Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

* Băng Bali Nine – Nhân đạo hay Chính trị ?


Băng Bali Nine – Nhân đạo hay Chính trị ?

Một cuộc tranh luận đã và đang diễn ra trong nhiều tuần qua về việc Nam Dương có nên xử tử hai tử tù Myuran Sukumaran và Andrew Chan về tội âm mưu đem 8 kí lô nha phiến về Úc qua ngã Nam Dương hay không.

Đến khi chúng tôi đang viết bài này, hai can phạm vẫn chưa được chuyển từ trại giam Kerobokan sang đảo Nusakambangan là nơi mà các cuộc hành quyết thường diễn ra mặc dù có tin việc di chuyển sẽ không còn bao xa nữa.

Quyết định ân xá hay tiến hành cuộc thi hành bản án từ Tổng Thống Nam Dương càng để lâu, cuộc tranh luận càng trở nên sôi nổi với hai bên bênh và chống đều càng ngày càng có nhiều lập luận hơn.

Trước khi xét đến cuộc tranh luận đó, thiết tưởng một chút về bối cảnh của câu chuyện cũng có thể giúp chúng ta nhìn vấn đề thêm rõ ràng hơn.

Câu chuyện.

Cách đây gần 10 năm, vào ngày 17/4/2005, cảnh sát Nam Dương đã bắt giữ 9 người ở Denpasar, thuộc Bali, Nam Dương khi họ đang âm mưu chuyển 8.3kgs nha phiến, trị giá lúc bấy giờ vào khoảng 4 triệu Úc kim, vào nước Úc.

Chín người gồm có Andrew Chan, Si Yi Chen, Michael Czugal, Renae Lawrence, Tan Duc Thanh Nguyen, Matthew Norman, Scott Rush, Martin Stephens và Myuran Sukumaran.

Sau nhiều phiên tòa và các lần kháng án, phản kháng án, quyết định cuối cùng về số phận của “Cửu Hổ Bali” như sau:

Andrew Chan – tử hình; Sukumaran – tử hình; Czugal, Chen, Norman, Nguyen, Rush, Stephen – tù chung thân; Lawrence – 20 năm tù

Hai tử tù Andrew Chan và Myuran Sukumaran

Hai tử tù Andrew Chan và Myuran Sukumaran

Muốn hành quyết.

Những người đồng ý với bản án tử hình cho rằng hai đầu đảng Sukumaran và Chan cùng bảy tòng phạm biết rõ là họ đang làm gi. Không thể bảo lúc đó họ còn quá trẻ nên đã có những hành động nông nổi .

Tuần qua, một người bạn Úc đã gởi cho người viết một bài đã đăng trên báo Daily Mail ở Úc vào ngày 12/12/2014. Bài báo cho biết trước khi bị bắt ở Bali vào ngày 17/4/2005, trước đó chỉ có 5 ngày, 12/4/2005, Sukumaran và Chan đã tổ chức cho ba thanh thiếu niên khác là Rachel Diaz 17 tuổi, và hai người trẻ gốc Việt là Hutchinson Trần 22 tuổi cùng Chris Vỏ chỉ mới 15 tuổi âm mưu đem 1 kilo nha phiến từ Hồng Kông vào nước Úc bằng cách bỏ vào 114 “túi áo mưa” và nuốt vào trong bụng.

Các mưu toan liên tiếp đó chứng tỏ Sukumaran và Chan là hai tay đầu sỏ buôn bán ma túy chuyên nghiệp và có tính toán, không phải những người chỉ hành động ngu muội vì một món lợi trước mắt.

Họ nói ai lại không chia sẻ đau xót với gia đình các can phạm, những người sẽ phải sống khổ sở, kinh hoàng với nỗi ám ảnh con trai, anh, em của mình đã bị những viên đạn đồng kết liễu mạng sống.

Nhưng thương xót cho hai tử tù thì những người này nghiêm khắc bác bỏ. Họ lập luận hai chàng này đã biết quá rõ họ sẽ phải lảnh những hình phạt ra sao nếu họ bị bại lộ. Bích chương được dán đầy dẫy ở Nam Dương kể rõ những hậu quả của việc nhập cảng và/hay xuất cảng ma túy trên lảnh thổ Nam Dương.

Họ bác bỏ lời biện hộ là án tử hình không thể hiện hữu trong một xã hội văn minh bằng cách nhắc lại văn minh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.

Họ đặt giả thuyết nếu 8 kilo nha phiến đó đã tìm được đường về đến nước Úc, được chia ra để phân phối trên đường phố Sydney, hàng trăm, hay có thể hàng ngàn, cuộc đời sẽ bị ảnh hưởng trong khi những tay chủ chốt sẽ ngụp lặn trong xa hoa, sung túc.

Họ hỏi tiếp trong trường hợp đó, liệu Chan có tìm đến Chúa để truyền bá những lời giảng dạy của Người ? Liệu Sukumaran có khám phá tài năng tiềm tàng về hội họa của mình để mở lớp dạy các bạn trẻ khác cầm bút vẻ hay không ?

Hay chúng sẽ mua xe láng, tậu nhà cao, không đếm xỉa gì tới những khổ đau mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu ?
Xin khoan hồng.

Trong khi đó, nhóm bênh vực cho sự khoan hồng đặt trọng tâm vào hai khía cạnh.

Đầu tiên là giá trị của sự cải huấn. Sukumaran và Chan đã nằm trong vòng lao lý gần 10 năm qua. Trong thập niên dó, hai người đã chứng tỏ có những hành vi hướng thiện. Chan dạy Anh ngữ cho các bạn trong tù và học tập Thánh kinh ngày đêm để tuần qua, đã được chính thức thụ phong là một mục sư. Sukumaran tiêu thì giờ trên các giá vẻ và đã mở các lớp hội họa cho những bạn tù.

Có một tử tù, khi nghe tin các bản án tử hình của hai công dân Úc vẫn sẽ được thi hành đã phát biểu:

“Như vậy thì đem tôi ra sân sau bắn luôn đi, chớ đâu còn hy vọng gì để hoàn lương, hướng thiện nữa, cuối cùng rồi cũng ăn đạn thôi”.

Lại có tin chưa được kiểm chứng là có tử tù khác sẵn sàng chết thay cho Sukumaran để anh này tiếp tục dạy vẻ cho các tù nhân khác.

Lập luận thứ hai của nhóm bênh vực khoan hồng là tính cách đạo đức giả trong quyết định của chính phủ Nam Dương.

Họ nhắc lại rằng, bốn năm trưóc đây, một ô-sin Nam Dương ở Saudi Arabia đã bị xử chém đầu về tội giết chết bà chủ vì bị bà này đày đọa quá khổ sở. Chính phủ và dân chúng Nam Dương hãi hùng trước tin này đến nổi Tổng thống lúc bấy giờ, Susilo Bambang Yudhoyono đã phải ra lệnh cấm không cho các ôsin sang Saudi Arabia làm việc nữa.

Gần đây, Jakarta đang vận động ráo riết – kể cả sẳn sàng trả “tiền chuộc mạng” – để cứu một ôsin khác Satinah Binti Jumadi Ahmad, 41 tuổi, cũng bị bản án tử hình về tội giết chủ nhân tương tự.

Cuối năm ngoái, $1.8 triệu Mỹ kim – đa số từ chính phủ Nam Dương – đã được đóng để cứ mạng 33 tử tù ở xứ Ả rập nói trên.

Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo lại tuyên bố bác bỏ đơn xin khoan hồng của 64 tù nhân đang nằm chờ ngày ra pháp trường ở Nam Dương .
Tháng rồi, sáu người, trong đó có năm người nước ngoài, đã thọ án

Đạo đức giả.

Nếu đơn xin khoan hồng của Sukumaran và của Chan đã được cứu xét cách đây vài năm, có lẽ hai anh đã được khoan nhượng vì cho đến tháng Ba 2013, Nam Dương đang có chính sách khoan hồng cho các tử tù để trả lời những cáo buộc là họ đạo đức gỉả trong quan niệm về việc hành quyết tù nhân.

Tuy nhiên, giờ đây, vì tình hình chính trị, Tổng thống Jokowi muốn chứng tỏ mình là một người cứng rắn, cương quyết.

Điều đó khiến cho các ủng hộ viên và các luật sư biện hộ miễn phí cho hai tử tù Úc phải lúng túng trong việc bênh vực cho lập luận rằng tuy họ chủ trương hủy bỏ bản án tử hình một cách toàn diện, họ chỉ xin khoan hồng cho Sukumaran và Chan chứ không ai khác vì hai người này đã cãi tà quy chánh.

Thật tình mà nói, chính nước Úc cũng vấp phải sự thiếu đồng nhất về bản án tử hình. Năm 2003, khi hai tên đánh bom ở Bali bị kêu án tử hình, cả chính phủ Úc lẫn phe đối lập ở Úc đã ủng hộ bản án hoặc giả vờ làm ngơ.

Đúng hay sai ?

Như vậy thì ai đúng, ai sai ? Bên nào hợp tình, bên nào vô lý ?
Xin được đề nghị là qúy bạn đọc chỉ nên đem đề tài này ra bàn thảo trong các cuộc nói chuyện với những thân hữu mà thôi bởi vì nó dễ đưa đến những tranh cải ráo riết, không quen biết nhau lâu ngày thì dễ đưa đến chỗ mất lòng, mất bồi lắm.

Còn nếu hỏi tại hạ nghĩ sao thì bèn xin đi một đường .. ba phải là tùy theo nhân sinh quan của mỗi cá nhân mà thôi.

Có người đã ví von là khi nói đến triết lý đạo đức, nó cũng tương tự như tranh luận Coke hay Pepsi uống ngon hơn, hoặc nghe Thái Thanh và Thanh Thúy, ai “phê” hơn ai. Người ta thường đi đến kết luận dựa trên những phản xạ tình cảm.

Đó là lý do tại sao trong một cuộc thăm dò ý kiến của cơ quan Morgan tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Giêng vừa rồi, dân chúng Úc gần như đã phân chia đồng đều về quan điểm khoan hồng (52%) hay không khoan hồng (48%) cho hai tử tù.

Từ đó, người ta lại đặt ra những giả thuyết khác. Nếu giới tính, tội phạm, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, gia cảnh và ngay cả hình thức hành quyết của hai tử tù đã khác đi thì sao ? Liệu quyết định có khác đi không ?

Một bỉnh bút Úc đã viết thẳng thừng là nếu Sukumaran và Chan là hai người da trắng thì đã có quyết định khác.

Một điều chắc chán mà ai cũng trông thấy là chính phủ Úc đã cố gắng hết sức để cứu mạng hai công dân quốc gia này. Thủ tướng Tony Abbott đã lên tiếng vừa công khai vừa riêng rẻ với Tổng thống Nam Dương, nhìn nhận sự ngu xuẩn của hai tử tù nhưng cho rằng không đáng để phải ra pháp trường. Ngoại trưởng Julie Bishop cũng đã dùng những đường dây ngoại giao để truyền đạt lời thỉnh cầu của dân chúng Úc , kêu gọi lòng nhân đạo của Nam Dương.

Người ta, và nhất là gia đình của Sukumaran và Chan chỉ lo sợ là lòng nhân đạo đôi khi bị tình hình chính trị lấn át. Cắn cứ theo những diễn tiến trong hai tuần qua, nỗi lo sợ đó ngày càng tăng cao.-

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/03/2015