Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for July 18th, 2011

* TÚC CẦU NHẬT BẢN VÀ ĐÔI HIA BẢY DẶM

Posted by hungvietbrisbane on 18/07/2011


TÚC CẦU NHẬT BẢN VÀ ĐÔI HIA BẢY DẶM

Tôi biết sẽ có những ngưòi chê trách những dòng tôi viết sau đây là “Đợi xảy ra rồi mới nói thì hay ho gì !”. Nhưng sự thực là khi thủ quân của đội Nhật Bản giơ chân để đưa trái banh qua khỏi tầm tay của thủ môn Hoa Kỳ Hope Solo và gỡ hòa 2-2 với chừng 4 phút phù du còn lại trong giờ đấu thêm, tôi đã nghĩ “Nếu phải đá phạt đền thì Nhật Bản sẽ thắng !”.

Không phải là do chuyện thảy đồng tiền lên rồi hỏi mặt “Hình” hay mặt “Chữ” rồi tùy theo đó mà chọn. Cũng không phải là chuyện có cảm tình riêng với đội nào. Mà hoàn toàn dựa theo những sự suy xét sau đây.

Thứ nhứt, đội Hoa Kỳ sáng hôm nay, để quên các “máy làm bàn” ở nhà. Trong suốt 120 phút thi đấu, các cô cầu thủ áo trắng đã có không biết bao nhiêu cơ hội để làm bàn, nhưng chỉ tung lưới đối phương được có 2 lần. Tôi ước đoán, gặp ngày “vô cơ”, Hoa Kỳ đã có thể cho thủ môn Nhật Bản vào lưới lượm banh ít nhất thêm 4 lần nữa.

Thứ hai, khi việc đá phạt đền bắt đầu, tinh thần của các cầu thủ Nhật bản đang lên như diều gặp gió. Họ đã phải 2 lần quân bình tỷ số trong 2 hiệp chính thức và 2 hiệp phụ trội nên chắc chắn họ sẽ quyết tâm không để công lao khó nhọc đó trôi theo mây khói.

Nhật Bản và chiếc cúp Vô Địch Túc Cầu Thế Giới Nữ 2011

TẤN CÔNG DỒN DẬP NHƯNG ….

Với sự chủ tọa của bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel, cùng sự hiện diện của Dr. Jill Biden – phu nhân Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden – và cô Chelsea Clinton – ái nữ của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary và cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton, và gần 50,000 khán giả, đôi Hoa Kỳ đã mở màn trận đấu hết sức tự tin, nhứt là với tả biên Megan Rapinhoe và trung phong Lauren Cheney.

Phút 28, Abby Wambach – tay làm bàn kiến hiệu nhửt của đội Hoa Kỳ – tung một cú đá sấm sét nhưng banh trúng sà ngang.

Hiệp đầu chấm dứt bất phân thắng bại, nhưng Lauren Cheney bị chấn thương ở mắt cá phải ra sân và được thay thế bởi Alex Morgan.

Và ở phút 69, chính cô Morgan đã thoát theo một đường banh dài do Rapinhoe phóng đi và mở tỷ số đầu tiên.

Chẳng may, đến phút 81, do sự lúng túng trong lúc giải vây một đợt tấn công của đối phương, một hậu vệ Hoa Kỳ đá banh trúng chân của một bàn đồng đội. Quả bóng rơi đến ngay chân tả biên Nhật Miyama và cô này đã không bỏ lỡ cơ hội, san bằng tỷ số.

NHỮNG TƯỞNG CHIẾN THẮNG ĐÃ Ở TRONG TAY …

Tỷ số 1-1 vẫn giữ nguyên khi 2 hiệp đấu chính thức dài 90 phút kết thúc.

Trong hiệp đầu của giờ đá thêm, đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tấn công dù cường độ đã có phần sút giảm. Nhật bản đã bắt đầu có những hồi phản công nguy hiểm nhưng đều bì hàng phòng vệ Hoa Kỳ – với vóc dáng to lớn hơn – đẩy lui.

Đến phút 104, từ một quả phạt góc, cầu thủ số 20 của Abby Wambach đã dùng ngón sở trường của cô là cú đội đầu để nâng tỷ số lên 2-1 cho USA.

Tưởng đâu đây sẽ là kết quả chung cuộc. Nhưng đội Nhật Bản quả không hổ danh là con cháu Thái Dương Thần Nữ, nhất quyết không bỏ cuộc. Và cố gắng đó đã được đền bù vào phút 117 (tức chỉ còn 3 phút là mãn trận đấu) khi cũng từ một quả phạt góc, thủ quân Homare Sawa đưa chân lên ở cận khung thành và sửa đường banh làm tréo giò Hope Solo, gở hòa 2-2.

ĐÁ PHẠT ĐỀN, AI BÌNH TĨNH HƠN THÌ THẮNG.

Trái với lần đá phạt đền và hạ đội Ba Tây 5-3 trong trận Tứ Kết, sáng hôm nay, các cầu thủ Hoa Kỳ dường như bối rối khi bước đến điểm đặt quả bóng.

Thủ môn Nhật Bản Ayumi Kaihori không phải là một người to lớn nhưng hình như tài năng của cô đã khiến địch thủ phải gườm sợ.

Cả 3 cầu thủ Hoa Kỳ đá phạt đền đầu tiên đều thất bại: hai người đã bị Kaihori đoán trúng và đở được đường banh trong khi người thứ ba thì sút bổng lên trời.

Trong khi đó, các cầu thủ Nhật Bản bình tĩnh hơn và 2 trong 3 người đầu đều thắng bàn.

Tỷ số sau 3 lươt đá phạt đền là 2-0 nghiêng về cho Nhật bản.

Sau khi Wambach ghi điểm phạt đền đầu tiên cho Hoa Kỳ, hậu vệ Saki Kumagai biết nếu cô đá lọt lưới thì Nhật bản kể như chiến thắng vì tỷ số sẽ là 3-1 và Hoa Kỳ chỉ còn lại 1 quả phạt đền duy nhứt mà thôi.

Kumagai tiến đến điểm đá phạt đền, hít một hơi dài trong khi cả cầu trường nín thở. Và khi cô đã bình tĩnh đưa banh qua khỏi tầm tay của Hope Solo, toàn thể đội Nhật Bản, từ những cầu thủ chính thức còn ở trong sân, đến những cầu thủ phòng hờ và các huấn luyện viên, nhà dìu dắt ở ngoài sân chạy túa lại, ôm chầm lấy cô, ôm chầm lấy thủ môn Kaihoiri và ôm chầm lấy nhau trong tiếng hò reo tở mở của khán giả và ủng hộ viên.

Thủ môn Kaihori và hậu vệ Kumagai, người đá lọt quả phạt đền quyết định

Tôi nghĩ lúc đó, ở Nhật Bản, chắc cả hàng chục triệu người cũng đã ôm nhau hét hò, mừng rỡ như thế.

LIỀU THUỐC BỔ QUÝ GIÁ CHO NHẬT BẢN.

*** Đội bóng phụ nữ Nhật Bản 2011 đã đi vào lịch sử túc cầu thế giới khi trở thành đội tuyển quốc gia Á Châu đầu tiên – nam cũng như nữ – đoạt giải World Cup về túc cầu.

Điều này mang đến sự tự tin cho các nước châu Á và châu Phi, rằng họ có thể tranh tài với bất cứ một cường quốc túc cầu nào khác từ châu Âu hay Nam Mỹ.

Japanese Women’s Soccer Team: World Champions 2011

*** Yếu tố tâm lý thứ hai ảnh hưởng riêng đối với dân tộc Nhật Bản. Sau khi quốc gia này bị chấn động và tàn phá bởi cơn sóng thần hồi đầu năm nay, chiến thắng vẽ vang này của hội tuyển túc cầu nữ giới của họ là một liều thuốc hồi sinh cần thiết, và như lời của cô thủ môn Kaihori cho biết sau trận đấu:

Tôi cảm thấy chúng tôi đã tặng cho dân chúng Nhật Bản một sự khuyến khích và một niềm vui. Điều đó lúc nào cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi”.

Cô Kaihori đã khiêm nhượng khi không thêm hai chữ “hãnh diện” mà tôi nghĩ dân chúng Nhật Bản đã và sẽ mãi mãi dành cho các cô.

Mà hãnh diện là phải khi chúng ta ôn lại thành tích của đội cầu này: đá bại đương kim Vô địch Đức quốc, chiến thắng oanh liệt trước đội Thụy Điển hùng hậu và sau cùng là quật ngã Hoa Kỳ, quốc gia đã từng chiếm giải này vào năm 1991 và 1999.

ĐÔI HIA BẢY DẶM.

Trông người rồi nghĩ đến ta ! Cứ mỗi lần nhìn thấy một sự thành công, một chiến thắng nào đó của đội túc cầu Nhật Bản, tôi lại chạnh nhớ đến khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 60’s, có một lần, đội banh Nhật Bản sang thi đấu ở Sàigòn và bị hội tuyển quốc gia VNCH đè bẹp ! Nhà dìu dắt của đội Nhật Bản đã trao tặng ông Chủ Tịch Tổng Cuộc Túc Cầu VN thời bấy giờ (hình như là ông Võ văn Ứng) một đôi giày đá banh nhỏ xíu và nói “Hiện giờ nền túc cầu chúng tôi chỉ mới tập tểnh mang chiếc giày này thôi. Hy vọng trong tương lai sẽ đuổi kịp các nước khác”.

Và quả thật, trong mấy chục năm qua, họ đã mang đôi hia bảy dặm, tiến bộ vượt bực, tham dự hết kỳ World Cup này đến kỳ World Cup khác.

Trong khi đó, với sự thiếu khả năng dìu dắt, cộng thêm với đầu óc tham nhũng, bán độ, cá cuội v.v…, giới lãnh đạo túc cầu VN đang đưa làng bóng quốc gia đến đầu một con đường dốc mà chiếc xe dường như đã đứt phanh !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
18/7/2011

Posted in Bài vở 4EB | Tagged: , , , , , , , , , , | Leave a Comment »