Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for the ‘Bầu Cử 2010’ Category

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC – BÀI 9 – KẾT QUẢ VẪN CHƯA NGàNGỦ

Posted by hungvietbrisbane on 15/09/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC – BÀI 9 –

KẾT QUẢ VẪN CHƯA NGÃ NGỦ

Một tuần lễ sau ngày Tổng tuyển cử Quốc Hội Liên Bang vào hôm thứ Bảy 21/8/2010 vừa qua, đến giờ phút này, nước Úc vẫn chưa có một tân chính phủ.

Kết quả hiện nay cho thấy hai phe chính đảng Lao Động và liên đảng Tự Do / Quốc Gia mỗi bên được 72 ghế, vẫn chưa đủ con số cần thiết là 76 ghế trong 1 Hạ Viện với tất cả  là 150 ghế.

Có 1 dân biểu đảng Xanh (Green) là ông Adma Bandt đã đắc cử ở Melbourne. Còn lạI là 5 dân biểu độc lập gồm có ông Bob Katter (tiểu bang Qld), hai ông Tony Windsor và Rob Oakeshott (tiểu bang NSW), ông Tony Crook (tiểu bang Tây Úc) và ông Andrew Wilkie (tiểu bang Tasmania).

Trong tuần qua, hai vị lãnh tụ chính đảng là bà quyền Thủ Tướng Julia Gillard (thuộc đảng Lao Động) và ông Tony Abbott (lãnh tụ liên đảng đối lập) đã có những cuộc tiếp xúc với các dân biểu độc lập nói trên. Mục đích là để lắng nghe những đòi hỏi của họ và sau đó, thương thuyết để những dân biểu này ngả về phe của mình để có đủ túc số cần thiết hầu thành lập một Chính phủ thiểu số.

Trong một tình huống tạm gọi là bế tắc như thế, có những câu hỏi thường được nêu lên mà chúng tôi xin trả lời trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp như sau.

1.- Khi nào thì sẽ có tân chính phủ ?

Các cuộc thương thuyết giữa hai chính đảng và các dân biểu độc lập có thể sẽ còn kéo dài một, hai tuần nữa. Nhưng tất cả phải chấm dứt trước ngày 26/11/2010 là ngày mà Quốc Hội phải tái nhóm.

2.- Khi nào thì việc đếm phiếu chấm dứt ?

Chính thức là thứ Sáu sắp tới 3/9. Nhưng sau đó, nếu kết quả ngang ngữa,  có thể sẽ có những vụ kiện tụng trước Tòa để yêu cầu được đếm phiếu lại.

3.- Tại sao việc đếm phiếu kéo dài lâu như thế ?

Ủy Hội Bầu Cử Úc Châu phải chờ những phiếu bầu gởi qua đường Bưu điện (gọi là postal votes). Luật ấn định phải dành 13 ngày kể từ ngày bầu cử để chờ những phiếu đó.

4.- Sau đó thì chuyện gì xảy ra ?

Cả bà Julia Gillard và ông Tony Gillard phải thuyết phục các dân biểu độc lập ngả theo phe họ để có thể trình với bà Tổng Toàn Quyền là họ có đa số để thành lập Chính phủ.

5.- Nếu không bên nào kiếm đủ đa số (76) thì sao ?

Lúc đó, bà Tổng Toàn Quyền sẽ mời mổi bên thành lập Chính phủ và đem ra bầu trước Quốc Hội xem có được đa số chấp thuận hay không ?

6.- Nếu lúc đó vẫn bế tắc thì sao ?

Giải pháp cuối cùng là bà Tổng Toàn Quyền phải giải tán Quốc Hội và kêu một cuộc Tổng Tuyển cử khác.

Đối với giải pháp này thì có hai nguồn dư luận khác nhau.

Dư luận phản đối thì cho rằng mỗi lần tổ chức bầu cử như vậy rất mất công, mất thì giờ và tốn kém cho công quỹ, có thể lên đến 15 triệu Úc kim. Ngoài ra, một cuộc tái bầu cử cũng chưa chắc đem lại một kết quả khác biệt để giải quyết tình trạng bế tắc như hiện nay.

Mặt khác, dư luận tán thành một cuộc bầu cử lại thì cho rằng các dân biểu độc lập đang bắt đầu khai thác thế nắm cán cân quân bình để đưa ra những đòi hỏi quá đáng, chỉ lợi ích cho cử tri đơn vị của họ, thay vì đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Nguồn dư luận này cho rằng không thể để chính quyền của quốc gia nằm trong tay của một vài cá nhân, dù họ là những người được dân cử.

Tóm lại, ngày bầu cử 22/8 đã qua nhưng cuộc bầu cử vẫn còn sôi nổi và hứa hẹn những diễn biến bất ngờ, lý thú. Xin hãy đón xem.

HƯNG VIỆT

(29/8/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 8 – MỘT KẾT QUẢ KHÔNG RÕ RỆT

Posted by hungvietbrisbane on 25/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 8 –
MỘT KẾT QUẢ KHÔNG RÕ RỆT

Sáng hôm nay, Chủ nhựt 22/8/2010, dân chúng Úc thức dậy để nhận thấy rằng có thể họ sẽ phải chờ 2 tuần lễ nữa mới biết được đảng nào sẽ nắm chính quyền trong 3 năm sắp tới.

Với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào ngày hôm qua 21/8/2010 không đưa đến một kết quả rõ rệt, cả hai vị Thủ Tướng nước Úc, bà Julia Gillard, và Lãnh tụ Đối lập, ông Tony Abbott, đang bắt đầu mở những cuộc thương thuyết với các dân biểu đắc cử Độc Lập nhằm mục đích có đủ con số để thành lập chính phủ.

Với tổng số dân biểu ở Hạ Viện là 150, con số đòi hỏi là 76 ghế. Nhưng đến 12 giờ khuya thứ Bảy 21/8, các kết quả tạm thời cho thấy liên đảng Tự Do – Quốc Gia được 71 ghế, đảng Lao Động cầm quyền được 70 ghế, 5 dân biểu độc lập và 4 ghế chưa ngả ngủ.

Và phải nhấn mạnh đây chỉ là những con số tạm thời vì chúng thay đổi hàng giờ và tùy theo cơ quan truyền thông mà chúng ta theo dõi.

Chẳng hạn như trang website của nhật báo The Australian thì cho rằng Liên Đảng được 73 ghế, Lao Động 72 ghế, đảng Xanh 1 ghế và 4 ghế còn lại sẽ vào tay các ứng cử viên độc lập.

Trong bài phát biểu trước các đảng viên và ủng hộ viên ở Melbourne Convention Centre vào khuya hôm qua, bà Julie Gillard, đương kim Thủ Tướng, đã chúc mừng các dân biểu độc lập trong đó có ông Rob Oakeshtt (ở NSW) và ứng cử viên đảng Xanh ở Melbourne, ông Adam Bandt.

Bà Gillard nói:

“Điều mà chúng ta biết được từ kết quả tối hôm nay là sẽ có một số dân biểu độc lập trong Hạ Viện và họ sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thành lập tân chính phủ của nước Úc”.

Vài phút sau đó, ông Tony Abbott xuất hiện tại khách sạn Four Seasons ở Sydney và tuyên bố trước các ủng hộ viên rằng :

Liên Đảng sẵn sàng để cầm quyền. Điều rõ ràng từ tối tôm nay là đảng Lao Động đã mất đa số của họ. Đảng Lao Động đã mất tính cách hợp pháp của họ”.

Thông thường, tình trạng “bất phân thắng bại” như thế (a hung Parliament) sẽ dẫn đến một “chính phủ liên hiệp” (coalition government) hoặc một “chính phủ thiểu số” (minority government). Nếu Quốc Hội không làm việc được vì tình trạng nói trên thì vị Toàn Quyền có thể sẽ giải tán Quốc Hộ để có một cuộc bầu cử khác.

Một vài kết quả đáng chú ý:

1.- Tiểu bang Queensland đả bỏ phiếu tẩy chay đảng Lao Động một cách triệt để khiến đảng này mất 9 ghế ở tiểu bang nắng ấm.

2.- Anh Wyatt Roy đắc cử ở đơn vị Longman (phía Bắc Brisbane) và trở thành một trong những dân biểu trẻ tuồi nhứt từ trước đến nay (20 tuổi).

3.- Cựu Thủ Tướng Kevin Rudd giữ được ghế ở Griffith dù mất đi 10% số phiếu.

4.- Bà Maxine McKew, một trong những “anh hùng” của đảng Lao Động trong kỳ bầu cử lần trước vào năm 2007 vì đã lật đổ được ông John Howard, đã bị mất ghế Bennelong. Người thay thế là ông John Alexander, một cựu danh thủ là huấn luyện viên quần vợt nổi tiếng của Úc.

Vì để sớm có tin tức và kết quả bầu cử này đến quý vị nên chúng tôi xin dành phần phân tích và nhận định trong bài tới.

HƯNG VIỆT

(22/8/2010)

Posted in Bầu Cử 2010 | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 7 – MỨC ĐẾN CẬN KỀ

Posted by hungvietbrisbane on 18/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 7 –
MỨC ĐẾN CẬN KỀ

NHỮNG GIỜ PHÚT VẬN ĐỘNG CUỐI CÙNG.

Cuộc bầu cử lưởng viện Quốc Hôi Liên bang nước Úc đang buớc vào giai đoạn chót. Sau tối hôm nay, chỉ còn hai ngày nữa là cuộc vận động tranh cử sẽ chấm dứt và ngày hôm sau, thứ Bảy 21/8, hơn 12 triệu cử tri (hay nói cho thật chính xác, 12, 636, 631 người, con số trên website của Ủy Hội Bầu Cử nước Úc Australian Electoral Commssion) sẽ thực thi quyền công dân để chọn người đại diện.

Trong gần 5 tuần lễ vừa qua, các ứng cử viên đã ráo riết vận động và, càng đến những ngày cuối cùng, cuộc chạy đua càng trở nên ráo riết hơn. Nhất là trong một cuộc tranh cử gay go như lần này, hai lãnh tụ của hai chính đảng càng phải tận lực đi tranh thủ từng lá phiếu một ở các đơn vị ngang ngữa.

Về phần bà Thủ Tướng Julia Gillard, sáng hôm nay (thứ Tư 18/8), bà phải bay cấp tốc qua tiểu bang Tây Úc để vận động tại đơn vị Hasluck (do bà Sharryn Jackson nắm giữ) đang có nguy cơ rơi vào tay phe Liên Đảng.

Trong khi đó, ông Tony Abbott, lãnh tụ đối lập, đang “chen vai thích cánh” với dân chúng ở Brisbane, chuẩn bị cho cuộc hội luận sẽ diễn ra vào tối hôm nay ở thành phố này.

TRANH LUẬN (DEBATE) HAY DIỄN ĐÀN (FORUM) ?

Việc dàn xếp để cho có hai buổi hội luận tối hôm nay cũng gặp nhiều khó khăn trước khi thành hình. Hai ban tham mưu của hai vị lãnh tụ đã tố qua, rồi tháu cáy lại, về hình thức cũng như nội dung của buổi gặp mặt dân chúng này. Cuối cùng, họ đồng ý những điễm sau đây:

a/ Đây chỉ là các buổi hội luận (forum) chứ không phải tranh luận (debate)

b/ Cử tọa sẽ là 200 cử tri còn đang phân vân, lưỡng lự (undecided voters), do tổ chức thăm dò dân ý Galaxy Poll chọn lọc

c/ Mỗi lãnh tụ sẽ đối diện với 200 cử tri đó trong vòng 1 tiếng đồng hồ để trả lời những thắc mắc của họ.

d/ Ông Tony Abbott đi trước, lúc 6 giờ tối, và bà Gillard sẽ theo sau, lúc 7 giờ 30 tối.

Người viết bài chỉ tiếc một điều là các diễn đàn này sẽ diễn ra ở ngay phía sau nhà của chúng tôi, tại câu lạc bộ của đội banh Brisbane Broncos Rugby League mà, như đã nói ở trên, phải có Thư Mời của cơ quan Galaxy Poll mới được tham dự nên chúng tôi phải đành ngồi nhà, theo dõi qua màn ảnh vô tuyến truyền hình.

AI SẼ CÓ HY VỌNG THẮNG CỬ ?

Tiên đoán người thắng cuộc trong một cuộc chạy đua vào Quốc Hội ngang ngửa như lần này là một việc làm nông nổi bởi vì trái với thông lệ, có rất nhiều yếu tố đặc biệt khiến cử tri phân vân, không biết quyết định lá phiếu của họ sẽ nghiêng về đâu.

Trước nhứt, hai người lãnh tụ đều là hai người mới, lần đầu tiên cầm đầu một cuộc vận động cho phe của họ. Dân chúng chưa có đủ thời gian để thầm định khả năng quán xuyến công việc ở tầm mức quốc gia của họ.

Cộng thêm vào đó, từ sau cuộc bầu cử năm 2007 đến nay, một số lớn các nhân vật tài giỏi của cả hai bên đã “rửa tay gác kiếm” (như Peter Costello, Malcolm Turnbull của phe LNP, hay Lindsay Tanner bên phe Lao Động) nên thành phần còn lại của lưỡng phái chỉ còn lại những khuôn mặt hoặc quá xưa cũ hay chưa có đủ thành tích để hấp dẫn cử tri.

Thứ hai, đã đành đây là một cuộc bầu cử liên bang, cử tri nên chú trọng đến những vấn đề có tính cách quốc gia hơn là chỉ nhắm trên bình diện địa phương cấp tiểu bang. Nhưng sự kiện Kevin Rudd và sự bất mãn của quần chúng đối với chính phủ của 2 tiểu bang NSW và Queensland đã mở hé cánh cửa cho phe Liên Đảng Đối lập và làm cho sự tiên đoán kết quả càng thêm rối mù.

Và thứ ba, các cuộc thăm dò ý kiến liên tục đưa ra những dự đoán trái ngược nhau khiến cho bức tranh bầu cử tăng thêm phần phức tạp. Hôm trước thì tổ chức này nói Liên đảng LNP đã qua mặt được Lao Động. Hôm sau thì cơ quan khác lại đưa ra các con số cho thấy Lao Động vẫn nắm đa số.

Dỉ nhiên, ai cũng khẳng định rằng mình đã áp dụng những phương pháp khoa học nhứt về phép thống kê nên xác suất sai lầm đều không đáng kể và kết quả của họ rất khả tín.

NHỮNG CON SỐ MỚI NHỨT.

Sáng nay, kết quả của một cuộc thăm dò rộng rãi nhứt với 28,000 cử tri, do tổ chức JWS Research thực hiện, cho thấy những kết quả như sau:

1.- Ở tiểu bang Qld:

Lao Động sẽ mất 8 ghế (Brisbane, Bonner, Petrie, Leichhardt, Forde, Dawson, Flynn và Dickson)                                                                                            => Lao Động : -8 + 0 = -8

2.- Ở tiểu bang New South Wales:

Lao Động sẽ mất 4 ghế (Lindsay, bennelong, Macarthur, Robertson) nhưng chiếm lại được 2 ghế (Paterson, Cowper)                                                                                              => Lao Động : -4 + 2 = -2

3.- Ở tiểu bang Victoria:

Lao Động sẽ chiếm lại 3 ghế (McEwen, Latrobe, Dunkley), nhưng mất 1 ghế (Corangamite)                                                                                                                                                                            => Lao Động: +3 – 1 = +2

4.- Ở tiểu bang Nam Úc:

Lao Động sẽ chiếm lại 1 ghế (Boothby)                                  => Lao Động : +1

5.- Ở tiểu bang Tây Úc:

Lao Động sẽ mất 2 ghế (Hasluck, Swan)                                   => Lao Động: -2

6. và 7. Tiểu bang Tasmania và lãnh địa Northern Territory sẽ không có gì thay đổi.

Như vậy, theo cuộc thăm dò này, đảng Lao Động sẽ mất 15 ghế và chiếm được 6 ghế, đưa đến sự thiệt hại tổng cộng là 9 ghế.

Hiện nay, trong Quốc Hội, đảng Lao Động có 88 ghế. Nếu mất đi 9, họ vẫn còn 79, vẫn hơn phân nửa số ghế trong Quốc Hội (150 / 2 = 75) được 4 ghế và như vậy, họ vẫn sẽ nắm chính quyền.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, không có gì bảo đảm kết quả của cuộc thăm dò này chinh xác 100% dù được thực hiện một cách rất rộng rãi (trong mỗi đơn vị của 54 dơn vị được coi là ngang ngữa, họ phỏng vấn 400 cử tri, và ngoải ra, họ còn phỏng vấn 6,000 cử tri khác của các đơn vị an toàn).

Chúng tôi xin kết thúc bài viết này ở đây vì sắp sửa đến 6 pm (giờ Brisbane), giờ bắt đầu diễn đàn hội luận giữa ông Tony Abbott và dân chúng Brisbane, chúng tôi phải đi qua Brisbane Broncos Rugby League Club. Những người không có Thư Mời như chúng tôi dỉ nhiên sẽ không được vào trong hội trường, nhưng chắc chắn Ban quản trị câu lạc bộ sẽ hoan nghênh khách đến xem TiVi vì thế nào họ cũng sẽ bán được vài ly bia trong khi công chúng ngồi theo dõi cuộc trực tiếp truyền hình !!!

HƯNG VIỆT

(18/8/2010)

Posted in Bầu Cử 2010 | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 6 – KEVIN RUDD & CHỨC VỤ Ở LIÊN HIỆP QUỐC

Posted by hungvietbrisbane on 10/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 6 –
KEVIN RUDD & CHỨC VỤ Ở LIÊN HIỆP QUỐC

Trong bài viết số 2 vào ngày 18/7/2010 về cuộc vận động bầu cử Quốc Hội Liên bang ở nước Úc hiện nay (xem phần cuối của posting này) , người viết bài đã có lời tiên đoán về tương lai hoạt động của cựu Thủ Tướng Úc, Kevin Rudd, như sau:

” ….Là chúng tôi sẽ không ngạc nhiên sau khi tái đắc cử ở đơn vị Griffith (điều này chúng ta có thể khá chắc chắn vì ông rất được cử tri đơn vị này ưa chuộng), nếu chuyến công tác cá nhân vừa rồi của ông ở Hoa Kỳ thành công, ông sẽ từ chức dân biểu Griffith trong vòng 3 hay 6 tháng để đảm nhận một chức vụ Đại sứ nào đó của Liên hiệp Quốc.

Tuy cuộc bầu cử chưa diễn ra nhưng sáng nay, thứ Ba 10/8, tin tức chính thức cho hay ông Rudd đã được bổ nhiệm vào một Ủy Ban cao cấp của Liên Hiệp Quốc (“high level” United Nations panel) đảm trách về các vấn đề nghèo đói và khí hậu thay đổi trên thế giới.

(Xin bấm vào link dưới đây để xem bản tin Anh ngữ về vấn đề này http://news.ninemsn.com.au/national/election2010/7942647/kevin-rudd-gets-un-post)

Trong bản tuyên bố bổ nhiệm các vị cựu Thủ Tướng Úc, Na Uy, Nam Hàn, Nhật Bản và Mozambique vào Ủy Ban nói trên, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ, nói rằng nhiệm vụ của Ủy ban này là tìm những phương cách để sự phát triển kinh tế không ảnh hưởng đền việc khí hậu thay đổi.
Điểm khác biệt với sự tiên đoán của chúng tôi là ông Kevin Rudd sẽ đảm nhận chức vụ này của LHQ không có lảnh lương, do đó ông sẽ không phải từ chức dân biểu đơn vị Griffith, nếu ông đắc cử vào ngày 21/8 sắp tới.

Tuy nhiên, lãnh tụ đối lập, ông Tony Abbott, đã chụp ngay cơ hội này để lên tiếng cảnH giác rằng “Nếu đảng Lao Động thắng cử, nước Úc sẽ có triển vọng có những Tổng Trưởng làm việc “bán thời (part time)‘. Được biết bà Thủ Tướng Julia Gillard đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu đảng của bà tái đắc cử, ông Kevin Rudd sẽ giữ một chức Tổng Trưởng trong hàng ghế đầu (front bench).

HƯNG VIỆT

(10/8/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 1 – Ngày 21/8/2010: Bầu cử Quốc Hội Liên Bang

Posted by hungvietbrisbane on 10/08/2010

S TAY BẦU C NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 1 –

Ngày 21/8/2010: Bầu cử Quốc Hội Liên Bang

Như vậy là “bí mật quốc gia” mà ai cũng đã tiên đoán được, cuối cùng cũng đã được công bố.

Sáng hôm nay, thứ Bảy 17/7/2010, bà Julia Gillard loan báo rằng một cuộc Tổng Tuyển cử Quốc Hội Liên Bang Úc Châu sẽ được tổ chức vào ngày thứ Bày 21/8/2010. Lời tuyên bố này đã kết thúc sự bàn tán kéo dài trong 3 tuần lễ qua, kể từ khi ông Kevin Rudd mất ghế Thủ Tướng bởi một cuộc “đảo chánh” trong đảng Lao Động, đưa bà Gillard lên làm lãnh tụ và do đó, nắm ghế Thủ Tướng chính phủ.

Được biết, sáng hôm nay, bà Gillard đã đáp máy bay từ Melbourne về lại Canberra để lúc 10 giờ 30, bà đến gặp bà Tổng Toàn Quyền Quentin Bryce, xin phép giải tán chính phủ hiện tại và tổ chức bầu cử một tân Quốc Hội.

Sau đó, bà Gillard đã gặp gở các phóng viên truyền thông để tuyên bố về quyết định trên.

Người ta còn nhớ, trong cuộc bầu cử lần trước, ông Kevin Rudd đã lãnh đạo đảng Lao Động để đánh bại Liên đảng Tự Do – Quốc Gia do ông John Howard cầm đầu và đã từng nắm ghế chính quyền trong 11 năm trước đó.

Lần này, để chiếm lại chính quyền, Liên đảng cần phải thắng thêm 17 ghế, với độ chuyển phiếu cần thiết là 2.3%. Đó là một thử thách khó khăn và cũng là lý do mà các chiến lược gia Liên đảng đang đặt trọng tâm nổ lực vận động vào các đơn vị ngang ngửa, đặc biệt là ở tiểu bang Queensland.

Trong cuộc họp báo sáng nay, bà Gillard tuyên bố rằng:

Tôi tin rằng cuộc bầu cử này sẽ cho cử tri một sự lựa chọn rất rõ ràng: chúng ta sẽ đưa nước Úc tiến tới hoặc làm nước Úc thụt lùi”.

Muốn tiến tới”, bà Gillard nói tiếp, “ chúng ta cần có niềm tin và sự tự tin. Chúng ta phải có những lối suy nghĩ mới, chấp nhận những thử thách mới, lắng nghe và học hỏi cùng chấp nhận những giải pháp mới”.

Khi được hỏi 3 điều ưu tiên mà bà sẽ chú trọng nếu tái đắc cử, bà Gillard liệt kê: kinh tế , giáo dục và sự thay đổi về khí hậu.

Hưng Việt

(17/7/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 5 – PHANTOM OF THE ELECTION hay BÓNG MA CỦA CUỘC BẦU CỬ

Posted by hungvietbrisbane on 10/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 –

BÀI 5 – PHANTOM OF THE ELECTION

hay BÓNG MA CỦA CUỘC BẦU CỬ

Như đã trình bày trong một bài viết trước đây, trong cuộc bầu cử Quốc Hội Liên Bang nước Úc năm nay, cựu Thủ Tướng Kevin Rudd đã, đang và sẽ là một yếu tố rất quan trọng trong sự thành bại của đôi bên.

Bị “hạ bệ” trong một cuộc đảo chánh chớp nhoáng bởi chính những người trong đảng Lao Động, ông Kevin Rudd vẫn là một nỗi ám ảnh không nguôi cho nguời thay thế ông, là bà Thủ Tướng Julia Gillard.

Đã có hơn một chính trị gia người Úc so sánh một cách hình tượng với người viết bài này rằng Kevin Rudd là một “hồn ma” (a ghost) theo đuổi bà Gillard nói riêng và đảng Lao Động nói chung một cách không rời.

Khi tôi hỏi tiếp “Hồn ma giống như trong Phantom of the Opera hay hồn ma giống như thân phụ của Hamlet ?”, câu trả lời thay đổi tùy theo cái nhìn và vị thế của chính trị gia đang tiếp xúc.

PHANTOM OF THE OPERA VÀ HAMLET

Trước khi tiếp tục, tưởng cũng nên nhắc lại về hai “bóng ma” nổi tiếng trong văn học nghệ thuật Âu Châu vừa kể,

Giới yêu kịch nghệ Âu châu có lẽ ai cũng đã từng xem qua một lần, hay ít nhất cũng đã nghe nói đến và ao ước được xem một lần, vở tuồng cổ điển Le Fantôme de L’Opera của Gaston Leroux. Được xuất bản năm 1911 và sau đó được quay thành phim lần đầu tiên vào năm 1925, nhưng chỉ trở thành nổi tiếng khi được nhà soạn kịch Andrew Lloyd Webber soạn thành một vở tuồng opera vào năm 1986, kịch bản Phantom of the Opera nói đến tình yêu của một anh chàng dị dạng, phải sống chui rúc trong tòa Nhà Hát Lớn ở Paris, với nàng ca sĩ chánh  của một gánh hát hạng trung.

Không ai thấy được hình dạng nên anh ta mới có biệt danh “The Phantom”, nhưng chàng này có tài ca hát tuyệt vời. Khi Christine gia nhập vào gánh hát, anh ta đã tận tình huấn luyện để giọng hát của nàng ngày càng điêu luyện hơn. Sau đó, hai người đã giáp mặt với nhau và một mối tình đơn phương đã nảy nở trong lòng The Phantom, nhưng phải kết thúc bằng sự hy sinh của chàng để cho Christine được trọn vẹn với tình yêu của nàng

Trong khi đó, tuyệt  tác Hamlet của đại văn hào Shakespeare trình bày một hồn ma với cá  tính hoàn toàn khác biệt, không phải với lòng thương yêu và hy sinh mà là một bóng ma ám ảnh bởi hận thù, uất hận. Thân phụ của Hamlet, nhân vật chính, là một Hoàng đề của nước Đan Mạch. bị người em ám hại để cướp ngôi. Do đó, ông thường xuyên hiện hồn về ám ảnh Hamlet để kêu gọi báo thù, đưa Hamlet đến tâm trạng phân vân qua câu nói bất hủ “To be or not to be”.  .

NGỒI LẠI VỚI NHAU

Trở lại với cuộc tranh cử hiện nay ở Úc, dầu đã hơn nữa chặng đường và chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày bầu cử, nhưng dư luận dường như vẫn chú ỳ nhiều đến ông Kevin Rudd (và những gì ông tuyên bố hay ông làm) hơn là đến các cuộc nói chuyện vận động của hai lãnh tụ chính đảng là bà Julia Gillard và ông Tony Abbott.

Trong bài viết trước, người viết đã có đề cập đến các câu hỏi hóc búa của ký giả Laurie Oakes về những lời hứa hẹn giữa bà Gillard và ông Rudd trong buổi “meeting định mệnh” tối 23/6.

Không ngừng ở đó, cách đây 2 tuần, ký giả lão thành này lại còn tung ra những tin từ trong nội bộ đảng Lao Động là trước đây, bà Gillard đã chống đối việc chính phủ ông Kevin Rudd dự định tăng tiền hưu trí cho người cao niên cũng như việc trả lương cho cha mẹ ở nhà nuôi con mới sinh.

Đây là những quả bom có tiềm năng lám mất đi rất nhiều lá phiếu của đảng Lao Động.

Dỉ nhiên, người bị nghi ngờ đầu tiên trong các vụ tiết lộ này là ông Kevin Rudd. Nhưng chỉ kịp ra một thông cáo ngắn gọn nói rằng ông hoàn toàn không hay biết gì về các sự kiện trên, ông Kevin Rudd đã phải vào nhà thương một cách khẩn cấp để mổ lấy sạn trong thận.

Trong khi đó, báo chí lại loan báo kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến, cho thấy mức độ ủng hộ đảng Lao Động của dân chúng bị sa sút trầm trọng, đặc biệt là ở tiểu bang Queensland, quê quán của ông Rudd.

Giải pháp đầu tiên của bà Gillard để chận đứng đà tuột dốc này là tuyên bố vào hôm thứ Hai đầu tuần qua rằng bà sẽ dẹp qua một bên tất cả những vở tuồng do trung ương Đảng đạo diễn, và bà sẽ cho dân chúng thấy còn ngưòi thật của bà “the real Gillard” để dân chúng hiểu rõ bà hơn.

Nhưng sau một vài ngày, tình thế cũng không khả quan hơn trước cho lắm. Trước nguy cơ có thể thất cử, các chiến lược gia của đảng Lao Động không còn “đường binh” nào khác hơn là phải đến tiếp xúc để cầu cứu đến sự tiếp sức của vị cựu Thủ Tưóng.

Và một lần nữa, ông Kevin Rudd đã chứng tỏ là một chính trị gia lão luyện. Trong cuộc họp báo sau khi ở nhà thương ra, ông Rudd đã nói “ .. không ích lợi gì khi cứ nuôi trong long những mối hận thù ..”, “.. tương lai của Kevin Rudd không đáng kể, tương lai của nước Úc mới là quan trọng …”, “… không thể để cho Tony Abbott, một người rỗng tuếch về chính sách, lẻn chân vào ghế Thủ Tướng …”.

Bài phát biểu hùng hồn này của ông Rudd đã khiến cho nhiều quan sát viên phải đặt câu hỏi “ Tại sao trong 12 tháng trưóc đây, người ta đã không nghe Kevin Rudd nói chuyện như thế này ?”. Nhưng cũng chính bài phát biểu như vậy đã xác nhận một lần nữa ông Kevin Rudd, dù muốn dù không, cũng đã chiếm sân khấu, khiến cho hai diễn viên Gillard và Abbott, đúng ra là vai chánh nhưng chỉ còn là phụ diễn.

NHƯNG SẼ CÓ NHỮNG ẢNH HƯỞNG GÌ KHÔNG ?

Ngày hôm qua, thứ Bảy 7/8, hai vị đương kim và cựu Thủ Tướng nước Úc đã gặp nhau để bàn về kế hoạch vận động tranh cử cho đảng Lao Động trong hai tuần còn lại. Những gì đã được bàn thảo, những thu xếp gì đã được đồng ý, đều được giữ kín (ít ra là trong giai đoạn hiện tại).

Chiến lược dùng lá bài tẩy Kevin Rudd của đảng Lao Động rõ ràng là nhằm mục đích chiếm lại những số phiếu đã mất từ các cử tri bất bình về việc, và cung cách, ông Kevin Rudd bị “tiếm ngôi”.  Đặc biệt, như đã nói,  con số này rất cao ở tiểu bang Queensland là tiểu bang có nhiều đơn vị “xôi đậu” hay ngang ngữa.

Bù lại nó cũng có điểm thất lợi cho bà Gillard là bà không thể tiếp tục đặt trọng tâm của cuộc vận động của bà vào việc trình bày những thành quả của chính phủ Lao Động, nhừt là về phương diện kinh tế trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua.

Mặt khác, điều mà chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến là kế hoạch tấn công của phe đối lập sẽ tập trung vào việc tái xuất hiện của ông Kevin Rudd. Họ sẽ nhắc lại sự thất bại của chính phủ ông Rudd trong thời gian qua. Và họ sẽ đặt câu hỏi nếu đảng Lao Động nghĩ rằng ông Kevin Rudd tài giỏi như vậy, tại sao họ phải “đảo chánh” ông 2 tháng trước đây ?

Do đó, nói rằng ông Kevin Rudd là một “bóng ma” cho đảng Lao Động hiện nay cũng không phải là quá đáng. Nhưng ông là anh chàng Erik trong Phantom of the Opera hay ông là Cựu Hoàng Đế Đan Mạch trong Hamlet là điểm tranh luân có lẽ sẽ không bao giờ có sự đồng thuận 100%  trong câu trả lời ***

HƯNG VIỆT

(08/08/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 4 – CUỘC TRANH LUẬN BẦU CỬ (THE ELECTION DEBATE) 25/7/2010

Posted by hungvietbrisbane on 10/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 4 –

CUỘC TRANH LUẬN BẦU CỬ (THE ELECTION DEBATE) 25/7/2010

“Tôi có cảm tưởng như đang nghe hai người muốn bán CÙNG 1 chiếc xe hơi cũ cho tôi !”.

” Người đứng giữa (tức người MC, điều khiển chương trình) có phải thuộc đảng Xanh (Greens) không vậy ? “

Đại loại đó là những câu phê bình mà khán giả của cuộc Đối Luận giữa hai ứng cử viên chức vụ lãnh đạo nước Úc trên các đài truyền hình vào tối hôm qua, Chủ Nhựt 25/7/2010, đã gởi vào và được cho chạy dọc theo phía đáy của màn ảnh.

Ai cũng thấy đó là những câu phê bình nếu không “lạc đề” thì cũng có tính cách mĩa mai, châm biếm. Nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta không trách họ được bởi vì nói một cách tổng quát, cuộc Đối Luận nói trên giữa bà Thủ Tướng Julia Gillard và ông Tony Abbott, Lãnh tụ Đối lập, đã không có sức thu hút người xem. Hoặc như một khán giả khác đã nhận định “Đây chỉ là một cuộc họp báo chứ không phải là một cuộc tranh luận”.

Người viết bài đã chờ đợi được thuyết phục bởi một trong hai vị lãnh tụ nói trên về một viễn kiến táo bạo và toàn diện cho tương lai của nước Úc, nhưng đã phải thất vọng sau một tiếng đồng hồ chăm chú theo dõi. Những ai đã theo dõi diễn tiến của hai chiến dịch vận động tranh cử trong tuần lễ đầu tiên và đã được nghe những chính sách mà hai bên đưa ra, sẽ không tìm thấy điều gì mới mẻ vào tối hôm qua.

Tất cả đều chỉ là một sự lập lại một cách nhuần nhuyễn và thông thạo những điều mà ban vận động của đôi bên đã soạn sẵn một cách kỹ lưỡng và công phu. Đây không phải là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên khi nhớ rằng trong cuộc Tổng Tuyển Cử năm nay, hai bên đã đồng ý chỉ có 1 cuộc Đối Luận duy nhứt, thay vì 3 lần như trong các lần trước. Do đó, cả hai bên đều quá cẩn thận, e ngại một lỗi lầm, sơ hở nhỏ nhoi sẽ có tác hại to lớn mà sẽ không cơ hội thứ nhì để sửa đổi.

Cũng không khác gì hai đội bóng ra tranh tài, Biết rằng thà huề còn hơn thua, hai bên đều đá cầm chừng, theo đúng sách vở, thỉnh thoảng châm một đường banh dài để cầu âu, hy vọng tìm được một lỗ hổng trong hàng phòng thủ của đối phương.

* ÔNG TONY ABBOTT

Bước vào cuộc Đối Luận này, ông Tony Abbott, Lãnh tụ của Liên đảng Đối lập, không có gì để thua cả vì trong các cuộc thăm dò ý kiến, ông đang bị đối thủ dẫn trước rất xa. Và nhiều quan sát viên chính trường đã phải nhìn nhận là tối hôm qua, ông Abbott đã “thủ diễn” khá hơn họ chờ đợi. Tuy không tung ra được độc chiêu nào đáng nhớ nhưng ông ta cũng đã có những giây phút thắng lợi, chẳng hạn như lúc đề cập đến chính sách ” nghỉ phép cho các bà mẹ mới sinh con” (maternity leave) hay lúc ông tấn công chính phủ đương nhiệm về những đề án phí phạm công quỹ.

Tuy nhiên, người viết bài ngạc nhiên là ông Abbott đã không dám bạo dạn hơn, đưa ra những nghị trình có tính cách mới mẻ hơn để thu phục sự tín nhiệm của cử tri. Người ở vai trò đối lập thường nằm ở thế thất lợi hơn là người đang lãnh đạo, do đó có một vai trò khó khăn hơn để thuyết phục cử tri rằng sự thay đổi chính quyền là một điều cần thiết.

* BÀ JULIA GILLARD.

Vốn là một luật sư, bà Gillard có lối trình bày trau chuốt và thông suốt hơn, do đó người nghe dễ lãnh hội hơn. Trong khi khuôn mặt của ông Abbott chứng tỏ ông đang luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, bà Gillard có vẽ tự tin hơn, với nụ cười thường xuyên trên môi.

Hai câu hỏi mà nhiều người chờ đợi được nghe để xem bà Gillard trả lời ra sao là việc ông Kevin Rudd bị đảo chánh và vần đề của những người tầm tỵ (asylum seekers). Đối với câu hỏi đầu tiên, bà Gillard nhắc lại đây là môt việc thường xuyên xảy ra trong chính trường nước Úc, mỗi khi một đảng phái nhận thấy cần thay đổi – hay điều chỉnh – hướng đi. Bà đề cập đền việc ông Tony Abbott lên làm lãnh tụ đối lập cũng là từ một cuộc “đảo chánh”, hạ bệ ông Malcolm Turnbull.

Về vấn đề asylum seekers, ông Tony Abbott tấn công rằng bà Gillard đã không “học bài cẩn thận” khi liên lạc với Tổng Thống, thay vì Thủ Tướng và Quốc Hội, của quốc gia East Timor để xin thiết lập một trại chuyển tiếp ở đây, để sau đó bị từ chối. Ông Abbott lập lại đề nghị là bà Gillard chỉ cần gọi điện thoại cho Thủ Tướng xứ Nauru là sẽ có thể mở cửa lại trung tâm chuyển tiếp tại quốc gia này do chính phủ Liên đảng của ông John Howard hình thành trước đây.

Bà Gillard đã phản công với lời nhận định rằng ông Abbott “quá ngây thơ” khi công bố một chính sách cứng rắn là sẽ bắt buộc các tàu tầm tỵ quay mũi trở về nguyên quán. Bà Gillard nói ông Abbott đã không nhìn thấy được viễn cảnh khi lâm vào thế tuyệt vọng, người tầm tỵ sẽ liều chết, nhảy xuống biển chứ không quay về chốn cũ.

* NHƯ VẬY, AI THẮNG ?

Trong thính phòng của Câu lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club of Australia) để dự cuộc Đối Thoại vào tối hôm qua, ngoài hai diễn giả, người điều khiển chương trình (David Speers, Chủ bút về Chính trị của SkyNews) cùng 3 ký giả thuộc “chủ tọa đoàn”, còn có 150 khán giả đã được chọn lọc để bảo đảm tính cách công bằng cho đôi bên.

Trong suốt thời gian tranh luận gần 1 tiếng đồng hồ, đài số 7 và đài số 9 có cho chiếu hình 2 con sâu (the worms), một tượng trưng cho phái nữ và một cho phái nam, phản ảnh cảm nghĩ của người xem đối với những lời phát biểu của hai ứng cử viên.

Nói chung thì các “con sâu” đều có lúc lên, lúc xuống, chứng tỏ khán giả có lúc tán đồng, có lúc phản đối với 2 diễn giả.

Nhưng đến khi buổi Đối Luận chấm dứt, kết quả chung cuộc cho thấy bà Julia Gillard đã đại thắng với tỷ số 64% trong khi ông Tony Abbott chỉ được 36%.

Tuy nhiên, đó là kết quả từ 150 người đích thân được dự xem. Sang đến ngày hôm sau, các cuộc thăm dò ý kiến trên các trang web của đài số 9, của đài ABC lại cho thấy một kết quả ngược lại với ông Abbott ghi được khoảng 50%, bà Gillard 35% và 15% chấm .. huề !!!

Trong khi đó, một Ban Giám khảo của tổ chức “Election Debates” gồm có Fenja Berglund (cựu Vô địch Tranh Luận của các Đại Học trên Thế Giới), Ben Richards (3 lần Vô Địch Tranh Luận Úc Châu), Sam Greenland (Chủ tịch Hội Đồng Tranh Luận) và Praba Ganesan (từng là diễn giả hay nhứt nước Úc) chấm bà Julia Gillard đã thắng cuộc tranh luận tối hôm qua, tuy rất khít khao.(xem link http://www.abc.net.au/unleashed/stories/s2964050.htm)

* CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ KHÔNG ?

Thật tình mà nói, người viết bài nghĩ rằng cuộc tranh luận này sẽ không có ảnh hưởng gì đến lá phiếu của cử tri. Có 3 lý do:

Thứ nhứt, xảy ra quá sớm, ngay sau tuần lễ đầu tiên của thời kỳ vận động tranh cử. Từ đây đến ngày bầu cử 22/8, còn đến 4 tuần lễ và chắc chắn hai bên sẽ còn tung ra những chính sách đường lối mới mẻ hơn để kiếm lá phiếu của dân chúng. Đến lúc đó cũng sẽ chẳng còn mấy ai nhớ đến những gì đã được phát biểu trong tối hôm qua.

Thứ hai, đây chỉ là một cuộc tranh luận duy nhứt nên chỉ có một số đề tài được bàn cãi và ngay cả thế, chúng chỉ được phân tích một cách khái quát, không đủ giờ để đi sâu vào nội dung.

Thứ ba, thiếu vắng một thành phần thứ ba, ở đây là đảng Xanh (the Greens), một thế lực đang lên mà nhiều quan sát viên cho rằng có thể sẽ nắm thế quân bình (balance of power) ở Thượng Viện. Người ta chưa quên kinh nghiệm trong kỳ Tổng Tuyển cử vừa qua ở Anh quốc khi lãnh tụ của đảng Tụ Do Dân Chủ (Liberal Democrats), Nick Clegg, tham dự vào cuộc đối luận tay 3 và đã thổi một luồng sinh khí mới vào chính trường quốc gia này.

Dầu sao, thiển nghĩ dành 1 tiếng đồng hồ tối Chủ Nhựt để xem cuộc Đối luận này cũng vẫn còn thích thú và có ích hơn là xem buổi chung kết của cuộc thi đầu bếp Masterchef !

HƯNG VIỆT
(26/7/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 3 – CÁC CỰU THỦ TƯỚNG CỦA ÚC ĐẠI LỢI

Posted by hungvietbrisbane on 09/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 3 –

CÁC CỰU THỦ TƯỚNG CỦA ÚC ĐẠI LỢI

Trong cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 21/8/2010 sắp tới, dân chúng nước Úc sẽ chọn hoặc bà Julia Gillard (lãnh tụ đảng Lao Động) hoặc ông Tony Abbott (lãnh tụ Liên đảng Tự Do – Quốc Gia) làm Thủ Tướng.

Chúng ta đều biết bà Julia Gillard lên đảm nhận chức Thủ Tướng nước Úc vào ngày 24/6/2010, thay thế ông Kevin Rudd. Sau đây là danh sách của các vi cựu Thủ Tướng của quốc gia này, kể từ ngày thành lập chính quyền liên bang vào năm 1901.

TÊN HỌ ĐẢNG PHÁI THỜI GIAN

LÀM THỦ TƯỚNG

Sir Edmund BARTON PROT 1/1/1901 – 24/9/1903
Alfred DEAKIN PROT 24/9/1903 – 27/4/1904
John Christian WATSON ALP 24/4/1904 – 17/8/1904
Sir George REID FT 18/8/1904 – 5/7/1905
Alfred DEAKIN PROT1 5/7/1905 – 13/11/1908
Andrew FISHER ALP 13/11/1908 – 2/6/1909
Alfred DEAKIN PROT 2/6/1909 – 29/4/1910
Andrew FISHER ALP 29/4/1910 – 24/6/1913
Sir Joseph COOK LIB 24/6/1913 – 17/9/1914
Andrew FISHER ALP 17/9/1914 – 27/10/1915
William Morris HUGHES ALP 27/10/1915 – 9/2/1923
Stanley Melbourne BRUCE NAT 9/2/1923 – 22/10/1929
James Henry SCULLIN ALP 22/10/1929 – 6/1/1932
Joseph Aloysius LYONS UAP 6/1/1932 – 7/4/1939
Earle Christmas Grafton PAGE CP 7/4/1939 – 26/4/1939
Robert Gordon MENZIES UAP 26/4/1939 – 29/8/1941
Sir Arthur FADDEN CP 29/8/1941 – 7/10/1941
John CURTIN ALP 7/10/1941 – 5/7/1945
Francis Michael FORDE ALP 6/7/1945 – 13/7/1945
Joseph Benedict CHIFLEY ALP 13/7/1945 – 19/12/1949
Sir Robert MENZIES LP 19/12/1949 – 26/1/1966
Harold Edward HOLT LP 26/1/1966 – 19/12/1967
John MCEWEN CP 19/12/1967 – 10/1/1968
John Grey GORTON LP 10/1/1968 – 10/3/1971
Sir William MCMAHON LP 10/3/1971 – 5/12/1972
Edward Gough WHITLAM ALP 5/12/1972 – 11/11/1975
John Malcolm FRASER LP 11/11/1975 – 11/3/1983
Robert James Lee HAWKES ALP 11/3/1983 – 20/12/1991
Paul John KEATING ALP 20/12/1991 – 11/3/1996
John Winston HOWARD LP 11/3/1996 – 3/12/2007
Kevin RUDD ALP 3/12/2007 – 24/6/2010

Chú thích tên các đảng phái:

ALP: Australian Labor Party; CP: Country Party; FT: Free Trade; LP: Liberal Party; LIB: The Liberal Party of Deakin and Cook, UAP: United AustraliaParty; PROT: Protectionist

Nhận xét:

1.- Thủ Tướng ngắn hạn nhứt: Earle Christmas Grafton PAGE (16 ngày)

2.- Thủ Tướng nhiệm kỳ dài nhứt: Sir Robert MENZIES (hơn 16 năm)

3.- Thủ Tướng nhiều nhiệm kỳ nhứt: Alfred DEAKIN và Andrew FISHER (3 nhiệm kỳ)

HƯNG VIỆT sưu tập

(20/7/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 2 – YẾU TỐ KEVIN RUDD

Posted by hungvietbrisbane on 09/08/2010

SỔ TAY BẦU CỬ NƯỚC ÚC 2010 – BÀI 2 – YẾU TỐ KEVIN RUDD

NỔ NHƯ TẠC ĐẠN.

Thông thường, đó là một trong những buổi nói chuyện tẻ nhạt mà các phóng viên báo chí thường ít muốn tham dự. Họ biết rằng tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club), các diễn giả thường chỉ đọc những bài phát biểu soạn sẵn với các chi tiết, các con số dài thườn thượt mà sau đó, tại tòa soạn, họ cũng sẽ nhận được qua các thông cáo báo chí.

Cho nên, ngày thứ Năm 15/7/2010 vừa qua, khi các ký giả tập trung tại số 16 National Circuit ở Canberra, dù diễn giả ngày hôm ấy là bà đương kim Thủ Tướng nước Úc, họ nghĩ rằng đó cũng sẽ chỉ là một buổi họp báo như thông lệ, kết thúc bằng một bửa ăn trưa thịnh soạn, ngon lành hơn là bánh mì sandwich ở văn phòng như mọi ngày.

Và thật vậy ! Trong bài nói chuyện, bà Julia Gillard đã trình bày về hiện tình kinh tế quốc gia, vá sau đó, dù cho có một, hai câu hỏi về các vấn đề khác như vấn đề những người tầm tỵ, bà Gillard cũng đã khéo léo hướng dẫn trở lại đề tài chính là kinh tế nước Úc.

Cho đến khi ký giả lão thành Laurie Oakes lên trước micro. Ông Oakes là một nhà báo lão thành về chính trường nước Úc. Chinh ông là người đã phát giác “thỏa ước” giữa hai ông Bob Hawkes và Paul Keating về chiếc ghế Thủ Tướng vào năm 1991, cách đây gần 20 năm.

Vì thế, khi Laurie Oakes đặt câu hỏi, mọi người đều im tiếng lao xao và lắng nghe. Và họ đã được nghe các quả “tạc đạn”, liên tiếp được ném tung về phía bà Julia Gillard. Ông Oakes hỏi:

1.- Có đúng hay không ông Rudd đã nói với bà là gần tới ngày bầu cử, nếu các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông ấy là một trở ngại cho việc đảng Lao Động tái đắc cử, là nếu những nhân vật lãnh đạo đảng như John Faulkner đồng ý rằng ông ấy là một trở ngại, thì ông ta sẽ tình nguyện bước sang một bên và trao quyền lãnh đạo lại cho bà?

2.- Có đúng hay không là bà đã chấp thuận đề nghị này, cho rằng nó  “ hợp lý và có tinh thần trách nhiệm” ?

3.- Có đúng hay không là buổi họp sau đó tạm ngưng, ông Rudd đi thông báo cho những người ủng hộ ông ấy, còn bà đi thông báo cho phe của bà. Sau đó, khi trở lại, bà nói bà đã thay đổi ý kiến vì ông ấy không có đủ “con số” trong caucus và bà sẽ thách thức ông ấy váo sáng hôm sau ?

Tưởng cũng cần nhắc lại buổi họp mà ký giả Laurie Oakes đề cập tới ở trên là buổi họp lịch sử, xảy ra vào tối thứ Tư 23/6/2010 và chỉ có 3 người tham dự là ông Kevin Rudd, bà Julia Gillard và ông John Faulkner, Tổng Trưởng Quốc Phòng.

Sau đó, chúng ta đều biết, sang hôm sau, thứ Năm 24/6, ông Kevin Rudd rút lui và bà Julia Gillard được đảng Lao Động đưa lên làm Thủ Tướng nước Úc.

SỰ BẤT MÃN CỦA CỬ TRI.

Trở lại buổi họp báo trên, người ta phải nhìn nhận là bà Julia Gillard đã có một phản ứng rất bình tĩnh khi đối đầu với các câu hỏi hóc búa của ông Laurie Oakes.

Chỉ hơi chau mày một chút khi câu hỏi đầu tiên được nêu ra, sau đó bà trả lời rằng nội dung của buổi họp đó là chuyện riêng giữa bà và ông Rudd, và cho đến chết, bà cũng sẽ không tiết lộ với ai hết.

Tuy nhiên, bom cũng đã nổ. và đối với những người đã từng ủng hộ ông Rudd, vốn đã không lấy gì làm vui vẻ khi các tay lãnh đạo đảng Lao Động đã chôn vùi ông cựu Thủ Tướng một cách đột ngột và tàn nhẫn cách đây gần 1 tháng, nay lại càng có cớ để bất mãn với bà tân Thủ Tướng hơn.

Dỉ nhiên, những chiến lược gia của đảng Lao Động cũng đã dự kiến được phản ứng tâm lý này nhưng họ hy vọng rằng thời gian sẽ là liều thuốc nhiệm màu, hàn gắn mọi bất bình và câu chuyện Kevin Rudd sẽ đi vào dỉ vãng.

Tương lai thì chưa biết sao chứ hiện tại, đa số dân chúng vẫn chưa nguôi ngoai về việc “soán ngôi” ông Kevin Rudd. Theo kết quả của một cuộc tham dò ý kiến đăng trên báo Sunday Mail sáng nay, Chủ nhựt 18/7/2010, 57% cử tri nghĩ rằng cách đối xữ với ông Rudd sẽ phương hại cho đảng Lao Động trong kỳ bầu cử vào ngày 21/8 sắp tới. Riêng ở tiểu bang Queensland, con số này lại càng cao hơn, lên đến 62%, tức là trong 3 cử tri, có 2 người không vui về chuyện ông Rudd.

Đây không là một điều khiến người ta ngạc nhiên vì ông Rudd nguyên quán từ tiểu bang Qld và trong kỳ bầu cử lần trước vào năm 2007, nhiều quan sát viên đã nhận định rằng chính yếu tố Kevin Rudd đã mang lại một số ghế ở Qld cho đảng Lao Động, đưa đến chiến thắng cuối cùng.

Do đó, kết quả thăm dò ý kiến trên đây sẽ làm cho đảng Lao Động quan tâm vì trong số 30 đơn vị tuyển cử có tính cách “xôi đậu” hay “ngang ngửa”, hơn phân nữa nằm trong tiểu bang nắng ấm này.

CÒN VAI CHÁNH THÌ SAO ?

Trong tuần lễ vừa qua, cựu Thủ Tướng Kevin Rudd đã sang Nữu Ước để thực hiện một chuyến công tác cá nhân, tiếp xúc với ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cùng một số chính khách và chính trị gia Hoa Kỳ.

Hôm nay, ông đang trên đường trở về nước Úc để vận động tái tranh cử chiếc ghế dân biểu của ông ở đơn vị Griffith.

Tuy nhiên, tương tự như bà Thủ tướng Gillard, khi được phóng viên hỏi về nội dung của buổi họp mặt đêm 23/6, ông đã nhã nhặn trả lời rằng đó là một cuộc nói chuyện riêng tư nên ông không thể tiết lộ nội dung ra được.

Tuy thế, nhiều người suy luận rằng trong văn phòng ông Rudd hôm đó chỉ có 3 người. Ông Tổng Trưởng Quốc Phòng John Faulkner thì nổi tiếng là rất kín miệng. Bà Gillard thì không tội gì phải nói ra chuyện đó. Như vậy thì họ hỏi “Còn ai trồng khoai đất này ?”

Ngưòi viết bài này không dám suy đoán về chuyện đó. Nhưng vì đã có một thời gian theo dõi sinh hoạt chính trường Úc, chúng tôi xin mạo muội đưa ra một lời tiên đoán về tương lai ông Kevin Rudd như sau.

Là chúng tôi sẽ không ngạc nhiên sau khi tái đắc cử ở đơn vị Griffith (điều này chúng ta có thể khá chắc chắn vì ông rất được cử tri đơn vị này ưa chuộng), nếu chuyến công tác cá nhân vừa rồi của ông ở Hoa Kỳ thành công, ông sẽ từ chức dân biểu Griffith trong vòng 3 hay 6 thàng để đảm nhận một chức vụ Đại sứ nào đó của Liên hiệp Quốc.

Xin hãy chờ xem.

HƯNG VIỆT

(18/7/2010)

Posted in Bầu Cử 2010, Chính Trị nước Úc | Leave a Comment »