Hung Viet Brisbane's Blog

Trang blog của Hưng Việt (Brisbane)

Archive for January, 2012

* QUỐC KHÁNH ÚC 26/01/2012 : MỘT NGÀY ĐÁNG XẤU HỔ !

Posted by hungvietbrisbane on 29/01/2012


QUỐC KHÁNH ÚC 26/01/2012 :
MỘT NGÀY ĐÁNG XẤU HỔ !

Có thể tôi là người có đầu óc hoài nghi. Cũng có thể do linh tính từ nhiều năm quan sát sinh hoạt chính trường ở Úc cho biết. Nhưng vì lý do gì đi nữa, hôm thứ Năm 26/1/2012 vừa qua, theo dõi tin tức về “biến cố” xảy ra ở thủ đô Canberra, tôi thấy có điều gì không ổn trong đó.

Bà Thủ Tướng Julia Gillard nép mình vào một nhân viên an ninh để được che chở từ đám đông Thổ dân biểu tình ngày Quốc Khánh Úc 2012 ở Canberra

Ngay tối cùng ngày, tôi đã nói với một người bạn Úc rằng :

Ông tin tôi đi, câu chuyện chưa chấm dứt ở đây đâu. Sẽ còn nhiều màn tố giác, phản tố giác, đính chính, biện hộ v.v…”

Và thật vậy, từ một cuộc biểu tình phản đối của người Thổ dân, đến nay, câu chuyện đang có tiềm năng trở thành một xì-căng-đan chính trị mới nữa ở Úc.

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA ?

Có 2 phần: thứ nhứt là trên bề mặt và thứ hai, là ở bên trong hậu trường.

Phần mặt nổi, mọi người đã được chứng kiến trên màn ảnh truyền hình. Không phải chỉ ở Úc mà còn đã được phát tuyến trên nhiều nước khác trên thế giới.

Một số đông Thổ dân – được ước tính cở khoảng 100 người – đã kéo đến trước nhà hàng The Lobby tại Canberra để biểu tinh phản đối ông Tony Abbott, lãnh tụ liên đảng đối lập. Lúc đó, ông Abbott đang cùng với bà Thủ Tướng Julia Gillard chủ tọa một buổi lễ ghi nhận thành tích của những người có công trong các công tác cứu cấp những nạn nhân thiên tai như cháy rừng ở Victoria, lụt lội và bão tố ở Queensland trong hai năm qua.

Họ biểu tình vì được cho biết rằng buổi sáng cùng ngày, ông Abbott đã tuyên bố rằng “Lều Đại Sứ” của những người thổ dân cần phải được dẹp đi.

Trong một phần sau, chúng tôi sẽ thuật lại những lời ông Tony Abbott đã thực sự tuyên bố. Nhưng trước hết, để giúp quý bạn đọc và thính giả không được rõ, chúng tôi xin mạn phép giải thích vắn tắt …

“LỀU ĐẠI SỨ” – hay THE TENT EMBASSY – LÀ GÌ ?

Cách đây đúng 40 năm, ngày 27/1/1972, bốn người Thổ dân (Michael Anderson, Billy Craigie, Tony Coorey và Bertie Williams) đã từ Sydney đến Canberra và cắm 1 cây dù tắm biển (beach umbrella) trước thềm Quốc Hội Úc (nay đã trở thành tòa nhà Quốc Hội cũ vì Quốc Hội đã dời sang địa điểm mới).

Họ tuyên bố thành lập một tòa Đại sứ của người Thổ dân để đáp lại sự từ chối không công nhận chủ quyền đất đai của họ từ chính phủ McMahon.

Thủ Tướng McMahon chỉ đồng ý cho người Thổ Dân thuê đất cộng thêm với điều kiện là họ “phải có ý định và khả năng sử dụng đất đai đó một cách thích nghi về mặt kinh tế và xã hội”. Ngoài ra, họ cũng không được quyền khai thác khoáng sản và lâm sản.

Ngay sau đó, chiếc dù tắm biển đã được thay thế bằng nhiều mái lều với người Thổ dân cũng như không thổ dân đến từ khắp nơi trên nước Úc để tham gia cuộc phản đối.

Và trong 40 năm qua, những căn lều đó vẫn hiện hữu trước thềm tòa nhà Quốc Hội cũ như một biểu tượng cho sự đòi hỏi chủ quyền về đất đai của người thổ dân.

“BIẾN CỐ” NGÀY QUỐC KHÁNH 2012.

Sáng 26/1/2012, bà Barbara Shaw, một lãnh tụ thổ dân ở The Tent Embassy, đã được một người cho biết là :

(1) ông Tony Abbott đã tuyên bố với giới truyền thông là “Lều Đại sứ nên được dẹp bỏ”,
(2) địa điểm mà ông Abbott có mặt vào lúc bấy giờ ở Canberra.

Bà Shaw liền huy động đám đông đang hiện diện ở Tent Embassy (để kỷ niệm 40 năm thành lập “tòa đại sứ” này) và kéo đến nhà hàng The Lobby ở cách đó chỉ 200 mét. Họ hò hét và đập vào cửa kính với thái độ đe dọa khiến các nhân viên an ninh đâm ra lo ngại cho sự an toàn của bà Gillard và ông Abbott. Vì thế, họ đề nghị hai người này nên rời địa điểm.

Và cũng chính vì cách thức hai yếu nhân này – nhứt là bà Thủ Tướng Gillard – được “cứu nguy” mà dư luận đã bị chấn động.

Bà Thủ Tướng Gillard được lôi ra xe để tránh đám đông biểu tình

Hình ảnh bà Gillard phải nép vào mình một nhân viên an ninh như một em bé gái và được kéo đi ra xe hơi của bà đến nỗi mất cả một chiếc giày đã khiến cho dân chúng Úc rất phẩn nộ và đã tạo một ấn tượng không lấy gì làm đẹp đẻ về nước Úc đối với những người được xem bản tin này ở các nước khác.

Người viết bài xin khẳng định là không đồng ý với hình thức bạo động đầy tính cách hăm dọa của cuộc biểu tình ngày hôm đó. Nhưng ngay lập tức, trong đầu đã có những câu hỏi được đặt ra.

Thứ nhứt, ông Tony Abbott đã thực sự tuyên bố ra sao ?

Thứ hai, làm sao những người thổ dân được biết nơi ông Abbott đang hiện diện để kéo đến biểu tình ?

Thứ ba, tại sao các nhân viên an ninh và công lực không làm được một hàng rào để bà Gillard có thể bước ra xe một cách đàng hoàng (dignified) như một bà Thủ Tướng thay vì bị kéo đi như một con búp bê ?

Đến nay, câu hỏi thứ ba đã được giới hữu trách tạm thời giải thích là bởi sự việc xảy ra quá đột ngột nên số nhân viên an ninh không đủ so với số người biểu tình đang có thái độ đằng đằng sát khí .
Trở lại hai câu hỏi đầu.

ÔNG TONY ABBOTT ĐÃ NÓI GÌ ?

Ngay hôm thứ Năm, khi câu chuyện được loan báo, tôi đã đọc rất kỹ và theo dõi trên tin tức trên TV về những lời ông Abbott nói về the Tent Embassy. Thực sự tôi không thấy đoạn nào ông lãnh tụ đối lập đề nghị dẹp bỏ “Lều Đại sứ”.

Ông Tony Abbott, lãnh tụ đối lập Liên Bang ở Úc

Nhưng tôi vẫn còn e dè là có thể, các websites của báo chí hay TV news có thể đã cắt bỏ đọan quan trọng nhứt hay chăng ? Nhưng sau đó, tôi đã thu thập được nguyên văn của lời ông Abbott phát biểu như sau:

” …LOOK, I can understand why the tent embassy was established all those years ago. I think a lot has changed for the better since then. We had the historic apology just a few years ago, one of the genuine achievements of Kevin Rudd as prime minister. We had the proposal which is currently for national consideration to recognise indigenous people in the constitution. I think the indigenous people of Australia can be very proud of the respect in which they are held by every Australian and yes, I think a lot has changed since then and I think it probably is time to move on from that.…”

Chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau:

“ …..Tôi có thể hiểu được tại sao lều đại sứ được thành lập cách đây mấy chục năm. Tôi nghĩ rằng từ đó đến nay, đã có nhiều sự thay đổi cho được tốt đẹp hơn. Chúng ta đã có lời xin lỗi lịch sử cách đây vài năm, một trong những thành quả thiết thực của Kevin Rudd trong vai trò Thủ Tướng. Chúng ta đang có một đề nghị hiện đang được toàn quốc cứu xét để công nhận người thổ dân trong bản hiến pháp. Tôi nghĩ người thổ dân ở nước Úc có thể hãnh diện về sự tôn trọng mà người dân Úc dành cho họ và đúng, tôi nghĩ đã có nhiểu thay đổi và tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc chúng ta bước tới

Đó, nguyên văn là như thế và chúng tôi đã cố gắng giữ đúng tinh thần của lời tuyên bố trong việc chuyển ngữ.

Và tôi tin rằng nếu những người thổ dân trong the tent embassy – nhứt là bà Barbara Shaw – đã được cho biết nguyên văn lời tuyên bố của ông Abbott như trên, chắc chắn sự căm phẫn đã không nổi lên và cuộc biểu tình cùng những hình ảnh đáng tiếc trong ngày Quốc Khánh Úc vừa qua ở Canberra đã không xảy ra.

Thế nhưng, đã có một sự xuyên tạc đến từ một nhân viên thân cận của bà Thủ Tướng Gillard.để khích động đám đông

ĐỖ LỖI CHO NHAU.

(*) Sang đến chiều ngày hôm sau, thứ Sáu 27/1/2012, văn phòng bà Gillard đã ra một Thông cáo cho biết ông Tony Hodges – tùy viên báo chí trực thuộc văn phòng Phủ Thủ Tướng – đã đệ đơn từ chức vì “.. đã chuyễn lời tuyên bố của ông Abbott cùng địa điểm hiện diện của ông ta đến một người khác, rồi sau đó người này chuyển các tin tức đó đến các người thổ dân...“

Ông Tony Hodges, cựu tùy viên báo chí của Thủ Tướng Úc Julia Gillard

(*) Tuy nhìn nhận rằng ông Hodges có đề nghị những người Thổ dân đến nhà hàng The Lobby để đáp lại lời tuyên bố của ông ta nhưng bà Gillard nhấn mạnh rằng ông Hodges không bao giờ sửa lại lời của ông Abbott để nói rằng Lều Đại sứ cần được dẹp đi.

(*) Dỉ nhiên, ông Abbott và phe đối lập rất tức giận khi nghe được tin này. Họ yêu cầu bà Gillard phải nói rõ thêm là ông Hodges đã cho ai biết ? Và ông Hodges đã thực sự nói gì ? Tại sao ông Hodges lại cho biết như vậy ? Và ai đã chỉ thị ông ta làm chuyện đó ?

(*) Bà Gillard trả lời trong một cuộc họp báo rằng người mà ông Hodges đã báo tin là bà Kim Sattler, Tổng thư ký của Tổng Liên Đoàn ở Canberra (Unions ACT), và sau đó bà Sattler đã chuyển đến nhóm thổ dân những lời tai hại mà ông cựu tùy viên báo chí Tony Hodges đã không bao giờ nói.

Bà Kim Sattler, Tổng Thư Ký Các Nghiệo Đoàn ở ACT, cùng với Thủ Tướng Julia Gillard

(*) Nhưng đó là những lời bà Thủ Tướng Gillard nói. Đến sáng hôm nay, Chủ nhựt 29/1/2012, tin tức cho biết bà Kim Sattler đã tuyên bố rằng câu chuyện mà bà Thủ Tướng Gillard đã nói lại “ ..không chính xác ...“ vì “ … tôi chỉ lập lại đúng y như những lời mà ông Tony Hodges đã nói với tôi …“.

Và bà Kim Sattler than phiền rằng “Tôi là một người chuyễn tin đã bị xử bắn (the messenger who is being shot)“ đến nổi hiện nay bà phải lánh mặt ở Canberra.

Một lần nữa, câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy chính trị là một trò chơi rất dơ bẫn. Những đòn ngầm, những trò “Gắp Lữa Bỏ Tay Người“, “ Di họa Giang Đông „ …xảy ra như cơm bửa. Và xin nói rõ là xảy ra từ mọi bên chứ không bên nào thánh thiện hơn phe nào cả.

Vậy thì đâu có chi phải thắc mắc tại sao lòng tin của dân chúng đối với các chính trị gia ngày càng suy giảm !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
29/01/2012

Posted in Chính Trị, Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

* SỔ TAY BẦU CỬ QLD – BÀI 1: NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI QLD ĐÃ ĐƯỢC ẤN ĐỊNH

Posted by hungvietbrisbane on 25/01/2012


SỔ TAY BẦU CỬ QLD – BÀI 1:
NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI QLD ĐÃ ĐƯỢC ẤN ĐỊNH

Như vậy là bao nhiêu hồi hộp, đợi chờ, phỏng đoán v.v… đã chấm dứt. !

Sáng nay, thứ Tư 25/1/2012, bà Anna Bligh, Thủ Hiến tiểu bang Queensland đã tuyên bố là cuộc bẩu cử Quốc Hội sắp tới của tiểu bang này sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy 24/3/2012.

Bà Anna Bligh, Thủ Hiến tiểu bang Qld, họp báo tuyên bố ngày bầu cử 24/3/2012

Người ta còn nhớ, đảng Lao Động đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lần trước vào ngày 21/3/2009. Theo luật bẩu cử Quốc hội Qld, mỗi nhiệm kỳ là 3 năm và phải bầu cử lại chậm nhứt là 3 tháng khi nhiệm kỳ 3 năm đó đáo hạn (Không kể trong trường hợp đặc biệt khi chính phủ có thể giải tán Quốc hội vào bất cứ lúc nào để bầu cử lại).

Do đó, tuy đúng lý thuyết thì bà Bligh có thể tiếp tục cầm quyền đến tháng 6 năm nay nhưng ai cũng biết bà không muốn làm vậy vì sẽ bị phe đối lập cho là “tham quyền cố vị”.

Nhưng gọi một cuộc bầu cử vào cuối tháng 3 thì lại trùng với các cuộc bầu cử của những Hội Đồng Thành Phố, quận hạt địa phương (local council elections), đã dự trù sẽ diễn ra vào ngày 31/3/2012.

DỰ ĐOÁN 1.

Thành thử, trong những tuần qua, giới quan sát chính trường dự đoán là bà Bligh sẽ gọi một cuộc bầu cử vào ngày 18/2 hay 25/2 để thứ nhứt, Ủy Hội bầu Cử Qld có đủ thì giờ tổ chức hai cuộc bầu cử cách biệt nhau và thứ hai, cử tri không bị dồn dập với tin tức, truyền đơn bẩu cử rồi đâm ra lẫn lộn.

Thế nhưng tuần rồi, bà Bligh đã tuyên bố là bà không muốn có một cuộc bầu cử Quốc Hội tiểu bang trước khi Ủy Ban Điều Tra Về Nạn Lụt năm 2011 ở Queensland đệ trình bản báo cáo mà họ đã thực hiện sau nhiểu buổi điều trần ở kháp nơi trong tiểu bang trong 12 tháng qua.

DỰ ĐOÁN 2.

Ngày đã được dự trù cho việc nộp bản báo cáo đó là thứ Sáu 24/2/2012. Như vậy, ai cũng nghĩ sớm nhất thì ngày bầu cử cũng phải là thứ Bảy 25/2/2012 nhưng có lẽ sẽ sau đó 1 hay 2 tuần (3/3 hay 10/3) để cử tri có thể có đủ thì giờ để nghiên cứu (hay theo dõi những lời bình luận) về bản phúc trình đó. Hai ngày nói trên cũng không quá cận kề ngày bầu cử các Hội Đồng Thành Phố địa phương 31/3 như đã nói ở trên.

THẾ NHƯNG …

Đùng một cái, thứ Hai đầu tuần này 23/1/2012, nhật báo toàn quốc The Australian tung ra một loạt bài tiết lộ sự tắc trách của một số viên chức cao cấp của Sở Thủy Cục SEQWater về việc xả nước từ các đập chung quanh Brisbane hồi tháng Giêng năm ngoái.

Theo chỗ chúng tôi hiểu, theo cẩm nang điều hành các đập nước của SEQ Water, có ba mức độ để xả nước các đập khi nước dâng cao, từ W1 (chậm và ít nhứt) đến W3 (nhanh và nhiều nhứt).

Khi điều trần trước Ủy Ban Điều Tra Về Nạn Lụt ở Queensland, họ khai rằng đã bắt đầu xả nước theo tốc độ cao nhứt (W3) từ thứ Bảy 8/1/2010 nhưng theo báo The Australian, cuối tuần 8 và 9/1/2010, nước vẫn chỉ được xả theo tốc độ W1. Chỉ mãi đến ngày 11/1, tốc độ W3 mới được dùng đến.

Với tiết lộ nói trên từ ký giả Hedley Thomas, một ngòi bút đã từng đoạt giải Báo Chí toàn quốc cao quý Walkley Award hai lần và rất được nể trọng, bà Chánh án Cate Holmes, người cầm đầu cuộc điều tra về nạn lụt năm 2011 ở Qld không còn sự lựa chọn nào khác hơn là yêu cầu bà Thủ Hiến Anna Bligh cho gia hạn thời điểm nộp bản báo cáo và dự trù sẽ có các phiên điều trần mới từ 2/2 đến 10/2.

Bà Chánh án Catherine Holmes, Chủ tịch Ủy ban Điều Tra Nạn Lụt ở Qld năm 2011

Sau khi tham vấn các luật sư của chính phủ suốt ngày hôm qua, sáng nay, bà Anna Bligh đã họp báo và cho biết như đã nói ở trên. Là :

(1) Ngày bầu cử Quốc Hội tiểu bang Qld cho nhiệm kỳ tới sẽ là ngày thứ Bảy 24/3/2012;
(2) Các cuộc bầu cử những Hội Đồng Thành Phố địa phương sẽ dời lại đến cuối tháng Tư hay đầu tháng Năm.

Để biết:

(1) Tại sao bà Anna Bligh muốn có cuộc bầu cử tiểu bang CHỈ SAU KHI BẢN PHÚC TRÌNH VỀ NẠN LỤT 2011 được công bố ?
(2) Bản phúc trình này sẽ có lợi hay có hại ra sao cho bà Bligh và chính phủ đảng Lao Động ?
(3) Phản ứng của đảng đối lập LNP (Liberal National Party) ra sao về sự trì trệ này ?
(4) Phản ứng của các ứng cử viên Hội Đồng Thành Phố ra sao khi các cuộc bầu cử của họ bị dời lại đền cuối tháng Tư là sớm nhứt ?
(5) Quan trọng nhứt, phản ứng của dân chúng ra sao đối với quyết định này ?

và nhiều chi tiết cùng nhận định khác nữa,

kính mời quý vị tiếp tục theo dõi loạt bài SỔ TAY BẦU CỬ QUEENSLAND 2012 trong những tuần lễ sắp tới.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
25/01/2012

Posted in Chính Trị, Chính Trị nước Úc | Tagged: , , , , , | Leave a Comment »

* TẬP 3 VÀ KẾT: “NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA” TRÊN SBS-TV

Posted by hungvietbrisbane on 20/01/2012


TẬP 3 VÀ KẾT: “NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA” TRÊN SBS-TV

Sau phần dẫn nhập tương đối còn có tính cách “nhẹ nhàng” trong Tập 1 chiếu vào tối Chủ Nhựt 8/1/2012, Tập 2 của bộ phim tài liệu “Once Upon A Time In Cabramatta” trên SBS-TV vào tối Chủ Nhựt vừa qua 15/01/2012 đã đánh thật mạnh vào những cảm xúc tâm lý của khán giả và quần chúng.

Những lời tự thuật của Tony Hoàng và thân mẫu của anh khiến người ta hiểu anh hơn về những ngày tháng anh gia nhập băng đảng, buôn bán xì ke ma túy không một chút bận tâm.

Đồng thời nổi khổ tâm của ông Sơn Nguyễn về sự “thất bại” của ông trong vấn đề nuôi dưỡng người con trai đã nêu lên sự khó khăn trong vấn đề hòa nhập của người Việt tỵ nạn vào xã hội Úc cùng những hệ quả của nó.

Nỗi xúc động òa vỡ của ông Sơn Nguyễn ở cuối Tập 2 đã là đề tài chính trên mạng lưới twitter ở Sydney và đứng vào hạng thứ 4 toàn quốc.

Nhưng ….

Sau cơn bỉ cực và một thời gian dài bị dè bỉu, ắt hẳn phải đến hồi thái lai, người xưa vẫn thường nói thế.

Để biết cộng đồng Cabramatta (cả Úc lẫn Việt) vùng lên ra sao để chống lại làn sóng tội ác đang có nguy cơ hủy diệt cả một chính sách đa văn hóa ở nước Úc, kính mời quý vị theo dõi :

Tập 3, và cũng là đoạn kết của bộ phim “Ngày Xửa Ngày Xưa Ở Cabramatta” (Once Upon A Time In Cabramatta) sẽ trình chiếu trên đài SBS-1 (với phụ đề Việt ngữ trên đài SBS-2)

Vào lúc 8 giờ 30 tối 29 Tết tức 22/01/2012.

Sau đây là đoạn phim quảng cáo (trailer) cho Tập 3 này.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
20/01/2012

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính Trị nước Úc, Phát thanh 4EB | Tagged: , , | Leave a Comment »

* CHÍNH TRƯỜNG ÚC: MƯỜI … BỒI .. ĐẦM … GIÀ … WILKIE !!!

Posted by hungvietbrisbane on 19/01/2012


CHÍNH TRƯỜNG ÚC: MƯỜI … BỒI .. ĐẦM … GIÀ … WILKIE !!!

Ai đã có chơi xì-phé đều biết cảm giác hồi hộp khi 4 lá bài đầu tiên của mình – kể cả lá tẩy – là 4 lá bài sát liền nhau, như Mười, Bồi, Đầm, Già. Lá thứ năm chỉ cần lên con 9 ở đầu này, hay tốt hơn là con Ách ở đầu kia thì ta sẽ có nguyên một tay “Sảnh” ngon lành.

Tay run run “nặn” lá cuối cùng … lên ngay con 7 !!! Hoàn toàn vô dụng !!! Vứt đi cũng không tiếc !

Đó là tình trạng hiện nay của “lá bài” Andrew Wilkie, dân biểu Liên Bang độc lập, đơn vị Denison, tiểu bang Tasmania nước Úc.

CUỘC ĐIỀU ĐÌNH QUYỀN LỰC.

Ông Andrew Wilkie, Dân biểu độc lập liên bang Úc, đơn vị Denison

Mười lăm tháng trước đây, ông này cùng với dân biểu đảng Xanh Adam Bandt (đơn vị Melbourne, tiểu bang Victoria) và hai dân biểu độc lập khác là Rob Oakeshott (đơn vị Lyne, tiểu bang NSW) và Tony Windsor (đơn vị New England, cũng thuộc tiểu bang NSW) là những người đã giúp bà Julia Gillard có đủ nhân số để thành lập “chính phủ thiểu số” (minority government).

Với những cuộc điều đình, ngã giá, thương lượng suốt mấy ngày liền, những dân biểu trên đây lần lượt tuyên bố đồng ý “liên minh” với đảng Lao Động. Mỗi người có một danh sách những đòi hỏi riêng mà họ muốn bà Gillard hứa sẽ thực hiện khi lên nắm chính quyền.

Có thể những đòi hỏi của các ông Bandt, Oakeshott và Windsor đã được thực hiện. Cũng có thể chúng vẫn còn nằm đó, chờ để được đem ra mổ xẻ. Nhưng một điều chắc chắn là những điều này sẽ không tạo khó khăn, nhức nhối cho đảng Lao Động của bà Thủ Tướng Gillard. Như những yêu sách của ông Wilkie đã và đang làm.

YÊU SÁCH CỦA ÔNG ANDREW WILKIE.

Đó là việc cải tổ đạo luật về việc chơi máy đánh bạc (poker machines).

Ông Andrew Wilkie đã ra tranh cử năm 2010 với trọng tâm là sẽ tranh đấu để có một đạo luật bắt buộc các câu lạc bộ phải sửa những máy đánh bạc lại và chỉ cho người chơi được phép thua không quá $1,000 đô la trong một ngày. Chủ yếu của ông là muốn giảm thiểu tệ nạn cờ bạc trong xã hội Úc, như Thượng nghị sĩ (sắp “về vườn” vào tháng Bảy tới đây) là ông Nick Xenophone đã cố gắng trong nhiều năm qua.

Nhưng ý định đó đụng chạm ngay đến “nồi cơm” của các câu lạc bộ gồm có clubs như RSL và các quán rượu (pubs) là các thành phần chính.

Do đó, họ đã mở một “chiến dịch” để chống đối dự luật còn trong trứng nước nói trên của ông Wilkie. Với một ngân khoản khổng lồ, họ đặc biệt chú trọng vận động với cử tri của các đơn vị ngang ngửa (marginal seats) đang do đảng Lao Động nắm giữ. Tác hại của sự vận động này phải nói là đáng kể vì nó khiến cho các dân biểu những đơn vị nói trên rất quan tâm và bày tỏ sự lo ngại của họ đến bà Gillard cùng nội các Lao Động.

Bà Gillard đâm ra lúng túng, chưa biết phải đối xử ra sao. Làm cho ông Wilkie vui lòng thì Lao Động có thể mất một số ghế ở các đơn vị ngang ngửa. Còn nuốt lời với ông ta thì ông ta có thể không ủng hộ nữa và chính phủ sẽ mất đa số trong nghị trường và sẽ phải bầu cử lại.

ÂN NHÂN XUẤT HIỆN.

Trong cơn nguy khốn đó, một “ân nhân” đã xuất hiện, cứu nguy cho bà Gillard và đảng Lao Động. Đó là dân biểu Peter Slipper.

Ông Peter Slipper trong ghế Chủ tịch Hạ Viện Úc

Trong một bài trước, chúng tôi đã trình bày về sự kiện ông dân biểu này đã từ bỏ hàng ngủ liên đảng đối lập Tự Do – Quốc Gia (Liberal National Coalition) để nhận chiếc ghế béo bở Chủ Tịch Hạ Viện Liên bang (Speaker of Lower House) khi ông đương kim Chủ Tịch lúc bấy giờ là Harry Jenkins bị đảng Lao Động ép buộc phải nhường ghế.

Sự thu xếp này giúp cho đa số của chính phủ Lao Động từ 1 ghế tăng lên thành 2 và trở nên an toàn hơn được một chút vì bớt tùy thuộc vào các dân biểu độc lập và đảng Xanh như trước kia. Cũng nhờ đó, “nan đề Andrew Wilkie” cũng trở nên dễ giải quyết hơn: dẹp qua một bên là xong !

Đó là lý do trong tuần nay, người ta nghe nói đến việc bà Gillard đình chỉ việc cải tổ đạo luật về máy đánh bạc vì “nó phức tạp và đòi hỏi những sự nghiên cứu kỷ lưởng hơn”.

Là một chính trị gia lão luyện, bà Thủ Tướng Úc không bác bỏ hoàn toàn dự luật này vì nếu làm vậy, chẳng may trong thời gian sắp tới, có 1 dân biểu Lao Động nào đó từ chức (vì lý do này hay lý do khác), hay (dại mồm dại miệng) từ trần thì chính phủ Lao Động lại phải cần sự ủng hộ của ông Wilkie như trước đây.

Cho nên, bà Gillard không bác bỏ hẳn “dự luật máy đánh bạc” mà điều đình với ông Wilkie rằng (1) sẽ thiết lập một “khung sườn” (a framework) trong thời gian sắp tới (nhưng không/chưa nói là bao lâu ); (2) sẽ thử nghiệm ở Canberra (có lẽ vì thành phố thủ đô có ít câu lạc bộ và máy đánh bạc ?!) và (3) nếu thành công, sẽ áp dụng toàn quốc vào năm 2016.

Ai cũng biết từ đây đến 2016 sẽ có ít nhứt là 2 cuộc bầu cử Quốc Hội Liên Bang nữa và sẽ có biết bao nhiêu … nước chảy qua cầu.

Điều khổ tâm cho ông Andrew Wilkie là ông cũng biết cái thế thiệt thòi của mình nhưng không làm gi khác hơn được. Lá bài tên là Wilkie đã được xài xong, không còn đi với các lá bài kia (Slipper, Bandt, Oakeshott và Windsor) nên không còn giá trị chính trị gì nữa đối với đảng Lao Động.

Chính trường là thế !

HƯNG VIỆT (Brisbane)
19/01/2012

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính Trị nước Úc, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , , | 2 Comments »

* SAM STOSUR : DON’T WRITE HER OFF JUST YET ! CHỚ VỘI XÓA SỔ CÔ TA !

Posted by hungvietbrisbane on 18/01/2012


SAM STOSUR : DON’T WRITE HER OFF JUST YET ! CHỚ VỘI XÓA SỔ CÔ TA !

Tôi không muốn viết ngay về chuyện này vào ngày hôm qua. Khi nó vừa xảy ra. Bởi lẽ, thông thường, sau một sự chấn động tình cảm bất ngờ, tuy không cố ý, nhưng đôi lúc ta cũng không nhận định được một cách khách quan.

Tôi muốn cho qua một đêm. Hai mươi bốn tiếng có lẽ sẽ đủ cho cơn bàng hoàng lắng đọng. Để có thể ý thức rằng sự thất bại của Samantha Stosur ngay ở vòng đầu của giải Vô Địch Quần Vợt Mở Rộng của Úc (Australian Open) năm nay tuy có làm tôi thất vọng nhưng không ngạc nhiên.

Bởi vì trong hai giải “hâm nóng” (warm-up tournaments) từ đầu năm đến nay, dường như Stosur chưa tìm lại được phong độ của hồi tháng Chín năm ngoái khi cô đánh bại Serena Williams để đoạt chức Vô Địch Đơn Nữ giải US Open ở Flushing Meadows.

Ở giải Brisbane International ngay những ngày đầu năm dương lịch, cô Stosur thắng được trận đầu tiên (hạ A Yakimowa của Belarus 6-2, 6-3) nhưng sau đó phải gác vợt trước tay vợt không tên tuổi của Tiệp Khắc Iveta Benesova (hạng 54 trên thế giới) trong 2 ván 4-6, 2-6 ở vòng 2.

Sam Stosur sau khi thua Iveta Benesova trong giải Brisbane International 2012

Đây là lần thứ 3 Stosur bị “rơi đài” ở vòng thứ 2 trong giải Brisbane International. Và càc nhà bình luận thể thao bắt đầu đặt dấu hỏi về sức mạnh tinh thần (mental strength) của cô khi thi đấu trên các “sân nhà” (tức ở nước Úc).

Dấu hỏi này trở thành to lớn hơn trong tuần sau đó, ở giải Sydney International, khi Samantha Stosur bị Francesca Schiavone cho đo ván ngay vòng đầu. Cũng trong 2 ván. Cũng cùng tỷ số 2-6, 4-6.

Lẻ loi và buồn tủi sau trận đấu với Francesca Schiavone ở giải Sydney International 2012

Đã đành là Schiavone được xếp hạng cao hơn Benesova nên ai cũng nghĩ sẽ gây khó khăn hơn cho Stosur. Và cũng đã đành là Schiavone đã từng hạ Stosur (làm sao quên được trận chung kết giải đơn nữ French Open năm 2010 ?). Nhưng sự thất bại của Stosur ở Sydney khiến người ủng hộ lo ngại là cô sẽ không đủ sự nhạy bén của trận mạc (match sharpness) để bước vào Đại Giải (Grand Slam) đấu tiên của năm 2012 ở Melbourne vào tuần này.

Chính cô Stosur cũng nhìn nhận sự thua trận ngay ở bước đầu này ở Sydney tựa như một quả bom nổ (bombshell).

“.. Bạn làm tất cả mọi chuyện để chuẩn bị và bạn cảm thấy OK để rồi hôm nay, bất thình lình nó xảy ra như một quả bom nổ trúng ngay bạn. Hôm nay, khía cạnh tình cảm của vấn đề đã hoàn toàn chế ngự. Tôi không nghĩ là tôi có thể thua được ngày hôm nay, vậy mà ..

Thế nhưng người ủng hộ vẫn nuôi hy vọng, mong cô sẽ tìm được một bác sĩ tâm lý thể thao (sport psychologist) tài giỏi để giúp cô vượt qua cơn khũng hoảng “áp lực thi đấu trên sân nhà” (homeground pressure) này.

Đáng buồn thay, điều mong đợi đã không xảy ra !

Chiều hôm qua, tranh tài với một cây vợt đứng hạng thứ 59 trên thế giới là cô Sorana Cirstea của Lỗ Ma Ni, cô Stosur vẫn áp dụng một đấu pháp dè dặt. Tuy vẫn có những cú giao banh chớp nhoáng và những đường banh thuận tay (forehand) sấm sét, nhưng người ta cảm thấy điều mà chính cô cũng đã nhìn nhận sau trận đấu là cô thiếu tự tin. Trong khi đó, đối phương của cô, vì nghĩ rằng có thua cũng không sao, không có gì ê chề hay mất mặt, nên đã thi đấu rất thoải mái.

Thất vọng với một đường banh đánh hư trong trận đấu với Sorana Cirstea

Lủi thủi ra về sau thất bại ở giải Australian Open 2012

Nhìn những con số thống kê sau trận đấu, ta sẽ thấy ngay sự khác biệt:

(*) Giao banh không đở được (Aces): Stosur 3; Cirstea 8

(*) Tự đánh hư, không bởi áp lực (Unforced errors): Stosur 33; Cirstea 26

(*) Tổng số điểm thắng: Stosur 64; Cirstea 80

(*) Số đường banh địch thủ không đở được (winners): Stosur 12, Cirstea 28.

Do đó, chúng ta phải nhìn nhận là Sorana Cirstea đã đánh một trận “để đời”, cũng tương tự như Stosur đã “để đời” trận chung kết giải US Open hồi tháng Chín năm ngoái.

Dỉ nhiên, như tất cả những người khác thuộc giới mộ điệu banh nỉ ở Úc, người viết bài thất vọng với kết quả ngày hôm qua! Nhưng không tuyệt vọng ! Và chắc chắn là không “rửa tay” như nhiều người khác, chưa chi đã phê bình nào là “Stosur đã quá thời !”, hoặc “Stosur thắng giải US Open nhờ may mắn!” v.v…

Đặc biệt là không đồng ý với hàng tít thật lớn của báo Courier-Mail ngày hôm nay, gọi cô Stosur là “Hometown Zero”, dụng ý chơi chữ với danh từ kép “Hometown Hero” thường được dùng để chỉ những “anh hùng của dân chúng địa phương”.

Với dân chơi quần vợt ở Úc, Stosur vẫn là “hero”, là đương kim nữ vô địch của một giải Grand Slam đầu tiên trong vòng mấy chục năm qua. Thành công đó của của cô là động lực thúc đẩy cho nền quần vợt này sống lại một cách mạnh mẻ trong mấy tháng qua. Số khán giả vào xem các trận đấu ở giải Brisbane International (cô Stosur xuất phát từ Gold Coast, cách Brisbane khoảng 100 cây số) đã minh chứng rằng Stosur vẫn là “ a hometown hero”.

Quá khứ huy hoàng: Với chiếc Cúp Vô Địch Nữ giải US Open 2011

Cũng như khi Lleyton Hewitt thắng ở Nữu Ước năm 2001. Hay Pat Rafter với cùng giải đó năm 1997. Hay Pat Cash ở Wimbledon vào năm 1987 !

Cho nên, nếu cho tôi có dịp nói chuyện với ông Chủ bút trang Thể Thao của báo Courier-Mail trong những ngày sắp tới, tôi sẽ chỉ gởi đến ông ta một câu ngắn ngủi “DON’T WRITE HER OFF, JUST YET !” (“Chớ vội xóa sổ cô ta !”)

HƯNG VIỆT (Brisbane)
18/01/2012

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , , , , , , , , | 2 Comments »

* BRISBANE: MỘT NĂM SAU TRẬN ĐẠI-HỒNG-THỦY

Posted by hungvietbrisbane on 13/01/2012


BRISBANE: MỘT NĂM SAU TRẬN ĐẠI-HỒNG-THỦY

Ngày này năm ngoái 13/1/2011, như hàng trăm ngàn cư dân khác của thành phố Brisbane, chúng tôi đã thở một hơi dài nhẹ nhỏm khi mực nước sông Brisbane đã dừng lại ở mức 4.46m vào lúc 3 giờ sáng, chỉ thua mức kỷ lục 5.45m vào năm 1974 khoảng đúng 1m.

Nhưng bấy nhiêu đó cũng đã đủ gây bao nhiêu cảnh tàn phá, thiệt hại cho thành phố này: 25,000 căn nhà bị ngập lụt trong 57 vùng ngoại ô, 1,500 người phải di tản đến các trung tâm tạm trú, hơn 100,000 căn nhà khác bị cúp điện.

Nhưng từ cảnh tang thương và đổ vỡ đó, người ta thấy trổi lên một tinh thần đùm bọc, lo lắng cho nhau. Chỉ trong vòng 3 ngày, một “đội quân sình lầy” (Mud Army) đã thành hình với hơn 55,000 ghi tên tình nguyện đi dọn dẹp các khu vực bị ảnh hưởng.

Nhân ngày kỷ niệm Đệ Nhứt Chu Niên Trận Lụt 2011, chúng tôi xin gởi đến quý vị link dưới đây, của báo Quest Brisbane Newspaper, gồm những bức hình của một vài vùng bị nạn, CHỤP VÀO NĂM NGOÀI VÀ NĂM NAY.

Điểm đặc biệt của các tấm hình này là quý vị bấm phía bên trái của con chuột đúng vào chữ “MOVE” ở giữa hình và di chuyển mũi tên qua lại thì sẽ thấy được 2 hình ảnh của vùng đang xem để so sánh.

Sau đây, tôi sẽ cố gắng chú thích các tấm ảnh đê quý vị không sống ở Brisbane có khái niệm về các vùng đó.

Hình 1.- Rosalie, cách chúng tôi chỉ 1 cây số nhưng có 1 ngọn đồi nhỏ che chở !

Hình 2.- Công viên Nixon, vùng Oxley

Hình 3.- Toàn cảnh Đại học Queensland UQ. Phía trên cùng, bên trái là các sân quần vợt, bên phải là sân vận động.

Hình 4.- Vùng Milton, cách trung tâm thành phố chừng 2 kms. – Sân vận động Suncorp bị ngập nước lên đến hàng ghế thứ 6 trên khán đài.

Hình 5.- Chợ Rocklea – Cung cấp rau cải, trái cây, bông hoa cho Brisbane.

Hình 6.- Sân chơi golf Indooroopilly, gần đại học UQ.

Hình 7.- Sân vận động của đại học UQ.

Hình 8.- Khu kỹ nghệ Rocklea. Các porta-loos nổi lềnh bềnh !

Hình 9.- Góc đường Granard & Beaudesert, khu Rocklea: hai trong những con đường bận rộn nhứt Brisbane.

Hình 10.- Cầu xe lửa Lawnton

Hình 11, 12 & 14.- Vùng Caboolture, cách Brisbane khoảng 30 kms về hướng Bắc

Hình 13.- Vùng Bellmere.

Hình 15.- Lang Parade, vùng Auchenflower, sát bên sân vận động Suncorp vùng Milton. – Các sân tennis và sân vận động hư hại nặng. Nhiểu buildings cũng bị nước vô.

Hình 16.- Vùng Yeerongpilly, gần Trung tâm Quần Vợt Brisbane (Brisbane Tennis Centre)

Hình 17.- Brisbane St, con đường chính của thành phố Ipswich, phía Nam của Brisbane –

Hình 18.- Đường Cook, vùng Oxley – (cùng khu vực với hình 2)

HƯNG VIỆT (Brisbane)
13/01/2012

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , | Leave a Comment »

* Hơn 1 triệu người xem tập đầu của bộ phim “Ngày Xửa Ngày Xưa Ở Cabramatta” trên SBS

Posted by hungvietbrisbane on 12/01/2012


Hơn 1 triệu người xem tập đầu của bộ phim “Ngày Xửa Ngày Xưa Ở Cabramatta” trên SBS

Theo một Thông Báo Truyền Thông từ đài SBS, bộ phim tài liệu Once Upon A Time In Cabramatta đã chứng tỏ rất ăn khách với tập đầu tiên trình chiếu vào tối Chủ Nhựt vừa qua (8/1/2012) đã thu hút trên1 triệu khán giả trên toàn nước Úc.

Theo con số của OzTam, trung bình trong 1 tiếng đồng hồ của chương trình, số khán giả trên đài SBS-ONE là 786,000 trong khi số người theo dõi trên SBS-TWO (có phụ đề Việt ngữ) là 63,000.

Như vậy, vào giờ cao điểm, con số này vượt qua mức 1 triệu người và trở thành chương trình có số khán giả nhiều vào hạng thứ 3 cho SBS trong 12 tháng qua, chỉ thua 2 đêm chiếu cuộc đua xe đạp Vòng Pháp Quốc vào tháng 7/2011 khi cua-rơ Cadel Evans của Úc chiếm được chiếc Áo Vàng chung cuộc.

Bộ phim cũng tạo được nhiều dư luận trên “các mạng lưới thân hữu” (social networks), với nhiều khán giả thuật lại trên #onceuponatimeSBS những kỷ niệm khi sống ở hoặc thăm viếng Cabramatta.

Thật sự, chúng tôi không ngạc nhiên với kết quả vừa nói bởi vì chỉ nhìn vào số lần truy cập vào bài giới thiệu trên blogsite khiêm nhường này, chúng tôi cũng đã thấy trước là tập tài liệu trên đã gây nên nhiều sự chú ý trong quần chúng.

TẬP 2.

Sẽ được trình chiếu vào lúc 8 giờ 30 tối Chủ Nhựt này (15/1/2012) với cuộc ám sát cựu dân biểu John Newman là đề tài chính.

Sau đây là đoạn phim quảng cáo (trailer) cho tập 2 của bộ phim “NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA”, trên SBS-ONE và với phụ đề Việt ngữ trên SBS-TWO.

HƯNG VIỆT (Brisbane)
12/01/2012

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , , | Leave a Comment »

* CỰU CHIẾN BINH ÚC LẠI CÓ LÝ DO ĐỂ PHẨN NỘ !!!

Posted by hungvietbrisbane on 07/01/2012


CỰU CHIẾN BINH ÚC LẠI CÓ LÝ DO ĐỂ PHẨN NỘ !!!

Hãy thử tưởng tượng một sáng nào đó, thức dậy, ta thấy huy hiệu Con Ó với 3 danh từ đôi “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được thay thế bởi một huy hiệu khác và tệ hại hơn, huy hiệu mới này được dùng trên các sản phẩm thương mại như áo T-shirt, nón, viết bic, tách uống trà, khăn tắm v.v…

Chắc chắn là chẳng những các cựu quân nhân QLVNCH mà cả những thường dân cũng sẽ đồng loạt lên tiếng phản đối về sự thương-mại-hóa một biểu tượng cao đẹp và thiêng liêng của những chiến sĩ hào hùng đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam thân yêu trước đây.

So sánh như thế chúng ta mới hiểu được sự tức giận chẳng những của giới cựu chiến binh Úc mà ngay cả từ người dân bình thường của quốc gia này khi tin tức được tiết lộ là Bộ Cựu Chiến Binh Úc đã tổ chức các buổi “tham vấn” vào giữa tháng 10 năm 2011 vừa qua để nghiên cứu “những ý niệm về nhản hiệu” (Branding concepts) cho việc kỷ niệm Đệ Bách Chu Niên Ngày ANZAC vào năm 2015.

Tưởng cũng cần nhắc lại hàng năm, vào ngày 25/4, hai nước Úc và Tân Tây Lan đều kỷ niệm ngày ANZAC (viết tắt của các chữ Australia and New Zealand Army Corps), khởi thủy là để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh ở Gallipoli vào năm 1915 trong kỳ Đệ Nhứt Thế Chiến, nhưng sau này đã được mở rộng để ghi nhớ chung tất cả các chiến sĩ đã bỏ mình trong tất cả các cuộc chiến mà hai quốc gia này đã từng tham dự.

Mỗi năm, các cựu quân nhân nhân QLVNCH hiện đang sinh sống ở Úc cũng đều được mời tham dự các cuộc diễn hành kỷ niệm ngày này.

Thế nhưng, hôm qua, tin tức trên báo chí cho biết tháng 10 vừa qua, Bộ Cựu Chiến binh đã chi gần $104,000 đô la để tổ chức những buổi tham vấn ở 4 tiểu bang và ở Lãnh Thổ Bắc Úc để xem có thể thiết kế một “nhản hiệu” (a brand) để dùng cho các “sản phẩm” kỷ niệm 100 năm ngày quan trọng này hay không.

Một nữ phát ngôn nhân của Bộ Cựu Chiến Binh đã phân trần rằng “ý niệm cho một nhản hiệu toàn quốc đã được đúc kết từ phiên họp ngày 14/10 cua Ủy ban Cố Vấn về Đệ Bách Chu Niên Ngày ANZAC”.

Bà này nói thêm:

Đệ Bách Chu Niên ngày ANZAC có tính cách quan trọng toàn quốc và vì thế cần có một biểu tượng có sự cộng hưởng và sức hấp dẫn đối với rộng rãi quần chúng và phản ảnh ý nghĩa của lễ kỷ niệm này”.

Nhưng các cựu chiến binh Úc không chấp nhận lời giải thích đó.

Họ viết trả lời trên trang web của báo Daily Telegraph rằng

http://www.dailytelegraph.com.au/news/veterans-furious-at-anzac-centenary-pr/comments-e6freuy9-1226237795222

“.. Những “thành phần rộng rãi của quần chúng” đó đã không hy sinh trong các chiến hào, không bị lạnh cóng vì ngủ trên băng giá, không chết đói trong các vùng hoang dã trong khi phải hứng đạn của quân thù để bảo vệ quốc gia này …” (Rob of Picton)

…hãy tưởng nhớ đến họ … Đừng lợi dụng họ .. “ (Scott of NSW)

“ … Đã từng dự những buổi lễ hừng đông và nhớ ngày ANZAC trong 60 năm qua. (Điệu nhạc) “The Last Post” luôn luôn làm tôi ngấn lệ. Họ đã phục vụ và trả giá cho chúng ta. Hãy tưởng nhớ đến họ với sự kính trọng …” (Alastair of Newrybar)

…”Nhản hiệu” cho ANZAC DAY đã hiện hữu rồi, và riêng cho những kẻ ngu chưa thấy, nó có tên là “Rising Sun”, huy hiệu của chìến binh Úc…” (The Captain of Munmorah of NSW)

“ .. Đây là ngày dành riêng cho cựu chiến binh và chiến binh hiện tại, để nhớ đến những hy sinh mà họ và gia đình họ đã – và đang – gánh chịu. Nó đã có một biểu tượng rồi, The Rising Sun. Chúng ta không muốn, và sẽ không bao giờ muốn có một biểu tượng khác. Bất cứ người dân Úc nào cũng hiểu biểu tượng đó tượng trưng cho điều gì. Chấm hết “ (CW of Sydney).

“… Mọi cố gắng để bảo tồn Ngày ANZAC đều được hoan nghênh nhưng bất cứ sự thương mại hóa nào của nó cũng đều là một sự sĩ nhục đối với những người đã chết và những người còn đang chiến đấu. Tôi không cần một huy chương để nhớ cảm giác một chiến hữu chết trong tay mình ra sao ...” (Medallion’s don’t make memories)

Và hơn 300 lời phê bình tương tự. Qua đó, ta có thể kết luận rằng Bộ Cựu Chiến Binh Úc đã có một đề án hoàn toàn thiếu tế nhị, làm phật lòng không ít những người dân Úc, dù trong thành phần quân đội hay thuộc giới dân sự.

Thêm vào đó, sự im lặng của Hội Cựu Chiến Binh Úc về vấn đề này trong những ngày qua đã không giúp làm cho sự bất bình đó được nguôi ngoai. Nếu thực sự RSL Australia muốn chấp nhận thái độ “mủ ni che tai”, dồn hết trách nhiện cho Bộ Cựu Chiến Binh Úc thì họ đang bỏ qua một cơ hội thật tốt để lấy lại cảm tình của giới cựu chiến binh Úc sau vụ Memorandum of Understanding vừa qua. Và đó quả sẽ là một điều rất đáng tiếc … cho họ vậy !!!

HƯNG VIỆT (Brisbane)
7/1/2012

Posted in Bài vở 4EB, Chính Trị, Chính Trị nước Úc, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , | Leave a Comment »

* NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA – Once Upon A Time in Cabramatta

Posted by hungvietbrisbane on 01/01/2012


NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA
Once Upon A Time in Cabramatta

Hơn tuần nay, trên đài truyền hình sắc tộc SBS của Úc, khán giả thường xuyên được xem một đoạn phim ngắn (trailer) để quảng cáo cho bộ phim tài liệu (documentary series) tựa đề là ONCE UPON A TIME IN CABRAMATTA (tạm dịch là NGÀY XỬA NGÀY XƯA Ở CABRAMATTA), sắp trình chiếu trên đài này vào đầu năm nay.

Cổng chào ở Freedom Plaza, Cabramatta

Vậy là “thủ đô của người Việt tỵ nạn” ở Úc lại một lần nữa được đem ra trước ánh dèn sân khấu toàn quốc.

Khoảng 2,3 thập niên trước đây, Cabramatta đã được khoác cho một nhản hiệu không lấy gì làm đẹp đẻ là “Thủ đô của á phiện” ở Úc. Nhưng giờ đây, Cabra đã lột xác, với sự phong phú và đa dạng của một nền văn hóa đa chủng.

Bộ phim tài liệu này nhắm mục đích ghi dấu lại lịch sử nổi tiếng của chốn này, những giai đoạn tăm tối và những cố gắng của cư dân để biến nó thành một cộng đồng đa văn hóa mà chúng ta thấy hiện nay.

Once Upon A Time In Cabramatta (OUATIC) nghiên cứu sự chuyển đổi đặc sắc của khu ngoại ô này ở phía Tây Nam thành phố Sydney, và những dóng góp của nó vào sự thành công của xã hội đa văn hóa Úc.

Hình quảng bá cho bộ phim của SBS-TV

Từ website và Thông Cáo Truyền Thông của SBS:

Lần đầu tiên được chính những thành viên trong cộng đồng kể lại, bộ phim 3 kỳ này trình chiếu những cuộc phỏng vấn với một người trẻ đã vướng vào vòng băng đảng, các chính trị gia, nhân viên cảnh sát đã có liên quan đến những giờ phút quan trọng của Cabra, cùng những thường dân đã sống qua những thời kỳ đó – từ tội ác đền vũ lực, nỗi sợ hãi, nạn kỳ thị, dịch á phiện và cuộc ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử nước Úc, đến sự phản công khi cộng đồng di dân này tìm được tiếng nói của họ.

Bắt đầu với quyết định lịch sử của Thủ Tướng Malcolm Fraser để mở cửa cho người tỵ nạn khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, OUATIC cho chúng ta một cái nhìn độc đáo vào những năm đầu tiên. Hàng ngàn người Việt đã được tung ra sống trong cộng đồng trong khi chưa được chuẩn bị để đối phó với đời sống. Bộ phim này theo gót họ trong những năm u tối của thập niên 80’s và 90’s lúc mà những vụ án mạng, bắt cóc, lạm dụng ma túy và xả súng từ trên xe là chuyện xảy ra thường xuyên. Người Việt đã bị kết tội và lên án đã mang một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ đến chạm trán với thế giới của người da trắng.

Nhưng khi thế kỷ vừa qua bước vào những năm cuối cùng, đã có một sự xoay chiều đáng kể khi người dân Cabra nói “Đủ rồi!” và biến cộng đồng của họ thành một câu chuyện đa văn hóa thành công như ngày hôm nay.”

Một trong những nhà sản xuất bộ phim này, bà Sue Clothier nói rằng bà luôn luôn bị quyến rũ bởi Cabramatta và lịch sử của nó.

Bà Sue Clothier và anh Thắng Ngô, một người được phỏng vấn trong bộ phim OUATIC

Trước đây, tôi chỉ đã được nghe chút ít về Cabramatta và tôi rất muốn được tìm hiểu thêm về chốn này. Vì thế, bộ phim này cố gắng đúc kết 35 năm lịch sử vào thành 3 kỳ, từ góc nhìn của cộng dồng người Việt”.

TRÔNG ĐỢI.

Bộ phim sẽ được trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên Đán vào 3 Chủ Nhựt 8/1, 15/1 và 22/1/2012 (mùng 1 Tết Nhâm Thìn sẽ vào ngày thứ Hai 23/1)

Là người Việt tỵ nạn sinh sống ở Úc, chúng ta chính là “đề tài” (subjects) của bộ phim này. Tôi trông chờ đưọc xem bộ phim vừa nói để có thể biết được người Úc nghĩ gì về chúng ta, về cộng đồng của chúng ta.

Liệu hơn 35 năm đã trôi qua có thay đổi cái lăng kính mà họ dùng hay không ?

Liệu câu tuyên bố của Pauline Hanson “We will be swamped by Asians who live in their ghettos and do not integrate” còn có chút ảnh hưởng nào trong tiềm thức của người Úc bản xứ hay không ?

Liệu các chính trị gia có thực sự nhận thức được tầm quan trọng của các lá phiếu từ cử tri gốc Việt hay chưa, hay chỉ đối xử với chúng ta trên bề mặt như ổng Tổng Trưởng Ngân Khố John Howard đã từng nói với Thủ Tướng Malcolm Fraser cách đây 35 năm “We are doing this just for show, aren’t we?

Trái ngược với luận lý thông thường của người dân Úc bình thường là văn hóa Việt Nam chỉ vỏn vẹn nằm trong hai chữ “nước mắm” và “đôi đủa”, tôi hy vọng rằng, qua bộ phim này, chính nhà sản xuất Úc sẽ nhìn nhận rằng chúng ta đã cống hiến được những nét hay đẹp và đặc thù hơn của nền văn hóa Việt Nam vào đời sống của quốc gia này, như nền tảng của gia đình, sự cần cù và siêng năng, tôn trọng luật pháp, chú trọng vào học vấn v.v…

TẬP 1 – EPISODE 1.

Như đã được cho biết, bộ phim gồm đến 3 kỳ nên tôi dự đoán là buổi chiếu đầu tiên, vào tối Chủ Nhựt 8/1, sẽ nói về giai đoạn thành lập, tức thời kỳ u tối, của Cabramatta.

Tự biết rằng mình là người có tự ái dân tộc rất cao, tôi đang chuẩn bị tinh thần để dằn lòng nếu trong 60 phút đầu tiên này, bộ phim có đề cập đến những chuyện không tốt, hay trình chiếu những hình ảnh không được đẹp cho cộng đồng chúng ta ở giai đoạn phôi thai của Cabra.

Như chính lời giới thiệu trên website của SBS cho Episode #1:

Khi hàng ngàn người tỵ nạn đổ về Cabramatta, khu ngoại ô của Sydney, cộng đồng người Việt đầu tiên ở Úc ra đời. Nhưng chẳng bao lâu thì nhiều vấn đề hiện ra.

Cấu trúc gia đình rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Sự an toàn của đời sống không còn nữa, những người tỵ nạn trẻ tuổi đi tìm một sự ràng buộc qua các băng đảng. Một thế hệ lạc lỏng được sinh ra trên đường phố của Cabra.

Đơn giản là nước Úc chưa sẵn sàng để đối phó với sự tràn ngập người tỵ nạn như thế cùng những khó khăn họ mang đến. Và khi những sự rạn nứt bắt đầu xuất hiện trên đường phố, một sự phân tán về sự ủng hộ cho chính sách đa văn hóa cũng xảy ra trên bình diện chính trị cấp liên bang. Tương lai của Cabramatta và của cộng đồng người Việt ở Úc có vẻ bấp bênh.

Tôi tự nhủ sẽ theo dõi hết 3 chương trình và sau đó sẽ có bài nhận định chung cho cả bộ phim. Ước mong lúc đó cũng sẽ được đón nhận ý kiến của quý đồng hương ở Úc về tập tài liệu này.

[ Once Upon A Time In Cabramatta sẽ được chiếu SBS-1 vào 3 tối Chủ Nhựt 8/1, 15/1 và 22/, vào lúc 8giờ30 tối.
Đặc biệt, cùng lúc, chương trình này sẽ được chiếu trên SBS-2 với phụ đề Việt ngữ]

Xin mời click vào link dưới đây để xem đoạn phim quảng cáo của SBS:

HƯNG VIỆT (Brisbane)
1/1/2012

Posted in Bài vở 4EB, Phát thanh 4EB | Tagged: , , , , , | Leave a Comment »