảm thấy có điều chi đáng vui mừng trong những thảm kịch vừa qua hết.

Trong bài báo của Claire Harvey đăng trên báo Sunday Mail, xuất bản ở Brisbane ngày hôm nay Chủ Nhựt 6/2/2011, bà Anna Bligh cho biết bà cảm thấy nổi gai ốc khi thuật lại về cao điểm của cơn lụt vào ngày 10/1; về những vụ cứu người từ các dòng nước lũ ở Toowoomba; về các phi vụ trực thăng cứu người về đêm; về những người mất tích, những người thiệt mạng.

Lúc đó, bà quyết định là thay vì giả vờ như bà thấu hiểu mọi chuyện, bà sẽ bắt đầu chia sẻ một cách thẳng thắn và thành thực với dân chúng những gì bà biết được bằng những cuộc họp báo liên tục. Bà nói:

Đó là một lằn ranh rất tế nhị. Chúng ta không muốn làm thiên hạ hoảng sợ nhưng trừ khi chúng ta cho mọi người biết tình hình nghiêm trọng của vấn đề, cái tâm lý thông thường của dân Úc “Mọi chuyện rồi sẽ OK” “She’ll be alright mate” sẽ lấn át mọi chuyện”.

Bà thổ lộ rằng tuy không còn theo đạo Công giáo nữa nhưng tối hôm đó, bà đã nguyện cầu “Tôi không cầu nguyện theo nghĩa thông thường của hai chữ đó, nhưng trong chúng ta có cái phần nhân bản, chúng ta kêu gọi vào niềm hy vọng, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Một lòng tin nào đó, là vận may sẽ đến (the stars will align)”.

Những quyết định cùng những hành động của bà Anna Bligh có thay đổi được ý kiến của dân chúng Queensland hay không, có cứu vãn được sự nghiệp chính trị của bà hay không, người ta phải chờ đến đầu năm sau 2012 mới có thể biết được vì lúc đó mới có cuộc bầu cử Quốc Hội Queensland. Nhưng một điều chắc chắn là bà Bligh đã thay đổi được cái nhìn của rất nhiều cử tri, trong đó có người viết bài này, về con người của bà. ***

 

Thủ Hiến Anna Bligh và tác giả (2009)

HƯNG VIỆT

(6/2/2011)

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011), Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , , , | Leave a Comment »

[LỤT QUEENSLAND]: Đài LIÊN ĐOÀN CỬ TRI (Bắc Cali) p/vấn Trưỏng Ban Việt ngữ 4EB (Brisbane)

Posted by hungvietbrisbane on 04/02/2011

Kính mời quý vị bấm vào nút “PLAY” dưới đây để theo dõi cuộc phỏng vấn của ông Lê Lôc (đài Liên Đoàn Cử Tri, Bắc Cali) với chúng tôi về tình hình lụt lội ở tiểu bang Queensland (Úc).

Xin lưu ý cuộc phỏng vấn đã được thực hiện vào buổi chiều ngày thứ Ba (11/1, giờ Brisbane) tức là trước 2 cao điểm của cơn lụt ở chính thành phố Brisbane vào sáng thứ Tư (12/1) và sáng thứ Năm (13/1).

Trần hưng Việt
(Ban Việt ngữ đài 4EB-FM)

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , , | Leave a Comment »

[Tin Bão Yasi – 2am Thứ Năm 3/2/11] Bão Yasi “chưa gì đã tệ hại hơn Bão Larry”

Posted by hungvietbrisbane on 03/02/2011

Bão Yasi “chưa gì đã tệ hại hơn Bão Larry”

(2 giờ sáng thứ Năm 3/2/2011 – giờ Brisbane – THV tổng hợp)

Đúng như dự liệu, Bão Yasi đang tràn qua miền Bắc tiểu bang Queensland với dân chúng địa phương cho biết chưa gì, cơn bão này đã tệ hại hơn cả Bão Larry đã tàn phá khu vực vào năm 2006.

Ông Ross Sorbello, nghị viên thị xã Cassowary Coast, nói nhà của ông ở Tully, gần nơi cơn bão cập vào bờ ở Mission Beach, đã rung lên dưới sức mạnh của cơn cuồng phong. Mission Beach nằm cách Innisfail 50 cây số về phía Nam và khoảng giữa đường từ Cairns về Townsville,

Ông nói với hảng thông tấn AAP “Chưa gì, chúng tôi đã ở giai đoạn tệ hơn Bão Larry. Tôi không nhớ là căn nhà đã rung như vậy trong lần trước. Gió và mưa bên ngoài hú lên, nghe rất dễ sợ.”.

Ông Sorbello nói không khí có mùi như cỏ mới cắt do khối lượng thảo mộc khổng lồ bay tứ tung trong trời.

Sở Khí Tượng cho biết cơn bão Cấp 5 bắt đầu tràn qua vùng bờ biển vài phút sau nửa đêm (giờ Đông Bộ mùa Hè nước Úc) và đã bắt đầu tung ra những cơn lốc lên tới 290 cây số / 1 giờ. Ông Rick Threlfall cho đài ABC biết như sau

Bão đang tiến qua vùng bờ biển nhưng cũng phải vài tiếng đồng hồ – thực ra là suốt đêm đối với đa số dân trong vùng – trước khi gió bắt đầu dịu bớt

Vào lúc 10 giờ 30 tối thứ Tư (2/2), bà Thủ Hiến Anna Bligh họp báo cho biết 90,000 căn nhà đã bị mất điện. Các trung tâm tản cư ở Townsville và Cairns cũng bị mất điện khiến hàng ngàn người tản cư phải sống trong bóng tối

Cư dân hãi sợ, đang kể cho nhau nghe những câu chuyện về nhà cửa của họ bị rung chuyển vì cơn lốc của bão Yasi. Một số nhà đã bị tróc nóc và nhiều người bị kẹt đã kêu cứu nhưng không ai đến giúp được.

Ông Ian Stewart, điều hợp viên cứu trợ thiên tai, cho Sky News biết sẽ “rất có thể có tử vong” khi ông cho biết về 1 nhóm 6 người đang bị kẹt trong 1 khu phố ở Hinchinbrook kêu cứu mà không ai tới đó được. Các cấp thẩm quyền chỉ có thể hướng dẫn những người đó, trong cở tuổi 60’s, lên núp trên tầng lầu 2 trước khi sóng bão tràn lên đến tầng lầu này.

Bà Thủ Hiến Anna Bligh nói thực tế đau lòng là các cuộc cứu cấp bây giờ đã trở thành vô phương. Bà nói với các phóng viên rằng “Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhận được nhiêu cú điện thoại khẩn cầu như vậy”

Bà Bligh cũng đã cảnh giác về nguy cơ của sự mất điện trong toàn vùng Bắc Queensland nếu những trụ điện bị gió thổi sập. ***

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , | Leave a Comment »

[LỤT QUEENSLAND] “THUẾ LỤT (FLOOD LEVY)”: TẠI SAO TA NÊN ỦNG HỘ ?

Posted by hungvietbrisbane on 02/02/2011

[LỤT QUEENSLAND]  “THUẾ LỤT (FLOOD LEVY)”: TẠI SAO TA NÊN ỦNG HỘ ?

Xin được nói thẳng ngay từ đầu, tôi không phải là một fan, một “thần dân” ái mộ bà Thủ Tướng của nước Úc, Julia Gillard. Lý do chính là vì tôi vẫn chưa chấp nhận được việc bà “đảo chánh” ông Kevin Rudd hồi năm ngoài để đoạt ghế lãnh tụ đảng Lao Động và nhảy lên ngồi ghế Thủ Tướng.

Tự nó, cuộc “chỉnh lý” này không có gì là sai vì trong chính trường, người ta chỉ nghĩ tới lá phiếu. Cho nên, một khi đảng Lao Động thấy có nguy cơ thầt cử nếu cứ để ông Rudd tiếp tục ở ngôi số một thì sự cần phải thay đổi người lãnh tụ là chuyện đương nhiên. Tôi có thể tạm chấp nhận chuyện đó. Cho đến khi bà Gillard tuyên bố là “Thời thế thế, thế thời phải thế, chứ tôi đâu có ý định lật đổ ông Rudd đâu” để rồi sau đó, ký giả lão thành Laurie Oakes tiết lộ rằng điều này hoàn toàn sai sự thật vì bà ta đã “âm mưu từ hơn 1 một năm trước” với TNS Mark Arbib đi gióng tiếng chuông dò đường với các viên chức ở tòa Đại sứ Mỹ. Thì sự tin tưởng của tôi đối với lòng thành thật của vị nữ Thủ Tướng này đã bị lung lay rất nhiều.

Dông dài như thế để khi tôi lên tiếng ủng hộ việc chính phủ Liên bang Úc của bà Gillard vừa đặt ra “thuế lụt” (Flood Levy), hy vọng sẽ không có bạn đọc nào cho rằng cây viết này chỉ là “cái mỏ của đảng Lao Động”, chuyên ủng hộ đường lối của đảng này.

TẠI SAO TÔI ỦNG HỘ “THUẾ LỤT” (FLOOD LEVY) ?

Tôi ủng hộ “thuế lụt” không phải vì tôi sống ở Queensland nên mới hô hào chuyện “hãy giúp đỡ tiểu bang tôi !”. Nếu tôi đang còn cư ngụ ở Melbourne, tiểu bang Victoria, tôi cũng vẫn sẽ làm như vậy. Bởi vì mục đích của loại thuế này là để “giúp phục hồi nền kinh tế của cả quốc gia Úc Đại Lợi, chứ không riêng gi tiểu bang Qld”.

Ai cũng biết các trận lụt triền miên suốt hơn 2 tuần lễ hôm đầu tháng Giêng đã tàn phá tiểu bang nắng ấm này ra sao rồi. Thiệt hại hơn mấy tỷ Úc kim. Bao nhiêu cuộc lạc quyên trên toàn quốc, từ các cuộc telethons, radiothons, các buổi cơm từ thiện, các đêm văn nghệ, các trận thể thao và những đóng góp cá nhân đã quyên được vài chục triệu đô la. Đừng vội cho đó là nhiều bởi vì phân phát ra cho bao nhiêu trăm ngàn nạn nhân, tư nhân cũng như xí nghiệp, thì mổi người chỉ được hơn đôi ngàn đô la.

Thế nhưng còn hạ tầng cơ sở thì sao ? Bao nhiêu cây cầu đã sụp đỗ phải xây cất lại? Bao nhiêu ngàn ký lô mét đường xá phải tu bổ, sửa sang ? Đó là chưa kể nhưng hầm mỏ, nông trại đã bị hư hao, khiến việc khai thác khoáng sản đình trệ, mùa màng thất thoát.

Lấy tiền ở đâu để lo cho những chuyện đó ? Những vấn đề cần phải được giải quyết cấp thời để giúp khôi phục nền kinh tế, không phải chỉ của riêng tiểu bang Qld mà của toàn nước Úc.

Chuyện chung thi phải dốc lòng, dốc tâm, dốc sức mà lo chứ. Và có phải nhiều nhỏi gì cho cam ! Dự luật của chính phủ cũng rất hợp tình, hợp lý. Những ai có lợi tức từ $50,000 đến $100,000 một năm, chỉ phải đóng từ $1 đến $2 một tuần. Trên $100,000 một năm, chính phủ xin $5 một tuần. Những người có lợi tức dưới $50,000 một năm thì được miễn. Ai bị lụt thì dỉ nhiên khỏi phải đóng rồi !

Ngoài ra, sưu thuế này cũng chẳng phải lâu lắc gì, chỉ áp dụng trong 12 tháng của tài khóa 2011 – 2012. Có nghĩa là một người lãnh $50,000 một năm chỉ phải đóng vỏn vẹn trước sau có $12 cả thảy.

Vậy mà cũng có người chống đối !!!

WHAT HAS HAPPENED TO THE AUSTRALIAN MATESHIP ? hay

TÌNH HÀNG XÓM, NGHĨA LÁNG GIỀNG ĐÂU RỒI ?

Tôi không tin được mắt mình khi thấy báo The Australian đi một hàng tít thật to trên trang Nhất hôm tuần rồi “NOT HAPPY PM … WE HAVE DONE OUR BIT !”, “KHÔNG VUI THỦ TƯỚNG ƠI .. CHÚNG TÔI ĐÃ LÀM XONG PHẦN CỦA CHÚNG TÔI” !

Không tin được bởi vì tôi – và có lẽ hầu hết quý vị – đã từng nghe  người Úc hãnh diện về danh từ “mateship” của họ. Bạn bè lâm nguy, láng giềng gặp nạn, họ sẵn lòng ra tay giúp đỡ. Thì đó, há chẳng phải cả chục ngàn người đã xăn quần, xắn áo đi giúp các nạn nhân trong những cuối tuần vừa qua đó hay sao ? Cho nên, không thể nào bây giờ, nhìn cảnh “nước chảy ruột mềm” này mà họ có thể đành đoạn như thế.

Theo tôi, trên đây chỉ là ý kiến riêng của ông Rupert Murdoch, chủ nhân của báo The Australian, một người ai cũng biết là không thân thiện gì lắm với đảng Lao Động. Và sau đó, quan điểm này đã được phản ảnh qua những lời tuyên bố của ông Tony Abbott, lãnh tụ liên đảng dối lập.

Để làm cho vẻ có “chính nghĩa” hơn, ông Abbott kêu gọi chính phủ Lao Động, thay vì bắt dân đóng “thuế lụt”, hãy dẹp bỏ kế hoạch thiết dựng Mạng Lưới Broadband Toàn Quốc (National Broadband Network) và dùng số tiền đó vào việc trùng tu cầu cống, đường xá v.v… Đây không phải là viễn kiến (vision) của một người có ưóc vọng trở thành lãnh tụ của một quốc gia. Một bên là nhu cầu cấp thiết, cần phải giải quyết ngay. Một bên là tương lai, là sự phát triển của quốc gia, cần một thời gian lâu dài để thực hiện. Nhưng cả hai đều quan trọng, phải được giải quyết song hành, không thể nào bỏ bên này và chỉ bắt bên kia.

“HÃY DÙNG TIỀN THẶNG DƯ TRONG NGÂN KHỐ !”.

Và để biện hộ thêm cho lập luận của mình, ông Abbott viện dẫn lý do ngân sách của chính phủ hiện đang thặng dư nên không cần phải đặt thêm gánh nặng thuế má cho dân chúng nữa, mà hãy lấy tiền trong ngân phố ra xài..

Nếu thế, ta thử xem lại những “sưu thuế” phụ trội mà chính phủ liên đảng đã đưa ra trong suốt thời gian từ năm 1996 đến năm 2007 khi ông Tony Abbott là một dân biểu (và nhiều năm là thành viên của nội các liên đảng đó).

  • 1997, vụ mua lại súng (Gun buyback) sau vụ thảm sát ở Tasmania => ngân sách THIÊU HỤT (DEFICIT) $3.4 tỷ.
  • 1999, vụ Phu Bến Tàu => ngân sách THẶNG DƯ (SURPLUS) $4.3 TỶ.
  • 2000, vụ tăng giá sửa  => ngân sách THẶNG DƯ (SURPLUS) $13 TỶ.
  • Cũng năm 2000, vụ giúp Đông Timor => ngân sách THẶNG DƯ (SURPLUS) $13 TỶ.
  • 2001, giúp một công ty hàng không => ngân sách THẶNG DƯ (SURPLUS) $5.9 TỶ.
  • 2003, kỹ nghệ sản xuất đường => ngân sách THẶNG DƯ (SURPLUS) $7. TỶ.

Như vậy, ngoại trừ lần đầu (năm 1997), tại sao trong những lần đặt ra các loại thuế đặc biệt sau đó, chính phủ liên đảng không dùng số tiền thặng dư có trong ngân khố ? Và tại sao, lúc đó, chúng ta không thấy ông Tony Abbott lên tiếng ?

KẾT.

Đối lập không có nghĩa chỉ là đơn thuần chống đối. Đối lập cũng không có nghĩa chỉ đưa ra những giải pháp nông cạn, hời hợt. Đối lập bao gồm việc tìm những phương hướng, chính sách tốt đẹp hơn chính phủ đương thời, nhằm đưa quốc gia đi đến một con đường tươi sáng hơn.

Đáng tiếc thay, riêng trong vụ lụt ở Queensland, ông Tony Abbott và liên đảng Tự Do / Quốc Gia chưa cho thấy được viễn cảnh đó. ***

HƯNG VIỆT

(31/01/2011)

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011), Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , , , , | Leave a Comment »

Mùng 1 Tết Tân Mão, Cyclone Yasi Sẽ “Cập Bến” tiểu bang Queensland !!

Posted by hungvietbrisbane on 02/02/2011

(Tin Qld – Tổng hợp – THV 2/2/2011)

Trận bão nhiệt đới Yasi đã được nâng lên thành Cấp 5 trong lúc đang tiến dần vào bờ biển phía Bắc tiểu bang Queensland.

Trang website của Sở Khí Tượng cho biết “tác động của nó có thể đe dọa tính mạng nhiều hơn bất kỳ cơn bão nào khác trong nhiều thế hệ qua”.

Người ta ước tính Bão Yasi sẽ đến bờ biển giữa Cairns và Townsville từ khoảng 10 giờ tối và nửa khuya đêm nay, thứ Tư 2/2/2011 (giờ Đông Bộ mùa Hè của Úc). Sở Khí Tượng nói một trong những điểm cập bến của Yasi rất có thể sẽ là Innisfail, là nơi đã bị bão Larry tàn phá vào năm 2006.

Theo nhật báo Courier-Mail, hơn 30,000 người dân Qld đã và đang được di tản. Tại Cairns, thành phố du lịch có thể bị tàn phá nặng nề nhứt, cư dân ở những vùng đất thấp đã được ra lệnh phải bỏ nhà mà chạy với mực sóng đập có thể lên tới 2m ở nhiều vùng trong thành phố, kể cả khu trung tâm thương mại CBD.

Trong su ốt đêm hôm qua (thứ Tư 1/2), hơn 250 bệnh nhân, trong số đó có vài người đau nặng, đã được di tản bằng phi cơ từ bệnh viện Cairns về các bệnh viện ở Brisbane. Cũng trong ngày hôm qua, Hội Đồng Ung Thư Qld đã cho di tản 34 người gồm  17 bệnh nhân và những người chăm sóc cho họ từ Gluyas Lodge ở  Townsville sang Cranbook Suite, một làng hưu trí ở trong đất liền.

Ông Rick Threlfall, chuyên viên Sở Khí Tượng, nói với báo Courier-Mail là “Thật ra,  bão cập vào bờ ở nơi nào cũng không thành vấn đề vì gió lốc có ảnh hưởng ở cách xa đến 200 km”.

Trong khi đó, một chuyên viên khác của Sở Khí Tượng, ông Gordon Banks, cho đài ABC biết rằng “ Sau khi vào bờ, có thể đến 24 tiếng đồng hồ sau, Yasi mới dịu bớt. Vận tốc cơn cuồng phong có thể lên tới 320 km/giờ”.

Bà Anna Bligh, Thủ Hiến tiểu bang Qld, cho biết Yasi sẽ là cơn bão tàn phá dữ dội nhứt từ trước đến nay ở Qld, lớn gấp đôi Bão Larry vào năm 2006 đã gây thiệt hại 1.5 tỷ Úc kim.***

Posted in Bão Lụt Qld 2011 (Qld Floods & Storms 2011) | Tagged: , , , | Leave a Comment »