Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

* MỘT NIỀM VUI BẤT CHỢT !

Posted by hungvietbrisbane on 26/10/2012

MỘT NIỀM VUI BẤT CHỢT !

Có một văn sĩ đã triết lý vụn đâu dó rằng “Hạnh phúc lớn nhất trong đời thường là những niềm vui nhỏ nhất, nhưng đến với chúng ta một cách thật bất chợt nhất”.

Nếu đúng như thế thì tối hôm qua, tôi đã được hưởng một niềm hạnh phúc to tát khi đi tham dự buổi khánh thành Trung tâm Đa Văn Hóa Queensland, Queensland Multicultural Centre QMC.

Tôi phải thú thật là trước khi rời nhà, tôi cũng không cảm thấy hứng thú chi cho lắm. Theo kinh nghiệm, với những buổi sinh hoạt như thế, ta đến để chỉ thường được nghe các quan lớn đọc những bài diễn văn thật buồn ngủ, ca tụng lẫn nhau, sau khi được mời một ly rươu vang hay một chai bia cùng vài miếng bánh ngọt.

Nhưng Thư Mời của văn phòng ông Bộ Trưởng Bộ Công Chánh – vì một lý do nào đó – đến với Ban Quản trị đài 4EB chúng tôi hơi trễ nên các thành viên khác – kể cả anh bạn Chủ Tịch – đều đã có hẹn, không ai đi được.

Thế là kẻ hèn phải “điền vào chỗ trống …” nhưng ráng tự an ủi lòng mình là cũng nên đến để xem cho biết trụ sở mới toanh này có những gì hay lạ.

Trung Tâm Đa Văn Hóa Qld, 102 Main St, Kangaroo Point, Brisbane

QMC là công trình hợp tác giữa cơ quan địa ốc Australand và Bộ Gia Cư và Công Chánh của tiểu bang Qld, tọa lạc sát bên cạnh bản đài 4EB và ngay cửa ra vào của Trung Tâm Di Dân Yungaba trước đây. Tòa nhà có thính đường (auditorium) ở tầng trệt có thể chứa đến 300 người, một phòng hội nghị (conference room) ở tầng 2 với khả năng tương tự, cùng văn phòng của cơ quan điều hành BEMAC ở tầng trên cùng.

Tác giả cùng hai thành viên khác của Ban Quản trị đài 4EB

Mở cánh cửa kiếng để bước vào bên trong, người ta thấy ngay một quầy tiếp tân, tối nay được dùng để tiếp đãi rượu bánh nhưng trong tương lai sẽ có các nhân viên giúp đỡ những người đến thăm viếng.

Trong góc bên trái, bộ ba Ijimp đang trình bày các bản nhạc Nhật Bản và Ấn Độ để giúp vui trong khi quan khách hàn huyên, trò chuyện với nhau.

Ban nhạc Ijimp

6 giờ 45: tiếng trống bập bùng nổi lên và từ một phòng bên trong, ba tay trống gồm 2 nam 1 nữ cùng 3 thiếu nữ Rwanda họp thành đoàn văn nghệ Imanzi bước ra để chào mừng quan khách. Nhìn những nét ẻo lã, yểu điệu của các vũ công, cùng nét mặt vui tươi của toàn ban,người viết bài – và có lẽ đa số trong cử tọa – mừng (hay hy vọng) rằng họ đã tạm quên đi 100 ngày hãi hùng của năm 1994 khi khoảng 800,000 đồng bào của họ đã bị tàn sát trong một cuộc diệt chủng bi thảm.

Ban vũ nhạc Imanzi của Rwanda

Bước chân vào bên trong thính đường, cảm nghĩ đầu tiên đây là một công trình kiến trúc phối hợp óc sáng tạo và kinh nghiệm thực dụng. Hệ thống âm thanh và ánh sáng tốt nhưng không có gì là tuyệt diệu. 15 hàng ghế, mỗi hàng khoảng 20 chỗ ngồi, đi từ thấp lên cao, cũng không có gì là đặc biệt, ngoại trừ ngồi ở hàng ghế sau cùng cũng không xa sân khấu đàng trước là bao xa.

Điểm hay của thính đường này là 15 hàng ghế đó đều có thể được đẩy lùi về đàng sau để người ta có thể sử dụng cả nguyên diện tích của căn phòng, nếu cần, chẳng hạn như cho những buổi tâm tình quây tròn hay các lớp học vũ.

Sau lời chào mừng chính thức của bà Jo Pratt, Giám Đốc BEMAC, ban vũ thổ dân Nunukui Yuggera Dancers trình diễn màn múa thuần túy bản xứ để nghênh đón mọi người.

Nunukui Yuggera Dancers của người thổ dân

Tiếp theo là các bài diễn văn của bà Dilshani Weerasinghe (Chủ tịch BEMAC), ông Richard Fulcher (Tổng Giám Đốc công ty Australand) và ông Glen Elmes, Bộ Trưởng bộ Thổ Dân, đảo Torres Strait và Đa Văn Hóa Sự vụ, phụ tá Thủ Hiến Campbell Newman.

Cũng cần ghi nhận thêm sự diện diện của ông Rob Cavalucci, phụ tá Bộ Trưởng Đa Văn hóa Sự vụ của tiểu bang Qld, à ông Garry Page, Tổng Giám Đốc Sở Đa Văn Hóa Qld.

Nhưng sau đó, sự chú ý của người tham dự lại đã được xoay ngay về ba màn phụ diễn tiếp theo.

Đầu tiên là ban Sufi Art Group, gồm 4 người với các nhạc cụ mà người viết chưa từng thấy bao giờ. Với những cái tên cũng xa lạ như daf, Shah Kanan, chúng được dùng để trình bày âm nhạc của các nước Trung Đông. Phục nhất là 5 ngón tay mặt của anh nhạc công thoăn thoắt trên cái mâm daf.

Đáng tiếc là các tấm hình chúng tôi chụp ban nhạc Sufi Art này không được thành công để có thể trình bày cùng bạn đọc.

Sau đó là ban nhạc Papituy (có nghịa là “dear friend, bạn thân”) với hai nhạc công, một chơi guitar, một với các loại khẩu cầm khác nhau của miền sơn cước xứ Peru, Nam Mỹ. Tiếng nhạc lúc thì trầm buồn, lúc như thôi thúc, đã là một sự quyến hợp có sức làm mê mẫn nhỉ quan người thưởng ngoạn một cách lạ kỳ.

Nó nhắc tôi nhớ đến các buổi trình diễn của anh bạn người Tây Tạng nhưng không có sự hàm chứa một tâm tư u uẩn của một người tha hương vì quốc phá gia vong.

Ban song tấu Papituy của Peru

Và cuối cùng là ban nhạc gypsy có tên là Greshka, gồm 1 flute, một saxophone, một clarinet, một viola và một tay trống. Họ trình bày các bãn nhạc của người lưu dân nhu Yiddish, Nga sô, dân bán đảo Balkan cộng thêm chút nhạc thời đại. Tôi như bị lôi cuốn vào sự hứng khởi của tay trống Andre, linh hồn của ban nhạc này, nên cứ xoay qua nói nhỏ với người bạn đi cùng “Woa, it is beautiful !”.

Ban nhạc gypsy Greshka

Tôi trở về đài 4EB để lấy xe ra về. Trong bầu không khí trong lành và ấm áp của một ngày cuối Xuân, tôi cảm thấy mình quá may mắn. Được sống trong một xã hội chẳng những quá đổi yên bình mà còn là một sự hòa trộn binh đẳng, tôn trọng lẫn nhau của hơn 120 sắc tộc ở tiểu bang này. Được học hỏi thêm từ rất nhiều các nền văn hóa khác. Chỉ cần một chút cố gắng tối thiểu để bước ra ngoài và hòa nhập với dòng sống chung quanh ta.

Niềm vui sẽ nằm ở những nơi đó ! Không tìm cũng sẽ tới ! Ở những nơi bất ngờ nhất ! Và vào những giây phút bất chợt nhất !

HƯNG VIỆT
(Brisbane, thứ Sáu 26/10/2012)

Leave a comment