Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for the ‘Bài vở SHCĐ’ Category

Bài vở về các sinh hoạt cộng đồng

* NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐàMẤT.

Posted by hungvietbrisbane on 08/11/2014


NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, HOÀI NIỆM VỀ MỘT THUỞ THANH BÌNH ĐÃ MẤT.

Mất ba năm còn có người khóc đã là điều đại quý. Ra đi đã mười năm còn có người thương tưởng không phải dễ tìm. Ấy thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi năm, cứ đến đầu tháng 11, người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn làm lễ tưởng niệm cho Cụ.

Đọc trên internet thấy có đến 21 địa điểm, từ Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Gia nả Đại), sang Âu châu (Đức quốc, Anh quốc, Pháp quốc), trở về Úc đại lợi với các tiểu bang NSW, Victoria và Queensland đều có tổ chức. Đặc biệt hơn, có những nơi, Thư Mời do các hậu duệ đứng tên và gởi đi. Các em, các cháu này ắt hẳn sinh ra sau ngày Cụ và bào đệ của Cụ bị thảm sát đến cả hai hay ba thế hệ nhưng họ hiểu được tấm lòng kính yêu mà các bậc cha anh dành cho vị lảnh đạo tài ba, đức độ và liêm khiết này nên không ngần ngại tổ chức các buổi tưởng niệm ở địa phương. Đáng yêu và đáng quý thay !

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Giáo đường Our Lady of Sacred Heart sáng 1/11/2014

Brisbane, một buổi sáng đầu tháng 11, trời bắt đầu gay gắt nóng. Bên kia hàng rào, nhóm thợ thuyền đang đổ xi măng từ hai chiếc xe trucks to dềnh để thiết dựng thêm phòng ốc gì đó cho trường tiểu học Lady of the Scared Heart ở Darra. Ở bên đây, thiên hạ bắt đầu đổ về giáo đường, kẻ đứng bên ngoài để hàn huyên với bạn bè, một số khác đã vào bên trong và có người đang quỳ gối lâm râm khấn nguyện trước tượng Chúa.

Tôi nhớ tới những năm mới vào Trung học, đến Noel, được các ông anh dẫn đi Nhà Thờ Đức Bà vào tối Giáng sinh dù gia đình chúng tôi ngoại đạo. Đường phố chật kín người. Thanh niên nam nữ áo quần chưng diện vui vẻ trên các chiếc xe gắn máy ồn ào. Đêm ca nhạc ở trường Lasan Taberd mà mẹ tôi phải chen lấn cực nhọc mới mua được vé chỉ vì bà ái mộ tiếng hát Thái Thanh. Ôi, những tháng ngày an bình xưa cũ !

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Ông Vũ trọng Thiếu, Trưởng ban Tổ chức

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Các cựu quân nhân chào kính trước bàn thờ Cụ

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Đến gìờ khai mạc. Quốc ca Úc được hát trước nhưng do một trục trặc kỹ thuật, được lập lại lần thứ hai trước khi quốc ca Việt Nam trổi lên, theo sau là phút mặc niệm. Bảy anh cựu quân nhân thuôc đủ mọi binh chủng giơ tay chào nghiêm trước bàn thờ của Cụ. Được ban tổ chức cho biết bức ảnh trên bàn thờ hôm nay là do một thân hữu từ Sydney họa lấy, cất công đích thân mang từ đó về Brisbane cho buổi lễ hôm nay, xong sẽ lại gói ghém để đem trở về dưới đó. Chân tình như thế đến từ đâu nếu không phải cùng do lòng kính trọng người quá cố mà ra ? Một tràng pháo tay cũng chưa đủ nói lên lời cám ơn với anh Đ.Q. ! Mà bức ảnh anh vẻ quá khéo, trông thật giống hình chụp.

Tôi nhớ lần đầu tiên được cha tôi thưởng cho 5 đồng để đi xem ciné ở rạp Cao đồng Hưng chung với thằng bạn. Năm đó tôi đang học lớp Nhứt. Mười tuổi hơn mới được đì coi hát một mình. Sung sướng và hãnh diện lắm. Đèn trong rạp tắt tối om. Mọi người đứng lên chào cờ. Quốc ca dứt nhưng không ai ngồi xuống vì còn bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống nữa. Tôi dần dần quen với gương mặt của Cụ từ dạo ấy.

Lễ dâng hương

Lễ dâng hương

Sự kính trọng đó hôm nay lại được thể hiện qua phần Dâng Hương trước bàn thờ của Cụ do các ông Vũ hải Vân, Phó chủ tịch Ngoại vụ của Ban Chấp hành Cộng đồng NVTD/UC/Qld, Linh mục Nguyễn trung Cảnh, Chủ tế buổi lễ hôm nay, và ông Gabriel Hoàng văn Ninh, một niên trưởng trong cộng đoàn Công giáo Brisbane.
LM Nguyễn trung Cảnh trước đây cũng đã nhiều năm sinh hoạt với giáo dân người Việt ở Inala nhưng sau này, Cha đã được giao sứ mệnh chăm sóc con chiên ở Clayfield. Hôm nay, Cha và LM Vũ minh Nguyên, linh mục quản nhiệm cộng đoàn công giáo Việt Nam ở Brisbane, đảm nhiệm phần Thánh lễ.

Thay vì lời phát biểu hay một bài diễn văn rườm rà nói về ý nghĩa buổi lễ, ông Nguyễn đức Trừng, người điều khiển chương trình, ngỏ lời mời ông Gabriel Hoàng văn Ninh lên để chia sẻ vài kinh nghiệm mà ông đã có được qua những lần tiếp xúc với Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm.

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông Gabriel Hoàng văn Ninh chia sẻ kỷ niệm những lần gặp Cụ

Ông kể lại trong một lần công cán ở Đà Lạt vào dịp Giáng sinh, Cụ đã đến hỏi thăm từng người một các anh em chiến sị đóng đồn gần đó. “Gia đình ra sao ? Có vợ chưa ? Bao nhiêu đứa con rồi ? Lương có đủ ăn không ? Ở đây có lạnh không ?” Và khi anh em trả lời “Dạ có!” thì Cụ xoay ngay ra sau, bảo tùy tùng ra chợ mua thêm cho mỗi người một tấm mền.

Tôi nhớ đến khi vừa thi xong Trung học Đệ nhất cấp, ba tôi thưởng cho chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Ba không đi vì bận công ăn việc làm, chỉ có mẹ và hai ông anh cùng đi. Tôi không bao giờ ngờ đó chẳng những là chuyến viếng thăm chốn sương mù này lần cuối trong đời mình mà còn là chuyến đi chơi xa nhứt trong nước từ đó về sau. Vài tháng sau, Cách mạng xảy ra, đất nước trở nên loạn lạc hơn, đâu đi xa được nữa. Lần chót tôi về thăm quê nhà vào cuối năm 1971, chiến tranh đã bắt đầu lan rộng, mùa Hè đỏ lửa bắt đầu ngún cháy, ông anh cả của tôi chỉ có thể đưa tôi xuống đến Ô Môn là xa nhứt.

Bác Ninh đề cập đến việc Cụ đã có lần đăm chiêu “Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc thành lập một chiến khu” khi bàn về chuyện người Mỹ có thể toan tính cắt đứt sự ủng hộ Cụ do sự khước từ của Cụ không cho người Mỹ đem quân lính vào Việt Nam “vì làm như thế thì chúng tôi sẽ mất đi hết chính nghĩa”.

Tôi lại nhớ đến những ngày lễ Quốc khánh 26/10 tưng bừng trong thanh bình, an lạc. Pháo bông đầy trời. Các cuộc diễn binh tưng bừng. Rồi những cuôc đua xe đạp Vòng Cộng Hòa đi khắp các miền đất nước. Thử hỏi nếu không thanh bình thì làm sao tổ chức được những cuộc đua vĩ đại và công phu như thế. Rồi những giải bóng tròn ở sân Cộng Hòa. Ở đâu cũng là Cộng Hòa. Chuyện gì cũng cho hai tiếng Cộng Hòa. Cộng Hòa là phương châm, là triết lý và đạo đức của cả một dân tộc..

LM Nguyễn trung Cảnh

LM Nguyễn trung Cảnh

Đó là nhờ ai ? Do đâu mà có ? Như Linh mục Chủ lễ Nguyễn trung Cảnh đã phát biểu:

“ .. Hôm nay chúng ta đặc biệt tưởng nhớ một vị thánh giữa đời – người đã sống như một nhà tu – người đã hiến mình cho quê hương dân tộc – một đại ân nhân của gần 1 triệu đồng bào Công Giáo di cư, đó là vị nguyên thủ quốc gia – vị Tổng Thống đầu tiên – người khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm.

Dù là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ đã sống khiêm nhường, đơn sơ, giản dị…

Ít ai còn chút công tâm mà không thừa nhận rằng cụ Ngô Đình Diệm là một người liêm khiết, vị tha, đức độ, nhân ái, cương trực, cùng một tinh thần ái quốc cao độ, luôn kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.

2/11/1963. Đã 51 năm từ ngày định mệnh oan nghiệt phủ xuống dân Việt, ngày cụ Ngô Đình Diệm và bào đệ bị thảm sát thật dã man tàn bạo. Nhưng với người có niềm tin lại hiểu rằng ‘trong họa, phúc thường núp sẵn’. Theo linh đạo của Tám Mối Phúc Thật thì cụ lại là người có phúc vì cụ đã “bị bách hại vì lẽ công chính” và vì chủ quyền dân tộc.

51 năm đã trôi qua! Thời gian đã đủ dài cho đau thương trầm lắng – đã đủ dài cho hối hận chìm sâu trong lòng những kẻ sắt máu phản bội.

Ước gì tấm gương vị quốc vong thân, cùng hoài bão xây dựng một thời đại công chính, một quốc gia không lệ thuộc ngoại bang, một quê hương VN cường thịnh thái bình của cụ, sẽ mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ mai sau. ‘Phúc thay ai kiến tạo hòa bình vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa ‘.

Nhớ đến Cụ trong ngày giỗ hôm nay, chúng ta rút ra được nhiều bài học làm người, nhất là làm người Kitô hữu. ‘Cụ Diệm đã sống yêu thương bao bọc mọi người, lấy sự phồn thịnh của người dân làm mục đích, lấy sự độc lập của dân tộc làm kim chỉ nam, lấy sự bình an và sinh mạng của nhiều người làm tôn chỉ, và nhất là những quyết định của Cụ trong những giờ phút cuối đời để không phải đổ máu nhiều người, càng làm nổi bật cái nhân từ đức độ của vị lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân’ (Lm Vĩnh Sang DCCT).

Thánh Lễ hôm nay còn nhắc nhở cho chúng ta một chân lý sáng ngời là, chỉ có tình yêu hiến thân cho cho công lý hòa bình, cho nhân quyền nhân vị, cho chân thiện mỹ và cho hạnh phúc con người mới là lẽ sống của người tín hữu, vì ‘Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh…chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời’(Thánh Phanxico – Kinh Hòa Bình).

Nguyện chúc cho mỗi người chúng ta biết mạnh dạn noi theo gương can trường của tiền nhân, bước theo con đường hiến thân phục vụ như các thánh nhân, như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta – những quân dân cán chính – những chiến sĩ hào hùng, những anh thư lỗi lạc của đất Việt trời Nam đã bỏ mình vì chính nghĩa quốc gia, vì tự do độc lập, vì dân chủ nhân quyền.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực tranh đấu cho công lý hòa bình, cho những giấc mơ của tiền nhân anh dũng, của chiến sĩ kiêu hùng và xác tín vào sự tất thắng của công lý và sự thật, để ta biết ‘lấy chí nhân thay cường bạo – dùng đại nghĩa thắng hung tàn’(Nguyễn Trãi), ngõ hầu: ‘để gương phúc thật sáng ngời – chiếu soi tận đáy lòng người Việt Nam’(Trương Hoàng).”

Ca đoàn Công giáo

Ca đoàn Công giáo

Tôi nhớ đến buổi trưa 1 tháng Mười Một của 51 năm về trước. Nhìn các chiếc máy bay quần trên không phận Sài gòn, chiếc radio chỉ phát thanh những bản nhạc quân hành. Tuy chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng tôi cũng đã hiểu mang máng rằng đất nước đang đi vào một ngã rẻ. Mù mờ. Không định hướng.

Tôi nhớ đến buổi chiều 2/11, cùng với ông anh ra trước cổng dinh Gia Long cùng với đoàn thác người bao quanh các chiến xa, binh lính đầy đủ súng ống. Mọi người hớn hở và dường như đã quên đi, buổi sáng ngày hôm đó, đã có hai anh em suốt đời lo cho dân, cho nước đã bị trói tay và hành quyết trong một khoang xe thiết giáp lạnh lùng !

Nhớ đến lời Cụ dõng dạc “Tôi tiến, hãy theo tôi ! Tôi lùi, hãy giết tôi ! Tôi chết, hãy theo gương tôi!”

Từ đó, vận nước Việt Nam ngày càng điêu linh ! Cho đến tận hôm nay !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/11/2014

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ, Hình ảnh 4EB, Hình ảnh SHCĐ, Phát thanh 4EB, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | 3 Comments »

* VIẾT CHO 4 GIỜ ĐÁNG NHỚ ĐÊM 24 THÁNG 10.

Posted by hungvietbrisbane on 31/10/2014


VIẾT CHO 4 GIỜ ĐÁNG NHỚ ĐÊM 24 THÁNG 10.

“Không, cám ơn, vui quá nên tôi no rồi!”
“Tui cũng không ăn đâu, tại vì tức quá, ăn không nổi !”

Hai câu trả lời của hai đồng hương khi được mời ăn pizza của Ban chấp hành Cộng Đồng mua đem ra thết đãi bà con trong buổi biểu tình chống văn hoá vận tối thứ Sáu 24/10 vừa qua ở Darra dường như đã tóm gọn được tâm trạng của những người tham dự.

Thoạt tiên là tức giận vì bỗng dưng lại có những người gây xáo trộn trong tập thể của chúng ta, một tập thể đã sống yên lành trong hơn bảy năm qua. Không văn hóa vận. Không Nghị quyết 36, 37 gì hết ! Đầm ấm bên nhau trong tình đồng hương, nghĩa tỵ nạn. Biết mình từ đâu đến. Và tại sao lại phải đến đây. Vậy rồi khi không họ lại khuấy lên !

Cho nên, bà con đã phải gọi nhau, kêu nhau có mặt để cùng lên tiếng. Để hy vọng có thể đánh thức lương tâm của những người, vì một lý do nào đó, đã gợi lại những đau thương, nhọc nhằn, tủi nhục mà chúng ta đã phải trãi qua và giờ đây, đồng bào ta bên quê nhà vẫn còn gánh chịu.

Để rồi tối hôm đó trong lòng thấy có một niềm vui rộn ràng. Vì số người kéo về đường Darra Station Road mỗi lúc một đông. Ban tổ chức mời trên thông cáo là 4 giờ 30. Năm giờ, lúc Bác sĩ Bùi trọng Cường, Chủ tịch Ban Chấp hành CĐNVTD Úc châu, tiểu bang Queensland, bắt đầu phát biểu, con số đã nhiều hơn dự tính gấp bội.

Rồi từ từ, những người đi làm về “Em tiễn người khách cuối cùng ra khỏi văn phòng là chạy đến đây ngay”. Những người ở xa tới.”Từ Sunnybank qua, kẹt xe quá xá, tôi phải lái vòng xuống Inala rồi mới trở lên đây”. Một bà nội đưa cháu tới lần đầu, xong rồi “Tôi phải cho nó về để trả lại cho ba má nó để cho nó ăn cơm, rồi tôi mới lại trở ra đây”.

001

“”Đến đây”, “Lên đây” rồi “Ra đây”, ai cũng hiểu “đây” là trước nhà hàng Maxim, địa điểm biểu tình.

Cứ thế mà số người tăng lên. Gặp lại đủ hết. Em bé gái, con một cựu Không quân, năm nào cũng đi diễn hành ngày ANZAC, lúc này nhổ giò, cao hơn hôm tháng Tư thấy rõ, làm muốn không nhận ra. Cháu đưa tay chào theo kiểu nhà binh, nói “Shoulder !”, ý nói phải đưa cánh tay ngang vai. Đúng là con nhà tông !

Một chị khác, “Tôi không có xe, nhưng bạn bè có cùng tấm lòng và sẵn sàng cho quá giang thì nhiều lắm!”. Một nữ ca sĩ mang theo chiếc ghế xếp vì hai chân bị đau, e không thể đứng lâu được. Thêm một chị bạn tuần rồi còn ho sù sụ, hôm nay hô “Đả Đảo” lớn hơn ai hết, mà sau đó còn lên phát biểu nữa mới đáng phục !

Nam nữ già trẻ quyết tâm

Nam nữ già trẻ quyết tâm

Một khuôn mặt xa lạ với cộng đồng nhưng danh tiếng đã được nhiều người biết đến là nhà văn quân đội Hải Triều đến từ Gia nã Đại xa xôi.

Nhưng không nói đến gần 30 thành viên của Hội Cựu quân nhân QLVNCH tiểu bang Queensland thì sẽ là một thiếu sót không thể nào tha thứ được. Sự có mặt của các anh không phải chỉ để làm tăng nhân số mà tác dụng của nó quan trọng hơn nhiều. Như lời ông Huỳnh bá Phụng tâm sự, điều đó “chứng tỏ ở đâu có tụi Cộng sản, nhiều ít không biết, là ở đó có cựu quân nhân”. Tinh thần đoàn kết chống Cộng vượt qua những tị hiềm, những khác biệt cá nhân, để chung sức cho công cuộc đấu tranh trước mắt.

Ông Chủ tịch và thành viên Hội CQN/QLVNCH/Qld quyết tâm chống NQ36

Ông Chủ tịch và thành viên Hội CQN/QLVNCH/Qld quyết tâm chống NQ36

Ông Vũ hải Vân, Phó Chủ tịch Ngoại vụ của Ban chấp hành Cộng đồng, mở đầu phần phát biểu với bức Tâm Thư của Ban chấp hành Cộng đồng. Tiếp theo là ông Lâm bình Bắc, Trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình. Rồi các đại diện hội đoàn, đoàn thể, tổ chức mà người viết ghi lại đây có thể không đúng thứ tự. Người gây nhiều xúc cảm nhứt là chị đại diện Hội Phụ nữ với những lời thắm thiết:

020

.. Tại sao các ông đành lòng nhăm mắt làm ngơ trước những thảm cảnh đang xảy ra hàng ngày trên quê hương mình: đây là dân oan khiếu kiện đói rách nằm lây lất trên toàn cõi đất nước, kia là người yêu nước bị hành hình, tra tấn, tù tội quá sức đau thương, và phẩm giá phụ nữ Việt Nam bị chà đạp đến tận cùng qua những show phô diễn thân thể lõa lồ để các chú rễ ngoại quốc tùy ý lựa tới lưạ lui như lựa một đồ vật …

Rồi chị hỏi:

“..Các ông còn nhớ chuyến đi vượt biên hãi hùng của chính gia đình các ông không ? Và các ông sẽ trả lời sao với bao nhiêu linh hồn linh thiêng của đồng bào ruột thịt đã phải bỏ mình oan uổng trên hành trình tìm Tự do ? …

Thêm vào đó, ông Hội trưởng Hội Cưụ Sinh viên Sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Đại diện Ủy ban Yễm trợ Công cuộc Đấu tranh cho Tự do và Dân chủ tại Việt Nam. Đại diện đài phát thanh Tiếng Nước Tôi. Bác sĩ Trần trung Hòa, cựu Chủ tịch Cộng đồng . Ông Chủ nhiệm SS Tuần báo. Rồi đến kẻ hèn này.

THV

Đến đây thì không khí trở nên ồn ào, sôi động vì ông chủ nhà hàng cáo buộc chúng tôi gọi ông ta là Cộng sản và muốn được lên diễn đàn để đối chất. Vì biết rằng điều mình nói đã bị bẻ cong, người viết bài không ngần ngại mời đương sự. Nhưng thật bất ngờ với phản ứng của đồng hương.

“Xuống ! Xuống!” “Không cho nói!”.

Hơn 200 người cùng một lòng hét to lên ý muốn của mình. Cho nên, khi BS Bùi trọng Cường hỏi ý kiến của đồng hương một lần nữa để xác định có để đương sự phát biểu không, đường Darra Station rền vang tiếng “Không”.

Như một đồng hương đã chia sẻ:

“Đó không phải là lúc, là chỗ để bọn chúng lên tiếng nữa. Đã trễ rồi. Họ đã có cơ hội. Trong phiên họp đầu tiên, họ đã nhiều lần bất lịch sự cắt ngang lời phát biểu của các đại diện hội đoàn, đoàn thể khiến ông Chủ tịch CĐ phải lên tiếng khuyến cáo họ. Rồi sau phiên họp đó, họ đã được Cộng Đồng và ban tổ chức cho cơ hội để mời người tổ chức đêm văn nghệ đến nói chuyện, nhưng họ đã lờ đi. Bây giờ, đến phiên chúng ta lên tiếng, không phải lúc của họ nữa”.

Đến đây thì trời đã sập tối. Hơn 7 giờ rồi mà theo quảng cáo, chương trình của họ dự định bắt đầu lúc 6 giờ 30. Bèn hỏi nhau:

“Có thấy ai dzô coi hông ?’
“Phe mình đứng hai bên đường để vô bãi đậu xe mà có thấy ma nào đâu Chắc họ đi vô cửa sau”.

027

Lại phải nói thêm về địa hình của nơi tổ chức. Khác với ở Sydney và nhứt là Melbourne, nơi mà các đám văn nghệ văn hóa vận được thực hiện bên trong các câu lạc bộ hoặc ngay tuốt trong Crown Casino, người biểu tình của mình chỉ có thể đứng cách xa hàng trăm thước. Trong khi đó, nhà hàng Maxim nằm sát bên đường, và giấy phép của cảnh sát cho chúng ta đứng ngay trên lề đường, miễn đừng án lối xe ra vào mà thôi.

Có “thiên thời” : trời tối hôm đó mát mẻ. Có “Điạ lợi”: như đã nói ở trên. Và có “Nhân hòa”: hơn hai trăm người cờ vàng trên tay, biểu ngữ khoác quanh cổ.

Thành thử sau đó có tin loan truyền là họ đã dẹp buổi hát rồi, tuy bán tin bán nghi nhưng cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

Đến gần 8 giờ, giấy phép sắp hết hạn, người viết bài đến hỏi ông Sergeant chỉ huy toán cảnh sát 14 người, Úc có Việt có, nghĩ sao về cuộc biểu tình hôm nay. Ông ta trả lời:

“Very good behaviour. Very impressive. We are very happy. Hope that it will end orderly as it has been”.

Bèn chuyển lời với BS BT Cường để ông loan báo cùng đồng hương.

Và có lẽ đã chứng kiến cảnh sinh viên Hồng Kông thực hiện cuộc biểu tình của họ trong các tuần trước, đám đông không ai bảo ai đi nhặt hết các vỏ chai nước plastic, các hộp pizza trống, các rác rưới khác để chất lên xe truck.

Chỉ tiếc không quẳng được đống rác bên kia đường lên xe để cùng chở đi cho khuất mắt.

Dầu sao như vậy là cũng đã quá vui rồi !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
25/10/2014

Posted in Bài vở SHCĐ, Chính Trị, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Leave a Comment »

* NHẬT KÝ CỦA MỘT CUỘC BIỂU TÌNH.

Posted by hungvietbrisbane on 07/06/2014


NHẬT KÝ CỦA MỘT CUỘC BIỂU TÌNH.


Thứ Năm 15/05/2014: Hịch.

Ông Trần thanh Vân, Phó Chủ tịch Nội vụ của Ban Chấp hành Cộng Đồng NVTD Úc châu, tiểu bang Queensland, gọi điện thoại mời tham dự một phiên họp giữa Cộng Đồng và các hội đoàn, đoàn thể để bàn về việc tổ chức một cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lăng và Việt cộng bán nước. Ông TT Vân giải thích đã có gởi một thư mời họp nhưng sợ thư không đến kịp nên phải gọi điện thoại.

Tính nhẩm ngay trong đầu là chiều Chủ nhật, thường phải lên đài 4EB để lo việc thu âm cho chương trình tối thứ Hai, nhưng không sao, chuyện nhỏ, có thể thu xếp được. Bèn điện thoại ngay cho văn phòng đài, xin đổi giờ book phòng thu âm từ chiều Chủ nhựt sang tối thứ Sáu trước đó.

Trong lòng tự dưng thấy vui và phấn chấn vì linh cảm sẽ có một điều gì từ trước đến giờ chưa xảy ra đang manh nha thành hình.

Chủ nhật 18/05/2014: Kế hoạch.

Phòng họp của trụ sở cộng đồng chật kín. Hơn 30 người hiện diện, bàn tán xôn xao về những chuyện đang xảy ra trên quê hương.

7 giờ 15, sau lễ chào quốc kỳ VNCH và phút mặc niệm., ông TT Vân mở đầu buổi họp với tin tức từ các cuộc biểu tình ở Sydney vào ngày hôm trước 17/5 và Melbourne trong sáng hôm đó 18/6. Mọi người càng thêm nức lòng, nhất là với tin của cuộc tuần hành dài 7 cây số của đồng hương ở Melbourne, từ Federation Square đến Toorak.

Có lẽ vì thế nên khi ông TT Vân nêu lên đề nghị ở Brisbane cũng sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày 14/6 với lý do là các thành viên BCH Cộng đồng phải đi Canberra để dự cuộc biểu tình vào tuần sau 24/5, mọi người đều cho rắng với khí thế đang sôi sục, chúng ta không nên để chậm trễ.

Ông TTV cho biết đã có thực hiện công tác nghiên cứu địa điểm. Lảnh sự Trung cộng ở Brisbane có hai văn phòng: một ở lầu 9, số 74 đường Adelaide và một ở lầu 4, số 140 đường Ann.

Dỉ nhiên, chúng ta không thể vào được bên trong các tòa nhà đó biểu tình, đừng nói chi đến được trước cửa văn phòng của chúng. Vì thế sẽ xin phép đi tuần hành quanh trung tâm thành phố và sẽ ngừng trước cửa các buildings đó để hô khẩu hiệu.

Về ngày biểu tình, có hai sự lưạ chọn: nếu làm thứ Sáu thì trong phố sẽ có nhiều người Úc hơn vì là ngày làm việc trong tuần, nhưng cũng chính vì lý do đó, e sợ số đồng hương tham dự sẽ bớt đi. Cuối cùng, quyết định chọn ngày thứ Bảy 31/05/2014 từ 11 giờ đến 1 giờ là thời điểm mà trung tâm thành phố rộn rịp nhất vào sáng thứ Bảy.

Một ban tổ chức được thành lập với BCH Cộng đồng đảm trách các vai trò chính yếu, các hội đoàn, đoàn thể, cá nhân sẽ chia nhau các công tác khác trong phiên họp kế tiếp.

014

Thứ Năm 22/05/2014: Tiếng trống.

Thông cáo chính thức của Cộng đồng về cuộc tuần hành được phổ biến. Vẫn tụ họp ở King George Square, ngay trước tòa Thị sảnh Brisbane. Ngày tổ chức vẫn là thứ Bảy 31/05/2014, chỉ có giờ giấc thay đổi chút đỉnh, dời sớm hơn nửa tiếng, bắt đầu từ 10giở30 và chấm dứt lúc 12giờ 30.

Thứ Bảy 25/05/2014: Hô hào.

Khu thương mại Inala – nơi có đông người Việt buôn bàn nhất ở Brisbane – trở nên sinh động hẳn lên với các biểu ngữ, các bài hát đấu tranh đi kèm với các lời kêu gọi đồng hương tham gia cuộc tuần hành vào sáng thứ Bảy tuần sau 31/5. Ghi tên, cho ý kiến, xem hình ảnh triển lảm, hàn huyên với các anh em trong BTC, mọi người như muốn bỏ quên chuyện chợ búa hàng ngày để chia sẻ sự ưu tư trước hiểm họa mất nước cũng chỉ vì một bè lũ thống trị hèn nhát, nhu nhược.

Một chủ tiệm đem ra cho các anh em mấy chai nước để giải khát. Một mạnh thường quân khác đem đến năm két với 100 chai nước để dự trữ cho ngày hôm đó. Anh nói hôm đó tôi sẽ không đi được thì đây là phần đóng góp của tôi vào công cuộc chung.

Thứ Hai 26/05/2014: Chi tiết.

Ông TT Vân và ông Vũ hải Vân (Phó Chủ tịch Ngoại vụ của CĐ) tường trình về cuộc biểu tình rộng lớn ở Canberra vào hôm thứ Bảy trước đó 24/5. Ông TT Vân cho biết có rất đông đồng hương từ Sydney, Melbourne, Woollongong, Brisbane và Canberra về tham dự, ước tính đông hơn một vài cuộc biểu tình 30/4 ở đây.

Ông TT Vân nói trời lạnh nên bà con nhiều người mặc áo khoác màu sậm bên ngoài nhưng choàng khăn màu vàng ba sọc đỏ, trông rất đẹp. Trong các bài phát biểu, các vị đại diện ngắt khoảng bằng các khẩu hiệu đả đảo, phản đối nên bầu khí lúc nào cũng bừng bừng.

Trở lại với cuộc biểu tình ở Brisbane, ông TT Vân cho biết đã được giấy phép của HĐTP Brisbane và của Sở Cảnh sát Qld.

Ông trình bày cho mọi người xem một bản đồ trong đó có khu vực được ấn định dành cho địa điểm tập trung. Sau đó, ông cho biết tiếp lộ trình của cuộc tuần hành, những nơi “ngừng chân” trước hang ổ Trung cộng để hô khẩu hiệu.

Các người khác lần lượt báo cáo các công tác khác đã thực hiện. Mướn xe bus : xong! Các loa phóng thanh: xong ! Media Release cho truyền thông chính mạch: xong ! Cờ xí: xong ! Biểu ngữ: xong các biểu ngữ lớn, một số bảng nhỏ đang được thực hiện. Có người cho biết các chị bên Hội Phụ nữ cũng đang thực hiện khoảng 20 biểu ngữ cầm tay và một biểu ngữ dài. Nước uống: CĐ cung cấp.

Đến đây có nguồn tin cho hay trường Việt ngữ Lạc Hồng xin CĐ cung cấp cho một xe bus vì muốn ghi tên cho 50 người từ trường này tham dự. Mọi người được xem tấm hình chụp thầy Vũ hoàng Nguyên, Hiệu trưởng trường này đứng trước cổng trường hôm thứ Bảy vừa rồi với tấm bảng kêu gọi phụ huynh, giáo chức, học sinh tham dự cuộc biểu tình. Phấn khởi quá mức và trong lòng cảm ơn các giáo chức trường Lạc Hồng luôn nuôi dưỡng trong lòng các em học sinh ý chí bất khuất của dòng giống … Lạc Hồng.

004

Thứ Năm 29/05/2014: Ngoại giao.

Một phản hồi tích cực từ bên ngoài. Phóng viên thường trực của đài truyền hình Manila ở Brisbane muốn phỏng vấn về cuộc biểu tình. Anh chia sẻ rằng quốc gia của anh cũng rất quan tâm về ý đồ bành trướng của Trung cộng. Chia sẻ với anh là ít nhứt Phi luật tân đã lên tiếng tố cáo và đưa hành động gây hấn đó ra trước công luận và tòa án quốc tế. Không như nhà cầm quyền bên nước chúng tôi: hèn nhát quá, nhu nhược quá.

Những câu hỏi của anh thật khéo léo và thông minh. Dân nhà nghề có khác. Nghĩ bụng còn phải “học nghề” thêm nhiều lắm.

Anh hẹn đến thứ Bảy sẽ gặp nhau ở city.

Đang lo. Ba ngày nay, không biết tại sao cơn ho lại kéo trở về. Như vậy thì làm sao mà thứ Bảy có thể hét hò gi được đây trời ? Đang “nốc” thuốc như con nít ăn kẹo !

Thứ Bảy 31/05/2014: Ngày N.

Chín giờ sáng, ghé văn phòng cộng đồng. Nhiều bà con đã có mặt. Có người đã gần chục năm nay không có dịp hàn huyên. Thôi thì chuyện trò nổ như bắp rang.

Hai xe buýt nhỏ đã ở đó. Các anh trong BTC đang chất biểu ngữ, cờ xí lên xe.

Chụp vài tấm hình kỷ niệm. Nhớ những lần đi biểu tình 30/4 ở Canberra. Cũng ngập tràn phấn khởi như thế này.

9 giờ 15 lên đường ! Hẹn gặp nhau “ngoài đó” ! Dặn dò nhau lái xe cẩn thận.

Đến nơi thì đã thấy có nhiều chiếc áo vàng, hoặc khăn choàng màu vàng, hoặc cả hai. Đặc biệt có một bé gái, em nói em 7 tuổi nhưng trông chỉ chừng lên 5, mặc một chiếc áo dài màu vàng với ba sọc đỏ chạy dọc theo tà áo trước. Dễ thương quá đi thôi !

020

Lần lần, số người tăng lên. Đủ mọi giới, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Các chức sắc tôn giáo, các bác cao niên đã về hưu, các em thanh niên thiếu nữ thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai. Đặc biệt ai cũng có nụ cười rạng rỡ trên môi. Háo hức đợi chờ.

Rồi giờ G cũng đã đến. Ban tổ chức yêu cầu mọi người vào hàng ngủ để chào quốc kỳ và hát quốc ca Úc Việt, cùng một phút mặc niệm những ngư dân, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc tấn công xâm lấn của Trung cộng.

Xong rồi bắt đầu xuống đường. Không diễn văn. Không hiệu triệu rườm rà. Bởi vì ngày hôm nay là ngày của mọi người, mọi người cùng lên tiếng, cùng bày tỏ lòng căm phẩn.

Nhưng mục tiêu đầu tiên, 74 Adelaide Street, lại nằm ngay phía sau điểm xuất phát, chỉ cách đó vài chục thước. Đoạn đầu đi đến đó thì dừng lại để hô khẩu hiệu, khiến ở phía sau bị dồn cục, không nhúc nhích được. BTC phải mời những người phía trước di chuyển thêm vài trăm thước để phía sau có thể bắt đầu.

Đông quá ! Đông quá ! Chưa bao giờ thấy một đoàn tuần hành của người Việt mình lại đông như vậy. Các nhân viên cảnh sát, người thì đi bộ theo, người đi xe đạp, người đi xe gắn máy để giữ trật tự lưu thông. Mà thật ra cũng chẳg có trật tự gì phải giữ vì bà con mình có tinh thần tự giác cao độ. Giữ trên lề đường, chậm rãi mà đi, hô to các khẩu hiệu mà các anh điều hợp viên thay nhau xướng lên.

Dân chúng địa phương đi ngang tò mò nhìn. Có người hỏi thăm thì được giải thích và phát cho một tờ giấy nhỏ bằng Anh ngữ. Họ đọc nhanh và nở nụ cười thông cảm.

023

Đoàn người cũng cười. Nhưng ở bên trong là cả một tấm lòng đau đáu cho thân phận đất nước lầm than. Cho nên những tiếng hô nghe sao rất dõng dạc, cương quyết. “Đả đảo”, “Out ! Out ! Out!”, “Now ! Now! Now” “Shame ! Shame ! Shame!” “For Vietnam !” …

Một chị trong ban phát thanh tuy chân đau triền miên nhưng vẫn cố gắng khập khiễng đi, đến nửa đường, thấy tội nghiệp quá nên bảo với chị thôi quay về địa điểm tập trung trước đi. Một anh thường gặp ở trung tâm công giáo đi đâu cũng phải chống gậy, hôm nay cũng thấy có mặt. Một bác gần 80 nói “Cậu đi trước đi, đừng lo cho già này, thế nào tôi cũng đi hết mà”. Có bạn đẩy xe pram, với em bé có lẽ phải được bình bầu là “biểu tình viên trẻ tuổi nhứt trong năm”. Một chị trong Hội Phụ nữ nói “Khí thế vô cùng ! Mình thật vui !”

Đến trước văn phòng cấp chiếu khán của chúng ở Ann Street, đoàn tuần hành lại ngừng. Bị các chiếc xe đầu bên lề đường cản trở. Nhưng không sao, chúng ta dùng tiếng nói. Lại hô các khẩu hiệu. Mà dường như bây giờ lại càng hô lớn hơn lúc nảy. Sung sức thật !

Đến công trường ANZAC thì đi xuyên qua đó để quẹo mặt vào đường Adelaide, trở lại địểm khởi hành.
Leo lên chiếc cầu nỗi vắt ngang đường Adelaide mới thấy được chiều dài hùng hậu của đoàn tuần hành. Chiếm cả một block phố dài cả hai, ba trăm thước chứ không ít.

022

Đến nơi thì đúng 12 giờ trưa. Các chai nước được phân phát ra. Ai nấy đều thấy rạng rỡ. Có vẽ như không ai chịu giải tán. Dầu sao, giấy phép còn cho mình thêm nửa tiếng nữa cơ mà. Thế là cùng hát hùng ca “Việt Nam ! Việt Nam !”, hay “Ta như nước dâng … !”.

Phải đó, một ngày không xa, ta hãy như nước dâng, dâng lên, dâng lên mãi để cuốn trôi một chế độ đang đưa dân tộc đến bến bờ diệt vong !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
31/05/2014

Posted in Bài vở SHCĐ, Chính Trị, Chính trị Việt Nam, Hình ảnh SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Tagged: | 1 Comment »

* Đêm Văn Nghệ Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane

Posted by hungvietbrisbane on 02/02/2014


Đêm Văn Nghệ Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane.

Đó không phải là một đêm nhạc thính phòng. Và chắc chắn cũng không phải là một đại nhạc hội. Tôi xem đó như một đêm nhạc gia đình. Gia đình đây là những người tỵ nạn ở Brisbane. Tụ họp bên nhau. Quây quần cùng nhau trong ngày mùng Hai Tết. Để nhớ về một người cháu, một người anh, một người em dễ thương nhưng hào hùng, hiền hòa nhưng kiên cường đã đột ngột ra đi trong một ngày cuối năm vừa qua.

Cộng đồng người Việt tự do ở Brisbane làm buổi tưởng niệm Việt Dzũng sau nhiều nơi khác.Nhưng tôi không cho đó là điều quan trọng. Chánh yếu là chúng ta có một buổi tối ngồi với nhau nghe hát những bản nhạc mà người thanh niên đó đã để lại cho đời.

Hội trường như lắng đọng tâm tư

Hội trường như lắng đọng tâm tư

Tôi vẫn thường nghĩ Việt Dzũng là một nhạc sĩ của tình yêu.

Trước hết là tình yêu hiểu theo nghĩa thông thường giữa Nam và Nữ.

Như những lời thổn thức trong bài “Và em cũng nói yêu anh” với tiếng hát và phần trình diễn thật xuất sắc của Quế Thanh tối hôm nay.

Quế Thanh

Quế Thanh

Hay lời thầm thì trong “Cỏ tương tư” mà giọng hát sau bao nhiêu năm vẫn còn trầm ấm của Bác sĩ Kế Hòa đã truyền đạt.

Cũng như những khắc khoải cho thân phận trong “Tự trầm”, một bài rất khó hát mà ca sĩ Cao Tùng đã dắt dìu người nghe đi qua một cách thật nhẹ nhàng cũng như anh đã miêu tả lại nét đẹp của người tình cũ trong nhạc phẩm “Dáng Xưa” ở phần một của chương trình.

Cao Tùng

Cao Tùng

Hoặc dí dỏm của “Tình như cây cà rem” mà Tony Toàn đã làm sống động hội trường với cách diễn đạt thật trẻ trung của anh.

Hay “Bài Tango cuối cùng” mà Ngọc Sương đã hát như những lời nức nở của đôi tình nhân không tròn duyên kiếp.

Và “Thung lũng chim bay” đã được Thanh Vân mời mọi người ghé bước. Phải viết thêm về chị Ủy viên Văn nghệ này của Cộng đồng. Một tuần trước đây, chị vẫn còn nằm trong nhà thương vì bị virus đột kích, phải nhờ người khác trông nom phần văn nghệ của hai đêm Hội chợ Tết. Hôm nay, sức khỏe chỉ mới hồi phục phần nào nhưng chị cũng đã đến với đêm tưởng nhớ vì theo chị “Buổi hôm nay với Thanh Vân rất quan trọng vì từ đó đến nay, Thanh Vân lúc nào cũng ngưỡng mộ anh Việt Dzũng”.

Thanh Vân

Thanh Vân

Nhưng nếu chỉ có những bản nhạc về tình yêu Nam Nữ thì những dấu ấn mà Việt Dzũng để lại cho âm nhạc Việt Nam có lẽ cũng chỉ đậm đà như nhiều nhạc sĩ viết nhạc tình khác.

Chính thể loại tình yêu thứ hai trong âm nhạc Việt Dzũng mới dành được sự trọn vẹn yêu thương của người nghe, nhất là những người mang thân phận tỵ nạn. Đó là tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc.

Như những lời kêu gọi thiết tha trong “Mời em về”. Ai không khỏi hoài vọng về một chốn bình yên xưa cũ khi Ngọc Sương nỉ non “Tôi muốn mời em về. Thăm lại Hà Nội xưa. Cổ ngư chiều đổ lá. Trong mưa buồn lưa thưa. Tôi muốn mời em về. Thăm lại Sàigòn xưa. Duy Tân chiều say nắng. Uống môi nồng hương xưa”.

Để rồi phải bàng hoàng đối diện với thực tại “ Tôi muốn mời em về. Nhưng quê hương kia quá xa. Bên kia bờ Thái Bình bao la”.

Ngọc Sương

Ngọc Sương

Hay Kế Hoà đã mở đầu chương trình với “Một chút quà cho quê hương”, ca khúc đã trở thành bất tử về một cuộc đổi đời bi thảm sau những ngày tháng Tư 75.

BS Kế Hòa

BS Kế Hòa

Cuộc đổi đời khởi đầu từ “Quân Lệnh cuối cùng” oan nghiệt mà Tony Toàn đã thay lời mọi người tri ơn các vị tướng đã tuẩn tiết “ …Tướng chết theo thành. Ngàn năm bất khuất ghi vào sử sách. Đã bao năm tên anh còn mãi. Danh tướng anh hùng đời sau vẫn nhớ..”

Tony Toàn

Tony Toàn

Đưa đến một cuộc ra đi vĩ đại và hào hùng nhất trong lịch sử nhân loại mà trong đó chin phần chết chỉ có một phần sống như được Thanh Vân thuật lại trong “Lời kinh đêm” .

“ … Thuyền trôi xa về đâu ai biết. Thuyền có về ghé bến tự do. Trời cao xanh hay trời oan nghiệt. Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ..”.

Để có những người phải vùi thây giữa lòng biển lạnh. Hay giờ đây cũng đã an phần nơi đất khách quê người. Để Thanh Hùng nhắc nhở chúng ta qua “ Tự Tình Khúc”
“ .. Chiều nay ai ra mộ vắng. Thắp dùm tôi nén hương tàn. Thương người nằm sâu đất lạnh. Đang buồn quê hương nát tan”.

Thanh Hùng

Thanh Hùng

Và để Cung Đàn, thành viên duy nhứt của phong trào Hưng Ca ở Brisbane và là linh hồn của buổi tổ chức hôm nay,đã nhắc nhở chúng ta “Những đứa con của Mẹ” hãy sống cho trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước.Rồi anh đã kết thúc phần trình diễn của các nghệ sĩ với nhạc phẩm “Chết Khô”, sáng tác cuối cùng của Việt Dzũng.

Cung Đàn

Cung Đàn

Ngoài phần âm nhạc, đêm Tưởng Niệm Việt Dzũng ở Brisbane còn có những bài nói chuyện, chia sẻ tâm tình của Bác sĩ Bùi trọng Cường, Chủ tịch CĐNVTD UC/Qld, của các anh Cao Tùng, Cung Đàn về những kỷ niệm với Việt Dzũng cùng phần trình chiếu video do bạn Tuấn Lê thực hiện về cuộc đời và đám tang của Việt Dzũng.

Các anh chị em nghệ sĩ

Các anh chị em nghệ sĩ

Ba tiếng đồng hồ trầm tưởng về người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh rồi cũng phải chấm dứt. Ở một nơi nào đó trên kia, chắc anh cũng đã có được một nụ cười đầu Xuân. Vì anh biết chúng tôi đã nhớ đến anh, đã ngậm ngùi vĩnh biệt nhưng không bao giờ quên anh.-

HƯNG VIỆT
Mùng 2 Tết Giáp Ngọ
01/02/2014

Posted in Bài vở SHCĐ, Hình ảnh SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Tagged: | 1 Comment »

Tác phẩm Multicultural Trailblazers của Jeannie Mok viết về TH Việt

Posted by hungvietbrisbane on 26/01/2011

VINH DỰ CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO QUEENSLAND

Hình trên: Thủ Hiến Peter Beattie (thứ 4 từ trái), tác giả Jeannie Mok (kế bên Thủ Hiến), TH Việt (thứ 4 từ phải)

Chiều thứ năm 12/05/05 vừa  qua, Thủ Hiến Queensland Peter Beattie đã  giới thiệu cuốn “Multicultural Trailblazers” do bà Jeannie Mok biên soạn và Sở Đa Văn Hóa Sự Vụ tài trợ. Cuốn sách này ghi lại sự đóng góp quý báu của những vị lãnh đạo các cộng đồng sắc tộc thuộc phái nam, cho tiểu bang Queensland. Cuốn sách này bổ sung cho cuốn “New Wave” cũng do bà Jeannie Mok biên soạn, ra mắt vào năm 2003, ghi nhận nổ lực của những phụ nữ sắc tộc tên tuổi tại Queensland (trong đó có bà Nguyễn thị Bạch Phượng, đương kim Phó Chủ tịch CĐNVTDUC-Qld).

Sau lời nói đầu của Thủ Hiến Queensland và phần cám ơn của tác giả Jeannie Mok, cuốn Multicultural Trailblazers dành 18 chương để viết về 18 người đàn ông thuộc nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau. Những vị này có tên tuổi và uy tín, không những trong cộng đồng của chính họ mà còn đối với cộng đồng rộng lớn bên ngoài. Ông Trần Hưng Việt, đương kim Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do – tiểu bang Queensland là một trong 18 người nói trên được cuốn sách này vinh danh.

Thành tích mà ông Trần Hưng Việt đạt được không chỉ là vinh dự cho cá nhân của ông mà còn là niềm hãnh diện chung cho Ban Chấp Cộng Đồng đương nhiệm và cho tập thể người Việt tại Queensland.

(Theo website http://www.vietnameseinaustralia.com.au)

Posted in Bài vở SHCĐ, Sinh Hoạt Cộng Đồng, Tin tức SHCĐ | Leave a Comment »

HƯNG NÀY KHÁC – VÀ HƠN – HẲN HƯNG KIA !

Posted by hungvietbrisbane on 01/01/2011

HƯNG NÀY KHÁC – VÀ HƠN – HẲN HƯNG KIA !

TÔI ĐI HỌC … PALTALK.

Người Úc thường có câu “There must be the first time for everything”. Tôi không hiểu tục ngữ Việt Nam mình có câu nào tương đương như vậy hay không. Nhưng nếu nói nôm na thì có thể là “Chuyện gì cũng phải thử một lần cho biết”.

Và đó là kinh nghiệm của kẻ hèn này vào chiều thứ Bảy vừa qua (11/12) trên diễn đàn paltalk “LIVE – Nhạc Phan văn Hưng”.

Trước đó, tôi chỉ nghe nói đến paltalk là diễn đàn mà trong đó, các tham dự viên đến từ khắp nơi trên toàn thế giới qua mạng internet để trao đổi quan điểm, chia sẻ ý kiến hoặc chỉ đơn giản để kể chuyện, ca hát karaoke cho nhau nghe.

Thế thôi ! Còn làm thế nào để ghi danh vào một chatroom hay vào đó rồi, ta phải làm gì để nghe thiên hạ nói – hay để nói thiên hạ nghe – thì tôi hoàn toàn mù tịt. Và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ tìm hiểu cho biết.

Cho đến cách đây hai tháng ! Khi tôi thấy có thông cáo về buổi trình diễn của nhạc sĩ Phan văn Hưng ở Melbourne để giúp quỹ xây dựng đền thờ Quốc Tổ dưới đó.

Tôi đã có dịp trình bày là tôi rất quý mến anh Phan văn Hưng, cùng những lý do tại sao. Nay được biết có buổi trình diễn đấy ý nghĩa đó của anh, mà tôi vì công ăn việc làm không thể rời Brisbane để đi Melbourne vào ngày hôm đó được, thì chỉ còn một cách là hỗ trợ anh về mặt tinh thần bằng cách tham gia vào diễn đàn paltalk nói trên mà thôi.

Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu và hỏi thăm về paltalk. Và có lẽ đến hôm nay tôi cũng vẫn chưa biết paltalk ra sao nếu không nhờ một anh bạn thân đã không quản ngại thì giờ khuyến khích và chỉ dẫn cho tôi trong những bước đầu tập tểnh. Và anh cũng đã kiên nhẫn dẫn dắt tôi vào nghe thử một vài chatrooms để chắc chắn là đến ngày 11/12, tôi không “đi lạc”.

D-DAY !

Rồi ngày 11/12 cũng đến !

Chương trình đến 2 giờ chiều (giờ Melbourne, tức 1 giờ trưa giờ Brisbane) mới bắt đầu nhưng anh bạn đã dặn tôi phải nên vào sớm kẻo hết chỗ. Bài học số 1: chatroom cũng có số chỗ giới hạn.

Tôi hỏi anh bạn thông thường, mỗi room như vậy, chứa được bao nhiêu người. Anh ta cho biết tùy theo mình trả bao nhiêu tiền. Bài học số 2: muốn có chatroom phải trả tiền mướn.

Sáng ngày D-Day, 8 giờ sáng là tôi đã ghi danh vào room “Live – Nhạc Phan văn Hưng”. Và không ngạc nhiên khi thấy đã có hơn chục người trong đó. Họ đang ca hát cho nhau nghe và  tuy đó chỉ là “chương trình văn nghệ phụ diễn” nhưng cũng có những giọng ca thật “não nề”. Hỏi anh bạn làm sao có nhạc đi theo tiếng hát của mấy ca sĩ này như thế, anh cho tôi địa chỉ của một karaoke website. Bài học thứ 3: bây giờ ở nhà, buồn buồn là có thể tập karaoke trước computer … mệt xỉu !!!

KHỦNG BỐ ! KHỦNG BỐ !

Mọi người đang ca hát vui vẻ thì bỗng nhiên trên màn ảnh, xuất hiện hai, ba nicks cùng một lúc, với danh hiệu hỗn láo đã đành mà những instant messages (IM’s) họ gởi lên có lời lẽ cũng thật bỉ ổi.

Về sau, lúc buổi trình diễn của anh Phan văn Hưng sắp sữa chấm dứt, “bọn khủng bố” cũng đã len lõi vào được, lần này đông hơn và không hiểu làm sao mà chúng “cướp” được micro để lên giọng phá hoại.

Dỉ nhiên các anh chị operators của phòng chat đã “ban” tất cả hai đám nicks nói trên ngay lập tức và “quét” họ ra khỏi phòng như quét một đám rác rến. Bài học thứ 4: bọn Cộng bao giờ cũng rình rập để tìm cách phá hoại công cuộc đấu tranh của chúng ta, dầu ở bất cứ đâu hay dưới hình thức nào, websites, blogsites, paltalk rooms, emails cá nhân v.v…

Đến khoảng hơn 1 giờ rưỡi (giờ Brisbane), chương trình ở Melbourne bắt đầu và operator của chatroom yêu cầu tất cả các thành viên, dù dỉ nhiên là đang ở nhà, đứng lên để làm lễ Chào Cờ và Phút Mặc Niệm. Bài học thứ 5: dù tham dự qua internet nhưng tinh thần vẫn nghiêm túc như đang có mặt tại hội trường.

Sau đó mới là những giây phút bối rối, ít nhứt là đối với tôi, một “lính mới tò te” vì tôi không thấy hình ảnh chi hết. Bèn IM anh bạn thì được giải thích rằng nick màu đen không xem dược webcam, nicks của các màu khác (blue, green v.v…) thì mới xem được vì phải trả tiền. Bài học thứ 6 (ôn lại bài học số 3): mình đang sống ở xứ tư bản, nothing comes free !!!

Càng ấm ức hơn về chuyện không được trông thấy hình ảnh khi anh Phan văn Hưng bắt đầu lên sân khấu để trình diễn. Một vài người khác cũng ở vào hoàn cảnh như tôi, thuộc dạng “nicks đen” cũng đã IM những message tương tự cho operators. Thông cảm với điều đó, một operator đã nhanh chóng chuyển hình ảnh là âm thanh lên một website để mọi người có thể vào đó mà xem

GIÂY PHÚT ĐỢI CHỞ !

Đây, anh đây rồi ! Đang ngồi ôm chiếc đàn thùng và “kể” những câu chuyện thương tâm của dân tộc. Anh chắc cũng phải ngoài 60 rồi mà trông vẫn chẳng khác với lần cuối tôi gặp anh 6, 7 năm về trước. Vẫn dáng dấp nghệ sĩ (dỉ nhiên). Vẫn phong thái nồng nàn, thu hút. Vẫn lối nói chuyện từ tốn giữa các bản nhạc.

Và quan trọng nhứt, vẫn những bản nhạc làm xúc động ngưòi nghe. “Nghe” trên paltalk sướng hơn nghe live một điều là “thính giả” có thể “nói chuyện” với nhau được. Trong hội trường, chúng ta phải giữ im lặng nhưng trong paltalk thì các hoa hồng, các ngón tay cái giơ lên (thumbs up), những chữ “clappppp” (“vổ tay”) được tung tíu tít lên bằng IM’s.

Rồi những messages bằng chữ, ngắn thôi, nhưng đủ trọn ý nghĩa “tuyệt” “quá hay” “cảm động wá” “bọn bán nước, đồ buôn dân” (khi anh hát bản “Chúng Đi Buôn”). “lũ trời tru đất diệt”, .

Tôi ao ước phải chi anh PV Hưng thấy được những điều đó chắc anh sẽ cảm động lắm. Đến khi anh bắt đầu những nốt đầu tiên của các bản nhạc quen thuộc mang ký hiệu (người Úc gọi là signature tunes) của riêng Phan văn Hưng “Ai Trở Về Xứ Việt”, “Bạn Bè Của Tôi’ v.v… thì tôi nghe những tiếng huýt sáo vang dội, không biết từ trong hội trường, hay từ trong chat room, hay từ cả hai. Ở đâu đi nữa thì đó cũng là những yêu thương, những trìu mến mà người ta gởi đến anh như gởi đến một tri kỷ lâu ngày xa vắng.

Hôm nay anh lại khoác một foulard cờ Vàng ba sọc đỏ chung quanh cổ nữa, một hình ảnh đẹp vô cùng. Và không thể nào nhầm lẫn được là anh đứng bên nào lằn ranh của giới tuyến.  Không phải mới gần đây. Mà đã từ lâu rồi, từ thuở anh còn là sinh viên ở Pháp quốc hơn 35 năm về trước.

HƯNG NÀY KHÁC – VÀ HƠN – HẲN HƯNG KIA.

Khác hẳn một nam ca sĩ khác cùng tên Hưng như anh. Hắn có thể trẻ hơn anh. Hắn có thể giàu có hơn anh. Nhưng ở hải ngoại này, di đến đâu, hắn bị rượt đuổi đến đấy. Thậm chí bị xịt cả hơi cay. Có bao giờ hắn tự hỏi “Tại sao?” không nhỉ ? Nếu có, và nếu tự vấn lòng một cách thành khẩn, hắn sẽ thấy ngay câu trả lời. Nằm trong bốn chữ trong một bài hát của người tên Hưng kia “Lương Tâm Con Người”

Hay nói cho rõ hơn, lương tâm của một con người Quốc Gia. Không đem bán cho loài quỹ đỏ. Không dùng để đổi chác với tiền tài, danh lợi.

Phan văn Hưng khác với Đàm vĩnh Hưng ở chỗ đó !

Phan văn Hưng hơn hẳn Đàm vĩnh Hưng ở chỗ đó !

Không, phải nói Phan văn Hưng đáng quý hơn Đàm vĩnh Hưng là ở chỗ đó!

Cám ơn anh, anh Phan văn Hưng !

Và cám ơn những người bạn đã mở phòng “LIVE – Nhạc Phan văn Hưng” hôm đó ! Đã cho tôi một kinh nghiệm đầu tiên trong đời về paltalk mà tôi sẽ nhớ mãi !!!

HƯNG VIỆT

(15/12/2010)

(Acknowledgement: Photos from www.lyhuong.net)

 

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ, Phát thanh 4EB, Sinh Hoạt Cộng Đồng | Leave a Comment »

NHẠC PHAN VĂN HƯNG VÀ PALTALK

Posted by hungvietbrisbane on 17/11/2010

NHẠC PHAN VĂN HƯNG VÀ PALTALK

Hưng Việt

Tôi chỉ có hân hạnh được gặp anh Phan văn Hưng đâu ba, bốn lần. Mà toàn là ở Brisbane, khi anh đến viếng thành phố này, chứ tôi chưa có dịp đến thăm Adelaide nơi anh cư ngụ. Đọc trên sách vở thấy nói thủ phủ tiểu bang Nam Úc đất đai bằng phẳng và gọi đó là City of Churches. Mà tôi, sống ở Christchurch, Tân Tây Lan, 16 năm trời, nên cũng đã quá quen thuộc với các nhà thờ và những đồng bằng thẳng tắp của vùng Canterbury.

Nhưng tôi đã mến phục anh từ trước đó khá lâu. Tôi vẫn còn nhớ cảm nghĩ của mình khi lần đầu tiên được nghe CD “Ai Trở Về Xứ Việt”. Tôi không phải là một nhạc sĩ. Cũng không phải là một ca sĩ. Thậm chí, âm nhạc đối với tôi là một bộ môn hoàn toàn vượt ngoài khả năng. Nhưng điều đó không ngăn cản được sự rung động trong lòng tôi khi nghe những dòng nhạc của anh Phan văn Hưng. Từ CD đầu tiên nói trên đến những CD sau này như “Sinh Ra Làm Người Việt Nam’, hay “Khát” v.v…

Anh viết nhạc như anh đang kể chuyện. Những câu chuyện thương đau, bi đát của dân tộc. Những câu chuyện đó có thể khác nhau. Các âm điệu có thể khác nhau. Nhưng chung qui vẫn là nói về Quê Hương, Dân Tộc.

* * *

Về sau, được biết thêm anh là một cựu sinh viên du học ở Pháp trước năm 1975, tôi lại càng cảm mến anh hơn. Không, phải nói là tôi đã thầm cảm ơn anh. Cám ơn anh đã lấy lại danh dự cho chúng tôi, những người trẻ tuổi đã bị hiểu lầm hoặc tệ hại hơn, bị gán cho những danh từ bất công nhất.

Chúng tôi có may mắn được ra đến nước ngoài để học hỏi những điều hay, nét lạ của xứ người, những tưởng một ngày nào đó không xa sẽ được trở về để góp bàn tay xây dựng đất nước.

Nhưng hoàn cảnh của quốc gia, định mệnh của dân tộc đã khiến cho chúng tôi phải đau đớn và bất lực nhìn quê hương mình trôi vào dòng thác Đỏ.

Lúc đó, như anh Phan văn Hưng và các bạn của anh bên trời Tây, chúng tôi là những người trẻ cô đơn. Nhưng may mắn đã được Hồn Thiêng Sông Núi dắt dìu để vẫn đi theo con dường của chính nghĩa Quốc Gia.

Hôm trước nhìn tấm ảnh các anh chị em sinh viên biểu tình ở Paris vào ngày 27/4/1975, dầu không nhận ra anh ở đâu nhưng bỗng dưng tôi tin chắc rằng phải có anh Phan văn Hưng và người bạn đường củ anh sau này là chị Nam Dao trong đó.

(xin xem tấm hình ở cuối bài)

***

Như đã nói ở trên, tôi hoàn toàn mù tịt về nhạc lý. Có lẽ vì sanh nhằm tuổi Sửu “đàn khảy tai trâu “ ! Nhưng cho phép tôi được so sánh nhạc của anh Phan văn Hưng và nhạc của chị Nguyệt Ánh.

Cũng đồng thời là nhạc đấu tranh. Nhạc chị Nguyệt Ánh nghe bừng bừng, thôi thúc. “Vẫn còn đây ! Vẫn còn đây các con của Mẹ !” hoặc “… Còn đây … máu anh hùng vẫn còn nồng say, Chí quật cường không hề chuyển lay ..”. Nhạc của anh Phan văn Hưng  nghe bi thiết hơn “… Bạn bè của tôi ! Là nhân chứng của cả thế hệ này… ” hay “ … Em sinh ra em là người Việt Nam, trong gian ngỏ tối, không trăng không đèn …”

Hai dòng nhạc, theo tôi, chuyên chở hai tác dụng khác nhau. Một, nói lên nguyên nhân của thảm cảnh, đại họa của dân tộc. Một, để làm sao khải trừ tai ách đó.

Nhưng cả hai, theo tôi, phải để chính các tác giả trình bày. Không ai hát nhạc Nguyệt Ánh hay hơn chị Nguyệt Ánh. Cũng như không ai khiến những bản  nhạc của Phan văn Hưng làm thấm lòng người nghe bằng chính anh Phan văn Hưng.

***

Do đó, khi nghe tin ngày 11/12 tới đây,  anh Phan văn Hưng sẽ trình diễn một buổi duy nhứt ở Melbourne để giúp việc gây quỹ xây dựng đền thờ Quốc tổ nơi đó, và buổi trình diễn sẽ được phát thanh trên diễn đàn paltalk “Nhạc Phan văn Hưng”, tôi ghi ngay vào nhật ký “1 giờ trưa – thứ Bảy 11/12/2010 – paltalk – Phan văn Hưng”.

http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=3273:3273&catid=39:sinhhoatcongdong&Itemid=58

Hẹn ” tái ngộ” cùng anh vào ngày hôm đó, dear anh Hưng !

HƯNG VIỆT

(15/11/2010)

Biểu tình ở Paris 27/4/1975

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ | Leave a Comment »

LÀM TOÁN GIÙM, CHỈ $2 ĐÔ LA MỘT BÀI !!!

Posted by hungvietbrisbane on 17/11/2010

LÀM TOÁN GIÙM, CHỈ $2 ĐÔ LA MỘT BÀI !!!

 

Không phải chỉ cá nhân tôi mà tôi nghĩ là tất cả các phụ huynh học sinh đều không ngờ, hay ít ra cũng hy vọng là sẽ không bao giờ, chuyện này có thể xảy ra, nhưng than ôi, nó đã xảy ra !

Đó là việc học sinh – qua internet – có thể nhờ người làm bài giùm. Nói đúng hơn, là mướn người làm giùm, với giá có thể rất rẻ, chỉ tốn $2 đô la cho một bài toán.

Một bản tin trên trang mạng http://news.ninemsn.com.au/national/8140141/indian-websites-do-your-homework-for-2#flock.ngày hôm nay (14/11/2010) cho biết các học sinh trung học và các sinh viên đại học ở Úc đã mướn những sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ, Pakistan và Ai Cập viêt luận văn và giải các bài toán giùm cho họ.

Bản tin cũng nêu tên các websites mà trên đó, sinh viên rao giá nhứt định hay “đấu giá” để lãnh các bài làm này.

Các trường học hay đại học không có thẩm quyền để ngăn ngừa chuyện này bởi vì những nhu liệu để khám phá các bài “đạo văn” (plagiarism) cũng phải bó tay đối với các bài “làm giùm” này.

TÌNH TRẠNG MƯỚN NHÂN CÔNG Ở NƯỚC NGOÀI.

Tình trạng “đem công ăn việc làm ra nước ngoài” (outsourcing) không phải mới xảy ra gần đây ở Úc nói riêng, hay ở các nước Tây Phương nói chung.

Để tiết kiệm ngân quỹ, các cơ sở thương mại, công cũng như tư, lớn cũng như nhỏ, đã lợi dụng tình trạng lương bổng thấp kém ở các nước đang mở mang như Ấn Độ, Mã Lai, Đại Hàn v.v… để mướn nhân công các quốc gia này làm công việc cho họ.

Một thí dụ điển hình là trong ngành Tin Học (Information Technology) mà người viết bài đã có kinh ngiệm làm việc trong quá khứ. Từ hơn 20 năm nay, để có thể cắt bớt số nhân viên ở  Úc, các cơ quan IT của những sở bộ, các ngân hàng v.v… ở đây đã chuyển công việc như thảo chương (programming), phân tích (system analysis) sang Ấn Độ.

Vì đa số nhân viên làm việc trong ngành IT thường kỳ hợp đồng khế ước (contracting) nên họ không thể nhờ nghiệp đoàn lên tiếng bênh vực hay phản đối giùm cho họ.

Một thí dụ khác gần đây hơn đã được báo chí nhắc nhở tới là việc bảo trì các phi cơ của hảng hàng không QANTAS, nay được đem qua chăm sóc ở Singapore. Người ta đặt dấu hỏi về phẩm chất của việc làm của các kỷ sư Tân Gia Ba khi trong 2 ngày liên tiếp trong tuần qua, hai chiếc phi cơ của hảng QANTAS (một là chiếc Airbus A-380 và chiếc kia là Boeing 747) đã gặp trục trặc kỹ thuật về động cơ và phải quay trở lại phi trường Chengai ngay sau khi cất cánh.

TÍNH CÁCH LUÂN LÝ CỦA VẤN ĐỀ.

Nhưng đó là nói về phần của các công ty, các thương nghiệp mà mục đích chính của họ là con số cuối cùng (bottom line) phải là một số lợi nhuận càng nhiều càng tốt.

Còn việc các học sinh, các sinh viên mướn người (ở nước khác) làm bài giùm là một chuyện khác hoàn toàn.

Nói một cách thẳng ra, đó là một sự lừa bịp – cheating. Lừa bịp thầy cô, giáo sư. Lừa bịp học đường. Và lừa bịp ngay cả chính mình.

Làm sao tương lai của quốc gia có thể trông đợi vào những người lừa bịp như thế ?

Thử tưởng tượng sau này, với những bài “làm giùm” như thế, các cô cậu này thi đỗ, hết bậc Trung học đến Đại học, trở thành cậu Cử cô Cử. Đi làm với mãnh bằng “vay mướn” như thế, không chút tài năng thực thụ – ngoại trừ tài lừa đão -, họ sẽ dẫn đưa nước này về đâu ?

KINH NGHIỆM VỚI NGƯỜI VIỆT.

Nhân nói về chuyện “làm bài giùm”, người viết cũng xin được đề cập đến một hiện tượng khác đang xảy ra trong cộng đồng người Việt mình. Nói lên không phải “vạch áo cho người xem lưng” mà chỉ mong tệ trạng này sớm được chấm dứt.

Đó là cha mẹ Việt Nam rất lo lắng về chuyện học hành của con cái nên thường cho con em đi học kèm ở tư gia (tutoring).

Điều này không có gì sai quấy mà thật ra còn là một nét hay đẹp của văn hóa Việt Nam, nói lên tấm lòng hy sinh của bậc cha mẹ Việt Nam, hy sinh tất cả cho việc học hành của con cái.

Nhưng nhiều người đã đặt kỳ vọng quá nhiều vào việc học thêm này. Họ nghĩ rằng đã được dạy kèm thì một sớm một chiều, Anh văn của con họ phải từ C nhảy vọt lên A. Hay ở Đại học, con của họ đang lẹt đẹt với môn Toán ở điểm 4 thì cuối semester tới, phải được 7.

Ai cũng thấy điều này không thực tế. Thầy cô chỉ có thể hướng dẫn và bổ túc những điều mà đứa học sinh không theo kịp trong lớp. Nhưng phần lớn vẫn tùy thuộc vào khả năng và sự cố gắng của chính học sinh đó.

Nhưng cũng chính để lợi dụng sự mong mõi này của phụ huynh, một vài thầy cô dạy kèm (tutors) đã đảm trách luôn việc làm bài giùm cho học sinh, để một khi học sinh được thăng hạng cao thì danh tiếng của họ cũng sẽ được đồn rộng ra, giúp họ có thêm nhiều “mối” để kèm.

Tôi không nghĩ đó là lương tâm của một giáo chức chuyên nghiệp !

HƯNG VIỆT

(14/11/2010)

Posted in Bài vở 4EB, Bài vở SHCĐ | Leave a Comment »