Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for the ‘Phát thanh 4EB’ Category

Bài vở – Tin tức – Hình ảnh – Thông Cáo của Ban Phát Thanh Việt ngữ 4EB

* TỪ CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM CỦA CÔ GIÁO STEPHANIE SCOTT, NGHĨ ĐẾN VẤN ĐỀ BẠO HÀNH VỚI PHỤ NỮ

Posted by hungvietbrisbane on 19/09/2015


TỪ CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM CỦA CÔ GIÁO STEPHANIE SCOTT,
NGHĨ ĐẾN VẤN ĐỀ BẠO HÀNH VỚI PHỤ NỮ


Thông thường, chuyện một thiếu nữ ở tuổi đôi mươi bị mưu sát cũng đã đủ để trở thành một bi kịch trong cộng đồng. Khi thiếu nữ đó lại là một cô giáo vì quá tận tụy với chức nghiệp đến nỗi ngày lễ Chúa nhật Phục sinh mà cũng vào trường để soạn bài cho học sinh của mình để gặp phài định mệnh oan nghiệt tại đó, niềm bi thương tăng lên gấp chục lần. Và khi biết được cô đang thu xếp công việc như thế để chuẩn bị lên xe hoa vào cuối tuần rồi, chẳng những thị xã Leeton với ngôi trường nhỏ bé của cô mà tỉnh lỵ Canowindra là nơi cô đã trưởng thành, rổi cả tiểu bang NSW và cả toàn nước Úc đã vô cùng xúc động.

Áo cưới chưa mặc một lần.

Cả một tương lai rực rỡ đang chờ đón trước mắt cô Stephanie Scott. Tốt nghiệp sư phạm, cô được bổ nhiệm về dạy ở trường Leeton. Hạnh phúc đến với cô khi người bạn trai thời niên thiếu ở Conwindra ngỏ lời cầu hôn và dọn về chung sống với cô ở Leeton. Mười hai tháng qua đối với đôi tình nhân này là sự chuẩn bị rộn ràng cho ngày trọng đai nhất trong đời: lễ thành hôn dự định vào thứ Bảy tuần rồi 11/4.
Một tuần trước đó. Ngày thứ Sáu 3/4, cô điện thoại về cho mẹ, bà Merrilyn Scott, cho biết cô đang làm những hộp giấy để đựng quà lưu niệm cho khách dư tiệc cưới.

Cô Stephanie Scott

Cô Stephanie Scott

Ngày thứ Bảy, có người vẫn còn thấy cô đi chợ Woolworths. Đến trưa hôm đó, cô đi mua các cặp cufflinks, nút cổ tay áo sơ mi cho các phù rể, và bộ áo tắm bikini cho chính cô trong tuần lễ trăng mật ở Tahiti.

Sáng Chủ nhật 5/3, cô và hôn phu Aaron Leeson-Woolley gởi những mẫu tin cho nhau trên điện thoại di động của hai người về những dự tính cho tiệc cưới.

11 giờ sáng cùng ngày, một bạn đồng nghiệp trông thấy cô vào trường trung học Leeton.

12 giờ trưa, hôn phu Aaron cố gắng điện thoại cho cô nhưng chỉ được câu trả lời từ máy nhắn.

12 giờ 59 phút: cô gởi một email từ computer của nhà trường đến công ty xe buýt địa phương để xác nhận việc mướn xe chở các vị khách tham dự lễ cưới từ trung tâm thị xã Canowindra đến địa điểm hành lễ.

Và đó là liên lạc cuối cùng của cô với bất kỳ một ai.

Cô Stephanie Scott và hôn phu Aaron Leeson-Woolley

Cô Stephanie Scott và hôn phu Aaron Leeson-Woolley

Chiều Chủ nhật 5/4, anh Aaron về nhà của hai người nhưng cô Scott không có ở đó.
Tối Chủ nhật 5/4, anh Aaron lái xe đến quán ăn The Village là nơi hai người hẹn nhau ăn tối nhưng cô Scott vẫn biệt vô âm tín. Anh Aaron phải hủy bỏ buổi ăn.

Chiều thứ Hai 6/4, sau khi điện thoại để báo tin cho gia đình cô Scott biết, anh Aaron báo cáo với cảnh sát về sự mất tích của người vợ sắp cưới của mình.

Tiếp theo là gần ba ngày tìm kiếm và điều tra của cảnh sát để đến thứ Tư, 8/4, họ câu lưu Vincent Stanford, lao công quét dọn của trường Leeton, nơi cô Scott dạy học.

Trong số các tang vật cảnh sát tịch thu được nơi căn nhà mà nghi can sinh sống với mẹ và người em trai, họ tìm thấy một máy chụp ảnh với các tấm hình của một thi thể đã bị đốt cháy một phần.

Sau đó, chiếc xe Mazda màu đỏ của cô Scott cũng được phát giác và dân chúng đã hướng dẫn cho cảnh sát tìm được một laptop computer trong một dòng sông do một người đàn ông quăng xuống đó một cách vội vã rồi bỏ chạy.

Hai ngày trước đám cưới của cô, thi thể cô Scott đã được cảnh sát tìm thấy trong một khu rừng ven đường, cách Leeton khảng 90 phút lái xe.

Đâu lại vào đó.

Từ đó, và liên tiếp trong những ngày vừa qua, hàng rào trường trung học Leeton được đan đầy với các bó hoa và những giải khăn màu vàng và thị xã Canowindra nhuốm một màu tang tóc. Các buổi lễ cầu nguyện, tường niệm diễn ra liên tục khiến người viết bài lại nghĩ đến một câu chuyện thương tâm tương tự đã xảy ra ở Melbourne cách đây gần ba năm, vào tháng Chín 2012, với cô Jill Meagher, nhân viên của đài ABC ở Melbourne.

Rồi sau đó, liên tiếp các mẫu tin kinh hoàng đã đến với thành phố Brisbane này mà nạn nhân là các phụ nữ chân yếu tay mềm.

Tháng 4/ 2012, Allison Baden-Clay bị chồng giết chết và dìm thi thể dưới một con rạch. Tháng 5/2013, Joan Ryther, bụng mang dạ chửa, sáng sớm rời chỗ làm, về còn cách nhà hơn một cây số, bị chận lại và cướp mất tính mạng. Tháng Chín, Eunji-Ban, trên đường đi đến sở làm cũng vào một buổi sáng tinh sương, đụng phải tên giết người ở một công viên ngay trung tâm thành phố. Tháng 4 năm ngoái 2014, cô Sohpie Collombet đi học về khuya, không vượt hết chiếc cầu Go Between giữa phố Brisbane.

Cô Eunji Ban

Cô Eunji Ban

Cô Jill Meagher

Cô Jill Meagher

Cô Sophie Collombet

Cô Sophie Collombet

Sau mỗi án mạng như thế, dư luận ồn ào lên một thời gian. Một vài cuộc xuống đường được tổ chức. Một hai đêm thắp nến diễn ra. Như mới cuối tuần rồi, lại có một cuộc tuần hành ở Melbourne do nhóm Enough is Enough phát động, quy tụ vài trăm người, so với cuộc biểu tình sau vụ thảm sát cô Jill Meagher thì con số đã giảm đi rất nhiều. Một vài chính trị gia xu thời, không bỏ lở cơ hội để đứng trước micro.

Rồi đâu lại vào đó. Cho đến ngày có một nạn nhân khác.

Dường như người ta cho rằng đó chỉ là những tai nạn, ai xui thì phải hứng chịu. Dường như thể đó là một cuộc xổ số, một vụ rút thăm, may nhờ rủi chịu.

Vi phạm nhân quyền.

Các chính phủ liên bang và tiểu bang đưa ra những biện pháp giải quyết tạm bợ, nhất thời như không muốn nhìn nhận rằng bạo hành đối với phụ nữ cũng là một sự vi phạm nhân quyền và có nhửng ảnh hưởng tai hại về mặt tâm lý, y tế và xã hội.

Một trang mạng của tổ chức Y tế Thế giới, World Health Organisation WHO, cho biết có đến 35% số phụ nữ trên thế giới bị bạo hành, hoặc từ người chung sống hay bạn đời, hoặc từ những người hoàn toàn xa lạ.
Có 38% tổng số phụ nữ bị mưu sát là từ những người chung chăn gối.

Bản báo cáo của WHO trình bày một số yếu tố đưa đến tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, bao gồm trình độ giáo dục thấp kém ớ các nước kém mở mang, con cái chứng kiến cảnh bạo hành giữa cha mẹ nên xem đó là “chuyện bình thường”, ảnh hưởng cửa rượu và ma túy, ghen tương và kỳ thị phái tính.
Ở Úc cũng nhụ ở các nước Tây phương khác, các nhà xã hội học đã đề cập đến việc gảy đỗ hôn nhân trong gia đình đóng góp một phần quan trọng đến ảnh hưởng tâm lý của những người đàn ông hà hiếp hoặc bạo hành phụ nữ.

Tấm gương để noi theo ?

Đó cũng là điều khiến người viết bài cảm thấy có một điều gì không ổn khi gần đây, một dân biểu quốc hội tiểu bang bị cáo buộc về tội hành hung người bạn đường của ông ta, không phải chỉ một lần vì một cơn nóng giận mà rất nhiều lần, không phải chỉ mới gần đây mà đã kéo dài trong một thời gian rất lâu, cả hàng chục năm, nhưng vẫn cương quyết không từ bỏ chiếc ghế dân cử của mình.

Đã đành nguyên tắc chính yếu của luật pháp Tây phương là “Anh là người vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội”, nhưng đối với một người đứng ra để làm hình ảnh tiêu biểu cho những người khác trong cộng đồng noi theo, các cáo buộc trên đủ quan trọng để vị dân biểu tạm đứng sang một bên, không cần phải từ chức hoàn toàn, trong khi chờ đợi kết quả của cuộc điều tra.

Vị lảnh tụ chính đảng của ông đã hành xử đúng khi khai trừ ông ra khỏi đảng và yêu cầu ông từ chức khỏi nghị trường. Nhưng có vẻ ông vẫn sẽ bình chân như vại. Thử hỏi, với một tấm gương đối xử với phụ nữ như thế, ai có thể giải thích cho các tay như Vincent Stanford hiểu rằng bạo hành với đàn bà, con gái là điều KHÔNG bình thường và KHÔNG thể chấp nhận được.

Trách ai nếu không phải chính chúng ta ? Và kêu gọi ai, nếu không phải chính chúng ta, để làm gương cho con em trong gia đình ?

Tưởng cũng cần nói thêm bạo hành không chỉ giới hạn ở hành động mà còn có thể qua lời nói. Những lời nói trì triết, xăm xỉa, soi móc, châm biếm, mạ lỵ cũng là những hành vi của bạo lực. Trong trường hợp này, chúng gây ra cho nạn nhân những đau đớn về tinh thần, tâm lý, nhiều khi còn nặng nề hơn thể xác gấp bội.

Anna Julia Cooper đã viết “Bullies are cowards at heart”, những kẻ hà hiếp thật ra chỉ là những tên hèn nhát. Chúng đánh hơi hay chọn lựa con mồi rồi ra tay.

Để có thể có được các thay đổi lâu dài về tư duy hà hiếp phụ nữ, các chính phủ phải can đảm đưa ra những nghị trình thật sự nhắm vào việc giáo dục quần chúng, phát đông các kế hoạch, chương trình hổ trợ phụ nữ, tạo sự công bằng về giới tính trong việc thăng tiến nghề nghiệp, không chỉ làm qua lề để có những con số báo cáo,

Viết tới đây thì trên tin tức lại có tin một người đàn ông ở Townsville vừa bị bắt giam với cáo trạng là đã mưu sát người vợ, mất tích cách đây đã hơn một tháng.

Chứng nào các thảm kịch này sẽ không còn diễn ra nữa ?

HƯNG VIỆT (Brisbane)
13/04/2015

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

* Asian Cup: túc cầu Úc thành công mọi mặt

Posted by hungvietbrisbane on 13/09/2015


Asian Cup: túc cầu Úc thành công mọi mặt

Lời thưa đầu tiên cùng các bạn đọc ái mộ thể thao. Mùa Hè 2015 này, các bạn hãy quên đi những môn thể thao truyền thống mùa Hè ở Úc. Lý do là vì chúng đã xảy ra đúng như dự đoán, chẳng có gì đáng ghi nhớ.

Chẳng hạn như giải vô địch quần vợt Australian Open mở rộng kéo dài hai tuần vừa mới kết thúc. Đồng ý có những kết quả bất ngờ như Roger Federer bị loại khá sớm. Hay tay vợt trẻ đang lên của Úc Nick Kyrgios vào được tứ kết. Nhưng cuối cùng vẫn là hai đấu thủ số 1 thế giới Novak Djokovic và Serena Williams chiếm hai chức vô địch.

Hoặc môn cricket. Không, không phải món “mì ăn liền” là giải Big Bash T20, giải quyết trong vòng 20 overs đâu. Mà là cuộc tranh tài tam hùng giữa Úc, Anh và Ấn độ, mỗi trận tranh trong 50 overs kia. Rồi kết quả sau cùng ra sao ? Ấn độ mang hành trang về sớm để Úc và Anh tranh chung kết vào ngày hôm qua 1/2 với Úc đè bẹp Anh một cách dễ dàng. Chẳng có gì hấp dẫn, sôi động.

Số khán giả kỷ lục.

Ở Úc, trong ba tuần qua, môn thể thao tạo được sự lôi cuốn nhiều nhứt phải nói là túc cầu. Không chỉ riêng đối với người viết hay quý đồng hương đọc giả. Điều đó đã đành vì ở quê nhà, bóng tròn là môn thể thao vua. Nhưng ở nước Úc, 32 trận đấu của giải Cúp Á châu với 650,000 người đi xem, tình trung bình khoảng 20,000 cho mỗi trận là một con số vượt qua ngoài sự mơ ước của ban tổ chức khi họ chỉ cầu mong đạt được con số 500,000 đã là điều sung sướng. Cũng cần nhắc lại trước đây 4 năm, giải vô địch này được tổ chức ở Qatar chỉ thu hút được 421,000 khán giả.

Kỳ này, riêng các trận đấu không có hội tuyển Úc tranh tài cũng đã có 380,000 người xem. Giới quan sát thể thao sững sờ, lắc đầu không tin được chính mắt của họ, khi một trận đấu vô thưởng vô phạt giữa Iraq và Palestine ở thủ đô Canberra, thành phố của những công chức vốn thường bình lặng, cũng đã có hơn 10,000 người đến xem.

Đến trận quyết định giữa Úc và Nam Hàn tối thứ Bảy vừa qua, con số 76,000 khán giả chỉ thua trận chung kết của môn AFL ở sân Melbourne Cricket Ground vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng Chín mỗi năm.

Nói về số khán giả mục kích trên các đài truyền hình thì con số càng đáng chú ý hơn nữa, vượt quá 1 tỷ người, chưa tính trận chung kết. Ở Trung quốc, tin tức cho biết trung bình mỗi trận có 182 triệu ngồi trước màn ảnh nhỏ.

Thành thử, có thể nói không ngoa là túc cầu đang là môn thể thao “nóng”, đến độ Patrick White, cây bút bình luận thể thao nổi tiếng của nhật báo The Australian đã viết “Đừng đụng vào. Coi chừng bỏng tay”.

Trình độ thi đấu.

Tuy nhiên, khán giả đông đảo thì chỉ có ban tổ chức hoan hỉ. Điều quan trọng hơn là giới thưởng ngoạn có hài lòng hay không ? Họ nghĩ gì về trình độ thi đấu của các đội tuyển ?

Nếu đặt câu hỏi này với một khán giả người Úc địa phương, chắc chắn câu trả lời sẽ là “Tuyệt vời “ vì quốc gia chủ nhà đã đá bại Nam Hàn với tỷ số 2-1 trong trận chung kết.

Đội Socceroos - Vô địch Á châu 2015

Đội Socceroos – Vô địch Á châu 2015

Họ sẽ nói với quý vị rằng các cầu thủ Socceroos đã oanh liệt mang về cho quốc gia này chiếc cúp vinh dự nhất từ trước đến nay. Viết tới đây, bần bút nhớ lại một trong những chiến thắng trước đó đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỹ khi đội tuyển Úc đoạt Cúp Hữu nghị ở Sàigon vào năm 1967, cũng đá bại Nam Hàn 3-2 tại sân vận động Cộng Hòa vào trận chung kết.

Nhưng thực sự có đúng như vậy không ? Có phải Socceroos chỉ trong vòng nửa năm đã mang “đôi hia bảy dặm”, từ không thắng trận nào ở giải World Cup bên Ba Tây để trở thành bá chủ Á châu ?

Người viết đã được xem trận tứ kết giữa Úc và Trung quốc ở sân Suncorp Brisbane. Vào thời điểm đó, các Socceros đang phải chịu một ảnh hưởng tâm lý khá nặng nề vì đã bị Nam Hàn khuất phục ở trận tranh vòng loại cuối cùng với tỷ số 0-1.

Tuy đã tàn sát Kuwait 4-1 và Oman 4-0 trong hai trận trước đó, Úc biết là dù có đá bại Trung quốc ở trận tứ kết này, xác suất là Nam Hàn sẽ đứng đầu bảng, Úc sẽ được xếp hạng nhì và như thế, đương kim vô địch Nhật bản rất có thể đang chờ đợi ở ngưỡng cửa bán kết và đó sẽ là một món xương khó nuốt.

Quả thật, 20 phút đầu tiên của trận đấu với Trung cộng, người ta có cảm tưởng Úc không muốn tiến xa hơn. Giao banh rời rạc, phòng thủ mở ngõ, nhất là bên góc mặt, tấn công không thấy có chủ điểm. Nhưng lần lần, Úc lấy lại bình tĩnh, các đường giao banh có phần chặt chẻ và kiến hiệu hơn. Tuy nhiên, phải đợi đến hiệp nhì, cầu thủ gạo cội Tim Cahill mới ghi được hai bàn thắng tuyệt vời cho Úc.

Tương lai ra sao ?

Đến đây, những người bi quan lại đặt một câu hỏi khác. Bây giờ còn Tim Cahill thì còn hy vọng. Đôi ba năm nữa, anh này giải nghệ thì sẽ ra sao ? Úc có tài năng nào khác để thay thế không ?

Câu hỏi đã được trả lời một cách hùng hồn vào tối thứ Bảy vừa qua.

Cahill bị thương, phải được thay thế. Nỗi lo sợ bắt đầu dấy lên. Nhưng các Socceroos trẻ tuổi, những cái tên vẫn còn khá xa lạ với những người không theo dõi túc cầu thường xuyên, đã đứng lên nhận lãnh trách nhiệm.

Họ đã chứng tỏ được sự trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông bầu Ange Postecoglou. Bàn thắng đầu do công của Massimo Luongo (cha Ý, mẹ Nam dương) là tổng hợp của sự bình tĩnh, lượng định tình hình và kết thúc chính xác.

Socceroos trẻ tuổi Massimo Luongo

Socceroos trẻ tuổi Massimo Luongo

Bàn thứ nhì do James Troisi tung lưới nhưng công trạng phần lớn là của Tomi Juric đã trì chí theo đuổi đường banh xuống tận lằn vôi cuối sân, vấp ngả và bị hai địch thủ truy cản, thế mà vẫn tìm cách đưa ngược banh trở lại, tạo cơ hội cho Juric làm bàn.

Cầu thủ Tomi Juric

Cầu thủ Tomi Juric

Đó là giây phút quyết định vì khi Nam Hàn gở hòa ở phút cuối cùng của giờ đấu 90 phút chính thức, người ta e ngại các Socceros trẻ tuổi sẽ mất tinh thần chiến đấu và sẽ buông xuôi ở hai hiệp đấu thêm giờ. Nhưng không, họ đã được tôi luyện và đầu óc họ đã được ông bầu Postecoglou cho thấm nhuần ý chí “chiến đấu tới giây phút cuối cùng”.

Phải có đôi dòng để ghi công của ông bầu này với sự quyết tâm và niềm tin mãnh liệt của ông trong các quan niệm và chiến lược, chiến thuật mà ông theo đuổi. Thừa hưởng một đội banh hoàn toàn mất hết sự tự tin sau các trận đại bại 6-0 trước Ba Tây và Pháp quốc, ông Postecoglou đã xây dựng lại từ đầu một đội quân trẻ, tuy ít kinh nghiệm trận mạc nhưng có đủ tài nghệ và lòng hy sinh cho mục tiêu họ đang cùng nhau đeo đuổi.

Huấn luyện viên Ange Postecoglou

Huấn luyện viên Ange Postecoglou

Khai thác thành quả.

Với chiến thắng trong giải Cúp Á châu vừa qua, với số khán giả tham dự đông đảo, cùng số người xem trên các đài truyền hình khổng lồ, thế giới túc cầu đã phải ngồi dậy và lưu ý đến nền bóng tròn ở Úc.

Chắc chắn môn thể thao này sẽ trở nên đại chúng hơn bao giờ hết. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi con số thiếu niên được cha mẹ ghi tên cho tham gia các câu lạc bộ túc cầu sẽ tăng vọt.

Đồng thời, Tổng cuộc Túc cầu Úc có thể đầu tư số tiền lời trong việc tổ chức vừa qua vào việc tu bổ và tạo mãi các sân cỏ, mướn huấn luyện viên và các săn sóc viên như bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên dinh dưỡng để chăm sóc chẳng những cho đội tuyển quốc gia mà còn cho các đội thanh niên U-23 hay thiếu niên U-19.

Quan trọng hơn, có người bạn nói, nếu muốn, đây là thời điểm thuận tiện nhứt để Úc nộp đơn xin tổ chức giải Vô địch túc cầu thê giới vì kinh nghiệm tổ chức giải Asian Cup vừa qua đã tạo được nhiều hình ảnh và tiếng vang tốt đẹp.

Nghĩ cho cùng, tại sao không ?

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/02/2015

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , | Leave a Comment »

* “Không, tôi không phải là Charlie”

Posted by hungvietbrisbane on 17/01/2015


“Không, tôi không phải là Charlie”

Vụ khủng bố xảy ra trong tuần qua giữa thủ đô Paris đã gây chấn động dữ dội trên toàn thế giới vì nhiều lý do. Thứ nhứt, nó diễn ra ngay giữa một thành phố được xem như cái nôi của chế độ dân chủ và là biểu tượng của văn minh hiện đại. Thứ hai, các đoạn videos cho thấy sự tính toán cẩn thận của các hung thủ dẫn đến cách hành xử ung dung như chỗ không người cùng thái độ lạnh lùng, tàn nhẫn của chúng. Thứ ba, số nạn nhân lên rất cao, gồm đến 12 người trong đó có vị tổng biên tập cùng nhân viên của một tòa báo châm biếm nổi tiếng ở Pháp, Charlie Hebdo.

Có lẽ điểm sau cùng nói trên đã gây ra phẩn nộ nhiều nhứt vì nó đã đụng chạm đến điều mà người ta thường gọi là Đệ Tứ Quyền: quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Trong nhiều năm qua, Charlie Hebdo đã từng là mục tiêu của những tay Hồi giáo quá khích vì những bức biếm họa chế diễu giáo tổ Mohammed. Khởi đầu từ việc đăng lại các bức biếm họa của báo Jylland Posten ở Đan Mạch, tờ báo Charlie Hebdo đã đi xa hơn với các bức tranh khác của chính các cộng sự viên của họ, ngay cả việc vẽ Mohammed trần truồng.

Bài viết này không phải để bênh vực các tay khủng bố. Người viết cực lực lên án các hành vi bạo động, dù xảy ra ở Martin Place, Sydney hay thủ đô Pháp quốc hoặc ở Nigeria tận Phi châu xa xôi do nhóm Boko Haram gây ra. Mỗi cái chết của một nạn nhân vô tội là một bản án cho những người chủ trương dùng vũ lực và súng đạn để cướp đoạt quyền tự do của người khác.

Đó cũng là lý do trong chuyến viếng thăm Sydney trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi, chúng tôi đã có ý định đến quán cà phê Lindt ở quãng trường Martin Place để vào uống ly nước, trước nhứt để tỏ ý ủng hộ và tấm lòng phân ưu với doanh nghiệp này sau cơn thảm kịch, và thứ hai , cùng với các người dân Úc khác, để chứng tỏ với các tay khủng bố, bạo lực không đe dọa được người dân. Đáng tiếc là quá Lindt vẫn còn đóng cửa để sửa sang.

Quán cà phê Libdt ở Martin Place, Sydney, vẫn còn đóng cửa trong ngày cuối năm 2014

Quán cà phê Libdt ở Martin Place, Sydney, vẫn còn đóng cửa trong ngày cuối năm 2014

Bài viết này chỉ muốn tập trung vào sự liên đới giữa Tự do và Trách nhiệm.

Quân bình giữa Tự do và Trách nhiệm.

Hơn ai hết, chúng ta, những người Việt tỵ nạn, hiểu rõ và trân quý giá trị của hai chữ Tự do. Cũng vì Tự do, chúng ta phải lìa bỏ quê hương, đất nước. Nhưng song song bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu bên cạnh Quyền hạn luôn đi kèm hai chữ Trách nhiệm.

Tự do đi lại không có nghĩa là chúng ta có quyền xâm nhập gia cư của người khác. Tự do sở hữu không cho phép chúng ta được tồn trữ cần sa, ma túy hay trong trường hợp ở Úc, Pháp và nhiều quốc gia khác trừ Hoa Kỳ, vũ khí trong nhà mà không có giấy phép. Và tự do ngôn luận không có nghĩa là chúng ta được quyền viết, nói hay phát biểu bất cứ điều gì chúng ta thích để phỉ báng, mạ lỵ người khác.

Đó là điều người viết bài không đồng ý với những người biểu tình ở Paris và vài nơi khác trên thế giới trong những ngày qua với tấm bảng “Je suis Charlie” “Tôi là Charlie”.

Vâng, chúng ta cần phải biểu tình để lên án các tay sát nhân. Nhưng không, quý vị không thể nào là Charlie được. Cũng như quý vị không bao giờ muốn là Charlie Hebdo.

Người biểu tình ở Pháp với biểu ngữ cầm tay "Je suis Charlie"

Người biểu tình ở Pháp với biểu ngữ cầm tay “Je suis Charlie”

Ở Úc, sự kiện chúng ta không phải là Charlie Hebdo là một điều đáng hãnh diện. Chúng ta không chấp nhận lối trào phúng làm tổn thương tín ngưỡng, tinh thần và tình cảm của người khác.

Ở Pháp, Charlie Hebdo không phải là tờ báo châm biếm duy nhứt. Người viết bài đã từng được biết đến báo Le Canard Enchainé từ thuở còn mài đủng quần ở các lớp tiểu học qua sự giới thiệu của phụ thân. Ra đời từ năm 1915, “Con Vịt Bì Xiềng Chân” hàng tuần loan tải các nguồn tin bị rò rỉ từ chính trường cùng thương trường của Pháp kèm theo những chuyện tếu và những bức tranh biếm họa. Nhưng tuần báo này tồn tại đến ngày nay vì họ biết giới hạn của quyền tự do báo chí và tạo được sự nể phục trong lòng dân chúng Pháp, ngay cả những người thường bị họ châm biếm.

Charlei Hebdo thì khác. Báo này không phân biệt nạn nhân, chế diễu chẳng những tín đồ Hồi giáo mà còn cả Thiên chúa giáo, Judai giáo, tài tử, lực sĩ quốc gia, chính trị gia. Chủ trương của họ là muốn thử xem biên giới của quyền tự do báo chí có thể kéo dài đến bao xa bằng cách khiêu khích một cách có có chủ đích, đôi khi nham nhở và thách thức.

Điều luật 18C.

Ở Úc, chúng ta biết là phải tôn trọng tín ngưỡng và văn hóa của người khác. Đây không phải là chuyện hành xử theo “lề phải” hay “lề trái” mà là cung cách căn bản.

Luật pháp quốc gia này quy định chặt chẻ những phương thức để bảo vệ các quy ước xã hội không bị tấn công một cách trắng trợn.

Đó là lý do chúng tôi đã lên tiếng báo động khi dự luật bải bỏ điều khoản 18C của đạo luật Chống Kỳ thị Chủng tộc được manh nha đem ra quốc hội liên bang bàn thảo. Điều 18C bảo vệ người dân không bị “làm đau lòng, mạ lỵ, sỉ nhục hay đe dọa”. May mắn là chính phủ Liên đảng đã trông thấy được nguy cơ bất ổn xã hội nên vẫn giữ nguyên điều khoản nói trên

Nước Úc vẫn tự hào với nền văn hóa “fair go” nôm na là mọi người đều bình đẳng. Muốn được như thế, dân chúng cần có những đạo luật cứng rắn để bảo vệ họ khỏi bị các sự lăng mạ vì hận thù, hay tệ hơn, chỉ vì sự khác biệt, cho dù đó là về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc hay ngôn ngữ.

Đa số dân chúng hiểu được tính cách quan trọng của sự quân bình giữa một bên là quyền tự do báo chí và một bên là giá trị và danh dự của người dân, những điều không thể bị xúc phạm.

Do đó, khi bỉnh bút nổi tiếng Andrew Bolt viết những lời bình luận xúc phạm đến những người gốc Thổ dân khiến quan tòa Mordecai Bromberg phán xét là đã “sỉ nhục họ”, ông Bolt đã bị tòa án liên bang kết tội theo điều khoản 18C.

Hận thù trong xã hội.

Hãy thử tưởng tượng nếu ông ký giả này đã được tha bổng. Bao nhiêu bài mạ lỵ khác sẽ được tự do phóng bút, chẳng những chỉ bởi ông Bolt mà còn từ nhiều cây viết khác đang chực chờ trong bóng tối. Và không chỉ bài bình luận trên báo, mà còn trên đài phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội. Không chỉ văn xuôi, tranh biếm họa mà còn âm nhạc, phim ảnh. Không chỉ người thổ dân mà các sắc tộc thiểu số khác trong đó có người Á châu bao gồm người Việt chúng ta ?

Để cuối cùng, xã hội này đi về đâu nếu không ngoài một sự hổn loạn, vô trật tự dẫn đến hận thù, bài bác lẫn nhau.

Ngay sau khi vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo xảy ra, tay biếm họa chính trị nổi tiếng nước Úc David Pope cho biết ông đã ngủ không được nên ông lấy giấy bút vẽ ngay cảnh tay khủng bố Hồi giáo với cây súng còn bốc khói nói về nạn nhân đang nằm sóng soài trên sàn nhà “He drew first”.

Bức hí họa "He drew first" của David Pope

Bức hí họa “He drew first” của David Pope

“Drew” là thời quá khứ của động từ Draw. Và động từ này có hai nghĩa: thứ nhứt là “Vẽ” và thứ hai là “Rút súng”. Bức tranh hàm ý nạn nhân đã “vẽ” trước, khiến hung thủ phải “rút súng”.

Xin khẳng định một lần nữa là chúng tôi không bênh vực hành vi bạo lực của các tay khủng bố mà ngược lại còn cực lực lên án bọn chúng. Việc các nhà báo Charlie Hebdo vẽ các bức biếm họa không thể được dùng làm lý do để bào chữa cho hành vi tàn ác, giết người một cách không gớm tay của hai anh em Said và Cherif Kouachi như thế.

Đồng thời, chúng tôi cũng tôn vinh quyền tự do ngôn luận với quyền tự do báo chí đi kèm.

Nhưng chúng ta không muốn đi quá xa với quyền hạn này, không thể dùng nó để làm tổn thương, đau lòng cho người khác.

Trong tinh thần đó: non, je ne suis pas Charlie Hebdo.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
10/01/2015

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

* VIẾT CHO MỘT TRẬN BÃO KHÔNG TÊN.

Posted by hungvietbrisbane on 09/12/2014


VIẾT CHO MỘT TRẬN BÃO KHÔNG TÊN.

Cách đây hơn 20 năm, dù chúng tôi đã quyết định sẽ dời nhà từ Melbourne lên Brisbane để sinh sống, tôi cũng điện thoại một anh bạn người Úc ở Bribie Island hỏi thăm về đời sống trên này. Anh ta cho biết:
Ngoài chuyện thời tiết ở đây ấm áp hơn đưới đó mà bạn cũng biết rồi, lối sống ở đây cũng thoải mái, dễ chịu lắm”.

Chữ anh ta dùng là “laid back”, có lẽ tiếng Việt gần đúng nghĩa nhứt là “lè phè”.

Nhưng đó là chuyện của 20 năm về trước. Chuyện gì rồi cũng thay đổi theo thời gian. Hồi đó, lên đây, đi đường, tôi thường nhủ thầm “Lái xe kiểu dân trên này, xuống dưới Melbourne, đi chừng nào mới tới đây ta?” Bây giờ thì khác rồi, mới bảy giờ sáng, ra xe đi làm, đến đèn xanh đèn đỏ đầu tiên là đã bị kẹt cứng ngắc ! Thiên hạ lái xe cũng không thua gì ở các tiểu bang miền Nam.

Đời sống không còn lè phè nữa mà đã bắt đầu quay nhanh như cơn gió lốc.

Từ những cơn gió lốc đó nảy sinh một cá tính mới cho người dân Brisbane, trong đó có cả người Việt của chúng ta. Đó là sức chịu đựng. Có lẽ đã tiềm tàng từ lâu nhưng chỉ phát hiện rõ ràng từ trận lụt năm 2011.

Không cần phải nhắc lại, ai cũng nhớ những ngày tang thương đó. Cùng những mất mát, thiệt hại mà trận lụt đã mang lại. Nhưng từ những hoang tàn, đỗ nát, ta mới thấy được tình người. Mới có đội ngũ The Mud Army đi dọn dẹp cho từng căn nhà, từng cửa tiệm. Một hai vụ hôi của, đôi ba người gian lận chuyện khai cứu trợ không làm hoen ố được cái tinh thần đùm bọc, tương trợ của một dân trí đã phát triển ở mức độ cao.

Thứ Năm 27/11/2014 vừa qua, và những ngày tiếp theo, tôi lại cảm nhận được cái đặc tính văn hóa đó.

Đến trong tích tắc.

Bảng chỉ đường cho cầu Story giữa phố bị sập

Bảng chỉ đường cho cầu Story giữa phố bị sập

Cơn bão ngày hôm đó ập xuống thật bất ngờ, thật vội vã. Bất ngờ đến độ Sở Khí tượng chưa kịp đặt cho nó một cái tên. Buổi sáng đi làm, dự báo thời tiết chỉ nói có thể sẽ có một vài cơn mưa rào. Ba giờ chiều, trên đường trở về sở làm, trời hơi oi ả nhưng chẳng thấy áng mây đen nào. Bỗng dưng, đến bốn giờ hơn, trời tối sầm lại, gió bắt đầu nổi lên và mưa ào ào tuôn xuống.

Những hạt mưa đá

Những hạt mưa đá

Rồi những hạt mưa đá bay ào ào vào vách, rớt ầm ầm xuống mái nhà. Nghe đinh tai khiến phải chạy ra cửa xem nặng nhẹ tới đâu. Thấy tình hình không ổn, vội chạy ào ra để dời chiếc xe hơi đang đậu ở chỗ trống trãi vào một nơi có mái che. Biết rằng thiệt hại có thể cũng đã xảy ra rồi, nhưng ít ra, trễ còn hơn không.

Trở vào văn phòng, ngồi nán thêm nửa tiếng nữa, gió bớt hú, mưa nhẹ hạt được chút đỉnh, lên xe về nhà.
“Cuộc vui” giờ đây mới bắt đầu !

Ngựa xe như nước.

Gần đến đầu đường Learoyd, thấy đằng đó, thông thường xe cộ được cho chạy đến 80 km/h mà bây giờ nối đuôi chật như nêm. Thấy không khá nên vòng lại, chạy về hướng đường Boundary, định bụng sẽ theo ngã Ipswich Road để về nhà. Ai ngờ “tránh ô mồ mắc ô mã”, đến phi trường Archerfield thì .. hết cục cựa. Điện đã bị cúp nên đèn kiểm soát lưu thông cũng tắt, mình từ đường nhỏ đi ra thì chỉ còn có nước .. vặn radio lên nghe để giải sầu. Và hết hồn khi nghe nói, bên kia đường, bên trong phi trường, vài chiếc máy bay hạng nhẹ đã bị gió thổi lật ngữa.

Phi cơ lật ngữa

Phi cơ lật ngữa

Thông thường, mất chưa đầy nửa tiếng mà hôm đó, hơn một tiếng rưỡi mới về tới nhà.

Nhưng nào đã thấm thía gì. Một chị bạn làm chung sở, nhà ở gần hơn mà mãi đến 8 giờ mới mở cửa bước vào căn nhà quen thuộc đang bị tắt điện tối thui.

“Không sao, miễn nhà cửa còn nguyên lành là mình mừng rồi !”

Một người quen khác, làm ở trong phố, chiều hôm đó các tuyến đường xe lửa đều bị đóng cửa, phải đứng xếp hàng dài đón xe buýt. Và dỉ nhiên là xe buýt thì cũng lâm vào cảnh kẹt xe, rồi đường bị cấm, thay vì về Darra, cô bạn trẻ bị cho xuống ở Inala

“Lúc đó cũng gần 9 giờ tối rồi, điện tắt tối thui, mà chung quanh lại toàn những tên trông có vẻ hung tợn quá. Gọi người nhà ra đón lại không được, con sợ quá nên nhờ đại một ông Úc cũng ra rước hai đứa con gái của ổng, xin cho quá giang. May phước ổng tử tế và đồng ý ”.

Điều đáng chú ý là những người này kể lại các câu chuyện phiền toái của họ một cách rất bình thản, không giận hờn, không quy đỗ trách nhiệm cho một ai.

Điện thoại hỏi cậu con trai đi làm về có sao không. Nó cho biết vừa mới ra khỏi sở hơn năm phút là cơn bão ùa tới. May phước hôm nay anh chàng lại chọn con đường lớn để về nhà nên thấy bên đường có một cây xăng vội chạy tọt vào núp. Trạm xăng nhỏ thôi, “đại khái giống như cây xăng Matilda ở đường Archerfield đó ba”, chỉ có hai làn xe ra vô, mỗi làn chỉ đậu được hai chiếc. Nhưng mọi người cũng cố thu xếp để có thêm một hai chiếc nữa cùng vào trú ẩn trận mưa đá.

Sau cơn mưa, trời vẫn tối.

Ngày hôm sau, thứ Sáu, mới thấy rõ cảnh tang thương hơn. Hai bên đường Rosemary, cây cối ngổn ngang. Mừng là trụ cờ Úc Việt ở Freedom Place, kế bên Hội Cao niên, vẫn đứng nguyên, lá cờ vàng vẫn tung bay phất phới.

Ra Inala thăm hỏi mấy chỗ quen. Được cho xem mấy tấm hình Civic Centre bị ngập nước hồi tối. Các tấm bạt che giữa trung tâm đã bị đánh tả tơi. Một anh chủ tiệm cho biết tấm bảng hiệu bằng kim loại gắn trên nóc tiệm đã bị gió thổi bay ra đến tận phía cửa sau.

Lên thăm văn phòng của tờ báo mà quý vị đang cầm trên tay. Hai mảnh trên trần nhà bị thổi tung đâu mất, nước đã tràn vào trong văn phòng khiến hôm qua, anh em phải cấp tốc thu dọn máy móc, dụng cụ sang nơi khác. Nhưng anh chủ bút, với giọng bình thản cố hữu, chỉ nhẹ nhàng :

“May phước nó xảy ra vào ngày thứ Năm, chứ đúng vào hôm thứ Tư, ngày cao điểm mình phải làm cho xong tờ báo để đi in thì chắc có nước khóc ròng”.

Điện vẫn còn bị cúp. Một số tiệm đóng cửa. Những tiệm còn lại hoạt động trong cảnh “tranh tối tranh sáng”, như lời một chủ tiệm “được đồng nào hay đồng nấy chú ơi”.

Những người đi mua sắm có vẻ như cũng vội vội vàng vàng, muốn cho mau xong công việc để còn đi về vì có thể nhà cửa của họ cũng đã gánh chịu nhiều thiệt hại.

Nhưng đặc biệt, trên những gương mặt vẫn chỉ là những nét chịu đựng, không cau có, không trách móc gì ai cả. Hỏi một hai chủ tiệm có bảo hiểm không, họ cười cho câu hỏi ngớ ngẩn “Hồi lụt năm 11, điện tắt hơn hai ngày còn không đòi được đồng xu nào, lần này nhằm nhò gì !”

Cây đè xe

Cây đè xe

Ngồi uống ly cà phê với vài anh bạn, họ kể cho nghe các chiếc xe bị mưa đá làm bẹp từng mảng, có chỗ nhỏ như hòn bi, có chỗ to như trái banh tennis. Có chiếc thỉ cửa kiếng tan hoang “vậy mà tui thấy nó cũng chạy ào ào, làm như không có gì xảy ra”. Có chiếc bị cây đè, không biết có tài xế bên trong hay không. Một chiếc xe truck, nặng nề và cồng kềnh là thế mà cũng bị cơn lốc thổi úp ngang lên một chiếc xe hơi, không biết có thiệt hại nhân mạng hay không.

Suốt ngày thứ Sáu, nhiều góc đường như Blunder Road và Inala Avenue, cảnh sát lưu thông phải đứng ra làm “chim bay cò bay” để giúp xe cộ di chuyển. Tội nghiệp mấy người này. Sáng thì trời mưa, phải khoác áo tơi. Trưa lại, trời đỗ nóng, chắc mồ hôi tuôn như suối. Người bạn nói “Lần đầu tiên trong đời, tui mới thấy thương mấy anh chàng cops chứ hồi nào tới giờ, cứ nhận được toàn là giấy phạt của họ không !

Đời sống vẫn phải tiếp tục.

Lần này, Inala bị nặng lắm. Trận mưa lớn cách đây hai tuần không thấm thía chi hết. Nhưng đây không phải là khu duy nhứt bị thần bão thăm viếng. City cũng bị, nghe radio nói một trường nữ trung học tư thục ở gần Valley bị thổi bay nóc nên ban giám hiệu tuyên bố cho bãi trường sớm. Nhiều trường học khác cũng cho học sinh nghỉ ngày thứ Sáu vì “lý do an toàn”.

Cửa kính cao ốc

Cửa kính cao ốc

Tin tức trên TiVi cho thấy nhiều cửa kính của các cao ốc trong thành phố bị tan nát. Một anh bạn chung sở không thấy đi làm, đến chiều gọi mobile hỏi thăm thì mới biết nhà anh ở Moorooka, cửa kính cũng bể tứ tung. Sáng đầu tuần, nghe trên radio một ông chủ bãi bán xe hơi than thở là ông không có mua bảo hiểm cho mưa đá vì mắc quá, một năm hơn $50,000 nên bây giờ, khoảng 80 chiếc xe của ông đều bị “trúng đạn mưa đá”, thiệt hại ước tính $300,000, không biết lấy đâu mà trả.

Nhưng vẫn không có gì gọi là cay đắng trong giọng nói dù sáng nay chính phủ tiểu bang mới tuyên bố là sẽ không có trợ giúp đặc biệt gì cho mấy chủ bãi xe hết. Dỉ nhiên là buồn rầu và lo lắng cho tương lai nhưng ông nói một cách bình thản, dường như chấp nhận một cách triết lý rằng “trời kêu ai nấy dạ mà thôi”.

Người nghe có thể hình dung được cái nhún vai của ông, chấp nhận số mệnh để rồi sau đó, tiếp tục xây dựng lại cuộc sống. Sau một cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhứt trong vòng ba mươi năm qua. Quá bất ngờ và quá nhanh để có được một cái tên. Nhưng chắc chắn sẽ còn lưu trong ký ức của dân chúng Brisbane trong một thời gian lâu dài. Như trận lụt của thế kỷ cách đây gần ba năm.-

HƯNG VIỆT (Brisbane)
01/12/2014

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Leave a Comment »

* CHÍNH PHỦ MỘT NHIỆM KỲ

Posted by hungvietbrisbane on 09/12/2014


CHÍNH PHỦ MỘT NHIỆM KỲ

Hồi chuông báo động đầu tiên đã bắt đầu reo vang cho các chính phủ liên đảng, cấp liên bang cũng như tiểu bang với kết quả bầu cử ở Victoria hôm cuối tuần vừa qua. Chính phủ liên đảng của ông Denis Napthine đã bị dân chúng hất văng ra khỏi ghế chính quyền một cách thẳng tay với 2% cử tri đã chuyển hướng, giúp Lao động chiếm được 47 ghế và Liên đảng chỉ còn 34 ghế và lần đầu tiên, đảng Xanh được 1 ghế trong quốc hội tiểu bang này.

Với thất bại nói trên, chính phủ của ông Napthine đã trở thành chính phủ đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ nay đã bị thất cử chỉ ngay sau một nhiệm kỳ.

Điều này đã có ảnh hưởng tâm lý dây chuyền đến chính phủ Queensland của Thủ hiến Campbell Newman và chính phủ liên bang của ông Tony Abbott là hai chính phủ đang ở nhiệm kỳ đầu tiên. Họ đang e ngại sẽ có thể cùng chung số phận, nhất là ở Queensland với các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng Lao động đang đuổi theo ráo riết dù hiện nay, chỉ có chưa đầy 10 dân biểu. Tuy một chính trị gia đã cho người viết bài biết ông tin tưởng Liên đảng sẽ không thất bại ở Queensland vào năm tới, nhưng ông cũng nhìn nhận rằng đa số mà Liên đảng đang nắm giữ sẽ giảm đi rất nhiều.

Canberra rối bời.

Thế còn tình hình ở Canberra thì sao ? Người ta chỉ có thể dùng một tĩnh từ để diễn tả những hoạt động của nội các Abbott : “rối bời”.

Những đạo luật bị kẹt cứng, không thông qua được Thượng viện: học phí đại học, việc đóng $7 khi đi khám bác sĩ; chuyện tăng lương cho quân nhân v.v… Muốn điều đình, thương lượng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu vì các vị Thượng nghị sĩ thay đổi liên minh như hoa hậu thay đổi áo dạ hội. Cứ nhìn bà Jacqui Lambie thì rõ. Các thành quả đạt được thì lại không được phổ biến một cách rộng rãi và thông suốt để dân chúng có thể lảnh hội.

Nhưng trầm trọng hơn hết, Thủ tướng Abbott đã bị cáo buộc về tội “nói láo”.

Thủ tướng Úc Tony Abbott

Thủ tướng Úc Tony Abbott

Chúng ta còn nhớ chuyện gì đã xảy ra cho bà cựu Thủ tướng Julia Gillard khi bà tuyên bố lúc tranh cử năm 2010 là “Sẽ không có thuế khí thải dưới thời chính phủ của tôi” rồi sau đó, bà lại cho đem áp dụng thứ thuế này.

Vào thời điểm đó, chúng tôi đã có bài nhận định “Bà Thủ tướng Úc Julia Gillard ‘nói dối’ hay ‘bội ước’ “, phân tích hai động thái khác biệt nói trên.

Đến nay, ông Abbott cũng gặp một “cáo trạng” y hệt. Cái “quai” mà ông Abbott mắc phải là vấn đề tài trợ cho cơ quan truyền thông nhà nước gồm có hai hệ thống truyền thanh lẫn truyền hình ABC (Australian Broadcasting Corporation) và SBS (Special Broadcasting Service).

Trước hôm bầu cử liên bang vào tháng 9/2013, ông Abbott đã tuyên bố “There will be no cut to the ABC” “Sẽ không cắt tài trợ của ABC”. Nhưng đến tuần qua, Tổng trưởng Thông tin Malcolm Turnbull đã thả quả bom khi loan tin chính phủ sẽ cắt ngân khoản của ABC và SBS $254 triệu trong vòng 5 năm tới. Ông nói hai cơ quan này phải tự tìm cách tiết kiệm từ những khoản chi tiêu của mình, cũng như tất cả các sở bộ khác.

Dỉ nhiên, đảng đối lập Lao động không bỏ qua cơ hội, đã mở mặt trận tấn công với lảnh tụ Bill Shorten tuyên bố:

Chính phủ của quốc gia chúng ta đang tấn công tiếng nói của quốc gia. Đây không phải là một chính phủ của sự cạnh tranh mà là chính phủ tiêu biểu cho sự độc tài

Đúng lý ra, đây đã phải là một chiến thắng về mặt chính trị cho chính phủ bởi vì cũng có nhiều cử tri đồng ý với việc làm này do họ cảm thấy ABC đã nghiêng về phía tả quá nhiều trong thời gian mấy năm gần đây. Cho nên, tuy ông Abbott đã thực sự có tuyên bố là sẽ không có cắt giảm và nay đang làm ngược lại, nhưng vấn đề cũng không đến nỗi tồi tệ và đã có thể được giải thích một cách khéo léo hơn.

Nhưng không ! Thay vì thế, chính phủ lại dùng chiêu thức “chơi chữ” với ông Tổng trưởng Tài chánh Mathias Cormann nói “Đây không phải là việc cắt giảm” còn Thủ tướng Abbott, trong phần Hỏi & Đáp ở quốc hội, đã từ chối không trả lời các câu chất vấn về chuyện này.

Đừng khinh thường cử tri.

Cách hành xử như vậy đã khiến cử tri phải nổi giận. Khi một chính phủ không tôn trọng họ bằng cách nói chuyện một cách thẳng thắn và trung thực, cử tri sẽ sẵn sàng đáp lễ. Đối với họ, vấn đề bây giờ trở thành một sự bội ước và tệ hơn, một sự dối gạt về một lời bội ước, trong khi vấn đề thực sự phải xoay quanh những lý do tại sao phải có sự cắt giảm cho ABC.

Không cần biết là sau đó hai ông Abbott và Cormann nói hệ thống ABC phải được đối xử giống như các cơ quan, sở bộ khác đang được hưởng tài trợ của chính phú. Khi mà ông Thủ tướng và ông Tổng trưởng Tài chánh đã chối là không có cắt giảm, họ đã mất phiếu của những cử tri trước đây có thể đã cảm thông với chuyện ABC phải gia tăng năng xuất và hiệu quả.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là sau gần một năm cầm quyền, chính phủ Abbott vẫn chưa học được từ những lỗi lầm ban đầu. Họ đã xem cử tri như những người không biết gì khi họ chối việc tăng thuế người giàu là một sự thất hứa. Họ lại tái phạm khi không nhìn nhận là tăng thuế xăng cũng là một sự thất hứa. Ai cũng hiểu nỗi sợ hãi là nếu chính phủ nhìn nhận họ đã thất hứa thì thế nào cũng sẽ bị Lao động khai thác để tấn công. Nhưng mặt khác, nếu cứ tiếp tục chối bừa thì lòng dân sẽ chán nản đến mức độ không còn có thể xoay trở tình hình.

Phá lưới nhà.

Chỉ cần nhìn ông Bill Shorten, lảnh tụ đối lập khư khư với những chính sách đã khiến Lao động thất cử hồi năm 2010, giờ đây lại đang dẫn trước 10 điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến cũng đủ thấy các thành viên trong “đội Abbott” yếu kém đến mức độ nào. Không phải đội Shorten đá tung lưới đối phương mà chỉ vì đội Abbott đã phá lưới nhà.

Dỉ nhiên, phe chính phủ cũng đã có nhiều thành công: thuế khí thải đã biến mất, thuế hầm mỏ cũng không còn, các thuyền tầm tỵ đã bị chận đứng, các hiệp ước tự do mậu dịch với Nhật bản, Trung quốc và Nam Hàn, những vai trò xuất sắc trên trường ngoại giao quốc tế. Thế mà, chính phủ lại đang thất bại trên những mặt trận quyết định. ABC là một thí dụ điển hình cho việc thông điệp đã không đến tai dân chúng.

Thí dụ mới nhứt là chuyện lương bổng cho nhân viên bộ Quốc phòng, trong đó có các quân nhân. Chính phủ chỉ cho phép tăng thêm thấp hơn 1.5% là chỉ số lạm phát. Ngay lập tức. TNS Jacqui Lambie đã chụp lấy cơ hội để tạo cho mình một vị trí vững vàng hơn trên chính trường bằng cách tuyên bố sẽ tẩy chay hết tất cả các dự án của phe chính phủ khi lên đến Thượng viện.

Đầu tuần này, ông Abbott đã đấu dịu với TNS Lambie bằng cách nới lỏng một hai biện pháp về chuyện lương bổng quân nhân, nhưng như một em bé đã vòi vĩnh được một cây kẹo, TNS Lambie vẫn còn ỏng ẹo đưa ra tiếp những đòi hỏi khác.

Chuyện học phí ở đại học cũng thế. Mặc dù được đại đa số các viện trưởng đại học đồng ý với chuyện thả nổi việc ấn định học phí của sinh viên, nhưng vì diễn đạt không khéo léo với cử tri nên lập tức, các đề nghị này bị sinh viên chống đối vì họ nghĩ học phí sẽ tăng cao trong khi không thấy được những lợi ích khác của việc cải tổ này.

Tổng trưởng Quốc phòng Úc David Johnston

Tổng trưởng Quốc phòng Úc David Johnston

Chuyện ông Tổng trưởng Quốc phòng David Johnston tuyên bố giữa Thượng viện là công ty xây cất tàu ngầm của Úc, Australian Submarine Corp ASC, không chế tạo nổi một chiếc xuồng đã tạo thêm một cơ hội bằng vàng cho phe đối lập và những người chống đối chính phủ.

Cần cải tiến cách làm việc.

Tất nhiên, mỗi vị Thủ tướng có cách làm việc khác nhau. Ông John Howard đã làm việc rất cần mẫn để biết và giải thích một cách cặn kẻ các chi tiết của những chính sách ông ban hành. Điều này đòi hỏi nhiều thì giờ, một yếu tố mà ông Thủ tướng nào bao giờ cũng cảm thấy thiếu thốn. Nhưng đó là điều mà chúng ta mong đợi ở những người lảnh đạo tài giỏi.

Vế phần ông Abbott, nhiều dân biểu nói rằng ngay từ thời còn là lảnh tụ đối lập, cách làm việc của ông Abbott đã cho thấy ông không màng đến các tiểu tiết, cho nên bây giờ, tại sao ông ta lại cần phải thay đổi cung cách đó ? Nói như vậy là sai. Ông Abbott cần phải bỏ thì giờ để tìm hiểu về những chi tiết của các chính sách mà chính phủ ban hành để trước nhứt, giải thích với dân chúng, và thứ hai, để thương lượng với các vị dân cử đối lập hay độc lập.

Nhu cầu ông Abbott phải cải tiến cách làm việc càng trở nên cấp bách hơn khi đang bắt đầu có những tiếng xầm xì về tài năng của ông Tổng trưởng Ngân khố Joe Hockey. Ông này là một người vui vẻ, dễ tính, ai quen biết ông cũng đều nhìn nhận như thế. Nhưng đây không phải là hai yếu tố để trở thành một chính trị gia tài ba.

Thủ tướng Tony Abbott và Ngoại trưởng Julie Bishop

Thủ tướng Tony Abbott và Ngoại trưởng Julie Bishop

Hai người nỗi bật trong nội các liên đảng trong năm qua là bà Tổng trưởng Ngoại giao Julie Bishop và ông Tổng trưởng Di trú Scott Morrison. Sau đó không xa là ông Bộ trưởng Mậu dịch và Đầu tư Andrew Robb. Câu hỏi hiện nay là liệu ông Abbott có dám đi nước cờ mới bằng cách cải tổ nội các để đưa những nhân vật sáng giá vào những chức vị trọng yếu hay chăng ?

Nếu làm thì có thể gây ra tình trạng bất ổn trong nội bộ. Nếu không làm thì sẽ tạo thêm cơ hội cho các thành phần đối lập, nhất là ở Thượng viện, tiếp tục gây cản trở, khó khăn.

Làm Thủ tướng, tóc mau bạc là vì vậy !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
01/12/2014

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính Trị nước Úc, Phát thanh 4EB | 2 Comments »

* NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐàMẤT.

Posted by hungvietbrisbane on 08/11/2014


NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐÃ MẤT.

Mất ba năm còn có người khóc đã là điều đại quý. Ra đi đã mười năm còn có người thương tưởng không phải dễ tìm. Ấy thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi năm, cứ đến đầu tháng 11, người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn làm lễ tưởng niệm cho Cụ.

Đọc trên internet thấy có đến 21 địa điểm, từ Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Gia nả Đại), sang Âu châu (Đức quốc, Anh quốc, Pháp quốc), trở về Úc đại lợi với các tiểu bang NSW, Victoria và Queensland đều có tổ chức. Đặc biệt hơn, có những nơi, Thư Mời do các hậu duệ đứng tên và gởi đi. Các em, các cháu này ắt hẳn sinh ra sau ngày Cụ và bào đệ của Cụ bị thảm sát đến cả hai hay ba thế hệ nhưng họ hiểu được tấm lòng kính yêu mà các bậc cha anh dành cho vị lảnh đạo tài ba, đức độ và liêm khiết này nên không ngần ngại tổ chức các buổi tưởng niệm ở địa phương. Đáng yêu và đáng quý thay !

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Brisbane, một buổi sáng đầu tháng 11, trời bắt đầu gay gắt nóng. Bên kia hàng rào, nhóm thợ thuyền đang đổ xi măng từ hai chiếc xe trucks to dềnh để thiết dựng thêm phòng ốc gì đó cho trường tiểu học Lady of the Scared Heart ở Darra. Ở bên đây, thiên hạ bắt đầu đổ về giáo đường, kẻ đứng bên ngoài để hàn huyên với bạn bè, một số khác đã vào bên trong và có người đang quỳ gối lâm râm khấn nguyện trước tượng Chúa.

Tôi nhớ tới những năm mới vào Trung học, đến Noel, được các ông anh dẫn đi Nhà Thờ Đức Bà vào tối Giáng sinh dù gia đình chúng tôi ngoại đạo. Đường phố chật kín người. Thanh niên nam nữ áo quần chưng diện vui vẻ trên các chiếc xe gắn máy ồn ào. Đêm ca nhạc ở trường Lasan Taberd mà mẹ tôi phải chen lấn cực nhọc mới mua được vé chỉ vì bà ái mộ tiếng hát Thái Thanh. Ôi, những tháng ngày an bình xưa cũ !

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Đến gìờ khai mạc. Quốc ca Úc được hát trước nhưng do một trục trặc kỹ thuật, được lập lại lần thứ hai trước khi quốc ca Việt Nam trổi lên, theo sau là phút mặc niệm. Bảy anh cựu quân nhân thuôc đủ mọi binh chủng giơ tay chào nghiêm trước bàn thờ của Cụ. Được ban tổ chức cho biết bức ảnh trên bàn thờ hôm nay là do một thân hữu từ Sydney họa lấy, cất công đích thân mang từ đó về Brisbane cho buổi lễ hôm nay, xong sẽ lại gói ghém để đem trở về dưới đó. Chân tình như thế đến từ đâu nếu không phải cùng do lòng kính trọng người quá cố mà ra ? Một tràng pháo tay cũng chưa đủ nói lên lời cám ơn với anh Đ.Q. ! Mà bức ảnh anh vẻ quá khéo, trông thật giống hình chụp.

Tôi nhớ lần đầu tiên được cha tôi thưởng cho 5 đồng để đi xem ciné ở rạp Cao đồng Hưng chung với thằng bạn. Năm đó tôi đang học lớp Nhứt. Mười tuổi hơn mới được đì coi hát một mình. Sung sướng và hãnh diện lắm. Đèn trong rạp tắt tối om. Mọi người đứng lên chào cờ. Quốc ca dứt nhưng không ai ngồi xuống vì còn bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống nữa. Tôi dần dần quen với gương mặt của Cụ từ dạo ấy.

Lễ dâng hương

Lễ dâng hương

Sự kính trọng đó hôm nay lại được thể hiện qua phần Dâng Hương trước bàn thờ của Cụ do các ông Vũ hải Vân, Phó chủ tịch Ngoại vụ của Ban Chấp hành Cộng đồng NVTD/UC/Qld, Linh mục Nguyễn trung Cảnh, Chủ tế buổi lễ hôm nay, và ông Gabriel Hoàng văn Ninh, một niên trưởng trong cộng đoàn Công giáo Brisbane.
LM Nguyễn trung Cảnh trước đây cũng đã nhiều năm sinh hoạt với giáo dân người Việt ở Inala nhưng sau này, Cha đã được giao sứ mệnh chăm sóc con chiên ở Clayfield. Hôm nay, Cha và LM Vũ minh Nguyên, linh mục quản nhiệm cộng đoàn công giáo Việt Nam ở Brisbane, đảm nhiệm phần Thánh lễ.

Thay vì lời phát biểu hay một bài diễn văn rườm rà nói về ý nghĩa buổi lễ, ông Nguyễn đức Trừng, người điều khiển chương trình, ngỏ lời mời ông Gabriel Hoàng văn Ninh lên để chia sẻ vài kinh nghiệm mà ông đã có được qua những lần tiếp xúc với Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm.

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông kể lại trong một lần công cán ở Đà Lạt vào dịp Giáng sinh, Cụ đã đến hỏi thăm từng người một các anh em chiến sị đóng đồn gần đó. “Gia đình ra sao ? Có vợ chưa ? Bao nhiêu đứa con rồi ? Lương có đủ ăn không ? Ở đây có lạnh không ?” Và khi anh em trả lời “Dạ có!” thì Cụ xoay ngay ra sau, bảo tùy tùng ra chợ mua thêm cho mỗi người một tấm mền.

Tôi nhớ đến khi vừa thi xong Trung học Đệ nhất cấp, ba tôi thưởng cho chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Ba không đi vì bận công ăn việc làm, chỉ có mẹ và hai ông anh cùng đi. Tôi không bao giờ ngờ đó chẳng những là chuyến viếng thăm chốn sương mù này lần cuối trong đời mình mà còn là chuyến đi chơi xa nhứt trong nước từ đó về sau. Vài tháng sau, Cách mạng xảy ra, đất nước trở nên loạn lạc hơn, đâu đi xa được nữa. Lần chót tôi về thăm quê nhà vào cuối năm 1971, chiến tranh đã bắt đầu lan rộng, mùa Hè đỏ lửa bắt đầu ngún cháy, ông anh cả của tôi chỉ có thể đưa tôi xuống đến Ô Môn là xa nhứt.

Bác Ninh đề cập đến việc Cụ đã có lần đăm chiêu “Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc thành lập một chiến khu” khi bàn về chuyện người Mỹ có thể toan tính cắt đứt sự ủng hộ Cụ do sự khước từ của Cụ không cho người Mỹ đem quân lính vào Việt Nam “vì làm như thế thì chúng tôi sẽ mất đi hết chính nghĩa”.

Tôi lại nhớ đến những ngày lễ Quốc khánh 26/10 tưng bừng trong thanh bình, an lạc. Pháo bông đầy trời. Các cuộc diễn binh tưng bừng. Rồi những cuôc đua xe đạp Vòng Cộng Hòa đi khắp các miền đất nước. Thử hỏi nếu không thanh bình thì làm sao tổ chức được những cuộc đua vĩ đại và công phu như thế. Rồi những giải bóng tròn ở sân Cộng Hòa. Ở đâu cũng là Cộng Hòa. Chuyện gì cũng cho hai tiếng Cộng Hòa. Cộng Hòa là phương châm, là triết lý và đạo đức của cả một dân tộc..

LM Nguyễn trung Cảnh

LM Nguyễn trung Cảnh

Đó là nhờ ai ? Do đâu mà có ? Như Linh mục Chủ lễ Nguyễn trung Cảnh đã phát biểu:

“ .. Hôm nay chúng ta đặc biệt tưởng nhớ một vị thánh giữa đời – người đã sống như một nhà tu – người đã hiến mình cho quê hương dân tộc – một đại ân nhân của gần 1 triệu đồng bào Công Giáo di cư, đó là vị nguyên thủ quốc gia – vị Tổng Thống đầu tiên – người khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm.

Dù là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ đã sống khiêm nhường, đơn sơ, giản dị…

Ít ai còn chút công tâm mà không thừa nhận rằng cụ Ngô Đình Diệm là một người liêm khiết, vị tha, đức độ, nhân ái, cương trực, cùng một tinh thần ái quốc cao độ, luôn kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.

2/11/1963. Đã 51 năm từ ngày định mệnh oan nghiệt phủ xuống dân Việt, ngày cụ Ngô Đình Diệm và bào đệ bị thảm sát thật dã man tàn bạo. Nhưng với người có niềm tin lại hiểu rằng ‘trong họa, phúc thường núp sẵn’. Theo linh đạo của Tám Mối Phúc Thật thì cụ lại là người có phúc vì cụ đã “bị bách hại vì lẽ công chính” và vì chủ quyền dân tộc.

51 năm đã trôi qua! Thời gian đã đủ dài cho đau thương trầm lắng – đã đủ dài cho hối hận chìm sâu trong lòng những kẻ sắt máu phản bội.

Ước gì tấm gương vị quốc vong thân, cùng hoài bão xây dựng một thời đại công chính, một quốc gia không lệ thuộc ngoại bang, một quê hương VN cường thịnh thái bình của cụ, sẽ mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ mai sau. ‘Phúc thay ai kiến tạo hòa bình vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa ‘.

Nhớ đến Cụ trong ngày giỗ hôm nay, chúng ta rút ra được nhiều bài học làm người, nhất là làm người Kitô hữu. ‘Cụ Diệm đã sống yêu thương bao bọc mọi người, lấy sự phồn thịnh của người dân làm mục đích, lấy sự độc lập của dân tộc làm kim chỉ nam, lấy sự bình an và sinh mạng của nhiều người làm tôn chỉ, và nhất là những quyết định của Cụ trong những giờ phút cuối đời để không phải đổ máu nhiều người, càng làm nổi bật cái nhân từ đức độ của vị lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân’ (Lm Vĩnh Sang DCCT).

Thánh Lễ hôm nay còn nhắc nhở cho chúng ta một chân lý sáng ngời là, chỉ có tình yêu hiến thân cho cho công lý hòa bình, cho nhân quyền nhân vị, cho chân thiện mỹ và cho hạnh phúc con người mới là lẽ sống của người tín hữu, vì ‘Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh…chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời’(Thánh Phanxico – Kinh Hòa Bình).

Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta biết mạnh dạn noi theo gương can trường của tiền nhân, bước theo con đường hiến thân phục vụ như các thánh nhân, như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta – những quân dân cán chính – những chiến sĩ hào hùng, những anh thư lỗi lạc của đất Việt trời Nam đã bỏ mình vì chính nghĩa quốc gia, vì tự do độc lập, vì dân chủ nhân quyền.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực tranh đấu cho công lý hòa bình, cho những giấc mơ của tiền nhân anh dũng, của chiến sĩ kiêu hùng và xác tín vào sự tất thắng của công lý và sự thật, để ta biết ‘lấy chí nhân thay cường bạo – dùng đại nghĩa thắng hung tàn’(Nguyễn Trãi), ngõ hầu: ‘để gương phúc thật sáng ngời – chiếu soi tận đáy lòng người Việt Nam’(Trương Hoàng).”

Ca đoàn Công giáo

Ca đoàn Công giáo

Tôi nhớ đến buổi trưa 1 tháng Mười Một của 51 năm về trước. Nhìn các chiếc máy bay quần trên không phận Sài gòn, chiếc radio chỉ phát thanh những bản nhạc quân hành. Tuy chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng tôi cũng đã hiểu mang máng rằng đất nước đang đi vào một ngã rẻ. Mù mờ. Không định hướng.

Tôi nhớ đến buổi chiều 2/11, cùng với ông anh ra trước cổng dinh Gia Long cùng với đoàn thác người bao quanh các chiến xa, binh lính đầy đủ súng ống. Mọi người hớn hở và dường như đã quên đi, buổi sáng ngày hôm đó, đã có hai anh em suốt đời lo cho dân, cho nước đã bị trói tay và hành quyết trong một khoang xe thiết giáp lạnh lùng !

Nhớ đến lời Cụ dõng dạc “Tôi tiến, hãy theo tôi ! Tôi lùi, hãy giết tôi ! Tôi chết, hãy theo gương tôi!”

Từ đó, vận nước Việt Nam ngày càng điêu linh ! Cho đến tận hôm nay !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/11/2014

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ, Hình ảnh 4EB, Hình ảnh SHCĐ, Phát thanh 4EB, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | 3 Comments »

* Vụ án Daniel Morcombe: Những Chữ “Nếu” Trong Cuộc Đời

Posted by hungvietbrisbane on 16/03/2014


Vụ án Daniel Morcombe: Những Chữ “Nếu” Trong Cuộc Đời.

Vụ án Daniel Morcombe có thể được xem như là một trong những vụ án được theo dõi nhiều nhứt, không những chỉ ở Queensland mà còn ở trên khắp nước Úc, kể từ câu chuyện của Linda Chamberlain hồi thập niên 1980.

Một ngày mưa phùn mùa Giáng sinh 2003.

Vào một ngày gần Giáng sinh năm 2003, một thiếu niên ở Sunshine Coast phải chờ trời hết mưa mới có thể đi hái trái cây ở một nông trại gần nhà để kiếm thêm chút tiền túi. Nhưng cha mẹ của em không thể chớ được vì đã có hẹn đi dự một buổi BBQ ở Brisbane nên để em ở nhà.

Không một ai ngờ đó sẽ là một quyết định có tính cách định mệnh.

Daniel Morcombe trong chiếc áo màu đỏ em yêu thích

Daniel Morcombe trong chiếc áo màu đỏ em yêu thích

Hái trái cây xong, em ra đầu ngỏ, chỉ cách nhà hơn cây số, để đón xe buýt đi ra khu phố thương mại Sunshine Plaza để hớt tóc và mua quà Giáng Sinh.

Chiếc xe buýt em đón đã bị hư trước khi đến trạm em đứng đợi. Chiếc xe buýt thay thế chạy ngang qua không ngừng lại với người tài xế ra dấu cho biết có một chiếc khác ở đàng sau sắp sửa tới. Khi chiếc này đến nơi hai phút sau đó, em đã biến mất.

Bắt đầu một cuộc tìm kiếm và điều tra kéo dài hơn 10 năm trời, kết thúc với bản án tù chung thân vào hôm thứ Sáu vừa qua cho kẻ sát nhân lợi dụng thời cơ.

Phải chăng mọi người đều có số mạng ? Trong câu chuyện này, nhiều chữ “Nếu” đã được nêu lên. Nếu hôm đó, trời đã không mưa ? Nếu em Daniel quyềt định ở nhà thay vì đi hớt tóc và mua quà Giáng sinh cho những người thân trong gia đình ? Nếu người anh sinh đôi của em cũng đồng ý đi theo em ? Nếu chiếc xe buýt đã không bị hư ? Nếu em đã không mặc chiếc áo màu đỏ tươi khiến bắt mắt của tên sát nhân? Nếu hắn đã lái xe ở làn bên ngoài thay vì ở làn bên trong để khỏi thấy em Daniel đang đứng chờ ở đó ?

With the glass

Và cuối cùng, như một định luật Nhân Quả, nếu Brett Peter Cowan đã không quá tham tiền thì hắn đã không sa vào cái bẫy rập quá tinh vi mà các thám tử điều tra đã dàn dựng. Và như thế, đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau, chỉ có hắn và lương tâm của hắn mới biết được những gì đã xảy ra vào trưa hôm 7/12/2003.

Gương mặt của một ác quỷ, Brett Cowan

Gương mặt của một ác quỷ, Brett Cowan


Thú tội.

Mãi gần đến 8 năm sau, ngày 9/8/2011, trong một căn phòng tráng lệ của khách sạn ở Perth, Cowan đã ngồi nói chuyện với “Arnold”, một thám tử chìm đóng vai một trùm găng tơ khét tiếng ở Úc, và đã thổ lộ chuyện sát hại em Daniel. Nhưng hắn vẫn chối là đã không xâm phạm em. Hắn nói hắn đâm hốt hoảng và đã chặn cổ em trai đáng thương.

Bẩy sập: Phút giây thú tội

Bẩy sập: Phút giây thú tội

Ngày hôm sau, hắn đã đích thân dẫn các thám tử chìm đến hiện trường của tội ác ở gần một nông trại trồng quả macadamia, nhưng chiếc giày cùng những mảnh xương còn sót lại sẽ không bao giờ có thể kể lại chuyện gì đã thật sự xảy ra trong một tiếng đồng hồ định mệnh đó.

Như lời của ông Bruce Morcombe, thân phụ của em Daniel Morcombe, đã viết trong lời khai của nạn nhân đệ đạt trước tòa:

Ngay cả đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn bị ám ảnh bới những ý nghĩ là không biết con mình đã bị bắt giữ trong bao lâu và hắn đã làm những điều tàn ác gì với con tôi trong các căn nhà kho ở cuối đường Kings ở Beerwah. Tại sao phải lột quần áo con tôi trước khi vất xác ? Tại sao dây nịt con tôi bị tháo lỏng và không xỏ chung quanh quần của nó?

Hệ lụy.

Một bà mẹ ở Brisbane chia sẻ sau khi tòa đã tuyên án:

Tôi biết chúng tôi thuộc thế hệ cổ lổ xỉ nhưng án mạng này đã dấy động lòng sợ hãi trong đầu óc nhiều bậc cha mẹ. Ta chỉ cần nhớ tới Daniel Morcombe rồi sẽ nghĩ “Không được, không thể để thằng con trai mình bắt xe buýt đi đâu hết”.

Phụ tá Tổng Giám đốc sở cảnh sát Queensland Mike Condon đồng ý:

Ta không thể bảo bọc cho con cái suốt đời nhưng giờ đây, ta cũng sẽ ngần ngại khi cho phép con đi xe đạp dù chỉ khoảng 10 cây số để mua đồ”

TGĐ cảnh sát Qld Ian Stewart (trái) và Phụ tá Mike Condon

TGĐ cảnh sát Qld Ian Stewart (trái) và Phụ tá Mike Condon

Ngồi ở bàn chủ tọa của cuộc họp báo ở tổng hành dinh cảnh sát Queensland, ngực đeo một ribbon màu đỏ cùng rất nhiều huy chương, ông Condon trầm ngâm về trách nhiệm của phụ huynh trong “một thế giới đầy những quái vật lởn vởn”.

Phụ huynh cần phải biết cái thế quân bằng bởi về nếu giữ con trong một cái hộp hoài, một ngày nào đó, chúng sẽ nổi loạn”.

Ông Condon là người tín cẩn của gia đình Morcombe từ những ngày đầu của cuộc điều tra.

Ông biết quá rõ những điều hãi hùng trong vụ án – và cả những điều quái gỡ nhứt. Chẳng hạn như chuyện hung thủ đã đổi tên hồi năm 2011, từ Brett Peter Cowan thành Shaddo N-unyah Hunter: Shaddo là tên của con chó hắn nuôi, N-unyah từ cụm từ “None of your busiess” (có nghĩa là “Không ăn thua gì đến mầy”)

Cũng không thể nào không so sánh cái bẫy mà cảnh sát đã dàn dựng để đánh lừa Cowan phải thú tội như một cuốn phim trinh thám hạng B:với các cô gái điếm và các bà chủ động, các nhân viên quan thuế và cảnh sát tham nhũng, buôn bán vũ khí lậu, một chủ nhà hàng Á châu tên Eddie với chuyện buôn bán tôm lậu thuế, và cuối cùng là miếng mồi $100,000 hứa hẹn với Cowan cho một “vụ làm ăn lớn”.

Nhiều nạn nhân

Nhiều điều quái lạ khác cũng đã được trình trước tòa trong biên bản các cuộc đối thoại giữa Cowan và các thám tử chìm. Hắn nhìn nhận với một trong “những người bạn mới” này hắn là một kẻ phạm tội “cơ hội chủ nghĩa”.

Chuyện lạ cũng diễn ra từ phía nạn nhân, trong đó có chuyện gia đình Morcombes phóng hỏa mẫu hình bằng giấy của một kẻ trông giống Cowan hồi năm 2011.

Nhưng điều làm người viết bài – và có lẽ nhiều người khác – sững sở nhất là khi các đài truyền hình cho chiếu lại một cuộc phỏng vấn Cowan ở giữa lòng phố chính của Brisbane hồi năm 1999.

Lúc này, tòa đã cho hắn tại ngoại sau khi nằm khám chỉ hơn 3 năm, sau một vụ cưỡng hiếp một em bé trai ở Darwin. Đoạn phim cho thấy Cowan, mày râu nhẵn nhụi, áo quần chỉnh tề, đã trả lời phóng viên rằng:

Brett (tức là hắn) đã từng gặp rắc rối nhưng bây giờ tôi như một người suốt đời sùng đạo và tôi đã trở thành người công giáo từ 18 tháng trước đây”.

Trong câu chuyện này có rất nhiều nạn nhân. Nỗi đau khổ của gia đinh Morcombe rất rõ ràng, ai cũng trông thấy, và chắc chắn là họ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Nhưng mặt khác, chúng ta chỉ có thể có một khái niệm mơ hồ về sự đau đớn và nhục nhã của gia đình hung thủ gồm có cha mẹ, ba người anh em và ba đứa con của hắn.

Ông Bruce và bà Denise Morcombe

Ông Bruce và bà Denise Morcombe

Theo thám tử Stephen Blanchfield, người chỉ huy cuộc bắt ráp Cowan:

“ Họ là những người tuyệt diệu. Cha mẹ của hắn là những người thực sự tốt và bằng cách nào đó, họ có một đứa con thật xấu”.

Nếu, cũng chữ Nếu, nếu như Brett Peter Cowan cũng là một người tử tế như cha mẹ của hắn !!!

HƯNG VIỆT (Brisbane)
16/03/2014

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , | Leave a Comment »

* Thời sự đặc biệt – Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370

Posted by hungvietbrisbane on 14/03/2014


Thời sự đặc biệt – Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370

Tin tức nóng bỏng từ cuối tuần qua liên quan đến chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã đột nhiên mất tích trên chuyến hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc kinh vào sáng sớm thứ Bảy 8/3.

Hai cặp vợ chồng người Úc ở Brisbane và hai người Úc gốc Hoa ở Sydney là sáu công dân Úc có tên trong danh sách 227 hành khách của chuyến bay này của hảng hàng không Mã Lai.

Trên máy bay còn có phi hành đoàn 12 người, tổng cộng là 239 người. Số hành khách gồm có 152 người Trung quốc và 1 bé sơ sanh, 38 người Mã lai, 12 người Nam Dương, 6 người Úc, 2 người Tân tây Lan, 3 công dân và 1 bé sơ sinh Hoa kỳ, 3 công dân Pháp, 2 Gia nả Đại, 2 Ukraine, 1 Nga, 1 Ý, 1 Đài Loan, 1 Đài Loan và 1 người Áo.

Đột nhiên mất tích.

Phi cơ hảng Malaysia Airlines

Phi cơ hảng Malaysia Airlines

Chiếc máy bay loại Boeing777 đã cất cánh từ phi trường Kuala Lumpur vào lúc nửa đêm (giờ địa phương) khuya thứ Bảy và 2 tiếng đồng hồ sau đó đã đột nhiên mất tất cả mọi liên lạc.

Các chuyên viên về hàng không đều tỏ vẻ thắc mắc về số phận của chuyến bay. Các dữ kiện cho thấy chiếc phi cơ có thể đã mất độ cao một cách bất thình lình và đã chuyển hướng bay trước khi biến mất khỏi màn ảnh radar.

Một cuộc tìm kiếm quy mô đã được thực hiện ngay với sự tham dự cả hải quân và không quân của các nước Mã Lai, Singapore, Phi luật tân, Việt Nam và Trung Hoa với các báo cáo sơ khởi cho biết chiếc máy bay mất tích khi đang ở tọa độ khoảng 220 cây số ngoài khơi biển Việt Nam.

Sau đó, Hoa kỳ cũng đã gởi đầu tiên là khu trục hạm tên lửa USS Pinckney và sau đó là khu trục hạm Kidd vào vùng hải phận quốc tế ở biển Nam Hải.

Khu trục hạm USS Pinckney

Khu trục hạm USS Pinckney

Đến tối Chủ nhật 9/3, chính phủ Úc cho biềt sẽ gởi hai phi cơ do thám Orion AP-3C của Không lực Hoàng gia Úc sang khu vực để giúp cuộc tìm kiếm.

Trong một thông tư phổ biến vào tối Chủ nhật, Thủ tướng Tony Abbott cho biết:

Chiều hôm nay, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Mã Lai Najib Razak để chuyễn lời phân ưu của nước Úc về sự mất tích của chuyến bay MH370 của hảng hàng không Mã Lai và để nghị giúp đỡ trong việc tìm kiếm chiếc phi cơ mất tích. Thủ tướng Najib đã chấp thuận lời đề nghị này”.

Vào ngày thứ Hai 10/3, có tất cả 34 phi cơ, 40 chiếc tàu đủ loại và hơn 100 người tham dự vào việc tìm tong tích của chiếc Boeing 777.

Tuy nhiên, các cấp chính quyền không có hy vọng nhiều về việc tìm thấy người sống sót. Họ e ngại điều xấu xa nhất đã xảy đến cho chuyến bay.

Các nạn nhân Úc.

Hai cặp vợ chồng Úc ở Brisbane có tên trên danh sách hành khách là ông bà Rodney và Mary Burrows ở Middle Park và ông bà Robert và Catherine Lawton ở Springfield Lake. Được biết 2 cặp này là bạn bè với nhau và cùng đi du lịch chuyến này.

Ông bà Mary và Rodney Burrows

Ông bà Mary và Rodney Burrows

Ông bà Burrows vừa mới dọn vào một căn nhà nhỏ hơn sau khi đã ở Middle Park trên 20 năm. Ông đã làm việc cho Energex và bà đã là một nhân viên dân sự của sở cảnh sát Queensland. Nhưng cuối năm ngoái, ông Burrows mất việc và theo một người hàng xóm “Họ đã suốt đời lo cho con cái, giờ đây là thời gian của họ, dành cho nhau”.

Ông bà Lawton có ba người con gái và hai cháu ngoại. Ông đã làm việc hơn 30 năm ở hảng Sharp Plywood ở Wacol. Hàng xóm cho biết ông bà là người tốt, xem chừng giùm nhà cửa của họ khi họ phải đi xa, và ông có óc khôi hài.

Cặp Niajun Gu và Li Yuan sống ở hạt Sutherland, Sydney, và ông Li là chủ nhân một cây xăng Metro ở Miranda.

Chiều thứ Bảy 8/3, Thượng nghị sĩ liên bang Brett Mason, đơn vị Brisbane, Phụ tá Tổng trưởng Ngoại giao Úc, tuyên bố với báo chí ở Sydney rằng :

Các nhân viên tòa lảnh sự hiên đang liên lạc với hảng hàng không Mã Lai và với gia đình của những hành khách Úc mất tích. Vào thời điểm này, chưa có gì rõ ràng là chuyện gì đã xảy ra.”

“ Nhưng tôi có thể nói thêm là gia đình của các hành khách Úc mất tích chắc chắn đang rất quan tâm và ý nghĩ của chính phủ Úc, và tôi tin chắc của tất cả dân chúng Úc, đều đang dành cho họ”.

Thành tích an toàn.

Phi công trưởng của chuyến bay MH370 là ông Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, đã lái cho Malaysia Airlines từ năm 1981 với hơn 18,000 giờ bay. Các bạn đồng nghiệp cho biết ông rành rọt về máy bay loại Boeing 777 từ trong ra ngoài vì ở nhà, ông có thiết lập một phòng tập lái cho loại phi cơ này.

Phi công phụ Fariq và phi công trưởng Zaharie

Phi công phụ Fariq và phi công trưởng Zaharie

Trong khi đó, viên phi công phụ, Fariq Ab Hamid, 27 tuổi, gia nhập Malaysia Airlines hồi năm 2007 và cũng đã có gần 3,000 giờ bay.

Trong tuần qua, đã có một phụ nữ người Nam Phi tiết lộ trên chương trình A Current Affairs của đài truyền hình số 9 ở Úc là cô đã được phi công Fariq Ab Hamid mời lên phòng lái trong chuyến bay từ Phuket về Kuala Lumpur vào năm 2011 để “giải khuây”.

Hảng hàng không Mã Lai có một thành tích an toàn rất tốt. Tai nạn xấu nhất của hảng này xảy ra hồi năm 1977 khi 93 hành khách và 7 phi hành đoàn mất tích trong một vụ không tặc và sau đó bị rớt ở miền nam Mã Lai.

Riêng về phi cơ, loại máy bay Boeing 777-200 được xem như một trong những loại máy bay phản lực thông dụng nhứt thế giới vì thành tích tốt.

Loại phi cơ này có thể bay đến 16 tiếng không nghỉ, Nhưng đáng kể hơn là vấn đề an toàn. Trong lịch sử 19 năm của nó, tai nạn đầu tiên chỉ mới xảy ra hồi tháng Bảy năm 2013 khi chiếc mày bay của hảng Asiana Airlines đáp hụt xuống bãi đáp ở San Francisco. Ba trong số 307 người tử nạn.

Một trong các khía cạnh khó hiểu của vụ việc này là chuyến bay không gởi một tín hiệu báo nguy hay cho biết là đang gặp khó khăn chi hết.

Ông Adam Susz, thuộc Hội Phi công Úc và Quốc tế, nói:

Thông thuờng, khi có chuyện trục trặc xảy ra cho chuyến bay, phi công có thì giờ để kiểm soát các hệ thống, kích động các đèn hiệu báo động, liên lạc với các phi cơ đang bay gần đó và các đài kiểm soát không lưu.

Đàng này, có vẻ như chuyến bay MH370 mất tích một cách cấp kỳ”.

Thân nhân tức giận.

Những cảnh tượng hốt hoảng và đau lòng đã diễn ra ở phi trường Bắc kinh khi tin chẳng lành về chuyến bay MH370 bắt đầu được tiết lộ.

Màn ảnh ở phi trường ghi hàng chữ đỏ cho chuyến bay này là “Đình trệ” rồi sau đó đổi thành “Hủy bỏ”.

Chuyến bay bị "hủy bỏ"

Chuyến bay bị “hủy bỏ”

Bạn bè và thân nhân của các hành khách bật khóc và liên tục gọi điện thoại khắp nơi.

Sau đó, họ được đưa về một khách sạn ở gần phi trường để chờ thêm tin tức. Nhưng họ đã than phiền là không được cập nhật tình hình vì “hảng máy bay không chịu tiết lộ”.

Thân nhân đau khổ

Thân nhân đau khổ

Một người đàn ông, khoảng tuổi hơn 20, đang an ủi một phụ nữ lớn tuổi hơn, có lẽ là mẹ của anh ta, đang vật vã, nức nở. Anh nói:

“Họ vô tích sự. Tôi không hiểu sao họ chưa tiết lộ thêm chi tiết gì hết. Chúng tôi đã đợi 4 tiếng đồng hồ và họ chỉ cho biết rất ít tin tức mà họ cũng đã tiết lộ trong cuộc họp báo”.

Tìm thấy vết dầu loang

Đến sáng Chúa nhật 9/3, tin tức cho biết chiều hôm trước, máy bay Việt Nam đã tìm thấy hai vết dầu, mỗi vết dài khoảng gần 20 cây số ở ngoài khơi hải phận Việt Nam.

Hồi 16g26, một máy bay AN26 phát hiện trên vùng biển có dấu hiệu nghi là vệt dầu dài 20km, tọa độ 7,55 độ Vĩ Bắc, 103,1852 độ kinh Đông. Vệt dầu nằm trong vùng biển của Việt Nam

Sau đó, máy bay AN26 tiếp tục phát hiện một cột khói bốc lên từ biển, tại tọa độ 7,25 độ Vĩ Bắc, 103,2320 độ Kinh Đông nhưng chưa xác định rõ và đã xin hạ độ cao để tìm kiếm.

Đến 17g20, máy bay AN26 tìm thấy dấu hiệu nghi là vệt dầu thứ hai, cách đảo Thổ Chu 150km.

Vết dầu loang

Vết dầu loang

Sau đó, máy bay AN26 phải quay về vì trời tối gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Trong khi đó, 3 tàu Hải quân, cảnh sát biển và tàu Sar 413 đang tiến ra hiện trường.

Nhưng ngày hôm sau, giới thẩm quyền đã bác bỏ, cho rằng vết dầu này không phải từ chiếc máy bay mất tích.

Nghi ngờ bị khủng bố.

Tin mới nhất cho hay hai người có tên trên danh sách hành khách đã bị mất cắp sổ thông hành từ bên Thái Lan và đã không có mặt trên chuyến bay đó.

Công dân Ý Luigi Miralda, 37 tuổi, hiện nay đang tiếp tục du lịch ở Thái Lan trong khi công dân Áo Christian Kozel, 30 tuổi, hiện đang ở quê nhà.

Giới chức hai quốc gia này xác nhận hai người đã khai là bị đánh cắp sổ thông hành vào năm 2011 và 2013 và cả hai sự việc đều đã được thông báo với cảnh sát quốc tế Interpol.

Việc có hai hành khách trên chuyến bay MH370 sử dụng sổ thông hành của hai công dân Ý và Áo nói trên đã làm gia tăng sự nghi ngờ là chuyến bay có thể đã bị khủng bố.

Tuy nhiên, sau đó, nhà chức trách Thái Lan đã thẩm vấn các văn phòng du lịch cấp vé máy bay cho hai người này.

Dữ kiện cho thấy hai vé đi một chiều với hai danh tính nói trên đã được cấp phát vào hôm thứ Năm từ một văn phòng du lịch ở Pattaya, bờ biển du lịch nổi tiếng ở miền Đông Thái Lan.

Sĩ quan Cảnh sát Thái, Ratchthapong Tia-sood nói một người Ba tư, chỉ cho biết tên là “Mr. Ali”, đã đặt mua hai vé này. Ông nói:

Chúng tôi phải tìm hiểu thêm về nhân vật Mr. Ali này vì ở đây việc dùng bí danh để làm ăn buôn bán gần như đã thành truyền thống”.

Chủ nhân của văn phòng du lịch, Benjaporn Krutnait, cho báo The Financial Times biết bà tin rằng Mr. Ali không liên can gì tới khủng bố vì ông ta đã hỏi giá vé rẻ nhứt để đi Âu châu và không đề cập tới chuyện muốn đi chặng Kuala Lumpur sang Bắc kinh.

Càng thêm ly kỳ.

Đến chiều thứ Hai 10/3, tin tức từ nhà cầm quyền Mã Lai xác nhận có 5 hành khách đã kiểm vé ở quầy nhưng rồi lại không lên máy bay. Khi đếm số hành khách trên máy bay thiếu 5 người, phi hành đoàn đã báo động và nhân viện phục vụ chiếc phi cơ đã lấy hành lý của 5 hành khách này ra khỏi máy bay.

Trong những hành lý đó có gì ? Tại sao 5 người này chỉ muốn hành lý đi còn người thì ở lại ?
Câu trả lời liệu có vén được bức màn bí mật đang bao phủ xung quanh chuyến bay MH370 chăng ?

(Cập nhật 12/03/2014)
Ảnh vệ tinh Trung Quốc

Bí ẩn vẫn bao trùm số phận của 239 hành khách và phi hành đoàn trong chuyến bay MH370. Căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp được trước đó 4 ngày, nhưng chỉ được thông báo vào tối hôm qua (12/03/2014), Trung Quốc cho biết đã tìm thấy nhiều vật nổi tại khu vực Biển Đông. Những vật nổi được tìm thấy cách khoảng 200 km vị trí cuối cùng của máy bay Malaysia trước khi mất tích. Tuy nhiên vào sáng nay, ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam nói với phóng AFP là đã điều máy bay đến nơi được Trung Quốc thông báo tìm thấy vật nổi, nhưng toán tìm kiếm của Việt Nam đã không trông thấy bất kỳ một vật thể nào.

Công cuộc tìm kiếm vết tích máy bay Malaysia đã được mở rộng đến vùng biển Andaman trên một diện tích tới gần 90.000 km2. Bộ Quốc phòng Ấn Độ huy động tàu thủy và trực thăng đang đóng tại Ấn Độ Dương tham gia hoạt động tìm kiếm, cùng với hơn 80 chiếc tàu và máy bay của khoảng 12 quốc gia đang có mặt trong khu vực.

(Cập nhật 14/03/2014)
Có thể đã bay thêm nhiều giờ sau khi mất liên lạc.

Công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích bước sang ngày thứ 6. Giới điều tra Mỹ nêu ra khả năng chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines tiếp tục bay thêm 4 tiếng đồng hồ sau khi biến mất khỏi màn hình. Trung Quốc thông báo tìm được vật nổi khả nghi qua hình ảnh vệ tinh. Việt Nam phủ nhận tin trên. Ấn Độ tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ.

Nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal số ra ngày 13/03/2014 trích dẫn hai nguồn tin từ phía các nhà điều tra Mỹ. Căn cứ trên những dữ liệu do động cơ của chiếc Boeing 777 cung cấp, chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines mất tích hôm 08/03/203 đã bay tổng cộng trong 5 giờ đồng hồ kể từ khi cất cánh khỏi phi trường Kuala Lumpur.

Giới điều tra nghi là sau khi biến mất khỏi màn hình radar, chiếc Boeing 777 nói trên có thể đã tiếp tục bay thêm trong vòng 4 tiếng. Sở dĩ các nhà điều tra đưa ra giả thuyết này vì động cơ Rolls Royce của máy bay Boeing 777 được gắn thiết bị tự động phát thông tin trực tiếp, độc lập với hệ thống liên lạc phát – đáp trong khoang máy bay.

Do vậy, nếu hệ thống liên lạc trong khoang máy bay bị cố tình cắt, thì hệ thống truyền tin từ động cơ máy bay vẫn hoạt động và giúp giải đáp được những bí ẩn về chiếc máy bay này.

Với giả thuyết này, cơ quan chống khủng bố của Hoa Kỳ điều tra theo hướng máy bay Malaysia có thể là mục tiêu khủng bố, hoặc đã phải chuyển hướng bay hoặc đã bị phá hoại.

Vẫn theo nguồn tin của The Wall Street Journal, một số quan chức Mỹ yêu cầu tiếp tục điều tra xem chiếc Boeing của hãng Malaysia đã có phải chuyển hướng bay hay không và có bị đưa về một nơi nào đó để « được phục vụ cho một mục tiêu khác » hay không. Cho đến ngày hôm qua (12/03/2014) các bên liên quan vẫn chưa xác định được là liệu chuyến bay nối liền Kuala Lumpur với Bắc Kinh MH370 đã có phải thay đổi lộ trình bay hay là đã bị rơi ngoài khơi Biển Đông.

Theo tin mới nhất phía Malaysia bác bỏ tin của tờ báo Mỹ The Wall Street Journal. Về giả thuyết máy bay Malaysia nổ và bốc cháy trên không, phía Hoa Kỳ xác định là vệ tinh do thám của Mỹ không phát hiện bất cứ một vụ nổ nào trên không vào thời điểm ngày 08/03/2014.

Linh cảm lạ lùng của 1 hành khách MH370

Vợ của một nạn nhân trên chuyến bay MH370 của Malaysia không khỏi rùng mình sau khi biết hung tin chiếc máy bay mất tích, bởi trước khi lên máy bay chồng cô không hiểu vì lý do gì đã tháo nhẫn cưới và đồng hồ đưa cho vợ và dặn dò trao chúng cho cô dâu tương lai của hai cậu con trai, dù cả hai bé mới chỉ đang học đi, học nói!

Paul Weeks và hai đứa con trai

Paul Weeks và hai đứa con trai

Nhiều người chia sẻ câu chuyện này của cặp vợ chồng Paul Weeks- Danica ở Úc và cho rằng lẽ nào người chồng đã linh cảm điều chẳng lành sẽ xảy ra trong chuyến đi của mình.

Anh Paul Weeks, 39 tuổi, vốn là một kỹ sư cơ khí, có một mái ấm hạnh phúc ở Perth cùng vợ và hai con nhỏ – bé Lincoln (3 tuổi) và Jack (11 tháng tuổi). Anh chọn chuyến bay MH370 định mệnh sau khi nhận được một công việc mơ ước ở Mongolia.

“Chồng tôi đã nói rằng nếu có chuyện không hay xảy ra với anh ấy thì tôi hãy thay anh trao chiếc nhẫn cưới cho cậu con trai kết hôn trước, còn chiếc đồng hồ dành cho cô dâu của đứa con còn lại” – Danica chia sẻ trên tờ 9News National .

Tôi sẽ không từ bỏ hi vọng. Tôi muốn sẽ cùng anh ấy đi qua cánh cửa ngôi nhà này, được ôm anh trong vòng tay và thấy anh ở mọi nơi trong ngôi nhà” – người vợ nghẹn ngào nói thêm.

Theo báo giới địa phương, anh Paul từng là quân nhân sinh ra ở New Zealand. Gia đình nhỏ của anh chuyển tới định cư ở Perth sau khi ngôi nhà cũ ở Christchurch bị động đất san phẳng.

Được biết trước khi tới Mongolia, anh Paul chụp rất nhiều ảnh cùng gia đình.

(Cập nhật 15/03/2014)
Phát hiện chấn động dưới đáy biển.(Nguồn: Reuters/Xinhua)

Một nhóm các nhà nghiên cứu địa chấn tại một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc loan báo phát hiện một sự kiện địa chấn nhẹ dưới đáy biển giữa Việt Nam với Malaysia hôm 8/3 có thể phù hợp với khả năng một máy bay lao xuống biển và có thể có liên hệ tới phi cơ MH370 đang mất tích của hãng hàng không Malaysia.

Thông báo được đăng tải trên trang web của Đại học Khoa học-Kỹ thuật Trung Quốc hôm 14/3 là một trong những tin tức mới nhất trong nỗ lực quốc tế truy tìm chiếc Boeing 777 sau khi máy bay này mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu và biến mất khỏi màn hình radar sáng sớm ngày 8/3, mang theo 239 người.

Bản đồ tuyến bay và khu vực tìm kiếm

Bản đồ tuyến bay và khu vực tìm kiếm

Các khoa học gia Trung Quốc nói các tín hiệu họ thu được từ 2 trạm quan sát địa chấn ở Malaysia dường như cho thấy đã có một chấn động nhẹ xảy ra dưới biển khoảng 2:55 sáng ngày 8/3 ở vị trí cách mũi Nam của Việt Nam chừng 150 cây số.

Họ nói đây là vùng không có hoạt động địa chấn, cho nên xét về thời điểm và vị trí của sự kiện, có thể liên hệ tới chiếc máy bay Malaysia mất tích. Chấn động này xảy ra khoảng 85 phút sau khi chiếc máy bay MH370 mất liên lạc với trạm kiểm soát và tại địa điểm cách nơi mà người ta nghe thấy tín hiệu từ máy bay lần cuối cùng chừng 116 cây số về hướng Đông Bắc.

Thủ tướng Mã Lai xác nhận có “hành động có chủ ý”.(Nguồn: Courier Mail)

Trong một diễn tiến có thể được xem như là đáng kể nhứt trong suốt một tuần lễ kể từ ngày chuyến bay MH370 bị mất tích, chiều hôm nay, thứ Bảy 15/3/2914, Thủ tướng Mã Lai đã xác nhận “những hành động có chủ ý” đã ở đàng sau vụ mất tích.

Thủ tướng Najib Razak cũng tiết lộ rằng liên lạc cuối cùng với chuyến bay MH370 xảy ra vào 8giờ 11 phút tối thứ Bảy tuần qua (giờ địa phương), 7 tiếng đồng hồ trễ hơn đã được biết trước đây.

Lới cônng bố này phù hợp với một tiết lộ của một giới chức chính phủ Mã Lai muốn được ẩn danh là “hành động khủng bố không còn là một giả thuyết nữa mà là có tính cách xác quyết”.

Thủ tướng Najib Razak trong cuộc họp báo

Thủ tướng Najib Razak trong cuộc họp báo

Giới thẩm quyền hiện đang tập trung công cuộc tìm kiếm vào hai hành lang riêng biệt: một ở phía Bắc từ bắc Thái lan đến biên giới Kazakstan và Turkmenistan, một ở phía Nam từ Nam dương đến phía nam Ấn độ dương. Ông Razak nói cuộc tìm kiếm ở biển Nam Hải coi như đã kết thúc và ông tiếp:

“Căn cứ vào những liên lạc từ vệ tinh, với một mức độ chắc chắn khá cao, chúng tôi có thể thấy là những đường liên lạc từ phi cơ để báo cáo về các hệ thống đã bị tắt đi trước khi phi cơ đến bờ biển phía đông Mã Lai”.

Tuy ông Najib không dùng danh từ ‘không tặc” ngoại trừ chỉ đề cập đến các báo cáo từ giới truyền thông, nhưng ông có nói là các nhà điều ra tin rằng việc cắt đứt liên lạc là một hành động có chủ ý và chuyến bay đã bị quay trở về.

Diễn tiến mới nhứt này có nghĩa là cuộc điều tra giờ đây sẽ chú trọng xem ai có thể đã dành quyền kiểm soát chuyến bay, và với mục đích gì. Tuy nhiên, Thủ tướng Najib nhấn mạnh:

“Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra tất cả mọi khía cạnh có thể đã khiến chuyến bay MH370 đã thay đổi lộ trình”

HƯNG VIỆT (Brisbane) tổng hợp
11/03/2014, cập nhật 12/3, 14/3, 15/03/2014

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , , , , , , , , , , , | 3 Comments »

* 30/4/2013 Ở BRISBANE: 38 NĂM RỒI CHƯA ĐỦ SAO ANH ?

Posted by hungvietbrisbane on 02/05/2013


30/4/2013 Ở BRISBANE: 38 NĂM RỒI CHƯA ĐỦ SAO ANH ?

Hoàng hôn xuống chậm như cố giữ lại sinh khí của một buổi chiều rực rỡ. Nắng vẫn còn ấm. Trời vẫn còn trong. Một số nguời tan sở sớm đang rão bước sang ga xe lửa trung ương bên kia đường như để chóng được về bên gia đình, vợ con.

4 giờ chiều, thứ Ba 30 tháng Tư 2013. Lể tưởng niệm ngày Quốc Hận do Cộng đồng NVTD Úc châu, tiều bang Queensland, ở ANZAC Square, trung tâm thành phố Brisbane.

Buổi lễ tiến hành một cách tốt đẹp. Đơn giản nhưng trang nghiêm. Ngay từ lúc mọi người đứng lên để chào đón toán hầu kỳ tiến về phía kỳ đài ở bên trên, và một toán cựu quân nhân khác chia ra bao quanh đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, địa điểm hành lễ, ở bên dưới, không khí như trầm mặc hẳn xuống.

Những tiếng động của xe cộ trên đường Ann không đủ để át lời cầu nguyện của Mục sư Janice Hughes cũng như những lời phát biểu, đúng ra là những tâm sự, những chia sẻ của các diễn giả gồm có Bác sĩ Bùi trọng Cường, Chủ tịch Cộng Đồng, Captain RWG Hume và Thượng nghị sĩ Ron Boswell.

Khoảng 120 người hiện diện, trong đó có các chính trị gia Úc, giới chức các sở bộ, đại diện của nhiều chi hội RSL, đại diện các hội đoàn, đoàn thể ngưới Việt và các đồng hương, lắng lòng hồi tưởng đến những ngày đen tối của tháng Tư đen và 38 năm dài đăng đẳng tiếp theo trong kềm kẹp, áp bức của dân tộc Việt Nam.

Rồi những tràng hoa tưởng niệm được trang trọng đặt trước tượng đài. Một phút mặc niệm. Kết thúc với hai bài quốc ca Úc và VNCH được cử tọa đồng hát.

Đơn giản nhưng xúc động“, ông bạn cựu Chủ tịch Hội Đồng Các Sắc tộc Qld đã nhận xét như thế.

Cám ơn các anh. Việt Nam muôn năm !“, một cựu chiến binh Úc từng chiến đấu ở Phước Tuy đã ôm vai tôi và nói bằng tiếng Việt lơ lớ nhưng rất dễ thương như thế.

Nhưng ….

Nhưng nếu chỉ có thế thì buổi chiều của tôi đã hoàn hảo vô cùng. Nếu sau buổi lễ đã không có anh đến đứng bên cạnh, tay không thể thiếu dĩa bánh do ban tổ chức khoản đãi, và thấp giọng như sợ người thứ ba nghe thấy:

“Có một buổi lễ như vậy mà làm cũng không ra hồn!”.

Tôi nhíu mày và dè dặt hỏi:

“Anh định nói gì ?”

“Thì đấy, đĩa CD đấy!”

À thì là thế. Tôi đã hiểu anh muốn nói tới phần cuối của chương trình, đúng ra là Ban Tổ chức sẽ cho hát bài Last Post (Kèn truy điệu của Úc) và hai bài quốc ca Úc – Việt từ một đĩa CD. Nhưng hệ thống âm thanh trục trặc sao đó nên hai MC đã nhanh trí mời cử tọa cùng hát hai bàn quốc ca này.

Tôi còn đang sững sờ, chưa tin được những điều mình mới được nghe thì anh ta lại bồi thêm một câu:

“Mà tại sao mình lại phải làm ở đây ? Đây là đài tưởng niệm của Úc dành cho lính Úc đánh trận ở Việt Nam mà. Vậy chớ đài tưởng niệm thuyền nhân của mình ở Kamgaroo Point thì để làm gì ? Sao không ra làm ở đó ?”

Tôi choáng váng. Không phải vì không đủ khả năng đối đáp lại những “thắc mắc” đó. Mà vì tôi không ngờ anh lại có thể có một lối suy nghĩ “bới móc” như thế. Lại có thể có những câu hỏi tiêu cực như thế.

Chưa đủ sao anh ? 38 năm rồi. Sao anh vẫn còn ngồi (đứng) đó bới tìm sơ hở của nhau !

Chưa đủ sao anh ? 38 năm rồi. Sao anh không vào, giúp cho một tay ?

Chưa đủ sao anh ? 38 năm rồi. Anh còn muốn người dân mình phải chịu lầm than bao lâu nữa ? 83 năm ? 380 năm ?

Chán nản, tôi chỉ nhẹ nhàng đáp:

“Tôi nghĩ có lẽ anh đặt những câu hỏi này với Ban tổ chức thì tốt hơn !”

Xong tôi bước sang nói chuyện với người khác đứng gần đó.

Trên trời có một đám mây đen thoáng qua. Nhưng tôi tin là gió sẽ thổi bay đi. Để nhường chỗ cho ánh ráng chiều vàng rực. Vàng như màu cờ. Trên lá quốc kỳ đàng kia. Và trong tim tôi. Mãi mãi !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
01/05/2013

*** Nguyên văn bản Việt ngữ bài phát biểu của TNS Ron Boswell: (xin bấm vào link dưới đây)

Boswell 30Apr2013 speech – 2nd draft mod-Viet

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Chào cờ

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Mặc niệm

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

BS Bùi trọng Cường, Chủ tịch CĐNVTD/Uc/Qld

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Captain RWG Hume

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

TNS Ron Boswell

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Những tràng hoa tưởng niệm

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính trị Việt Nam, Phát thanh 4EB, Sinh Hoạt Cộng Đồng | Tagged: , , , , | 1 Comment »

* TRƯỜNG VIỆT NGỮ TRƯNG VƯƠNG: EM HỌC VỀ NGÀY 30/4

Posted by hungvietbrisbane on 27/04/2013


TRƯỜNG VIỆT NGỮ TRƯNG VƯƠNG: EM HỌC VỀ NGÀY 30/4

Sĩ số học sinh của trường khá khiêm nhượng. Khoảng trên dưới 200 em. Là một trong 3 trường dạy tiếng Việt vào cuối tuần ở Brisbane. Ở một vùng không phải là có mật độ người Việt đông nhất. Vì thế nên có – hay giữ – được một số học sinh như thế là quá hay rồi.

Tôi dùng động từ “giữ” vì khi tôi rời trường cách đây khoảng 12, 13 năm, số học sinh cũng tròm trèm bao nhiêu đó. Hơn một thập niên sau, phụ huynh vẫn còn có lòng gởi con em đến học tiếng Việt như thế ắt hẳn đã là điều khích lệ vô cùng cho ban giảng huấn.

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Lúc nhận được lời mời đến dự buổi lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30/4, tôi xúc động một cách bất ngờ. Vì thấy ý kiến đó hay quá. Từ trước đến nay, tôi chỉ được biết các trường tiếng Việt có tổ chức các buổi lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Trung Thu, hay như mái trường này có thêm lễ Hai Bà Trưng vì trường mang tên của Hai Bà.

Vậy thôi ! Chứ còn 30/4 ! Lần đầu tiên, tôi đến dự một buổi tưởng niệm 30/4 ở một trường Việt ngữ ở hải ngoại !

Chào hỏi các thầy cô cũ và được giới thiệu với các thầy cô mới, tỉ lệ chừng khoảng 50 – 50 mỗi bên. Chợt nhớ đến thầy LNN và cô VTH, hai trong số 3 sáng lập viên của trường, nay đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng rồi lại cảm thấy mừng vì đã có lớp trẻ hơn, nay lên thay thế. Một hai em phụ giáo vốn đã từng là học trò cũ của trường. Tre tàn, năng mọc như vậy thì lo gì, tiếng Việt sẽ còn và từ đó, nuớc Việt sẽ còn mãi với thời gian.

Một em học sinh tuyên đọc chương trình và sau đó điều khiển phần nghi thức. Hai trăm mái đầu xanh, trong chiếc áo đồng phục màu vàng, cùng hơn chục thầy cô và một số phụ huynh nghiêm chỉnh hướng về cột cờ. Đích thân các em hát hai bài quốc ca của Úc và Việt Nam Cộng Hòa trong khi hai lá quốc kỳ bắt đầu tung bay trước gió.

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Sau phút mặc niệm, thầy Phạm minh Hùng bắt đầu phần thuyết trình về lịch sử cận đại của Việt Nam. Từ hiệp định Geneve 1954, sang đến các vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, rồi đến cuộc chiền Quốc Cộng, đến ngày miền Nam thất thủ vào tay CS BV, dẫn đến phong trào vượt biển, vượt biên làm chấn động lương tâm nhân loại. Thầy Hùng đã dùng những hình slides để giúp các em hiểu rõ bộ mặt thật của chế độ tàn ác CSVN.

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Cô Phó Hiệu trưởng Du Nguyệt Chi đã tiếp tục phần nói chuyện bằng cách kể lại cho các em học sinh nghe về các cuộc vượt biên, với thí dụ của một gia đình người bạn bị kẹt trên đảo san hô hết 36 ngày và chỉ được cứu sống bằng một phép lạ.Cô kể lại chuyện chồng cô bị CS lừa gạt, nói chỉ đi “học tập cải tạo” 10 ngày nhưng phải mấy năm sau mới được tha về. Cô kết luận “Chúng ta chỉ còn là cờ Vàng và tiếng Việt của người quốc gia. Chúng ta phải gìn giữ hai bảo vật đó bằng mọi giá”.

VLUU L100, M100  / Samsung L100, M100

Sau đó, thầy Trương văn Thiệt và phụ huynh tên Liêm đã trả lời các câu hỏi của các em học sinh về ngày 30/4.
Một em hỏi :”Tại sao trước khi đi vượt biên, biết là rất nguy hiểm mà thầy và các người tỵ nạn khác cũng vẫn đi ?”

Câu trả lời của thầy Thiệt rất ngắn gọn “Vì thầy cũng như họ đã đi tìm sự sống từ cái chết”. Đến đây thì giọng nói của thầy có vẻ như bị xúc động nên cô Hiệu trưởng Trương Khánh Tiên đã phải đỡ lời để giải thích tiếp.

….

Không thể nào không xúc động khi nhìn thấy các em ngồi yên lặng, ngoan ngoản lắng nghe những lời trình bày của các thầy cô về biến cố lịch sử quan trọng này của nước Việt Nam.

Tôi muốn chúc mừng Ban Giảng huấn đã có sáng kiến mỗi năm, đến mùa Quốc Hận, lại có một buổi lễ như vậy. Có thể những em thuộc các lớp nhỏ đã không thu thập được gì nhiều trong một tiếng đồng hồ qua. Nhưng đó là một giờ đồng hồ quan trọng trong việc giáo dục các em nếu chúng ta quan niệm giáo dục không phải chỉ vào lớp ê a vần tiếng Việt. Học Việt ngữ là quan trọng. Học về văn hóa cũng tối cần thiết. Nhưng các em không thể nào không hiểu về cội nguồn của mình. Các em phải biết tại sao ông bà, cha mẹ lại dắt dìu nhau, sang sinh sống ở một quốc gia xa lạ như thế này. Nếu không ở tuổi này thì 15 năm nữa, 20 năm nữa, các em cũng sẽ tự hỏi mình từ đâu đến. Như các nhà xã hội học đã từng chứng minh về những hoài niệm về nguồn cội của thế hệ di dân thứ hai, thứ ba, thứ tư trở đi.

Hôm nay các em tan học, trên đường về nhà, sẽ kể lại cho mẹ cha nghe về những điều đã học được trong một tiếng đồng hồ sang nay. Nếu tôi là một trong số những phụ huynh đó, tôi sẽ cám ơn nhà trường. Đã giúp cho con tôi hiểu được vì sao có những buổi chiều, có những buổi tối, nhứt là những ngày gần cuối tháng Tư, cha mẹ của nó thường nhìn qua cửa sổ với những ánh mát buồn đăm đăm !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
27/04/2013

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính trị Việt Nam, Hình ảnh 4EB | Tagged: , , | Leave a Comment »