Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

* CÓ PHẢI GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾN BỘ HƠN ÚC, ANH, HOA KỲ ?

Posted by hungvietbrisbane on 28/12/2013


CÓ PHẢI GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾN BỘ HƠN ÚC, ANH, HOA KỲ ?

Tuần rồi, đọc được mẫu tin sau đây, thú thật kẻ hèn này không biết nên vui hay buồn. Và cũng không biết nên cười hay khóc.

Tin cho biết kết quả của các kỳ thi dành cho các học sinh 15 tuổi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development, thường viết tắt là OECD) cho thấy Úc là một trong 13 quốc gia đã ghi nhận một sự sa sút về trình độ học vấn trong 10 năm qua. Trong khi đó, 9 nước khác, đa số từ Á châu, đã thu hoạch những chỉ dấu tiến bộ.

Điều làm cho người viết ngỡ ngàng nhứt là bây giờ, Úc đứng sau cả Việt Nam (và Estonia lẫn Ba lan) về hai môn Toán và Khoa học.

Nên buồn cho nền giáo dục Úc thụt lùi quá xa? Hay nên vui cho sự tiến bộ vượt bực của các em học sinh ở Việt Nam? Hay cả hai ?

Aussie classroom 2

Trước khi đi đến một nhận định nghiêm túc về tình trạng học vấn của cả hai nơi, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem các kết quả nói trên đã được dựa theo những tiêu chuẩn nào? Mức độ trung thực đến đâu để có thể đánh giá ? Và quan trọng hơn, để so sánh thành quả giáo dục của nhiều nước khác nhau.

Chỉ số PISA (Program for International Student Assessment).

Đây là một loạt các bài thi được các nước trong tổ chức OECD đồng ý thực hiện để giám định trình độ của những học sinh 15 tuổi, chú trọng vào các kỹ năng đọc, toán và khoa học. Lứa tuổi 15 được chọn vì đó là lúc đa số học sinh sắp sửa chấm dứt khoảng đời cắp sách đến trường ở nhiều quốc gia.

PISA cũng chú trọng đến kiến thức tổng quát và khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, cứ 3 năm lại có một kỳ khảo thí như thế. Trong tuần qua, kết quả của các kỳ thi năm 2012 đã được công bố.
Kỳ thi này đã được tổ chức tại 65 quốc gia, trong đó có khoảng 14,500 học sinh của 800 trường công lập, Công giáo và tư thục ở Úc tham dự.

Kết quả của học sinh Úc.

Trong năm 2012, học sinh Úc được xếp:
– hạng 13 về môn Đọc, so với hạng 9 hồi năm 2009;
– hạng 19 về môn Toán, so với hạng 14 cách đây 3 năm; và
– hạng 17 về môn Khoa học, so với hạng 10 hồi năm 2009.

Phân tích một cách chi tiết hơn, người ta nhận thấy có vài điểm đáng ngạc nhiên:
– Về môn Toán, nữ sinh có kết quả thấp hơn nam sinh;
– Học sinh các trường Công giáo sa sút nhiều nhứt, so với các bạn ở các trường công lập và tư thục,

Nhìn chung, sự tụt hạng của học sinh Úc xảy ra mặc dù đã có sự chú trọng đặc biệt về giáo dục của chính phủ Lao động trong 6 năm qua với những số tiền hàng tỷ bạc được đầu tư vào lãnh vực này, nhứt là để đáp ứng với các nhu cầu của những học sinh bị thiệt thòi và để gia tăng phẩm chất ngành sư phạm.

Aussie classroom

Tháng 4 năm nay, Thủ tướng Úc lúc bấy giờ, bà Julia Gillard, đã đặt mục tiêu cho nước Úc là phải đứng trong 5 hạng đầu của cả ba môn nói trên.

Với kết quả của năm 2009 vừa được công bố như trên, học sinh Úc sẽ còn một khoảng đường dài để bắt kịp các nước khác.

Phản ứng của các giới.

Bà Sue Thomson, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu về Giáo dục của Úc, nói sự tụt hạng của nước Úc là một phần do các học sinh tiến bộ ở Trung quốc, Singapore, Nhựt bản, Nam Hàn và Đài Loan qua mặt, và một phần cũng do sự thụt lùi của học sinh Úc.

Bà Thomson nói báo cáo này đã biện minh cho kế hoạch Gonski, với chủ trương phân phối tài nguyên một cách đồng đều hơn, vì các kết quả của Úc chứng tỏ cho thấy bối cảnh gia đình là yếu tố chính yếu ảnh hưởng đến sự học vấn của con cái.

Tỉ dụ như riêng về môn Toán, trong số 1/4 học sinh thuộc gia đình giàu có nhứt, chỉ có 8% không đạt được số điểm tối thiểu. Trong khi đó, giữa 1/4 học sinh thuộc gia đình nghèo nhứt, có đến 1/3 tức 33% không đủ số điểm tối thiểu này.

Tổng trưởng Giáo dục Christopher Pyne nói rằng các kết quả PISA cho thấy “cuộc cách mạng giáo dục” của chính phủ Lao động và hàng tỷ đô la đổ vào các máy laptops cùng các hội trường được xây cất ở những trường học đã thất bại trong việc nâng cao kết quả của học sinh.

Ông Pyne nói báo cáo PISA đã chứng minh tính cách cực kỳ quan trọng của kỹ năng của các giáo chức, hơn là tùy thuộc vào trường mà con em theo học.

Christopher Pyne

Tổng trưởng Giáo dục Úc, ông Christopher Pyne

Chung tìm giải pháp.

Chỉ cần nghe hai nhận định tiêu biểu nói trên, phụ huynh học sinh cũng đủ thấy trước mặt sẽ là một cuộc tranh luận bất tận về hai đề tài “Ai đúng? Ai sai?” và “Trách nhiệm về ai?”, thay vì có một sự đồng lòng nhận thức về một tình trạng báo động cần tìm một giải pháp.

Một bên là những ngừơi chủ trương “có tiền là sẽ có tất cả” và vì thế, họ yêu cầu chinh phủ liên đảng hiện tại phải tiếp tục tài trợ ở mức độ bằng, hay cao hơn, từ trước đến nay.

Nghiệp đoàn giáo chức đã không chần chờ lên tiếng về ” khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các học sinh thuộc các giai tầng xã hội khác nhau là không thể chấp nhận được”. Điều này đã được cơ quan truyền thông ABC báo cáo là “các học sinh gia đình khá giả” đang đè bẹp ” các học sinh ở giai tầng xã hội thấp nhứt”.

Sự thật thì sao?

Thực ra, tình trạng xã hội- kinh tế chỉ ảnh hưởng không đến 12% sự khác biệt giữa điểm thi của học sinh ở Úc, thua xa chỉ số tương tự của các nước kỹ nghệ tiên tiến khác.

Ngoài ra, các chỉ dấu cũng cho thấy ảnh hưởng từ lợi tức của phụ huynh đối với tiền lương con cái kiếm được đã giảm đi hai phần ba từ năm 1965 đến năm 2009, trong khi ảnh hưởng từ chính khả năng của ngừơi học sinh đang gia tăng.

Điểm thứ hai mà những người khai thác thời cơ kêu gọi ầm ỉ là các trường công lập đang bị xử ép, gây thiệt hại cho những học sinh bị thiệt thòi.

Thât ra, tiền tài trợ mà các trường công lập nhận được từ tiền thuế của dân chúng bằng gấp đôi tiền tài trợ cho các trường Công giáo và tư thục. Nếu tính theo đầu người, học sinh công lập được trợ cấp 20% nhiều hơn học sinh các trường khác.

Một chi tiết cũng quan trọng thường bị lướt qua khi người ta so sánh số tiền trợ cấp cho các trường hoc. Đó là không phải tất cả phụ huynh của những học sinh các trường Công giáo hay tư thục đều là những người khá giả.

Nhiều gia đình trong số này có lợi tức trung bình, hay khá thấp, nhưng vì chú trọng vào vấn đề học vấn của con cái nên họ hy sinh, cần kiệm để cho con em theo học những trường có thành tích tốt, dù họ phải chi cho học phí khá cao. Các gia đình gốc Á châu là những thí dụ điển hình.

Sự hoài nghi không tránh khỏi.

Nói đến Á châu, ta hãy quay trở lại với kết quả vượt bực của học sinh những quốc gia này.

Trong khi các nước Singapore, Nhật bản, Nam Hàn củng cố thứ hạng của họ là điều không làm ai ngạc nhiên, sự thăng hạng của Trung cộng, và nhứt là của Việt Nam, cần phải được đánh dấu hỏi. Hãy thử xem bảng kết quả PISA 2012:

(1) Trung cộng – Thượng Hải: Toán 613, Đọc 570, Khoa học 580
(2) Singapore : Toán 573, Đọc 545, Khoa học 555
(3) Trung cộng – Hồng Kông : Toán 561, Đọc 542, Khoa học 551
(4) Đài Loan: : Toán 560, Đọc 538, Khoa học 547
(5) Nam Hàn : Toán 554, Đọc 536, Khoa học 545
(6) Trung cộng – Macau : Toán 538, Đọc 524, Khoa học 541
(7) Nhật bản : Toán 536, Đọc 523, Khoa học 5
…………
Hạng 17: Việt Nam : Toán 511, Đọc 508, Khoa học 528
..
Hạng 19: Úc : Toán 504, Đọc 512, Khoa học 521

Hạng 26 Anh : Toán 494, Đọc 499, Khoa học 514

Hạng 36 – Hoa Kỳ : Toán 481, Đọc 498, Khoa học 497

Ở đầu bảng, ta thấy 3 thành phố thuộc Trung cộng chiếm 6 hạng đầu, hơn cả Nhật bản. Nhưng đây cũng chính là yếu tố mà các nhà giáo dục dùng để giảỉ thích sự vượt trội của Trung cộng. Đó là kết quả của họ chỉ dựa vào thành phần học sinh ở những địa phưong có đời sống khá giả trong khi các nước khác được căn cứ vào tầt cả các học sinh thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Nếu muốn công bình, PISA phải nên dựa vào kết quả toàn quốc của mỗi quốc gia để so sánh.

Việt Nam đứng hạng 17, hơn cả Úc (19), Anh (26) và Hoa kỳ (36). Kết quả này khả tín đến mức độ nào ?

Nếu biết rằng cũng như Trung cộng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường tự đề cao “chế độ ưu việt” của họ và vì thế, thể diện trên trường quốc tế, dù ở bất kỳ kãnh vực nào cũng tối quan trọng.

Chúng ta được nghe đến những mẫu chuyện đại loại như trước các cuộc thanh tra lớp học, cô giáo đã dặn học trò là khi cô đặt câu hỏi, cả lớp đều phải dơ tay lên hết. Em nào biết câu trả lời thì dơ tay phải lên, em nào không biết thì dơ tay trái. Làm như thế, vị thanh tra sẽ rất thán phục về sức học của học sinh mà cô giáo cũng sẽ biết nên chọn em học sinh nào để đứng lên trả lời câu hỏi.

Với một đạo đức về giáo dục như vậy, trước kết quả PISA 2012 trên đây, người ta có quyền đặt các câu hỏi. Như các em dự thi có phải 15 tuổi hay không, hay thuộc một lớp cao hơn ? Như các bài thi có được tiết lộ trước hay không ? Như các vị giám thị phòng thi có nhắc các câu trả lời cho thí sinh hay không ?

Và còn những nghi vấn tương tự. Đó cũng chính là lý do mà tác giả không biết có nên cười vào sự ngây thơ của mấy ông bà giám khảo của tổ chức PISA hay không ?

HƯNG VIỆT (Brisbane)
09/12/2013

2 Responses to “* CÓ PHẢI GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾN BỘ HƠN ÚC, ANH, HOA KỲ ?”

  1. Kim Le said

    Thanks

    Bai Viet rat hay  

      Happy New Year  Chuc Ban Nam Moi An  Khang Thinh Vuong

Leave a comment