Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Posts Tagged ‘Malcolm Fraser’

* Chính phủ Lao động Queensland bấp bênh với cuộc khủng hoảng Billy Gordon

Posted by hungvietbrisbane on 17/09/2015


Chính phủ Lao động Queensland bấp bênh với cuộc khủng hoảng Billy Gordon


Làm truyền thông, đôi khi cố nặn óc cũng không thấy có một đề tài ưng ý để đặt bút. Nhưng ngược lại, có khi định viết về một chuyện nào đó thì một biến cố khác lại xảy ra, nên phải “chuyển hướng”.

Tuần này, chúng tôi phải đổi đề tài đến hai lần. Việc ông cựu Thủ tướng thứ 22 của nước Úc, Malcolm Fraser, ra đi vĩnh viễn để lại nhiều ngậm ngùi, u buồn trong lòng người Việt tỵ nạn tại Úc. Chưa qua nỗi bàng hoàng thì tin ông Lý quang Diệu, Thủ tướng lập quốc của Tân gia ba cũng đã nối gót theo sau.

Cả hai là những chính trị gia tài giỏi, mỗi người đã mang lại cho quốc gia của mình một đời sống tốt đẹp hơn trên các lãnh vực khác nhau: ông Fraser với một nền dân chủ đa văn hóa cho Úc, ông Lý quang Diệu một nền kinh tế phú cường cho Tân gia ba.

Tuy nhiên, chưa kịp viết dòng nào cho cả hai thì một biến chuyển chính trị quan trọng lại xảy ra ở ngay tại tiểu bang Queensland của chúng ta, đang làm lung lay, và có thể đi đến cả chuyện sụp đổ, chính phủ của bà Annastacia Palaszczuk.

“Nói sao ? “ Có bạn đọc sẽ hỏi ngay. “Chính phủ này mới được bầu lên hồi cuối tháng Giêng mà ?”.

Thưa đúng vậy. Và hơn thế nữa, các dân biểu chỉ mới tuyên thệ vào hôm thứ Ba đầu tuần rồi 24/3 với dân biểu Peter Wellington, như dự đoán, đã được bầu làm Chủ tịch sau khi tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ thiểu số Lao động.

Đến hôm sau, thứ Tư, một lễ khai mạc linh đình, trọng thể đã diễn ra với 19 phát đại bác bắn từ Kangaroo Point chào mừng ông Toàn quyền Paul de Jersey đến chủ tọa.

Sau đó, 89 vị đại diện dân cử của tiểu bang Queensland chỉ nhóm họp được một ngày vào hôm thứ Năm 26/3, thì một trái bom đã nổ tung vào ngày hôm sau, thứ Sáu 27/3 ngay giữa nghị trường.

Cáo trạng nghiêm trọng.

Sáng hôm đó, một bài báo trên Courier-Mail tiết lộ dân biểu Billy Gordon, thuộc đơn vị Cook ở cực bắc Queensland, đang có những hành vi không chịu khai thuế và không trả tiền cấp dưỡng nuôi hai đứa con, 8 và 12 tuổi.

Dân biểu Qld Billy Gordon

Dân biểu Qld Billy Gordon

Trả lời về vấn đề này trước quốc hội, bà Thủ hiến Palaszczuk cho biết ông dân biểu này đã điều chỉnh tình hình và “vấn đề đã được giải quyết”.

Nếu câu chuyện chỉ có thế thì không có gì để nói.

Tuy nhiên, bức thư mà văn phòng của bà Thủ hiến nhận được, ngoài hai vần đề trên, còn có những cáo buộc về bạo hành và đe dọa hành hung.

Người vị cũ của DB Billy Gordon

Người vị cũ của DB Billy Gordon

Người phụ nữ sống chung với ông Gordon trước đây cáo buộc rằng ông ta đã liên tiếp đánh đập bà. Bà này viết thư cho Thủ hiến và nhiều vị dân cử khác:

“Vào một dịp khác, chúng tôi ngừng xe ở đèn đỏ và anh ta đánh tôi trong một cơn giận dử”.
“Một dịp khác nữa, anh ta đấm tôi mạnh đến nổi đầu tôi đập vào kiếng bên cửa xe và bị bất tỉnh. Anh ta trở nên rất giận dữ và quạt vào vai tôi. Tôi kinh hoàng và hỏi anh ta tại sao làm vậy. Anh ta chỉ nói ‘ Câm miệng lại’”.

“Chúng tôi cãi nhau và anh ta đánh tôi. Chuyện cũ lại tái diễn và tôi nói với anh ta là tôi trở về Innisfail, anh ta có thể nói chuyện với tôi ở đó”.

“Một đêm khuya, tôi bắt gặp anh ta đang mài những con dao trong khi TV đang chiếu một chương trình kỳ quái. Tôi hỏi anh ta đang làm gì vậy và anh ta trả lời ‘Đi ngủ lại đi’. Tôi rất sợ hãi”.

“Tôi sẽ vui mừng nếu quý vị xét giùm tôi chuyện này vì tôi không biết đi về đâu”.

Bà Thủ hiến Palaszczuk cho biết bà đã chuyển ngay vào ngày thứ Sáu 27/3 những cáo trạng này sang ông Ian Stewart, Tổng Giám đốc Cảnh sát Queensland, nói rằng bà cũng đã thông báo cho văn phòng trung ương của đảng Lao động biết mọi chi tiết ngay sau khi nhận được vào ngày 18/3.

Thủ hiến Qld, bà Annastacia Palaszcuk

Thủ hiến Qld, bà Annastacia Palaszcuk

Tuy nhiên, báo Sunday Mail tiết lộ họ có bằng chứng bức thư đã được gởi đến văn phòng Thủ hiến vào ngày 13/3. Điều này đã khiến lảnh tụ đối lập Lawrence Springborg nêu nghi vấn về một âm mưu che đậy vụ việc này nhưng cuối cùng đã không thành công và bị đổ bể.

Bản tự khai.

Đến ngày thứ Bảy cuối tuần qua, dân biểu Billy Gordon đã phổ biến một thông tư, nói không có gì để bào chữa cho các hành vi của ông nhưng đề cập đến một tuổi thơ khó khăn.
“Suốt cuộc đời tôi, tôi đã và đang phải vượt qua những thử thách và nghịch cảnh. Đặc biệt là một đứa trẻ thổ dân”.

“Lớn lên trong một gia đình với đầy những thử thách và không được hoàn hảo mà cả cha lẫn mẹ của tôi phải vật lộn hàng ngày để nuôi sống gia đình”.

“Tôi nhớ lúc còn nhỏ đã ao ước lớn lên trong một gia đinh ‘bình thường’. Chẳng may, điều đó không xảy ra. Tôi nhớ khi còn nhỏ, vẫn thường muốn có những thứ mà các đứa trẻ khác được có như đôi giày, chiếc xe đạp, trái banh v.v…”

“Một trong những thứ mà tôi ao ước nhứt, ngay cả trong những năm vào tuổi thiếu niên, là một người cha mẫu mực, nhứt là khi tôi có những va chạm nghiêm trọng với luật pháp”.

Ông Gordon đã liệt kê những “va chạm” này như sau:
(*) 1987, xâm nhập gia cư và trộm cắp ở Innisfail;
(*) 1990, đột nhập với ý đồ, có ý định đột nhập và trộm cắp ở Atherton;
(*) 1992, vi phạm án lệnh tại ngoại ở Atherton;
(*) 1996, làm phiền toái nơi công cộng ở Normanton;
(*) 1999, vi phạm án lệnh tại ngoại
Ngoài ra, ông dân biểu đơn vị Cook cho biết ông đã hai lần bị treo bằng lái xe vì lái xe không có bằng lái vào năm 2004 và 2008.

Cuối cùng, năm 2008, ông bị án lệnh cấm tiếp xúc vì bạo hành (AVO) với mẹ của ông vì lời than phiền của bà này.

Không còn sự lựa chọn.

Tranh cử với chủ trương “một chính phủ chính trực và trong sáng”, đến đây thì bà Thủ hiến Palaszczuk không còn sự lựa chọn nào khác hơn là trục xuất ông Billy Gordon ra khỏi đảng Lao động.
Hơn thế, bà Thủ hiến đòi hỏi ông Gordon phải từ chức dân biểu dù bà cũng biết rằng chỉ có chính đương sự mới có quyền quyết định này.

Bà nhìn nhân rằng việc trục xuất ông Gordon có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chính phủ Lao động mới được bầu lên chưa đầy hai tháng và chỉ thực sự mới nhóm họp có một ngày. Bà nhấn mạnh:

“Tôi nói rõ với ông ta rằng ông ta đã không giữ đúng những tiêu chuẩn của tôi và không đáp ứng những tiêu chuẩn của Queensland.”.
“Tôi đang đặt chức vụ Thủ hiến của tôi vào tình trạng bấp bênh”.
“Ông ta đã không thành thật với tôi. Nếu anh nhìn thẳng vào mặt tôi và không thành thật, sẽ không có cơ hội thứ hai”.

Tương lai quốc hội Queensland.

Có một vài viễn cảnh có thể xảy ra.

Thứ nhứt, nếu ông Billy Gordon từ chức, đơn vị Cook sẽ có một kỳ bầu cử bổ túc và đảng Lao động có nhiều hy vọng giữ được ghế này vì từ trước tới nay, Liên đảng chỉ thắng ở đơn vị nói trên có hai lần. Nếu thế, tình trạng ở quốc hội Queensland sẽ không có gì thay đổi.

Thứ hai, nếu ông Gordon vẫn ngồi lì ở đó và trở thành một dân biểu độc lập. Như vậy, túc số ở quốc hội sẽ trở thành 43 Lao động, 42 Liên đảng và 4 Độc lập. Một trong bốn vị độc lập là ông Chủ tịch Peter Wellington đã tuyên bố rõ ràng là ủng hộ Lao động. Hai người khác, Robbie Katter và Shane Knuth, thuộc Katter Party thường có khuynh hướng bảo thủ, thiên về Liên đảng dù hôm Chủ nhật, ông Robbie Katter có tuyên bố “Chúng tôi không thiên về chuyện làm sụp đỗ chính phủ và đang nói chuyện với chính phủ Lao động”.

Hai dân biểu Shane Knuth và Robbie Katter

Hai dân biểu Shane Knuth và Robbie Katter

Tuy nhiên, nếu hai dân biểu này, cộng thêm với ông Billy Gordon, cùng bỏ phiếu cho Liên đảng thì chính phủ có 44 phiếu và độc lập có 45 phiếu. Như vậy, viễn cảnh chúng ta lại phải đi bầu trong một tương lai không xa rất có thể sẽ xảy ra.

Tin tức giờ chót cho biết ông Billy Gordon đã gởi lên mạng xã hội tweeter nói rằng ngày thứ Hai, ông có cuộc mổ mắt quan trọng nên “tôi cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và tham vấn luật pháp”.

Một câu thường được dùng để nói về thời tiết ấm áp, tốt đẹp ở tiểu bang nắng ấm này là “Queensland, beautiful one day, perfect the next”. Xin được sửa lại để thích ứng với tình hình chính trị địa phương “Queensland, surprising one day, fascinating the next”.-

HƯNG VIỆT (Brisbane)
30/03/2015

Posted in Chính Trị, Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

* TNS Ron Boswell tiếp chuyện nhà văn Hải Triều ở Brisbane

Posted by hungvietbrisbane on 02/11/2012


TNS RON BOSWELL TIẾP CHUYỆN NHÀ VĂN HẢI TRIỀU Ở BRISBANE

Chúng tôi cảm ơn sự lưu tâm và lên tiếng của các chính trị gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Úc, Gia Nả Đại và những nước khác, về vấn đề Tự Do và Nhân Quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo thiển ý, hành động duy nhứt có thể khiến nhà cầm quyền CSVN phải thay đổi chính sách là cắt giảm, hay tốt hơn, cắt đứt viện trợ cho họ.

Đó là lời chia sẻ của nhà văn Hải Triều trong buổi tiếp xúc thân mật với TNS Ron Boswell tại văn phòng của ông ở Brisbane, tiểu bang Queensland, vào sáng hôm nay thứ Sáu 2/11/2012.

TNS Ron Boswell và nhà văn Hải Triều

Đi cùng với ông Trần Kim Ẽm, thuộc Ban tổ chức cho buổi hội luận vào chiều mai, thứ Bảy 3/11/2012 ở Brisbane, ông Hải Triều đã nhân cơ hội này cám ơn TNS Boswell đã lên tiếng nhanh chóng về hai bản án mà CSVN đã dành cho hai nhạc sĩ đối kháng Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vào đầu tuần này. Được biết chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi cái gọi là tòa án nhân dân ở TP HCM tuyên án tù cho hai bạn trẻ nói trên, TNS Boswell đã ra một Thông cáo Báo chí lên án rằng đây là thêm một hành động kiểm duyệt của Hà Nội đối với quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.

(Xem link: https://hungvietbrisbane.wordpress.com/2012/10/31/tcao-bao-chi-cua-tns-ron-boswell-ve-2-ban-an-cho-viet-khang-va-tran-vu-anh-binh/)

TNS Ron Boswell, nhà văn Hải Triều và ông Trần Kim Ẽm

Trong buổi nói chuyện, TNS Boswell đã nhắc lại nghị quyết lưởng đảng mà ông và TNS Mark Furner đã đưa ra – và được thông qua – trước Thượng viện vào hồi tháng Sáu năm nay, kêu gọi chính phủ Úc phải tích cực hơn đối với các cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam.

Khi được TNS Boswell hỏi liệu tình trạng ở Việt Nam có thể nào cải thiện hay không, ông Hải Triều cho biết rất khó lòng khi mà Hiến pháp nhà nước quy định rằng đảng Cộng sản là đảng duy nhứt thống trị đất nước.

Ảnh lưu niệm TNS Boswell và nhà văn Hải Triều

Trong phần tâm tình, ông Hải Triều đã thuật lại khoảng thời gian 5 năm tù trong trại cải tạo cùng cuộc vượt biên đến đảo Pulau Bidong để sau đó được chấp thuận sang định cư ở Vancouver, Gia nả Đại. TNS Boswell đã ân cần hỏi thăm về dân số và đời sống của người Việt tỵ nạn ở tiểu bang này nói riêng và ở Canada nói chung.

TNS Boswell nhắc lại quyết định của chính phủ Malcolm Fraser đã mở cửa nước Úc đón người tỵ nạn Việt Nam vào cuối thập niên 1970’s, giúp quốc gia này có thêm một thành phần sắc tộc năng động và có nhiều đóng góp tốt đẹp cho xã hội Úc.

<< Gắn tặng huy hiệu với quốc kỳ Gia nã Dại – VNCH

Trao tặng sách “Blood & Tears on Truong Son Mountain’s Back” >>

Trước khi chấm dứt buổi tiếp xúc kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ, ông Hải Triều đã gắn tặng TNS Boswell một huy hiệu với quốc kỳ Gia Nã Đại – Việt Nam Cộng Hòa và trao tặng ấn bản Anh ngữ “Blood & Tears on Truong Son Mountain’s Back” (Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn”.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
02/11/2012

Posted in Chính Trị, Chính Trị nước Úc, Chính trị Việt Nam | Tagged: , , , , , | Leave a Comment »

* NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA – Once Upon A Time in Cabramatta

Posted by hungvietbrisbane on 01/01/2012


NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA
Once Upon A Time in Cabramatta

Hơn tuần nay, trên đài truyền hình sắc tộc SBS của Úc, khán giả thường xuyên được xem một đoạn phim ngắn (trailer) để quảng cáo cho bộ phim tài liệu (documentary series) tựa đề là ONCE UPON A TIME IN CABRAMATTA (tạm dịch là NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA), sắp trình chiếu trên đài này vào đầu năm nay.

Cổng chào ở Freedom Plaza, Cabramatta

Vậy là “thủ đô của người Việt tỵ nạn” ở Úc lại một lần nữa được đem ra trước ánh dèn sân khấu toàn quốc.

Khoảng 2,3 thập niên trước đây, Cabramatta đã được khoác cho một nhản hiệu không lấy gì làm đẹp đẻ là “Thủ đô của á phiện” ở Úc. Nhưng giờ đây, Cabra đã lột xác, với sự phong phú và đa dạng của một nền văn hóa đa chủng.

Bộ phim tài liệu này nhắm mục đích ghi dấu lại lịch sử nổi tiếng của chốn này, những giai đoạn tăm tối và những cố gắng của cư dân để biến nó thành một cộng đồng đa văn hóa mà chúng ta thấy hiện nay.

Once Upon A Time In Cabramatta (OUATIC) nghiên cứu sự chuyển đổi đặc sắc của khu ngoại ô này ở phía Tây Nam thành phố Sydney, và những dóng góp của nó vào sự thành công của xã hội đa văn hóa Úc.

Hình quảng bá cho bộ phim của SBS-TV

Từ website và Thông Cáo Truyền Thông của SBS:

Lần đầu tiên được chính những thành viên trong cộng đồng kể lại, bộ phim 3 kỳ này trình chiếu những cuộc phỏng vấn với một người trẻ đã vướng vào vòng băng đảng, các chính trị gia, nhân viên cảnh sát đã có liên quan đến những giờ phút quan trọng của Cabra, cùng những thường dân đã sống qua những thời kỳ đó – từ tội ác đền vũ lực, nỗi sợ hãi, nạn kỳ thị, dịch á phiện và cuộc ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử nước Úc, đến sự phản công khi cộng đồng di dân này tìm được tiếng nói của họ.

Bắt đầu với quyết định lịch sử của Thủ Tướng Malcolm Fraser để mở cửa cho người tỵ nạn khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, OUATIC cho chúng ta một cái nhìn độc đáo vào những năm đầu tiên. Hàng ngàn người Việt đã được tung ra sống trong cộng đồng trong khi chưa được chuẩn bị để đối phó với đời sống. Bộ phim này theo gót họ trong những năm u tối của thập niên 80’s và 90’s lúc mà những vụ án mạng, bắt cóc, lạm dụng ma túy và xả súng từ trên xe là chuyện xảy ra thường xuyên. Người Việt đã bị kết tội và lên án đã mang một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ đến chạm trán với thế giới của người da trắng.

Nhưng khi thế kỷ vừa qua bước vào những năm cuối cùng, đã có một sự xoay chiều đáng kể khi người dân Cabra nói “Đủ rồi!” và biến cộng đồng của họ thành một câu chuyện đa văn hóa thành công như ngày hôm nay.”

Một trong những nhà sản xuất bộ phim này, bà Sue Clothier nói rằng bà luôn luôn bị quyến rũ bởi Cabramatta và lịch sử của nó.

Bà Sue Clothier và anh Thắng Ngô, một người được phỏng vấn trong bộ phim OUATIC

Trước đây, tôi chỉ đã được nghe chút ít về Cabramatta và tôi rất muốn được tìm hiểu thêm về chốn này. Vì thế, bộ phim này cố gắng đúc kết 35 năm lịch sử vào thành 3 kỳ, từ góc nhìn của cộng dồng người Việt”.

TRÔNG ĐỢI.

Bộ phim sẽ được trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên Đán vào 3 Chủ Nhựt 8/1, 15/1 và 22/1/2012 (mùng 1 Tết Nhâm Thìn sẽ vào ngày thứ Hai 23/1)

Là người Việt tỵ nạn sinh sống ở Úc, chúng ta chính là “đề tài” (subjects) của bộ phim này. Tôi trông chờ đưọc xem bộ phim vừa nói để có thể biết được người Úc nghĩ gì về chúng ta, về cộng đồng của chúng ta.

Liệu hơn 35 năm đã trôi qua có thay đổi cái lăng kính mà họ dùng hay không ?

Liệu câu tuyên bố của Pauline Hanson “We will be swamped by Asians who live in their ghettos and do not integrate” còn có chút ảnh hưởng nào trong tiềm thức của người Úc bản xứ hay không ?

Liệu các chính trị gia có thực sự nhận thức được tầm quan trọng của các lá phiếu từ cử tri gốc Việt hay chưa, hay chỉ đối xử với chúng ta trên bề mặt như ổng Tổng Trưởng Ngân Khố John Howard đã từng nói với Thủ Tướng Malcolm Fraser cách đây 35 năm “We are doing this just for show, aren’t we?

Trái ngược với luận lý thông thường của người dân Úc bình thường là văn hóa Việt Nam chỉ vỏn vẹn nằm trong hai chữ “nước mắm” và “đôi đủa”, tôi hy vọng rằng, qua bộ phim này, chính nhà sản xuất Úc sẽ nhìn nhận rằng chúng ta đã cống hiến được những nét hay đẹp và đặc thù hơn của nền văn hóa Việt Nam vào đời sống của quốc gia này, như nền tảng của gia đình, sự cần cù và siêng năng, tôn trọng luật pháp, chú trọng vào học vấn v.v…

TẬP 1 – EPISODE 1.

Như đã được cho biết, bộ phim gồm đến 3 kỳ nên tôi dự đoán là buổi chiếu đầu tiên, vào tối Chủ Nhựt 8/1, sẽ nói về giai đoạn thành lập, tức thời kỳ u tối, của Cabramatta.

Tự biết rằng mình là người có tự ái dân tộc rất cao, tôi đang chuẩn bị tinh thần để dằn lòng nếu trong 60 phút đầu tiên này, bộ phim có đề cập đến những chuyện không tốt, hay trình chiếu những hình ảnh không được đẹp cho cộng đồng chúng ta ở giai đoạn phôi thai của Cabra.

Như chính lời giới thiệu trên website của SBS cho Episode #1:

Khi hàng ngàn người tỵ nạn đổ về Cabramatta, khu ngoại ô của Sydney, cộng đồng người Việt đầu tiên ở Úc ra đời. Nhưng chẳng bao lâu thì nhiều vấn đề hiện ra.

Cấu trúc gia đình rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Sự an toàn của đời sống không còn nữa, những người tỵ nạn trẻ tuổi đi tìm một sự ràng buộc qua các băng đảng. Một thế hệ lạc lỏng được sinh ra trên đường phố của Cabra.

Đơn giản là nước Úc chưa sẵn sàng để đối phó với sự tràn ngập người tỵ nạn như thế cùng những khó khăn họ mang đến. Và khi những sự rạn nứt bắt đầu xuất hiện trên đường phố, một sự phân tán về sự ủng hộ cho chính sách đa văn hóa cũng xảy ra trên bình diện chính trị cấp liên bang. Tương lai của Cabramatta và của cộng đồng người Việt ở Úc có vẻ bấp bênh.

Tôi tự nhủ sẽ theo dõi hết 3 chương trình và sau đó sẽ có bài nhận định chung cho cả bộ phim. Ước mong lúc đó cũng sẽ được đón nhận ý kiến của quý đồng hương ở Úc về tập tài liệu này.

[ Once Upon A Time In Cabramatta sẽ được chiếu SBS-1 vào 3 tối Chủ Nhựt 8/1, 15/1 và 22/, vào lúc 8giờ30 tối.
Đặc biệt, cùng lúc, chương trình này sẽ được chiếu trên SBS-2 với phụ đề Việt ngữ]

Xin mời click vào link dưới đây để xem đoạn phim quảng cáo của SBS:

HƯNG VIỆT (Brisbane)
1/1/2012

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , | Leave a Comment »